Phạm Diễm Hương - DienDanCTM
Từ năm năm nay, mỗi cuối năm, tôi đều nhận được thiệp Giáng Sinh và thiệp Tết Âm lịch của Giao. Trong thiệp Tết, Giao luôn cho biết thời gian nghỉ Tết và chương trình đặc biệt dành cho tôi, nếu tôi sang Bỉ ăn Tết, và nhân thể mừng Sinh Nhật nó. Năm nào tôi cũng hứa sẽ thu xếp, nhưng vẫn lần lữa. Năm nay cũng vậy, và con bé kèm theo một dòng trong thiệp Tết: Bác nên quyết định sang Bỉ để dự đám cưới của cháu luôn.
Tôi phải đi thôi, Giao không những đã là thành viên trong đại gia đình của tôi mà còn là nguồn hạnh phúc vô biên của tôi nữa. Làm sao quên được cái ngày biết được nó hiện diện trên cõi đời này.
o0o
…Đầu đông năm 2005, trong một cuối tuần bận rộn vì phải lo bài vở cho tờ báo Xuân, tôi nhận được điện thoại của một thiếu nữ:
-Allo...thưa.... có phải là bà Hương không ạ?
-Vâng tôi đây, xin lỗi tôi đang nói chuyện với ai ạ?
-Dạ, thưa… đây là Giao.
-Giao, Giao nào?
-Dạ, Giao ở Việt Nam, ở hẻm Trương Minh Ký
-Ồ, Giao, Giao…. chị Giao, Hương đây chị Giao ơi!
-Dạ...không...
Tôi bắt đầu khóc:
-Chị Giao ơi, Hương ở hẻm Huỳnh Quang Tiên đây! Trời ơi, từ ngày còn ở nhà, mình được tin chị đã hủy mình khi vừa đến Thái Lan, vì bị hải tặc… Giao ơi!
-Không... bác ơi... cháu... là con của ... chị Giao.
-Cô tên gì?
-Dạ Lê Trần Tâm Giao.
-Đấy là tên của chị Giao!
-Dạ, mẹ cháu lấy tên của mình đặt cho cháu trước khi mất.
Giọng cô bé sũng nước.
-Bác ơi, mẹ dặn cháu tìm bác, cháu muốn gặp bác.
-Cháu đang ở đâu?
-Dạ cháu ở Liège bác ạ!
-Bác sẽ sang cháu ngay.
Tôi hẹn với Giao, khi lo xong tờ báo Xuân, tôi sẽ sang Bỉ gặp nó. Giao cho biết hiện đang làm việc ở Pháp, cuối tuần mới về nhà ở Bỉ. Giao sẽ đón tôi tại Paris và chúng tôi sẽ đi xe về Liège.
o0o
Tôi đến Pháp đúng ngày 30 Tết. Phi trường Charles De Gaulle cũ kỹ nhưng mênh mông, trời mưa tầm tã và lạnh buốt, tôi lo lắng không biết có tìm được Giao không? Tôi lấy hành lý và dáo dác nhìn quanh. Con bé cầm cái bảng ghi tên tôi, giơ cao, nhấp nhô trong đám đông người đi đón thân nhân. Tôi nghĩ nếu không có bảng tên, tôi vẫn có thể nhận ra Giao vì con bé giống mẹ như hai giọt nước.
Tôi đến bên Giao, ôm nó, Giao hoảng hốt ôm chầm lấy tôi lắp bắp: Bác ơi, bác ơi… Con bé ôm đầu tôi run rẩy, nức nở. Giao cao hơn tôi cả một cái đầu, nhưng mảnh khảnh, bé bỏng. Tôi ôm Giao chặt hơn. Tôi không nói được gì, chỉ thổn thức theo con bé.
Giao giúp tôi đem hành lý ra xe và ngỏ ý muốn chở tôi đi một vòng Paris trước khi về Bỉ. Tôi nói tôi đã đến Pháp, và không yêu Pháp như tôi tưởng, tôi muốn về thẳng Bỉ. Nhưng con bé làm như không nghe, im lặng lái xe chạy quanh thành phố, sau đó ra xa lộ tiến về biên giới Pháp Bỉ.
Trên đoạn đường bốn tiếng đồng hồ từ Pháp về Liège, chúng tôi nói chuyện nhiều về thời thanh xuân của tôi và chị Giao ở Sàigòn. Thực ra, con bé hỏi và tôi trả lời. Nó hỏi dồn dập, và tôi như bị thôi miên kể về quá khứ. Tôi nói về chị Giao, về mối tình giữa anh Phan và chị ấy; về đám cưới của hai người; về Saigòn sau năm 75; về tù cải tạo; về những chuyến vượt biên hãi hùng; về cái tin chị Giao tự tử ở Thái Lan…
Xe về đến Liège. Giao nói muốn chở tôi đi một vòng quanh Liège, nơi nó đang sống. Tôi bảo tôi đã sang đây một vài lần, đã biết phong cảnh rồi, tôi chỉ muốn về nhà, vì đã quá mệt, nhưng con bé cứng đầu, vẫn cho xe chạy chầm chậm và nói:
“Nhưng bác chưa ngửi được mùi của Liège, mùi nước sông Meuse và mùi của kem dừa. Bác cứ nhớ lại đi, mùi của nước sông Sàigòn, mùi cà rem quán cây dừa gần trường Luật của những ngày cuối năm, nơi đây đều có.
Tôi giật mình hỏi Giao:
-Cháu đã về Việt Nam rồi hả?
Giao không trả lời, đậu xe trước ngôi nhà nhỏ thật xinh và khệ nệ khiêng valises của tôi vào nhà.
-Bác vào nhà đi, cháu biết bác mệt lắm rồi, bác uống nước cam nhé, cháu đã sắp sẵn bữa ăn tối cho hai chúng ta. Bác nghỉ ngơi một chút, rồi tắm rửa thay quần áo, sau đó mình sẽ dùng cơm. Cháu đã bật gaz để nước nóng nhanh, cháu biết bác chưa quen với cái lạnh của Bỉ.
o0o
“...Bác dùng cơm tự nhiên nhé, cháu ăn nhanh lắm, nhưng sẽ ngồi với bác, cháu không bận gì cả. Ngày mai, ngày mốt, ngày mốt nữa, cháu nghỉ vì là ba ngày Tết âm lịch của mình.
-Kể cho bác nghe về cháu và mẹ cháu.
-Chuyện dài lắm bác ạ!
-Tại sao đến bây giờ cháu mới tìm bác? Tại sao không tìm bác từ mười mấy, hai mươi năm trước? Tôi không giữ được xúc động.
-Tại mẹ cháu muốn thế.
-Ai nuôi cháu từ ngày ấy đến nay?
-Mẹ nuôi của cháu, bà vừa mới mất vì ung thư.
Tôi ăn qua loa và muốn dọn bàn. Giao pha cà phê mời tôi và bảo:
-Bác uống cà phê với cháu nhé, cà phê này lạ lắm, nếu mình uống lúc mình khoẻ, mình sẽ thức và rất tỉnh táo, nhưng nếu mình mệt, nó sẽ làm mình ngủ ngon hơn.
Tôi cười và cho rằng Giao khéo pha trò. Tôi nằm dài trên sofa, Giao ngồi trên chiếc ghế nệm thấp cạnh tôi, nhỏ nhẹ:
-Bác nghĩ cháu được sống với mẹ ư? cháu có được sống với mẹ một ngày nào đâu. Mẹ nuôi cháu kể: Bà đi cùng tàu với mẹ cháu, bà trạc tuổi mẹ và cũng đi có một mình như mẹ. Hôm mẹ chuyển dạ, bà đưa mẹ đi sinh. Khi mẹ vừa sinh cháu, thì bị băng huyết, mẹ biết không thể qua nổi, nên đã nhờ bà nuôi cháu, sau đó mẹ mất. Nhưng trong giấy tờ của bệnh viện, họ lại ghi là mẹ uống thuốc quá liều. Bác đừng thắc mắc về chuyện này nữa bác ạ. Mình hãy để hai người mẹ thương yêu nhất đời của cháu yên nghỉ. Bác ngồi dậy đi, cháu cho bác xem thư và kỷ vật của mẹ. Mẹ viết cho cháu nhiều lắm, thư mẹ viết có đánh số, bắt đầu là số 10, tức là cháu đọc năm lên 10 tuổi, cho đến lá thư cuối cùng mang số 25. Thư của mẹ là quà sinh nhật mỗi năm của cháu. Cháu sinh đúng đêm 30, mẹ viết đêm 30 là đêm tối nhất trong năm, là khoảnh khắc ánh sáng tụ lại để bắt đầu một chu kỳ mới. Đứa trẻ nào sinh đêm 30, thì khi trời hừng sáng nó sẽ được hưởng tất cả sự tinh tuyền của ánh sáng năm mới. Mẹ nuôi cháu bảo thế thì cháu nên làm sinh nhật ngày mồng Một để lấy hên.
Thư mẹ viết vui lắm, năm cháu lên mười, mẹ dặn phải ngủ sớm, dậy sớm thì trí óc mình mới sáng suốt, mới học giỏi, cháu làm đúng lời mẹ dậy, cháu đứng nhất lớp, bác có biết không? Còn lá thư năm cháu 15 tuổi, mẹ mới tài làm sao! mẹ biết trong lớp học có bạn trai, bạn gái, thế nào các bạn cũng châm chọc, gán ghép mình, mẹ dặn đừng giận bạn, tuổi học trò chỉ biết thế chứ đâu có biết gì hơn. Thật đúng ghê, và bây giờ cháu thấy tuổi học trò mới đáng yêu làm sao!
Bác biết không? năm cháu 18 tuổi, mẹ đoán thế nào cháu cũng có bạn. Thế mà đúng bác ạ! mẹ dặn chúng cháu nên ăn cơm ở nhà cho đỡ tốn tiền, lại được sống trong không khí gia đình, tình cảm sẽ đậm đà thêm. Mẹ nuôi của cháu nấu đủ thứ món, nhất là món ăn Việt Nam, bạn cháu người Bỉ, anh ấy thích nhất món canh chua cá dấm của người Bắc mình.
Năm cháu 20 tuổi, mẹ dặn cháu phải học cho xong, đi làm, để mẹ nuôi của cháu được nghỉ ngơi, rồi cháu cũng phải tính chuyện lập gia đình. Mẹ lo cho cháu quá nhiều, phải không bác?
Lá thư số 25, mẹ viết rằng: trước khi đi vượt biên, mẹ có đi thăm bố trong trại tù cải tạo, mẹ được ở lại với bố một đêm, và bố mẹ yêu nhau hôm ấy. Hai tháng sau, mẹ được tin bố bị đổi ra Bắc và bị bắn chết. Sau đó mẹ vượt biên, tàu của mẹ bị hải tặc, được tàu của Hoà Lan cứu đưa vào bờ, mẹ và các phụ nữ trên tàu, cả mẹ nuôi của cháu nữa, được đưa vào bệnh viện cứu cấp. Một thời gian sau, bác sĩ bảo mẹ có thai, 9 tháng sau mẹ sinh ra cháu, mẹ bảo cháu chính là con của bố, vì giòng họ của mẹ ai cũng mang thai đến 11, 12 tháng, và mẹ đoan chắc cháu là con của bố, giòng giống Việt. Mẹ viết là trong lúc cháu còn ở trong bụng mẹ, mẹ luôn nhớ đến bố để cháu được giống bố. Hàng ngày, mẹ viết thư cho cháu để nhỡ sau này, mẹ có mệnh hệ gì, thì cháu cứ theo lời mẹ dặn, sẽ nên người. Cháu có ảnh của bố mẹ, cháu giống cả hai người, bác có thấy như thế không? Mẹ nuôi cháu cũng bảo dứt khoát cháu là con của bố. Bà dặn cháu hãy tin như thế, hãy tin những điều tốt đẹp, thì cuộc đời sẽ đẹp, lòng mình sẽ thanh thản và không chông chênh. Không nên nghĩ chệch đến những thảm họa, khiến mình đau đớn, thù hận. Hơn nữa, cuộc đời không có gì là thốt nhiên, là bất ngờ, tất cả đều được sắp đặt theo định mệnh của mỗi người, cho nên chấp nhận cũng là một cách để đời mình được nhẹ.
Bác cứ khóc thật nhiều như cháu đã khóc mỗi lần đọc thư mẹ. Cháu cảm ơn mẹ nuôi của cháu bao năm tháng dài, đã tận tụy dậy cháu học tiếng Việt để đọc được thư mẹ, nghe được lời mẹ dậy, hiểu được lòng mẹ thương cháu bao la biết chừng nào.
Trong thư đánh số 25 này, mẹ bảo cháu phải tìm bác, bác sẽ cùng với mẹ nuôi của cháu, thay bố mẹ trong ngày cưới của cháu. Bác là bạn thân nhất đời của bố và mẹ. Mẹ tiếc là lúc đi vượt biên, mẹ không kịp từ giã bác. Những quà kỷ niệm của bác, mẹ đều đem theo được hết, đặc biệt là chiếc áo và chiếc khăn quàng. Bác nói sao? chiếc áo là của bố? Bác tặng bố trong dịp đám cưới của bố mẹ ư? Bác cũng yêu bố như mẹ yêu bố ư? Áo và khăn sẽ giữ bố mẹ ở hoài với bác ư? Mình không nên khóc nhiều quá bác ạ, chúng ta đang được gần nhau, cháu là một phần của bố mẹ, như vậy cũng có nghĩa là bố mẹ đang ở cạnh bác rồi. Bác uống thêm café nhé? không thì bác uống nước cam vậy, còn cháu thì cần thêm café.
Cháu đọc nhiều sách viết về Việt Nam, từ nếp sinh hoạt nhộn nhịp của thành thị đến không khí tĩnh lặng của miền quê, từ những món ăn đặc biệt, đến âm điệu giọng nói, phong tục tập quán của ba miền đất nước. Cháu chưa về thăm Việt Nam, nhưng cháu như được sống và lớn lên ở Việt Nam vậy. Cháu có thể ngửi được mùi của nước sông Sàigòn, mùi của quán kem dừa bên cạnh trường Luật nơi bố mẹ thường ghé qua. Cháu có thể nghe được tiếng sáo vi vu của trẻ mục đồng, cháu cảm được cái nắng rát da đang rọi trên lưng người nông dân. Mẹ nuôi của cháu mua cho cháu những đĩa nhạc dân ca, nhạc tiền chiến, cháu mê tiếng đàn bầu, đàn tranh, cháu mê các bản hùng ca, kịch thơ, nhắc lại những trang sử oai hùng của dân tộc Việt.
Bác ơi, bác không nên khóc nữa. Trời đang sáng, bác cháu mình cần ngủ một chút, mai còn đi chùa thăm bố mẹ mồng Một Tết và mừng sinh nhật cháu nữa chứ. Sau đó, cháu sẽ dẫn bác đến nhà người yêu của cháu. Bác nói sao? Bác sẽ mua cho chúng cháu khăn quàng và áo chemise trong ngày cưới ư? như bác đã tặng bố mẹ ư? Bác ơi, định mệnh có lập lại không? Không hả bác? Vì cháu sinh đêm 30, khoảnh khắc đất trời rũ bỏ hết định mệnh cay nghiệt, chỉ còn hạnh phúc mà thôi, Bác nói thật không đấy? Cháu nghĩ cũng đúng bác ạ, mẹ nuôi cháu đã chả dặn là hãy cứ tin điều tốt lành thì lòng mình sẽ thảnh thơi và cuộc đời sẽ đẹp đẽ là gì. Bác ơi, có tiếng chim ríu rít ngoài vườn, thế là sáng rồi đấy, hay là cháu pha tách café mới, mở hộp mứt Sen, hai bác cháu mình ăn Tết mừng ngày trùng phùng, và mừng Sinh Nhật cháu, bác nhé! (PDH 12/11)
0 comments:
Đăng nhận xét