Pháp: Cuộc thi đua biện hộ cho nhân quyền tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Caen

Thanh Thảo (DienDanCTM)
Các luật sư được chọn vào chung kết Biện hộ cho Nhân quyền
đang tranh tài hùng biện
Trong 3 ngày 27-28-29 tháng 1 vừa qua tại thành phố Caen (vùng Normandie, Pháp), đã diễn ra cuộc thi đua quốc tế biện hộ cho nhân quyền (pleading for Human Rights).

Đây là lần thứ 23 thành phố Caen và Viện Bảo Tàng Caen tổ chức cuộc tranh tài này.

Ngày 27 dành cho các học sinh từ lớp 10 đến 12. Ngày 28 dành cho các sinh viên luật. Và ngày 29 dành cho các luật sư đang hành nghề, không giới hạn quốc tịch và ngôn ngữ.

Các tham dự viên viết bài biện hộ trên một đề tài tự chọn, rồi gửi đến Ban Tổ Chức để sàng lọc. Năm nay, có hơn 100 luật sư gửi bài biện hộ và 10 bài được tuyển chọn vào chung kết.
Các giải thưởng năm nay đã được trao cho 2 nữ luật sư :
- Gisèle Ngungua Sangua (đến từ nước Congo với đề tài hảm hiếp phụ nữ và trẻ em tại Democratic Republic of Congo
- Ophélie Kirsch (người gốc Syria hiện đang sống tại Pháp) với đề tài các người lính Syria không chấp nhận nổ súng vào dân tộc của họ.
Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam được quan tâm trong
cuộc thi đua quốc tế biện hộ cho nhân quyền tại Caen (Pháp)

LS Gisèle Ngungua Sangua đã làm cho cử tọa không cầm được nước mắt khi kể lại chuyện những người phụ nữ Congo bị hảm hiếp một cách thô bạo mà không hề được luật pháp che chở. Từ đứa bé gái chưa đầy 2 tuổi cho đến bất cứ lứa tuổi nào, người phụ nữ Congo là nạn nhân của những cuộc xâm phạm thể xác man rợ nhất, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày và trong mọi cơ hội, mọi hoàn cảnh. Bà kêu gọi thế giới hãy quan tâm lên tiếng giúp cho người phụ nữ Congo được quyền sống trong bình yên và bảo vệ được nhân phẩm của mình.

Nữ luật sư Ophélie Kirsh đã làm cho mọi người thán phục sự can đảm và nhân bản của những người lính Syria đã không bắn vào dân khi họ được cấp trên ra lệnh phải nả súng vào những người tay không đang biểu tình đòi tự do dân chủ. Sau những giây phút tự vấn lương tâm, những giây phút cầu cứu bố mẹ để giúp cho mình chọn lựa một quyết định, người chiến sĩ mang tên Walid Adb Al Karim Al Qashami đã quyết định không bắn vào dân và anh đã bị tòa án quân đội Syria kết án tử hình vì bất tuân lệnh thượng cấp. Nữ LS này đã viện dẫn những điều luật quốc tế để kết án hành động dã man của chính quyền Syria. Dựa theo luật quốc tế, Điều 8 của Qui chế kỹ luật trong quân đội (Règlement de discipline générale dans les armées) và Điều 33 của Bộ luật hình sự quốc tế (Statut de la Cour Pénale internationale), các binh sĩ được quyền từ chối thi hành lệnh của cấp trên, nhất là trong trường hợp các lệnh  giết người bất hợp pháp. LS Ophélie Kirsh kêu gọi thế giới quan tâm áp lực trên các chính quyền độc tài, buộc họ phải tuân thủ các luật lệ quốc tế để bảo vệ những người lính đầy lương tâm đã can đảm chống lại các lệnh giết người, tàn sát người cùng chủng tộc.
Ls. Kayana Manivong, đã chọn đề tài biện hộ:
"Phạm Minh Hoàng - Tự Do Ngôn Luận bị buộc tội"

Bên cạnh những đề tài nóng bỏng này, trong số 10 LS được vào chung kết, một luật sư trẻ người Pháp gốc Lào, tên Kayana Manivong, đã chọn đề tài biện hộ là : "Phạm Minh Hoàng - Tự Do Ngôn Luận bị buộc tội". LS Manivong đã chọn đề tài này sau khi xem đài truyền hình Pháp tường thuật phiên tòa xử án ông Phạm Minh Hoàng vào tháng 8/2011.

Ông Kayana Manivong hiện đang hành nghề tại Paris, chuyên về luật hình sự, bảo vệ quyền lợi người ngoại quốc và chú trọng về lãnh vực tự do ngôn luận trên thế giới. Ông cho rằng trường hợp Phạm Minh Hoàng bị bắt và xử án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế là một hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận, một quyền căn bản nhất của tất cả mọi xã hội dân chủ. Qua hình ảnh của Phạm Minh Hoàng, ông cũng muốn tố cáo việc kết án cũng như giam giữ các bloggers tại Việt Nam hay các xứ độc tài khác là chỉ vì các chính quyền này sợ nhân dân đứng lên như các cuộc cách mạng tại Trung Đông. Ngoài ra, về phía cá nhân, việc chọn đề tài về Phạm Minh Hoàng cũng nhắc lại cho ông vai trò và trách nhiệm của mình, là một người Pháp gốc Lào, là một người được may mắn sống trong môi trường tự do như tại Pháp, với nghề luật sư trong tay chắc chắn không bao giờ quên được nguồn gốc của mình và sẽ quyết tâm bảo vệ những người đang làm lịch sử, đang tranh đấu cho những thay đổi xã hội và nhất là quyền tự do ngôn luận.

Vì các tham dự viên phải nộp bài cho Ban Tổ chức vào tháng 11/2011, nên lúc chọn đề tài này, LS  Kayana Manivong muốn có cơ hội để kêu gọi sự quan tâm của dư luận và đẩy mạnh việc vận động quốc tế đòi trả tự do cho Phạm Minh Hoàng, để ông Hoàng không phải thi hành bản án 3 năm tù giam mà ông cho là quá bất công.

Điều lý thú là trong lúc các luật sư trình bày đề tài của mình, hoạ sĩ Pierre Chaunu  đã vẽ tại chỗ những bức tranh hí họa nhiều ý nghĩa. Xin gửi tặng quý độc giả vài hình hí họa rất độc đáo của ông liên quan đến đề tài Phạm Minh Hoàng.
Bạn có nhìn ra khí giới của tội nhân Phạm Minh Hoàng ? Đó là ngòi nổ @.
Hình hí họa về "Bác Hồ" của hoạ sĩ Pierre Chaunu vẻ theo đề tài biện hộ của Ls. Kayana Manivong:
"Phạm Minh Hoàng - Tự Do Ngôn Luận bị buộc tội"
Ghi chú :
Quý độc giả có thể tìm đọc thêm những bài dự thi theo đường liên kết dưới đây: 
http://www.memorial-caen.fr/portail/images/recueil-avocats-2012.pdf
Thanh Thảo (Radio Chân Trời Mới)

1 comments:

Không biết đại sứ CHXHCNVN tại Pháp có ý kiến gì không nhỉ?

Nếu tôi "bị" làm đại sứ thì chắc cũng tìm chỗ trốn thôi vì can gián các lãnh đạo Hà Nội thì họ cắt chức, còn ngăn cản thế giới đừng nói tới nhân quyền đặc thù kiểu VN nữa thì họ cứ cười.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More