Trần Anh Tuấn - DienDanCTM
Bàn về Pháp luật nước nhà có lẽ là hơi thừa bởi đã được nói tới quá nhiều, chỉ xin có vài lời nhận xét về thái độ ứng xử với luật pháp của dân ta. Lượm lặt một vài vụ chưa hẳn là điển hình cũng thấy vô số chuyện để phân vân.
Khi tiếng súng Đoàn Văn Vươn vừa vang lên, chân dung ông chủ đầm tôm này được đa số báo chí trong nước vẽ nên như là "một tên đồ tể máu lạnh, chỉ biết lợi ích cá nhân, ngồi xổm lên chính quyền mà phì phèo thổi khói vương trên đầu nòng súng đạn hoa cải". Ông giám đốc công an Hải Phòng tô điểm thêm vào bức tranh sinh động những mỹ từ hoành tráng trong cuộc đột kích, cưỡng chế quyền lợi người dân, tung hê thành tích, coi đó như “Một trận đánh đẹp!” và đề nghị đưa vào trong giáo trình để cán bộ, chiến sĩ học tập,...
Cho tới khi dư luận ồn lên, nhân sĩ trí thức đặt câu hỏi, tướng Lê Đức Anh lên tiếng, người đứng đầu chính phủ vào cuộc thì gió lại đổi chiều. “Kẻ côn đồ” với những hành xử “Giang hồ” nghiễm nhiên trở thành một “Anh hùng” cũng nhờ báo chí..
Người nông dân chăm chỉ ấy hiện đang trả giá cho hành động bất khuất của mình sau song sắt. Nhà cửa bị san phẳng, đến túp lều mới dựng của vợ con lại cũng vừa bị bọn nào đó đập phá
Làm “Anh hùng” sau khi vác súng chống lại lực lượng vũ trang của chính quyền, lại đẩy một số “đầy tớ” về vườn làm thân “ông chủ” thì một túp lều chứ đến ba bốn cái “chòi canh cá” dựng lên lại bị phá là vẫn còn ít.
Nhưng bà con đã mãn nguyện với kết luận của Thủ tướng nên chẳng mấy để tâm tới kẻ nào đã bình định chốn chui ra chui vào của thân nhân người hùng nữa.
Chuyện thứ hai, ấy là việc một công dân yêu nước phạm tội “Trốn thuế”.
Bloger Điếu Cày tức nhà báo Nguyễn Văn Hải, người hăng hái trong phong trào xuống đường biểu tình chống bành trướng Trung Quốc, tố cáo âm mưu gặm nhấm giang sơn một cách ti tiện của kẻ láng giềng nham hiểm này. Sau khi hết thời gian chấp hành án phạt tù thì bỗng nhiên anh Hải... mất tích. Và chính quyền cũng chẳng thèm giải thích. Một công dân mất liên lạc những gần nửa ngàn ngày (16 tháng) ấy vậy mà việc tìm anh chỉ xôn xao ... bên ngoài lãnh thổ, nhờ những tờ báo nước ngoài.
Tưởng như lòng yêu nước và cái tội hình sự kia là 2 khái niệm chẳng liên quan gì tới nhau. Vậy mà dường như nó lại có mối quan hệ nhân quả khá rõ ràng.
Chợt nhớ tới Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Ông Vũ bị công khai truy tố và kết án bởi tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước sau một vụ khám xét nhà nghỉ thiếu căn cứ pháp luật của công an, từ đó, các chiến sĩ thu giữ được 2 cái dụng cụ tránh thai của cánh đàn ông. Có người nói vui: Con đường gán Tiến sĩ Vũ vào điều 88 BLHS của nhà nước bắt đầu từ manh mối 2 bao cao su.
Phải chăng trốn thuế và quan hệ không lành mạnh là 2 trong hệ thống những lý do nhằm đảm bảo cho dân tình không quá xôn xao?
Vụ thứ 3 cũng ly kỳ chẳng kém.
Những tưởng khái niệm “Án cao su” đã bị khai tử từ những năm 90 của thế kỷ trước, thế mà nó lừng lững quay lại rồi đổ ập xuống số phận mong manh của người phụ nữ yếu ớt Nguyễn Thị Minh Hằng.
Được biết, đây là một thứ “Án chung thân không chính thức” mà các văn bản thường gọi là “Tập trung cải tạo”. Trước kia, nó là nỗi ám ảnh của những “quái tù” sừng sỏ nhất. Không có quan tòa tuyên, cũng chẳng có thời gian cụ thể, người ta dí cho anh một lệnh “Tập trung cải tạo” vài ba năm, sau đó “xét thấy” anh có tiến bộ thì tha, còn nếu ngứa mắt hoặc chưa vừa lòng lại ban cho một chữ ký thêm lệnh nữa, lệnh nữa,... Thế là anh đành ngậm ngùi nói lời chào khoảng trời tự do để tiếp tục công cuộc cho sứ mệnh của “Cục Lao Cải” – Lao động, cải tạo. Từng có những người cả ¼ thế kỷ sống kiếp “Cơm cân, áo số” mà chẳng rõ mình mang tội danh gì.
Chị Hằng tham gia bày tỏ chính kiến chống Trung Quốc (Lại Trung Quốc) thể hiện một tinh thần yêu nước nồng nàn, chị giương cao khẩu hiệu “Phản đối đàn áp người ủng hộ Quốc hội ra Luật biểu tình” là quyền đương nhiên có của công dân một nước dân chủ. Việt Nam luôn nhận phần “Dân chủ” về mình mà chẳng hiểu cớ gì lại dúi bản án cao su vào tay người phụ nữ yêu tự do, thừa lòng tự tôn dân tộc ấy?
Tôi hơi dài dòng như thế chỉ để sơ sơ một vài nhận xét về thái độ ứng xử với luật pháp của người dân trong nước.
Chuyện thứ nhất, cà xã hội đều quan tâm. Hiện tượng Đoàn Văn Vươn như một ngòi nổ cháy vào thùng thuốc súng đầy bức xúc trong tâm lý đại chúng về vấn nạn tham lam, cửa quyền, độc đoán, dối trá, bao che lẫn nhau,... của một bộ phận luôn tự hào vì trên ngực có thẻ “Đầy tớ”. Người ta mổ xẻ nhiều văn bản sai quy định chưa hẳn vì có thừa tinh thần thượng tôn pháp luật. Mà dường như việc dẫn ra những căn cứ pháp lý này với mục đích bác bỏ những quyết định kia, như đã nói, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý ghét lũ sâu mọt mà thôi.
Bởi, với câu chuyện thứ 2 và thứ 3 thì chỉ có một số ít nhân dân chú ý. Nếu trong một quốc gia mà đa số công dân nắm vững luật pháp, hiểu những quyền lợi chính đáng của mình cũng như ra sức bảo vệ tới cùng những tổn thương mà luật pháp có thể gặp phải thì chắc chắn việc một cá nhân bị chính quyền phong tỏa trái luật hơn năm trời hay việc cũng chính quyền đưa ra quyết định tập trung vô thời hạn trong một nhà nước “Pháp chế XHCN” là không thể chấp nhận. Báo chí phải vào cuộc, công luận sẽ đòi câu trả lời. Chứ không phải im re, khiêm tốn nhường sự thắc mắc cho các cơ quan thông tấn bên ngoài lãnh thổ
Chỉ mong không phải là vì lý do công dân Việt Nam quá hiền lành, bàng quan ngay cả với những quyền cùng lợi ích chính đáng được pháp luật quy định cho mình, mà ở nguyên nhân báo chí nước nhà kém cỏi, không làm tốt chức năng cung cấp thông tin (tôi không nghĩ là bị quản lý?) khiến cho chẳng mấy người biết mà đòi hỏi.
Tuy nhiên, một nhà nước của dân, do dân và vì dân mà “dân” lại thờ ơ ngay cả với thứ mình đang sở hữu thì thật đáng phải suy nghĩ.
0 comments:
Đăng nhận xét