Vụ Tiên Lãng: Tủi phận những chiến sĩ công an và bộ đội bị thương

Chắc chỉ có chú "cảnh khuyển" 
là không biết nhục nhã và xấu hổ?
Lê Nguyên Hồng - DienDanCTM

“Vụ Tiên Lãng” đã chính thức đi vào lịch sử Việt Nam! Hiện nay chủ đề hot nhất trên các diễn đàn vẫn là “vụ Tiên Lãng” – mặc dù dư luận dường như có chút lắng dịu sau kết luận của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 10/2/2012.

Chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính đã có trên 1000 bài báo giấy và báo mạng Internet (trong đó số nhiều là bài viết trên các blog), và có hàng trăm ngàn comment của độc giả tràn ngập trên các trang báo mạng về đề tài “vụ Tiên Lãng”…

Cái tên Đoàn Văn Vươn được nhắc đến hàng chục ngàn lần với biết bao sự xót xa, đồng cảm, trân trọng và quý mến, nhưng ngược lại dường như người ta đã quên hẳn những chiến sĩ công an và bộ đội bị trúng đạn hoa cải của gia đình anh Vươn. Sau ngày 5/1/2012 có vài ba trang báo đăng tin các chiến sĩ bị bắn trọng thương, rồi tất cả (kể cả báo chí nhà nước) đều ngoảnh mặt. May mắn dường như là duy nhất cho những người này là họ được nhóm của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và một cựu sĩ quan quân đội gửi quà thăm hỏi.

Theo tâm lý thông thường, dư luận thường bênh vực nạn nhân trong các vụ đả thương. Nhưng điều đó đã không xảy ra đối với các chiến sĩ công an và bộ đội trong vụ Tiên Lãng. Đơn giản là (và thật trớ trêu) nạn nhân thực sự của vụ Tiên Lãng lại là người nổ súng vào các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đi cưỡng chế bất hợp pháp đất đai của dân lành…

Theo cơ cấu của bất kỳ quốc gia nào, công năng của công an (cảnh sát) là người trực tiếp giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ sự bình an cho nhân dân. Còn quân đội là lực lượng có nhiệm vụ riêng biệt là bảo vệ tổ quốc, đồng thời họ cũng là lực lượng quan trọng bảo vệ nhân dân mỗi khi đất nước gặp thiên tai, địch họa.

Trong thời chiến, người dân Miền Bắc có câu “quân với dân như cá với nước” và “quân dân một nhà”. Đây là những câu nói rất sâu sắc, giàu hình tượng và dễ hiểu: Cá không có nước thì cá chết, và đã là người một nhà nghĩa là cùng chung nguồn gốc và huyết thống, đó chính là máu của máu và thịt của thịt…

Đối với công an, người dân có câu “công an là bạn dân”. Tình bạn chân chính đích thực, không vụ lợi là thứ tình cảm thiêng liêng đặc biệt, đôi khi còn nặng tình hơn cả tình yêu lứa đôi. Trong văn học chúng ta đã biết đến rất nhiều giai thoại bất hủ về tình bạn cao cả như Lưu Bình – Dương Lễ, Bá Nha – Chu Tử Kỳ, Quản Trọng – Bảo Thúc Nha vv… Đã là bạn thì nếu phản nhau người đời khinh bỉ, gọi là kẻ phản bạn, bất nghĩa, vô tình. Các chiến sĩ công an chắc chẳng bao giờ muốn mình trở thành những kẻ như vậy.

Sự việc các chiến sĩ công an và bộ đội đàn áp người dân trái phép ở Tiên Lãng - Hải Phòng - là kết quả của việc các chiến sĩ đã bị những kẻ chỉ huy không có nhân tính, thiếu kiến thức pháp luật, ra lệnh. Nhưng thiết nghĩ một phần cũng là do các chiến sĩ đã tự biến mình thành một thứ công cụ cá nhân trong tay kẻ chỉ huy. Nếu có quan điểm đúng, các chiến sĩ nên từ chối nhiệm vụ, và họ có quyền nói với cấp trên rằng: Trách nhiệm cao cả của chúng tôi là bảo vệ dân, chúng tôi không thể chống lại nhân dân. Vì chúng tôi từ nhân dân mà ra…

Cách nay vài năm, sau nhiều ngày và nhiều lần chạm mặt trở thành quen nhau với các chiến sĩ công an an ninh, một nhân vật đấu tranh dân chủ ở Sài Gòn đã từng nói chuyện với vài viên công an an ninh được cấp trên cử đi theo dõi người này. Và không hề bất ngờ khi được các chiến sĩ công an tâm sự: “Bọn em chỉ làm theo lệnh trên thôi, hàng ngày phải bám đít anh, em cũng cảm thấy xấu hổ và nhục nhã lắm! Nhưng nếu chúng em không làm thì không có lương, vì đây là lệnh cấp trên. Bản thân em biết anh chẳng có tội gì, vì nếu anh có tội thì chắc chắn là anh đã bị bắt giam rồi.”

Một câu chuyện đầy tính nhân bản ở Thái Lan trong những ngày Phe Áo Đỏ biểu tình năm 2010: Người ta cứ lo lắng về một cuộc ra tay của quân đội đàn áp những người biểu tình. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra, vì đối với quân đội Hoàng Gia Thái Lan, họ chỉ chấp nhận nổ súng vào quân thù, còn với nhân dân thì họ chỉ có trách nhiệm bảo vệ mà thôi. Đó thực sự là suy nghĩ của những người lính có văn hóa!

Đối với “vụ Tiên lãng” Việt Nam, không nỗi hổ thẹn nào lớn hơn, khi những chiến sĩ công an và quân đội với vũ khí khí tài trang bị tận răng, và với hàng trăm binh sĩ lại đi “áp đáo tại gia” vài ba người nông dân chỉ với nỗi uất nghẹn và cây súng hoa cải thô sơ tự chế. Ai đã mang nỗi nhục đó đến cho các chiến sĩ công an và quân đội? Đó chính là những tên quan tham, ngu ngốc như Lê Văn Hiền, Lê Văn Mải, Đỗ Hữu Ca, Đỗ Trung Thoại vv…

Bài học “gương tày liếp” trong vụ Tiên Lãng đã cho các chiến sĩ công an và quân đội thấy rằng, nếu họ chống lại nhân dân, họ sẽ thất bại, họ sẽ bị nhân dân khinh bỉ và xa lánh. Nếu các chiến sĩ bị bắn trọng thương (có cả Lê Văn Mải – thượng tá công an) trong trường hợp họ bảo vệ người dân bị cướp đất, hay họ hy sinh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, thì chắc chắn nhân dân sẽ quan tâm đến họ, ghi ơn họ.

Một điều có thể rút ra từ bài học Tiên Lãng, chính là việc các chiến sĩ công an và bộ đội cần biết chống lại mệnh lệnh trái pháp luật của những tên chỉ huy ngu ngốc và bất nhân, nhất là khi họ bị cấp trên ra lệnh đàn áp người dân lành vô tội. Thật xấu hổ cho lực lượng vũ trang Hải Phòng và thật tủi phận cho các chiến sĩ bị thương trong vụ Tiên Lãng!

Lê Nguyên Hồng

4 comments:

Bọn lãnh đạo HP là loại người vắt tranh bỏ vỏ ...!!! Thật tội nghiệp cho các chú CA BĐ bị thương vì súng hoa cải của người nông dân cùng đường !!!

Đây là bài học cho CA và Bộ đội, đừng sai đâu đánh đó, nếu là bạn dân sao lại đánh dân, người lãnh đòn là người trực tiếp thi hành công vụ sai trái, còn những kẻ ra lệnh trốn mất.

Những nhận định và chia sẻ của bạn Lê Nguyên Hồng rất chỉnh và tôi cùng quan điểm với bạn. Mong là những ai kia cũng sẽ đọc bài của bạn và suy nghĩ lại. Và cũng mong là sẽ không có lần sau như thế nầy !!

Chào bạn Lê Nguyên Hồng,

Với cái nhìn của tôi thì sự nhận xét của bạn trong bài nầy rất chỉnh và tôi hoàn toàn tán đồng. Cảm ơn sự chia sẻ của bạn và chúc bạn luôn thành công.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More