Ai xả rác nhiều nhất trên không gian?

Ngô Văn


Trong lúc tình trạng ô nhiễm đang lan tràn mặt đất và vẫn trên đà gia tăng, có người hỏi ngược "Giờ này mà lo rác trên không gian có điên lắm không?"

Các nhà khoa học đã nghe kiểu chế diễu đó nhiều lần. Chẳng hạn như vào năm 1979, một số khoa học gia bắt đầu phát giác tầng Ozone bao quanh quả địa cầu đang trở nên mỏng dần. Đến năm 1987, ba khoa học gia Farman, Gardiner và Shanklin trong một cuộc nghiên cứu ở Nam Cực đã phát hiện tầng Ozone có nhiều lỗ thủng. Họ đồng thanh cảnh báo cũng như kêu gọi nỗ lực chung của mọi quốc gia gấp rút bảo vệ tầng Ozone bằng cách giới hạn tối đa việc thải khí CO2, chấm dứt việc sản xuất và sử dụng các hợp chất CFC (chlorofluorocarbons) cũng như các chất hóa học khác như Tetraclorit, các hợp chất Brom,
Methylchchloroform... Theo các khoa học gia này hiện tượng giảm sút tầng Ozone đồng nghĩa với nạn hủy hoại nhiều sinh vật trên mặt đất bởi các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời. Các tia cực tím này không còn bị tầng Ozone lọc ra và dễ dàng chiếu thẳng đến mặt đất. Vào thời điểm đó, nhiều người chế diễu các khoa học gia lo ngại quá đáng, như kiểu "lo bò trắng răng", nhưng dần dần mối lo này đã thành hiện thực khi số trường hợp ung thư da gia tăng đột ngột, đặc biệt đối với những nước sống gần Nam Cực như New Zealand (Tân Tây Lan). Bên cạnh đó là các mức thay đổi khí hậu ngày càng thất thường và mãnh liệt, kể cả hiện tượng tan băng tuyết ở hai cực của quả địa cầu (tuy một phần do hiện tượng "nhà kiếng CO2" gây ra).


Trên căn bản phòng ngừa những xáo trộn quân bình có thể dẫn đến các tác động dây chuyền đó mà giới khoa học đã bắt đầu cảnh báo về nạn xả rác trên không gian. Các khoa học gia cũng cố gắng giải thích mối liên hệ giữa tình trạng này và đời sống thường nhật của con người trên trái đất. Nhưng trước hết, rác gì trên vũ trụ và ai xả ra? 

Xin thưa đó là những vật liệu do vô tình hay cố ý bị bỏ lại ngoài không gian bởi những quốc gia có chương trình phóng vệ tinh, phi thuyền lên không gian. Theo báo cáo mới nhất của cơ quan Nghiên cứu Phát triển Hàng không Vũ trụ (JAXA) của Nhật thì hiện nay trong lớp không gian bao quanh trái đất có đến hàng trăm ngàn mảnh rác, trong đó khoảng 16 ngàn mảnh có độ lớn trên 10 cm. Do sức hút của trái đất các mảnh rác này tiếp tục bay quanh địa cầu với một tốc độ rất nhanh, chừng 420 đến 480 km/giờ. Một trong những điều đáng sợ nhất cho các phi hành gia đi bộ ngoài không gian để sửa hay lắp ráp máy móc là nỗi lo bị "lạc đạn" bởi những mảnh rác quá nhỏ không phát giác kịp bằng hệ thống radar. Những viên đạn không gian này dễ dàng xuyên thủng bộ quần áo bảo vệ và cung cấp dưỡng khí cho các phi hành gia. Đối với những mảnh rác lớn hơn, các phi thuyền nào hoặc cả các vệ tinh nhân tạo cho các mục đích quân sự, viễn thông, khí tượng, định vị, v.v... chẳng may đụng phải một mảnh rác lớn trên 10 cm sẽ bị hư hại nặng, ngay cả bị nổ tung, và từ đó ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày trên trái đất. Vào tháng 6/2011, khi một số mảnh rác lớn trên 10 cm được phát giác đang bay đến quá gần Trạm Không Gian Quốc tế (ISS), cả 6 phi hành gia có mặt ở trạm đã phải leo lên một con tàu vũ trụ cấp cứu để sẵn sàng bay đi lánh nạn.


Cơ quan JAXA cho biết hiện nay Trung Quốc là nước xả rác nhiều nhất và vô trách nhiệm nhất vào không gian. Cụ thể như vào tháng 1/2007 cả thế giới đã gay gắt cảnh cáo Trung quốc khi họ bất ngờ tạo ra trên 3 ngàn mảnh rác trong vũ trụ qua việc cho bắn thử nghiệm để làm nổ tung một vệ tinh nhân tạo của họ trong không gian. Hành động vô trách nhiệm này xảy ra khi các cơ quan quản trị không gian của nhiều quốc gia tiên tiến đang đề ra nhiều kế hoạch để theo dõi từng mảnh rác lớn, thành lập một hệ thống báo động chung cho tất cả các phi thuyền và vệ tinh, chịu trách nhiệm bồi thường cho nhau, trao đổi các phương cách thu hồi và đốt tan các vệ tinh không còn hoạt động trong lớp khí quyển tầng thấp, v.v...


Vào hai ngày 7 và 8 tháng 3 sắp tới đây, một hội nghị quốc tế sẽ diễn ra tại Vienna, thủ đô nước Áo, để họp bàn về một quy định chung nhằm giới hạn việc xả rác trong vũ trụ. Các nước tham dự hội nghị phải báo cáo về số vệ tinh của mình hiện nay trong vũ trụ và những chương trình phóng vệ tinh lên không gian trong thời gian tới. Trung quốc không muốn công bố những dữ kiện này vì coi đó là "bí mật quốc gia" nên đến giờ này vẫn chưa trả lời sẽ tham dự hay không.


Thái độ đó của Bắc Kinh không làm thế giới ngạc nhiên. Theo giới chuyên gia Hàng không Vũ trụ thì hầu hết các hoạt động trong lãnh vực không gian của Trung Quốc đều nhắm phục vụ cho các mục tiêu quân sự và nội an (tức theo dõi các liên lạc vô tuyến trên cả nước). Một số vệ tinh cũ được dùng làm đích bắn thử nghiệm cho các hỏa tiễn phóng lên từ mặt đất. Đây là loại hành động tạo nhiều rác nhất và rất khó đánh dấu hết được loại rác này.


Dù Trung quốc có tham dự hay không thì hội nghị sẽ vẫn diễn ra như dự định. Tuy nhiên, liệu những quy định giới hạn việc xả rác trong vũ trụ mà hội nghị sẽ đưa ra có hiệu quả gì đáng kể không khi mà kẻ xả rác nhiều nhất là Trung quốc lại vắng mặt. Nga là quốc gia có nhiều vệ tinh trong không gian và ít có khả năng sửa chữa nên cũng lo ngại về các mảnh rác va chạm vào những vệ tinh của mình nên rất tích cực trong việc cố gắng thuyết phục Trung quốc tham dự hội nghị. Nhưng Moscow vẫn chưa nhận được sự trả lời chính thức nào từ Bắc Kinh. Về phía Hoa Kỳ, vào tháng 1/2012, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng cho rằng những quốc gia nào có vệ tinh trong không gian mà không tham dự hội nghị này là những người vô trách nhiệm. Bà cho rằng hành động xả rác trong vũ trụ rất nguy hiểm vì vậy những quy định của hội nghị đưa ra có tính bắt buộc các quốc gia phải tuân thủ chứ không thể viện cớ không tham dự hội nghị để không chấp hành.


Một kiểu khai thác khá quái dị là đối với quần chúng Trung Quốc, giới lãnh đạo Bắc Kinh cho phô diễn cách hành xử du đảng vô trách nhiệm kể trên như một điều đáng tự hào, theo kiểu "thế giới rất bực mình nhưng không DÁM làm gì Trung Quốc cả". Họ xem đó là một bằng chứng về sự lớn mạnh của nước Tàu. Hơn thế nữa, lãnh đạo Trung Quốc còn dùng cách hành xử du đảng đó như một thứ vũ khí để đòi thế giới nhượng bộ trong những lãnh vực khác.

Nhưng nếu có được cơ hội bước ra thế giới bên ngoài, người dân Trung Quốc sẽ nhanh chóng nhận ra rằng nhân loại chỉ xem giới lãnh đạo Trung Quốc là những kẻ "kém văn hóa", "ngu đần trong thiển cận", và là vật cản trên con đường phát triển quân bình, toàn diện, trong thái hòa của dân tộc Trung Hoa.

http://www.viettan.org/Ai-xa-rac-nhieu-nhat-tren-khong.html 
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More