Lý Thái Hùng
Non
2 tháng sau khi biến cố Tiên Lãng xảy ra, đảng Cộng sản Việt Nam đã gấp rút
tổ chức Hội nghị cán bộ vào 3 ngày cuối tháng 2 vừa qua. Tuy chủ đề là học tập
Nghị Quyết 4 về “một số vấn đề xây dựng đảng trong tình hình hiện nay”, nhưng
ai cũng thấy rõ Hội nghị cán bộ là để đối phó với những đợt sóng ngầm của xã
hội, mà vụ Tiên Lãng đã là lỗ xì cho những phẫn uất vốn đã dồn nén trong lòng
nhiều người, nhiều giới chứ không chỉ bà con dân oan.
Hơn
1000 bài báo và hàng triệu ý kiến của độc giả chia sẻ trên các trang mạng,
trang blog ở trong nước, lên án những hành động sai trái của cán bộ Huyện Tiên
Lãng và Thành phố Hải Phòng kể từ khi biến cố Tiên Lãng bùng nổ đã làm cho Bộ chính
trị và Ban bí thư lo ngại. Cái lo của lãnh đạo CSVN là khi xã hội có quá nhiều
phẫn uất từ mọi thành phần xã hội, những biến động tập thể sẽ không thể tránh
được khi có những sự việc châm ngòi.
Điều này phản ảnh rõ nhất trong diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Phú Trọng, khi ông nêu ra 4 lý do khiến Bộ chính trị phải cấp tốc triệu tập Hội nghị cán bộ bất thường ở tầm mức lớn chưa từng có như vậy. Trong 4 lý do ông Trọng đề cập bao gồm: 1/ để xác định vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng và không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; 2/ để thấy rõ những phức tạp của tình hình đang diễn ra, và 3/ để thấy rõ sự suy thoái nội bộ đảng; 4/ để đối phó “sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động”, thì lý do thứ tư đã được ông Trọng đề cập đến nhiều nhất và rõ ràng nhất từ trước đến nay.
Hiện tượng suy thoái tư tưởng, đạo đức, tham ô, xa dân của cán bộ CSVN không phải là vấn đề mới. Nhưng nó chưa trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa sự “tồn vong” cho đảng như hiện nay; vì CSVN đã có một số khả năng bưng bít và trấn áp xã hội bằng bạo lực sắt máu trong suốt thời gian vừa qua.
Cách nay 15 năm, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra tại tỉnh Thái Bình khi nông dân của 5 huyện (Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy) trong số 7 Huyện của tỉnh Thái Bình nổi dậy chống lại chính quyền địa phương để đòi dân chủ và đòi xóa bỏ các vụ thu thuế “Điện Đường Trường Trạm” nhằm làm giàu cho các cán bộ địa phương.
Để giải quyết, CSVN đã phải cử Phạm Thế Duyệt, Thường vụ Ban bí thư vào lúc đó đứng ra điều hành một Tổ công tác đặc biệt, đồng thời huy động một lực lượng quân đội đông đảo đóng chốt các tuyến đường từ Thái Bình đi ra các Tỉnh, nhất là vào Hà Nội, để không cho những thông tin của cuộc “nổi dậy” loan tải một cách rộng rãi khắp nơi. CSVN mất non một năm để dập tắt “cuộc nổi dậy” này với hơn 1,000 cán bộ các cấp bị khai trừ, đình chỉ công tác và hàng trăm nông dân bị bắt giữ, trấn áp để uy hiếp tinh thần. CSVN đã mất gần 3 năm tổ chức chiến dịch “chỉnh đốn đảng” sau biến cố này.
Sau vụ Thái Bình, nhiều vụ xung đột ruộng đất giữa nông dân và cán bộ địa phương cũng đã liên tục xảy ra như tại Thọ Đà, Cồn Dầu, Đồng Nai, Thanh Hóa… đều bị công an trấn áp thô bạo.
Ngay cả những cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước trong việc chống Trung Quốc xâm phạm biển Đông, hay những lên tiếng chống đối khai thác Bauxite tại Tây Nguyên trong những năm gần đây cũng bị đàn áp và dập tắt trước khi lan rộng các nơi.
Chính sự trấn áp này đã làm cho lãnh đạo lẫn cán bộ CSVN trở nên ngạo mạn cho rằng mọi sự phản kháng của người dân - tập thể hay cá nhân - đều bị dập tắt và quyền lực vẫn nằm trong tay đảng một cách tuyệt đối.
Tuy nhiên, lãnh đạo CSVN đã không nhìn thấy là tuy bộ máy bạo lực của chế độ có thể nhất thời dập tắt sự phản kháng của người dân, nhưng sự bất phục và bất mãn vẫn còn đó, vẫn tiếp tục lan tỏa và gia tăng. So sánh các vụ phản kháng ở Thái Bình, Cồn Dầu, Đồ Sơn... hay những đợt biểu tình chống Trung Quốc, biến cố Tiên Lãng vừa qua đã có hai nét đặc thù:
Thứ nhất, không chỉ có dư luận quần chúng ngoài đảng mà cả chính trong nội bộ đảng và thành phần cựu lãnh đạo CSVN đều đứng về một phía, phê phán mạnh mẽ những sai trái của cán bộ tại Tiên Lãng và Hải Phòng. Lần đầu tiên làn sóng phẫn nộ này đã bộc phát trên cả nước và chính quyền trung ương không dám bao che.
Thứ hai, sự phản kháng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không chỉ bằng tay không mà bằng bom gaz tự chế và súng (hoa cải) trước một lực lượng công an bộ đội lên đến hơn 100 người. Cuộc đối kháng đã làm cho 6 công an và bộ đội bị thương khiến cho dư luận giật mình khi thấy những áp bức của chính quyền đã đẩy một gia đình hiền hòa và có công lấn biển đến lằn ranh quyết tử.
Đây là hình ảnh tiêu biểu của những phẫn uất trong lòng người dân, bắt đầu khơi mào cho các cuộc phản kháng tập thể hay cá nhân về chính sách đất đai mù mờ trong 20 năm qua. Nói cách khác, Tiên Lãng là hình ảnh tiêu biểu của đợt sóng ngầm, phát sinh từ những dồn nén bất mãn của nông dân về những sự giải quyết tùy tiện, độc ác của cán bộ và nhất là về sự bao che của các nhóm quyền lợi; đồng thời kích động làn sóng phẫn nộ chung của xã hội – đã và đang âm ỉ rất lâu - nay được dịp bùng nổ.
Trong xã hội Việt Nam hiện đang có nhiều đợt sóng ngầm gây nhức nhối cho lãnh đạo CSVN:
1/ Sự xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông và xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa của Việt Nam, là đợt sóng ngầm rất lớn. Khi CSVN ngăn chận các cuộc biểu tình, bắt giữ những người đấu tranh bảo vệ Hoàng sa, Trường sa không khác gì chế độ đã đổ thêm dầu vào lửa. Lòng yêu nước sẽ không bao giờ cho phép người dân Việt Nam im lặng, khuất phục trước những hành vi bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
2/ Vấn đề Bauxite tại Tây Nguyên tuy đang lắng đọng vì lãnh đạo CSVN cố tình ngăn chận mọi tin tức, nhưng không vì thế mà giới trí thức và người dân cả nước quên đi mối ám ảnh của những thảm họa kinh hoàng do bùn đỏ gây nên sự kiện đất canh tác bị hủy diệt, và nguy cơ Trung Cộng đưa người vào chiếm đất và gây nguy hại an ninh quốc gia. Vấn đề Bauxite chắc chắn có ngày sẽ bùng nổ trở lại khi một hồ chứa bùn đỏ nào đó bị vỡ hay vấn đề ô nhiễm nước làm ảnh hưởng lên đời sống người dân.
3/ Vấn đề Luật đất đai mù mờ và các quyết định thu hồi sau 20 năm cho thuê vào năm 2013 (1993-2013) chắc chắn là sẽ tạo ra nhiều bi kịch không thua gì vụ Tiên Lãng khi những ruộng đất tốt bị cán bộ thu hồi một cách tùy tiện, giao lại ruộng xấu cho nông dân canh tác. Ngoài ra, CSVN còn để một số tỉnh cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn để khai thác trong thời hạn từ 50 đến 90 năm quá dài so với 20 năm mà nông dân được thuê nên vì thế không một ai muốn cải thiện để trồng trọt lâu dài, và sự bất mãn âm ỉ chỉ chực chờ bùng nổ đồng loạt khi hợp đồng thuê đáo hạn vào năm tới.
4/ Vấn đề khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện nay ở mức báo động đỏ khi mà một thiểu số giàu có ăn chơi phè phỡn, còn đại đa số thì sống trong khốn khó, lầm than. Tình trạng lạm phát cao, vật giá leo thang và sự phá sản hàng chục tỷ Mỹ Kim của một số tập đoàn kinh tế hiện đang tạo ra nhiều sức ép lên nhà cầm quyền CSVN và cả dân chúng. Hiện nay có hàng trăm cuộc đình công diễn ra hàng tuần tại các công ty liên doanh. Đây cũng là loại sóng ngầm có sức công phá ghê gớm khi hàng chục ngàn công nhân vượt bức tường của các công ty di chuyển đến các trụ sở của công đoàn tạo áp lực.
5/ Vấn đề chiếm hữu và khai thác để thủ lợi của nhiều cơ sở tôn giáo cũng là đợt sóng ngầm khác đã từng xảy ra qua các cuộc biểu tình lớn tại Nhà Chung, Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu… Những cuộc phản kháng này tuy đang lắng đọng do những hứa hẹn giải quyết của nhà nước, nhưng thủ đoạn câu giờ này sẽ không kéo dài được lâu và sẽ bộc phát trở lại khi những đòi hỏi không được giải quyết thỏa đáng.
Với ngần ấy những bất mãn ngấm ngầm không thể giải quyết, và ngay chính bản thân đảng CSVN mở rộng từ 1,8 triệu đảng viên (1991) lên đến non 4 triệu đảng viên (2011) cho thấy là họ không thể duy trì tình trạng bưng bít nội bộ như trước được nữa.
Do đó, phê bình, tự phê bình và học tập theo gương Hồ chí minh là “liều thuốc” mà Bộ chính trị và Ban bí thư đang đưa ra qua Nghị Quyết 4 sẽ không giải quyết được vấn đề hủ hóa và sa đọa trầm trọng của các “nhóm lợi ích” tại các cơ sở địa phương, vì:
Thứ nhất, uy tín chính trị của thành phần Bộ chính trị và Ban bí thư đã suy sụp. Các cán bộ địa phương nhìn thấy tầng lớp lãnh đạo như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng vừa bất tài vừa tham lam. Nhìn qua thái độ của Nguyễn Văn Thành, Bí Thư Hải Phòng đã có những hành xử bất phục với kết luận của Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng cho chúng ta thấy rõ hơn hiện trạng này.
Thứ hai, tình trạng kinh tế khó khăn, đồng lương cán bộ lại quá rẻ không đúng tầm với vật giá sinh hoạt, vì thế cán bộ phải hủ hóa là điều thường tình để vừa tranh sống vừa sa đà hùa theo thượng cấp. Muốn hủ hóa thì họ phải liên kết để bao che lẫn nhau, tạo thành những “nhóm lợi ích” tương tranh quyền lợi ngay trong nội bộ.
Đây là tình hình xảy ra vào thời kỳ cuối trào tại các xứ độc tài, là định mệnh tất yếu mà các chế độ bạo lực phải đối diện khi địa phương không còn “tôn kính” hay “phục tùng” Trung ương trong thời buổi đồng tiền là quyền lực.
Do đó, biến cố Tiên Lãng không đơn thuần là sự phẫn nộ của một “dân oan” mà là cả một hiện tượng bùng vỡ của hệ thống chính trị độc tài được xây dựng trên nền tảng băng đảng cấu kết nhau ở địa phương và chồng chéo ở nhiều cấp bộ trong mạng lưới Mafia Đỏ. Chính guồng máy sa đọa không thuốc chữa này đang đẩy đảng CSVN đối diện với nguy cơ “tồn vong” như Nguyễn Phú Trọng đã lo lắng cảnh báo vào cuối tháng 12 năm 2011.
Lý Thái Hùng
Ngày 3/3/2012
3 comments:
Khi một cơ chế được xây dựng trên một nền tảng nhân bản, đạo đức và công lý thì cơ chế đó sẽ bền vững và phát triển tốt. Còn nếu như cơ chế kia được xây dựng trên một nền tảng căm thù hay trong sự cấu kết băng đảng thì cơ chế đó sẽ tự tiêu diệt chính vì sự căm thù hay chính vì băng đảng đó. Đây là một quy luật bất di bất dịch mà một người lảnh đạo đất nước phải luôn luôn ghi nhớ.
Từ sự nhận thức trên nên những lượng giá của ông Lý Thái Hùng về tương lai của đảng cộng sản VN và nhà nước VN tôi rất tán đồng.
Với hơn 120 ngàn chữ ký ủng hộ của người Việt tự do bên Mỹ - tính đến sáng ngày 4.3 - nhằm đòi hỏi ĐCSVN phải thả Việt Khang cùng những người yêu nước khác, 2 ngày 5&6.3 này tại Washington DC sẽ gia tăng sức mạnh cho những đợt sóng ngầm đang chờ ngày cuốn phăng bạo quyền bán nước. Chưa bao giờ người Việt tiến vào Tòa Bạch Ốc, trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ, với một tư thế mạnh mẽ đến thế.
Xin cám ơn tất cả những nỗ lực nổi cũng như ngầm đã góp phần đem lại kết quả tuyệt vời này.
DCS-VN se lua chon : dzua vao DCS-Trung quoc de ton tai, san sang dan ap cac cuoc bieu tinh doi tu do, nhan quyen, dan chu.DCS-VN khong bao gio tu bo bau viu vao DCS-Trung quoc. Hay nghe bi thu TO HUU, tam su nhan ki niem ngay sinh nhat DCS-VN 3-2-1930, (Voi su do dau cua DCS-Trung quoc, Ho chi Minh da hop nhat 3 nhom CS, tai
buoi hop,san co Macau, Quang-dong Trung-quoc):
"Nhu dua tre, sinh nan tren co
Khong que huong,suong gio toi boi
Dang ta sinh o tren doi
Mot dong mau do, nen nguoi hom nay!"
Boi le do, DCS-VN da lay tu tuong Mao trach Dong, lam kim chi nam cho sach luoc "bao luc cach mang", cuop chinh quyen tren dau sung.
Đăng nhận xét