Khó với “tư duy nhiệm kỳ”

Dương Phi Anh 

Thế là, “ông Putin ở nước Nga” sắp bước vào một nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba dài sáu năm. Với gần 64% phiếu ủng hộ, ông Putin vẫn chứng tỏ được “uy tín trong quyền năng” của mình. Đã có nhiều điện mừng từ các nước gửi đến…


Với hai nhiệm kỳ Tổng thống và một nhiệm kỳ Thủ tướng (hơn 12 năm) trước đây, ông Putin đóng góp rất lớn vào sự ổn định nước Nga, là chính khách đáng ngưỡng mộ. Người dân Nga đã tăng thu nhập lên gấp 5 lần…


Thế nhưng, mọi lời đàm tiếu bắt đầu từ khi người ta đồn đoán rằng ông sẽ ở một nhiệm kỳ Thủ tướng và sẽ trở lại tranh cử Tổng thống, sẽ chiến thắng, chiến thắng: “Tôi hứa với các quý vị rằng chúng ta sẽ chiến thắng và chúng ta đã thắng. Nước Nga vinh quang!”. Mắt ngấn lệ, ông nói sau khi chiến thắng…


Trước đó, khi ông còn làm Thủ tướng, “tự nhiên”, Duma quốc gia Nga sửa đổi Hiến pháp để tăng nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 năm lên 6 năm. “Tự nhiên” sau cuộc bầu cử, đại diện Đảng Cộng sản Liên bang Nga, ông Gennady Zyuganov, đối thủ gần nhất đạt 17%, nói cuộc bầu cử “không công bằng và không đáng“. Và “tự nhiên”, các phê phán tập trung rằng, ứng cử viên Putin đã dùng “lợi thế nhà cầm quyền” để phục vụ tối đa cho chiến dịch tranh cử của mình, thậm chí dùng “chiêu” “bầu cử con thoi”, tức một người bầu nhiều điểm khác nhau, mới thắng cử…


Dù gì thì đó chỉ mới là đồn đoán, chưa có kết luận chính thức. Chiến thắng của ông Putin lần này vẫn là thuyết phục! Trước cuộc bầu cử, Thông tấn xã Việt Nam cho rằng: “Cùng với một xã hội ngày càng cởi mở, công khai và dân chủ, hệ thống chính trị, đảng phái tại Nga đang bắt đầu bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ.”…


Việc ông Putin thắng cử, người ta chỉ lo ngại về một người nắm quyền lực đỉnh cao lâu dài như vậy sẽ xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền và thậm chí là độc tài mà thôi. Điều lo ngại này ở nước Nga hiện nay không phải là không có lý:


Nhìn lại, quá trình ông Putin cầm quyền trước đây, người ta thấy nổi lên là ông biết tận dụng tốt những thứ mà đất nước ông vốn có sẵn trước. Đó là hai thứ “khí”: Vũ khí và dầu khí! Hai thứ này làm tăng thu nhập quốc dân và cũng là “lá bài chiến lược” làm đối trọng với ngoại bang trong những nhiệm kỳ trước của ông và chắc chắn vẫn tiếp tục ở nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ tới…


Còn lại, có hai thứ mà người ta rất sợ đó là tình trạng tham nhũng trong nước lên hàng “đỉnh cao” nhất và không ít nhà báo chuyên chống tiêu cực mất tích…


Một tiền lệ nguy hiểm khác là dư luận xấu về tình trạng “lách luật”, vì ngay cả nguyên thủ quốc gia, người có quyền lực số 1 như ông Putin, mà cũng có dấu hiệu “lách luật” nữa huống chi là cấp dưới ?! Ông sẽ đi vào lịch sử vì “lách” văn bản luật cao nhất, luật cơ bản đó là Hiến pháp. 

Hiến pháp thường là một đạo luật hết sức chặt chẽ. Thế mà không biết Hiến pháp Nga trước lần sửa đổi gần đây quy định thế nào mà người ta “lách” được  cũng là “đại tài”?!…


Hầu hết Hiến pháp các nước dân chủ đều quy định những người nắm quyền lực cao nhất của đất nước không được quá hai nhiệm kỳ với thời gian trên dưới chục năm. Hình như không phải ngẫu nhiên mà người ta quy định như vậy. Khoa học chính trị rút ra kinh nghiệm rằng một người nắm giữ quyền lực, nhất là quyền lực đỉnh cao, trên dưới chục năm, sẽ có nguy cơ trở thành độc đoán, chuyên quyền và thậm chí là độc tài. Nếu nhiệm kỳ đầu xem như mới làm quen, sáng tạo, ổn định tình hình thì nhiệm kỳ sau sẽ gặt hái thành công một cách chắc chắn; nhưng nhiệm kỳ sau nữa, sau nữa sẽ ù lỳ, tuột dốc và thậm chí sẽ tệ hại hơn nếu cứ tiếp tục…


Chẳng hạn, Hiến pháp Mỹ quy định mỗi nhiệm kỳ Tổng thống chỉ có 4 năm. Nếu mọi chuyện tốt đẹp với tổng thống ở nhiệm kỳ thứ nhất thì người ta khuyến khích và ủng hộ thắng cử nhiệm kỳ thứ hai. Muốn sang nhiệm kỳ thứ ba cũng không bao giờ được vì Hiếp pháp quy định rằng: Không một người nào được bầu làm Tổng thống quá hai lần và không một người nào đã làm Tổng thống hoặc nhận chức vụ quyền Tổng thống quá hai năm của một nhiệm kỳ mà người khác được bầu làm Tổng thống, lại được bầu vào chức vụ Tổng thống quá một lần… Có lẽ Hiến pháp Nga trước đây cũng mong muốn quy định vấn đề nhiệm kỳ như Hiến pháp Mỹ vậy. Thế nhưng chắc lại quy định thành “không một người nào giữ quá hai nhiệm kỳ tổng thống liền nhau” nên mới có chuyện “lách luật” là không giữ liền nhau thì giữ… “cách quảng”?…


Về mặt lý thuyết, nếu “mọi chuyện tốt đẹp” thì ông Putin có thể giữ chức Tổng thống thêm 12 năm nữa. Như vậy, với một sự chỉ định bất ngờ của ông Boris Eltxin, ông Putin sẽ đứng trên đỉnh cao quyền lực những trên 24 năm. Từ nay đến ngày đó chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có một “chỗ dựa” mà nhiều học giả tư bản trước đến nay vẫn không giấu diếm vai trò độc tài, chuyên chế của người đứng đầu cơ quan hành pháp, là: chính phủ độc tài, chuyên chế còn đỡ tai hại hơn chính phủ dân chủ nhưng lại kém trong vận hành, không có khả năng giải quyết các mâu thuẫn xảy ra…


Ở Việt Nam ta gần đây xuất hiện cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” rất hay. Tôi chưa rõ ai dùng cụm từ này đầu tiên nhưng nghĩ họ muốn nói những ai có “tư duy nhiệm kỳ” thì chủ yếu giữ chức để “vinh thân phì gia”, khó có chuyện lo cho dân, lo cho nước được “ngẩng cao đầu” và tránh được tủi hổ, khổ, nhục… Mà “tư duy nhiệm kỳ” hiện đã được lãnh đạo Đảng, nhà nước đánh giá “là một bộ phận không nhỏ”…


Không rõ “ông Putin ở nước Nga” hiện nay có “rất là Việt Nam” hay không, chứ nếu với “tư duy không dưới 5 nhiệm kỳ” như ông thì đất nước khó hy vọng “phát triển toàn diện” lắm…


“Hãy đợi đấy!” như một tựa phim hoạt hình kinh điển của Nga…

http://quechoa.info/2012/03/06/22784/#more-22784 
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More