Ms Thân Văn Trường: Bài giảng ở Tiên Lãng

BAN  ĐẦU  ĐỨC  CHÚA  TRỜI  
DỰNG  NÊN  TRỜI  ĐẤT

Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ,
Sẽ gặt hái cách vui mừng.
Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải,
Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.
(Thi Thiên 126: 5- 6).

Mùa xuân là mùa gieo giống, vì thì tiết ấm và ẩm thuận lợi cho mầm sống sinh sôi, nảy nở, ra hoa và kết trái. Quê hương tôi độ xuân này, nhà nhà đều ra đồng cày cấy. Các anh, chị tôi đã trên 70 tuổi, cũng ra đồng cày cấy. Nhớ năm xưa, đi cày hợp tác trên đồng Ngo ngoại đê sông Thương, nghe các lão nông tri điền, thắt lưng buộc bụng ngâm ngợi khúc ca thương:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Mùa xuân này, Đức Chúa Trời lại sai chúng tôi về gieo giống Đạo trên miền Bắc thân yêu. Bắt đầu từ Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa là những địa phương có nhiều người ở tù vì đứng về phía chân lý. Chuyến ra đi nước mắt tuôn dài, nhưng bù lại đã gặt hái 9 linh hồn tội nhân cho Chúa; đồng thời đem đến sự an ủi gia đình người tù, hầu cho họ cứ đứng vững trong đức tin qua cơn thử thách ác liệt. Xin ghi chép vài dòng về chuyến ra đồng gieo giống phiêu lưu này, ước mong nó như một thức hương có mùi thơm, kính dâng Đức Chúa Trời và những người yêu quê hương, đất nước Việt Nam. Cũng để tri ân giáo sĩ Lê Duy Bắc ở Hà Nội, mục sư Huỳnh Trọng Nghĩa ở Hải Phòng cùng các ân nhân đã cầu nguyện, yểm trợ và đồng hành chuyến đi  này.

1/  ĐOÀN VĂN VƯƠN MUÔN NĂM!

“Anh Vươn muôn năm” là dòng chữ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong chuyến đi, tôi thu hoạch được trên mảng tường ám khói ở đầm Cống Rộc, sau biến cố đau thương 5/1/2012. 

Cuộc đời người anh hùng áo vải họ Đoàn, quả thật đã gieo trong nước mắt, nhưng bắt đầu gặt hái vui mừng cả thể. Vui mừng không chỉ cho gia đình anh, mà cho người cày mất ruộng cả nước và vui mừng cho cả các thiên sứ trên trời. Dù anh Vươn và anh em người chịu khổ trong tù đầy, tra tấn, vu oan; dù nhà tan, cửa nát như tiêu thổ kháng chiến; Dù tán gia, bại sản, nhưng gia đình anh đang gặt hái tình thương mến của đồng bào cả gần lẫn xa. Bằng chứng hùng hồn trên hoang tàn đổ nát, vẫn còn đó những dòng chữ yêu thương trên bức tường trơ vơ giữa đồng rộc. Ngẩn ngơ trước dòng chữ yêu thương, tôi chợt nhớ đến bức tường trên đường phố Jerusalem, trụ sở Thánh Kinh hội quốc tế ở Vác- sa-va(Ba lan) xa xôi năm xưa. Sau đệ nhị thế chiến, thành phố châu Âu này bị san bằng tất cả, trừ ra một đoạn tường trên đó khắc ghi câu Kinh Thánh:
TRỜI ĐẤT SẼ TIÊU TAN, NHƯNG LỜI TA SẼ CÒN MÃI MÃI (Math. 24: 35).

Trở về với Tiên Lãng, đáng khen ngợi thay đại tá Đỗ Hữu Ca, tổng tư lệnh trận hợp đồng tác chiến của liên quân Hải Phòng tấn công vào cái chòi canh cá ở xã Vinh Quang.  Vì cớ ông đại tá đã cho quân ta để lại mảng tường, đủ diện tích cho đồng bào bày tỏ tình cảm của mình qua dòng chữ: ANH VƯƠN MUÔN NĂM!

Tàu bay của hãng hàng không giá rẻ cho chúng tôi xuống phi cảng Nội Bài lúc nhá nhem tối, đang khi mưa xuân phơi phới bay. Mang tiếng giá rẻ mà chẳng rẻ rúng gì, vì chúng tôi bị phạt quá cân do đem nhiều quần áo rét và Kinh Thánh. Đã thế hãng bay lại đơn phương lùi giờ bay 2 giờ, nên chúng tôi phải ra khỏi nhà ga trong đêm tối Hà Nội mưa phùn, gió bấc. 

Ghé lại người nhà ở Gia Lâm ngủ lại đêm, tiện thể mượn xe máy làm phương tiện giao thông. 

Luật sư Nguyễn Văn Đài hẹn tôi ra thì đi ăn phở Hà Nội, nhưng hôm nay anh đổi ý, mời tới nhà riêng trên đường Tạ Quang Bửu. Được mời như cởi tấm lòng, tôi phóng xe máy như bay qua cầu Vĩnh Tuy, đến đại học Bách khoa chẳng xa, nhưng cũng phải hỏi thăm đường mấy chú CSGT. Chúng tôi dùng bữa trưa thông công trong nhà Khánh, Đài cùng người chị em yêu quí ở trong đức tin. Người nữ này, ân nhân đã từng nuôi giấu chúng tôi, trong thời kỳ bắt bớ Đạo dữ dội ở Hà Nội. Gia chủ thết đãi món gà đồi Yên Thế, cách vui vẻ thật thà. Gà rừng căn cứ địa cụ Hoàng Hoa Thám vừa ngọt, vừa thơm lại dai, cặp đôi hoàn hảo với lá chanh Bố Hạ, thật xứng danh thương hiệu gà rừng Yên Thế! 

Chúng tôi chia sẻ gánh nặng cho nhau, về hiện tình đất nước thảm thương và tồi tàn mà Chúa đặt để trên vai con cái của Ánh Sáng. Chúng tôi cầu nguyện cho nhà cầm quyền Việt Nam, xin Đức Chúa Trời thương xót và cứu họ, đang khi họ đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt, vì cớ thiếu tri thức. Chúng tôi nung nấu hy vọng ngày gần đây, Tổng Bí thư và nhiều vị trong Bộ chính trị Đảng ta trở lại tin nhận Chúa Giê- xu, hầu mở ra kỷ nguyên hòa bình cho Việt Nam. Hòa bình triệt để, hòa bình thật sự giữa con người với Đức Chúa Trời, cũng như hòa bình giữa con người với nhau trên đất nước đau thương này.

Thứ bảy ngày 3/3/2012, giáo sĩ Lê Duy Bắc chở tôi đi Hải Phòng bằng xe máy, khởi hành từ Hà Nội lúc 5h sáng. Mục sư Huỳnh Trọng Nghĩa ở Hải Phòng đón chúng tôi ở Kiến An, cùng ăn điểm tâm lúc 9h sáng. Đầu tiên, chúng tôi đến thăm gia đình tù nhân Nguyễn Xuân Nghĩa ở Quán Chữ. Chị Nga đi chợ, chỉ có con trai của anh chị ở nhà. Nhà văn Xuân Nghĩa cùng tuổi tôi, anh là Cơ đốc nhân đang ở tù vì cứ nhất định cho rằng Hoàng sa, Trường sa là của Việt Nam. Trong căn nhà đơn chiếc của người tù, Ms. Huỳnh Trọng Nghĩa chia sẻ tâm tình và cầu nguyện cho gia đình. Con trai người tù cho hay, hiện bố đang bị kỷ luật biệt giam, nên gia đình không được gặp mặt.

2/  BÀI GIẢNG Ở ĐẦM CỐNG RỘC

Rời nhà anh Xuân Nghĩa, chúng tôi ghé lại cây xăng Kiến An để đổ xăng, tiện thể hỏi đường về nhà anh Vươn cho chắc. Thông qua việc hỏi thăm đường, chúng tôi âm thầm làm cuộc điều tra nhỏ, xem thử người dân Hải Phòng nghĩ gì về anh Vươn. 

Trả tiền xong, Ms. Nghĩa hỏi chàng trai trẻ bán xăng, có biết đường đi về nhà anh Đoàn Văn Vươn? Không cần hỏi lại sơ yếu lý lịch đương sự, anh bạn trẻ sốt sắng chỉ đường rất cặn kẽ cho chúng tôi đi về xã Vinh Quang, Tiên Lãng. Vậy là từ cây xăng này đến nhà anh Vươn còn hơn 40 km nữa, theo người chỉ đường. Gần đến cống Rộc, chúng tôi hỏi thăm đường người thứ 4 đã lớn tuổi, cũng là người được hỏi sau cùng, đang chăn vịt ở dưới rộc . Lên bờ đê, ông chỉ tay về hướng đầm xa xa, thấp thoáng  căn chòi nhà họ Đoàn. Qua ánh mắt và cử chỉ của 4 người chỉ đường, chúng tôi có cơ sở kết luận người dân Hải Phòng thương mến anh Vươn, và quí mến luôn cả người đến thăm nhà anh Vươn. Chỉ cần hỏi anh Vươn, là người dân nơi đây đã biết Đoàn Văn Vươn ở cống Rộc rồi, như thể cả Hải Phòng chỉ có 1 anh Vươn mà thôi. 

Duy nhất lần hỏi thăm ở thị trấn Tiên Lãng, gần nhà chủ tịch Lê Văn Hiền, chúng tôi bắt gặp ánh mắt hình viên đạn của 1 trung niên mặc thường phục, mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao như… công an. Chúng tôi không hỏi anh ta, nhưng hỏi người khác mà bị anh ta để ý dòm hành.
Nhờ Chúa xắp đặt, chúng tôi vào nhà có cả chị Vươn và bé Hiếu đang chuẩn bị bữa trưa, cùng một thanh niên là cháu chú Vươn. Chị Hiền vợ anh Quí thì lên bệnh viện nuôi con, cháu bị thương chân từ hôm sau Tết.  

Chị Thương mới mua thêm được con chó con để tái khởi nghiệp, nó còn chưa quen chủ. Thấy đông người, nó càng sợ hãi chạy trốn. Bữa trưa nhà chị Thương cũng có thịt lợn và rau, chị sửa soạn bữa ăn ở ngoài sân, dù đang mưa. Chủ và khách đều cả mừng khi gặp nhau. 

Chúng tôi lấy Kinh Thánh ra từ trong ba lô, còn chị Thương cũng đem ra từ trong mấy lượt áo rét cây Thánh giá, để rồi qua đó chúng tôi nhận biết cùng là con một Cha trên trời. Là anh em trong gia đình Đức Chuá Trời, chúng tôi gác lại mọi sự, để thì giờ tra xem Kinh Thánh và cầu nguyện. Tôi mời chị Vươn đọc câu Kinh Thánh số 1 của sách Ban Đầu, để làm nền tảng cho bài giảng luận đáng nhớ ở đầm Cống Rộc, xã Vinh Quang:

BAN ĐẦU ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT.

Vâng, quả thật ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, thưa anh chị em. Câu Kinh Thánh này không khó hiểu, trừ khi người ta cố tình không hiểu để tranh chiếm đất đai. Chẳng phải ngẫu nhiên, Đức Chúa Trời lại ghi chép câu này, nói về  “trời đất” đầu tiên trong Kinh Thánh. 

Từ trước buổi sáng thế, Ngài đã biết chiến tranh đất đai là lâu dài và nan giải nhất trên thế giới này. Từ trước buổi sáng thế, Đức Chúa Trời đã biết vụ cưỡng chế huynh đệ tương tàn sẽ nổ ra ở Tiên Lãng vào ngày 5 tháng 1 năm 2012, làm đau đầu thủ tướng Việt Nam. Ngài là Ban đầu, Ngài là an- pha và cũng là ô- mê- ga, nên Ngài biết mọi sự từ ban đầu. Đó là lý do “ trời đất” được đề cập ngay ở câu đầu tiên của Thánh Kinh, hầu nhờ Ngài, con người hòa giải các vụ cưỡng chế đất hay giải phóng mặt bằng.

Đi sâu vào bài giảng, mục sư Thân Văn Trường quả quyết, rằng câu Kinh Thánh số 1 này xác định nguồn gốc đất, chủ quyền đất ở huyện Tiên Lãng và toàn bộ thế giới này là của Đức Chúa Trời, chứ không phải của chủ tịch Lê Văn Hiền hoặc bất cứ ai khác. Đức Chúa Trời là chủ sở hữu hợp pháp cả trái đất này, và mọi thứ trên đất, biển, luôn cả con người, tất cả đều ở trong tay Ngài, tất cả thuộc về Ngài. Thiên Chúa là Đại Địa Chủ chân chính, giữ quyền tể trị tối cao trên trái đất này. Đó là chân lý vĩnh hằng. Kinh Thánh là “sổ đỏ”, xác định chủ quyền Ngài không chỉ 14 năm hay 20 năm, bèn là vĩnh viễn. 

Điều 17 của Hiến pháp CHXHCN Việt Nam nhận vơ rằng, đất đai là của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân là sai hoàn toàn với Kinh Thánh. Những người lập pháp và hành pháp Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sai lầm chết người này; họ đã ngạo ngược tranh chấp chủ quyền đất đai với Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên trời đất từ ban đầu. Bản Hiến pháp chống nghịch Thượng đế 1992 của Việt Nam chưa được nhân dân phúc quyết, do đó, trước hêt những người lập pháp Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đảng, chính quyền huyện Tiên Lãng dựa vào hiến pháp và luật đất đai sai trái, cưỡng chế đất nhà họ Đoàn, tức là cưỡng chế Đức Chúa Trời, một việc làm bạo ngược, trái lương tâm, trái luật Trời và vô cùng nguy hiểm cho các đương sự.

Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa là Địa Chủ Vĩ Đại, Ngài không phát canh thu tô, không phân lô bán nền nhà. Ngài tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó, vì cớ phúc lợi của con người. Ngài giao quyền quản trị và ban năng lực cho con người hoàn thành trọng trách:
 “Làm cho đất phục tùng, quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống và hành động trên đất” (sách Sáng thế ký 1: 28b).

Về điểm này, anh Vươn đã làm tốt, đã quản trị cá, tôm, cua…cách khôn ngoan, đã bắt đất và biển cả phải phục tùng, theo ý Chúa, sinh hoa lợi cho đời.  Đảng và chính quyền Tiên Lãng đã hủy hoại môi trường sống, bắn phá nhà dân, bỏ tù con cái Đức Chúa Trời là tội ác hết sức nguy hiểm. Người ta không biết rằng súng, đạn AK từ tay bộ đội, công an đã bắn thẳng vào con ngươi của mắt Đức Chúa Trời. Tất nhiên là loài người không thể bắn Chúa bằng AK hay hỏa tiễn, nhưng những người hại dân, chống Đức Chúa Trời sẽ bị hủy diệt, nếu không mau kíp ăn năn và sửa sai. Ai thuận ý Trời thì sống sung mãn, ai chống nghịch ý Trời sẽ bị hủy diệt. 
Vì vậy, tôi nhân danh Đức Ki- tô mà khuyên chị Vươn và gia đình hãy yêu thương những người đã ra tay bắn phá nhà chị, cưỡng chế đất đai, vơ vét thủy, thổ sản, bắt người thân chị bỏ tù. Chỉ có tình yêu thương mới có thể cứu các chủ tịch Lê Văn Hiền và Lê Văn Liêm, đại tá Ca và đảng, chính quyền Việt Nam khỏi tai họa hủy diệt. Đảng, nhà cầm quyền Việt Nam đã phạm tội cố ý không biết Đức Chúa Trời, nhưng quá mê tham đất đai, một trong các sản phẩm của tay Đức Chúa Trời làm ra từ ban đầu. Chỉ có tình yêu thương mới che đậy được tội lỗi, thuyết phục được tội nhân ăn năn. 

Là con dân Chúa, anh Vươn đã thực hành Lời Chúa, anh đang ở tù, cùng anh em người. Đó là các anh đang gieo trong nước mắt, và tôi tin rằng một ngày kia, chính tay Đức Jesus sẽ lau ráo nước mắt các anh. Mong rằng gia đình hãy tha thứ anh em công an, bộ đội và người sai khiến họ, như thể Chúa Giê- xu đã tha thứ anh chị em. Hãy thực hành bài cầu nguyện Đức Ki- tô dạy: Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ pham tội nghịch cùng chúng con. 

Hãy tiếp tục gieo hạt yêu thương và tha thứ, ắt sẽ gặt hái vui mừng, đem gánh lúa vàng vào kho nhà Chúa. Chẳng cho niềm vui nào bằng Bí thư Thành, đại tá Ca, chủ tịch Hiền, Liêm…trở lại tin Chúa.
Sau phần nghe lời Chúa, chúng tôi cầu nguyện chúc phúc cho gia đình, chúc phúc cho đảng, chính quyền Hải Phòng và trung ương. Rồi, Mục sư Nghĩa cũng trao tặng tận tay chị Vươn Kinh Thánh trọn bộ tân, cựu ước, để làm khuôn vàng, thước ngọc cho gia đình. Sau đó, chúng tôi chia tay nhau trong chiều Tiên Lãng mưa cứ rơi dầm dề, gió bấc cứ thổi như tiếng người thở dài, nhưng lòng chúng tôi ấm lạ. 

Vừa qua khỏi cống Rộc, Ms. Nghiã chở tôi, trơn trượt, phanh gấp, xe quay ngoắt ngược lại sau, văng luôn tôi xuống bùn. Phải chăng chiếc xe máy cũng lưu luyến những con tôm, con cá trong đầm anh Vươn còn xót lại? Xe máy cũng lưu luyến công trình của người bắt đất phục tùng và quản trị mọi loài cách khôn ngoan theo ý muốn Thượng đế?

Về trung tâm thành phố hoa phượng đỏ, chúng tôi cầu nguyện và chia tay Ms. Nghĩa ở lại đất cảng. Trên đường về lại Hà Nội do thầy Lê Duy Bắc cầm lái, tôi cứ suy nghĩ miên man. Ai đã viết lên tường ANH VƯƠN MUÔN NĂM?

Nghe nói dự án sân bay quốc tế rất hiện đại, tâm điểm ở Cống Rộc xắp khai triển. Liệu mai này sân bay quốc tế ở Tiên Lãng hoàn thành, nó có thể mang tên Đoàn Văn Vươn? Và rồi trên đại lộ Hà Nội- Hải Phòng sẽ có những bảng lớn chỉ đường:

ĐOÀN VĂN VƯƠN INTERNATIONAL AIRPORT?

Hay là một ngày nào đó, thành phố Hải Phòng sẽ đổi tên ra thành phố Đòan Văn Vươn?

3/  THĂM NHÀ MS. NGUYỄN TRUNG TÔN

Trở về Hà Nội trái tim của cả nước nghỉ ngơi một ngày đêm, rồi chúng tôi lên đường vô xứ Thanh bằng xe Mai linh. Vừa lên đường cao tốc đoạn quá Pháp Vân thì thượng tá (?) Sơn, CA Hà Nội gọi ngỏ ý muốn gặp tôi. Rất tiếc, tôi đang xa Hà Nội rồi, đành hẹn dịp khác vây. Anh Sơn này trước vẫn thường ghé chỗ tôi ở Gia Lâm. Anh cũng từng kể về chiến công của anh, đã khám phá ra chìa khóa hòm thư điện tử của Ms. Trần Đình Ái là JESUS, cách đây hơn 10 năm. Chẳng hóa ra nay anh Sơn cũng chăm sóc tôi kỹ thật!

Đến Thanh Hóa, cô Lành đi xe máy ra cổng trường đại học Hồng Đức để đón tôi về nhà cô ở thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương. Mừng là chúng tôi gặp mặt cả bố, mẹ, vợ và 3 con của Ms. Tôn. Cả nhà mạnh mẽ trong đức tin, dù bị nhiều oan trái. Chúng tôi đọc Thi Thiên 23, cầu nguyện cùng cả nhà trước khi ra thành phố Thanh Hóa để tiếp tục lên xe Mai linh, về nam lúc 22h cùng ngày.

Có lẽ chúng tôi viết bao nhiêu cũng không bằng có vài tấm hình, và chép ra đây bài thơ Ms. Tôn sáng tác trong tù. Vậy, ms. Tôn có thơ rằng:

Cứ mỗi ngày anh viết một lá thư,
Gửi về em, nơi trăm thương, nghìn nhớ.
Thư anh viết, chẳng phải bằng bút mực,
Máu trong tim rạo rực chép trong lòng.
Gửi cho em, không qua đường bưu điện,
Chẳng i- meo, không phương tiện thông tin.
Gửi cho em qua ô cửa nhà tù,
Nhờ Thánh Linh gửi về nơi em đó.
Nhận thư anh, chắc em sẽ rõ,
Anh xin lỗi, vì thư không có chữ,
Nội dung thư là ngôn ngữ con tim!
San sẻ cùng em nỗi gian truân, vất vả,
Đã giúp anh chăm sóc bố, mẹ già
Cũng đã ẵm bồng, chăm lo đàn con dại,
Cùng thăm nom cả nội, ngoại họ hàng.
Thăm Hội Thánh, cùng anh em đồng đạo,
Mong họ hiểu rằng, anh nào có tội.
Bởi anh mang lòng kính Chúa, yêu người,
Nếu kết án, cộng sản kia có tội,
Bán non sông, xã tắc Thiên điền
Dâng Tổ quốc thân yêu cho kẻ dữ.
Chúa công bình xét xử phải không em?
Thư anh viết trong đêm dài cộng sản
Hẹn gặp em trong ánh sang đa nguyên.

Vâng, đó là bài thơ trong tù, xin chép tặng những người yêu thơ. Nguyện Chúa ban phước lành cho Đảng, chính quyền và toàn dân Việt Nam thấm nhuần chân lý:
BAN ĐẦU ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT.

Hà Nội- Sài Gòn, mùa xuân 2012.
Ms. Thân Văn Trường


Anh Vươn muôn năm
Chị Thương đọc Kinh Thánh, Sáng thế ký chương 1, câu 1 BAN ĐẦU ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT.
Cu Hiếu, con trai người anh hùng áo vải Đoàn Văn Vươn
Chị Thương đang nâng niu, gom góp dựng lại cơ đồ trên hoang tàn của chủ nghĩa cộng sản


Giảng luận Lời Chúa ở đồng cống Rộc, trong nhà mới của họ Đoàn, BAN ĐẦU ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT(Sáng thế 1,1)

Trước căn nhà mới của gia đình họ Đoàn ở cống Rộc, chiều mưa phùn, gió bấc ngày 3.3.2012


Từ phải qua là vợ, cha, mẹ và 2 con của Ms. Ng. Trung Tôn.




Bà mẹ của 2 liệt sĩ và 1 mục sư(Nguyễn Trung Tôn) đang ở tù, cùng nàng dâu và các cháu ở thôn Yên Cổ, mùa xuân 2012.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More