Dân oan biểu tình ở Hà Nội (Ảnh minh họa) |
Lê Nguyên Hồng - DienDanCTM
Vụ Tiên Lãng đã tạm có thể khép lại về cơ bản. Tại sao lại nói như vậy? Vì nhà nước hiện do duy nhất 1 đảng lãnh đạo. Họ có toàn quyền định đoạt những vụ việc to lớn gấp nhiều lần vụ Tiên Lãng. Giải quyết ra sao, xét xử thế nào, kỷ luật ai, khởi tố ai, không nằm ở pháp luật mà nằm ở những cái đầu cao nhất trong hệ thống thượng tầng chính trị.
Nhưng cũng xin
chúc mừng những nhà báo (trong luồng và ngoài luồng), những người làm công tác
truyền thông dũng cảm, kiên trì, đã theo sát vụ Tiên Lãng. Họ đã kịp thời đưa
tin, kịp thời có những bình luận khách quan và sắc bén, khiến cho cả một hệ thống
chính quyền từ thấp đến cao buộc phải rung động, chao đảo, lúng túng…
Thực sự vụ Tiên
Lãng chỉ là một vụ việc nhỏ. Câu chuyện xảy ra ở Tiên Lãng - Hải Phòng không có
nhiều khác biệt (về tính chất) với những vụ tài xế Taxi, tài xế xa tải, tông
thẳng xe vào công an giao thông - đó cũng là những hành động xuất phát từ nỗi
oan ức chồng chất lâu ngày của cánh lái xe. Có chăng sự khác biệt quan trọng chính
là cách hành xử của chính quyền sau khi vụ nổ súng của gia đình anh Đoàn Văn
Vươn xảy ra…
Có lẽ trong
lịch sử báo chí Việt Nam, chưa bao giờ một vụ việc xô xát lại nhanh chóng được báo
chí sốt sắng vào cuộc, và phanh phui hết sự thật khó tin này, đến chuyện oái
oăm nực cười khác như vụ Tiên Lãng. Chỉ một vụ việc như vậy thôi mà cả hệ thống
quyền lực từ cấp xã đến tận trung ương phải loay hoay chống đỡ với dư luận, khiến
giới chức lãnh đạo tự mắc những sai lầm hết sức bi hài! Thậm chí đến cả thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy là một người thừa khôn ngoan mưu lược, nhưng cũng
mắc những sai lầm khi ra kết luận trước báo chí ngày 10/2/2012.
Vụ Tiên
Lãng tuy có thể chìm xuồng theo chiêu câu giờ muôn thủa của những kẻ nắm cán
cân luật pháp. Và đối với những người có kinh nghiệm, không mấy ai tin rằng vụ
Tiên Lãng sẽ “về đích” với sự công bằng. Nhưng nó thực sự đã gây ra một vết nội
thương nghiêm trọng cho chế độ. Vết nội thương đó không biểu hiện ra ngoài mà
ngấm ngầm tàn phá bên trong con bệnh. Thành tích đó xin dành cho báo chí!
Thật đáng
tiếc, năm 1997 không phải là năm 2012 và Thái Bình không phải là Tiên Lãng. Tại
Thái Bình năm 1997 sự kiện lớn về quy mô và tính chất nghiêm trọng hơn vụ Tiên
Lãng gấp hàng trăm lần. Tuy nhiên vào thời điểm đó mọi thông tin hoàn toàn bị
bưng bít, cho nên người dân nổi dậy chống áp bức đã không có sự hỗ trợ của
truyền thông.
Sự kiện
Thái Bình năm 1997 nổ ra tại xã Quỳnh Hoa huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình, lan sang
các xã khác như Quỳnh Hội, Quỳnh Mỹ và sang huyện Thái Thụy (xã Thái Thinh).
Sau đó là hàng vạn nông dân tiến lên vây hãm tỉnh lỵ Thái Bình…
Đêm 26,
rạng 27/6/97 hàng ngàn nông dân vốn chỉ đầu tắt mặt tối bám vào đồng ruộng, bỗng
nổi dậy đập phá chậu cảnh tường rào, bàn ghế tiếp khách, đốt các loại giấy tờ
của trụ sở ủy ban xã Quỳnh Hoa, tòa nhà trụ sở vừa xây tốn hơn 800 triệu đồng
bị chiếm giữ. Rồi sau đó, dân kéo nhau đi đập phá liên tiếp 8 ngôi nhà từ bí
thư Ðảng ủy, Chủ tịch ủy ban, đến cán bộ địa chính và các cán bộ khác của xã Quỳnh
Hoa.
Dẫn tiến
tiếp theo cuộc bạo động này là việc người dân bao vây Viện kiểm sát huyện Quỳnh
Phụ đòi thả hai người đã đánh kẻng tập hợp dân bị công an bắt. Cuộc xô xát này,
cho dù không có người tử nạn, song chính nó là bước ngoặt dẫn đến những diễn
biến tiếp theo ngày càng nhiều bạo lực hơn và ngày càng mang tính thù địch căm
hờn hơn là đấu tranh ôn hòa.
Một số
người trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa đã bị bắt. Đối phó
lại, ngay chiều tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người đã bao vây, bắt
giữ 23 công an và 1 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân Thái Bình, phá hủy 1 máy bộ
đàm, phá hỏng 1 xe ô tô. Theo ước đoán của người dân thì đã có hàng vạn nông
dân Quỳnh Phụ thuộc trên dưới 36 trong 38 xã của huyện đã đồng loạt tập trung
thành cuộc biểu tình từ xã lên tỉnh bằng xe đạp và sau đó chốt ở lại tỉnh 2
ngày đêm…
Người viết
không đi sâu vào chi tiết của sự kiên Thái Bình năm 1997; vì nhiều người đã
biết. Và kết cục của nó không như những gì mà ông Phạm Thế Duyệt nói với nhà báo Nguyễn Quang Vinh (cu
Vinh). Người viết bài này vốn có quê mẹ ở Thái Bình (mẹ hiện đang
sống ở Thái Bình), và có anh kết nghĩa ở xã Thái Thọ huyện Thái Thụy. Nếu muốn
điểm lại chi tiết sự kiện ngày đó thì chỉ mất vài ngày là có thể “dựng” lại sự
kiện ấy thành một… bộ phim.
Vấn đề muốn
nói ở đây là, nếu năm 2012 này mà có một sự kiện như Thái Bình năm 1997; thì
những người nông dân lam lũ nghèo khổ, sẽ được báo chí bảo vệ. Các phương tiện
truyền thông sẽ đưa tin để những kẻ nắm quyền không có cơ hội bưng bít sự thật
nữa. Cả thế giới sẽ theo dõi vụ việc và tất nhiên người dân sẽ nắm chắc cơ may
giành chiến thắng.
Thực ra chế
độ vẫn biết rằng mở cửa cho tự do thông tin là họ phải chấp nhận sự phán xét
của dư luận. Nhưng ngày nay nếu muốn hội nhập với quốc tế thì họ không còn cách
nào khác. Cho nên mặc dù không muốn, nhưng vụ Tiên Lãng vẫn không thể giấu nhẹm
như sự kiện Thái Bình năm xưa. Tin rằng một khi dân oan lâm vào thế đường cùng,
thì họ mới chính là lực lượng dám quên mình nhất. Mặc dù ban đầu dường như dân
oan chỉ đi đòi quyền lợi cho riêng cá nhân họ mà thôi.
Lê Nguyên
Hồng
1 comments:
Người Việt mình chừng nào đụng đến cái gì của tôi, lúc đó tôi mới lên tiếng, nhưng qua thời gian những bài học dạy cho chúng ta, trước người sau đến ta, như trường hợp anh Vươn và còn tiếp tục xảy ra nữa.
Đừng vô cảm nữa mà phaỉ lên tiếng
Đăng nhận xét