RSF: Việt Nam tiếp tục bị xếp là kẻ thù của Internet

DienDanCTM (Bản tin 12-03-2012)
Nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt Internet năm nay, hôm nay 12-03-2012 tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF đã cho phổ biến bản báo cáo những quốc gia kẻ thù internet năm 2012, trong đó Việt Nam tiếp tục là nước được liệt kê trong danh sách này cùng với hai nước mới là Bahrain và Belarus.

Danh sách này liệt kê các quốc gia đang áp dụng chính sách ngăn chận người dân tiếp cận với internet, bằng cách kiểm duyệt gắt gao, cùng với việc trấn áp những người bất đồng chính kiến dùng internet để nói lên tiếng nói trên mạng.Trong danh sách các nước kẻ thù internet năm nay gồm có các nước: Ả Rập Saudi, Bahrain, Belarus, Cuba, Miến Điện, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, , Iran, Uzbekistan, Syria, Turkmenistan và Việt Nam.  Hai nước có tên trong danh sách năm ngoái đã được xóa tên là Venezuela và Lybia.

Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2011 vừa qua là năm bạo lực chưa từng thấy chống lại những người sử dụng internet. Bản báo cáo cho biết " Trong năm 2011, các công dân mạng đã là tâm điểm của những thay đổi chính trị tác động đến thế giới Ả Rập. Cùng với các nhà báo, họ đã cố gắng làm cho kiểm duyệt thất bại, nhưng đổi lại, họ cũng đã phải trả giá đắt"

Riêng ở Việt Nam, tổ chức RSF đưa ra nhận định cho rằng vì lo sợ ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy cách mạng trong thế giới Ả Rập, nhà cầm quyền Việt Nam đã gia tăng trấn áp và kiểm soát internet nhằm ngăn cản mọi nguy cơ gây bất ổn định chế độ. Điển hình qua việc gia tăng đàn áp bắt bớ hoàng loạt những người yêu nước biểu tình chống Trung quốc gây hấn xâm lược biển Đông hồi mùa hè năm ngoái.

Năm ngoái, Việt Nam được cho là nhà tù lớn thứ hai thế giới về số người sử dụng Internet bị giam giữ vì lý do chính trị, với tổng cộng 18 người đang ngồi tù. Ngoài ra, ngoài những nhà bất đồng chính kiến bị bắt trước đây như  linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày… mức độ trấn áp bắt giữ những blogger, những người dân báo dùng internet làm phương tiện nói lên tiếng nói mình cũng đã gia tăng trong năm qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của RSF, nhờ có internet, qua hình thức blog, các nhà dân báo tự do đã phát triển và thu hút mọi người, tiếp tục chiếm lĩnh những khoảng trống mà báo chí chính thống nhà nước đã né tránh không dám đề cập tới.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More