skip to main |
skip to sidebar
Nguyễn Quang Vinh
Có những điều tưởng đã rất cũ, nhưng khi xảy ra một vụ việc, thì cái điều cũ ấy lại trở nên tươi mới, và lại phải học lại: đó là bài học về ứng xử với nhân dân mình của các cấp chính quyền.
Đối với vụ Tiên Lãng, bài học về cách ứng xử với nhân dân càng trở nên cần thiết vô cùng: ứng xử trong hành động, ứng xử trong phát ngôn, ứng xử trong thực thi nhiệm vụ và ứng xử nhân văn giữa nhà đương chức với người dân lao động.
Muốn ứng xử tốt thì phải có góc nhìn tốt.
Tại vụ Tiên Lãng, một số cán bộ lãnh đạo địa phương đã có cái nhìn sai lệch đối với nhân dân mình. Họ nhìn nhân dân với con mắt kiêu ngạo, coi thường, coi dân như “con”, cái nhìn bề trên, cái nhìn “quan lại”. Cái nhìn sai thì hành động trở nên ngông cuồng, hỗn láo với nhân dân. Khi thực thi công vụ đã hỗn láo. Đến khi sai nhè ra đấy vẫn tỏ thái độ trịch thượng, bất cần đạo lý, ngông nghênh và bề trên.
Nhân dân lao động, đóng thuế nuôi cán bộ chính quyền, và chính họ sẽ phải tận tụy phục vụ lại nhân dân, phục vụ vô điều kiện, phục vụ với thái độ trân trọng, lễ phép với nhân dân. Vụ Tiên Lãng xảy ra, ta thấy một số cán bộ đã rất coi thường dân. Coi thường cả những kiến nghị của dân, lừa dân. Coi thường cả khi mình hành động sai, không xin lỗi dân đã là cái sai lớn, lại còn tuyên bố hùng hồn: Chúng tôi làm thì chúng tôi phải nói là chúng tôi đúng ( Lời Chánh văn phòng UBND Tiên Lãng).
Bài báo gần đây của ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trên báo Nhân Dân viết về lực lượng công an nhân dân trong phần kết Bộ trưởng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: Công an nhân dân phải lễ phép với dân.
Lễ phép với dân không chỉ đối với công an nhân dân mà còn đối với mọi cán bộ công quyền trong bộ máy nhà nước. Vì nhân dân là chủ. Cán bộ là ” công bộc”.
Nhưng trong quá trình hành xử, nhiều cán bộ chính quyền, đặc biệt ở vụ Tiên Lãng, hai chữ “lễ phép” với nhân dân đã trở nên xa vời vợi.
Biết trước anh em Đoàn Văn Vươn nhất định chống lại lực lượng cưỡng chế, thay vì bằng các biện pháp gặp gỡ, giải quyết, xử lý bất đồng, bình tĩnh và tôn trọng kiến nghị của người dân thì họ lại vội vã cưỡng chế, chặn họng người dân, cưỡng chế như đi cướp đất với những điều kiện ngạo mạn đầy uy lực: không đền bù.
Thay vì khi Thủ tướng kết luận chính quyền sai, họ phải xin lỗi dân, quan tâm chăm sóc những người trong gia đình anh Đoàn Văn Vươn bị chính họ phá nhà, mất chỗ ở vào đúng ngày Tết nguyên đán, thì họ lại trơ tráo nói (lời bí thư xã Vinh Quang): gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở nơi khác tới ngụ cư làm ăn, chính quyền không phải có trách nhiệm quan tâm.
Khi đã cưỡng chế sai, tung ra một lực lượng vũ trang quá lớn để trấn áp một cách trái pháp luật, họ lại đưa ra bài học về hợp đồng tác chiến, coi dân như kẻ thù.
Đã phá nhà dân nằm ngoài khu vực cưỡng chế, sai lè lè, họ lại tuyên bố người dân bức xúc nên phá gây phẫn nộ trong công chúng.
Kiểm kê tài sản, nhà cửa theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng họ lại không cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn được chứng kiến, không cho gia đình một bản thanh tra tài sản mà đáng ra dứt khoát gia đình phải có, lại ép người dân ký, khi người dân không ký ( tất nhiên không ai ký vào một biên bản thanh tra tài sản mà mình không chứng kiến kiểm đếm) thì họ lại lu loa là gia đình không hợp tác.
Khi báo chí, các ý kiến chuyên gia, lão thành cách mạng nêu ý kiến phê phán cái sai, phân tích cái sai, phân tích có lý có tình hậu quả của việc thực thi trái pháp luật trong vụ cưỡng chế tại gia đình Đoàn Văn Vươn, và sau đó Thủ tướng kết luận, khẳng định các cấp chính quyền sai trái, báo chí đưa tin minh bạch mọi việc thì họ lại cho rằng như thế là bôi nhọ hệ thống chính trị, bôi nhọ chính quyền.
Còn nhiều nữa những ứng xử của chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng trong vụ việc này, những hành động ứng xử hiếm gặp ở đất nước ta, hiếm gặp ở những nơi gọi là chính quyền nhà nước do dân, vì dân.
Khi thực thi công việc thì ứng xử quan liêu, áp đặt, cửa quyền, trấn áp.
Khi sai thì chống chế, ngụy biện, nói xằng, những phát ngôn đã sai về nội dung còn gây phản cảm về ngôn từ, khiến nhân dân đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong cái kiểu ứng xử thiếu văn hóa, thiếu ý thức và thiếu nhân văn của địa phương này.
Do những ứng xử của chính quyền như thế, mới xảy ra việc, lần đầu tiên, quá hiếm hoi, báo chí, dư luận, trí thức, các lão thành cách mạng, cả những cán bộ đương chức, tất cả đều đứng về phía gia đình Đoàn Văn Vươn mà với chính quyền đang coi họ là ” tội phạm”.
Vì sao? Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi đứng về phe nước mắt. Phe nước mắt chính là nhân dân lao động, chính là gia đình anh Đoàn Văn Vươn.
Bài học về ứng xử với nhân dân từ vụ Tiên Lãng trở nên sống sít, bức bách và cần thiết cho mọi cán bộ công chức của mọi cấp chính quyền của cả nước.
Nếu chính quyền lễ phép với nhân dân, kính trọng nhân dân, hành động vì mục đích trong sáng, chắc chắn không xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn.
Nhân dân là chủ.
Nhìn nhân dân không phải bằng cái nhìn xuống đầy trịch thượng với hành vi của một kẻ ban ơn, ban phát, mà chính là phải ngước lên nhìn nhân dân mình, với lòng tận tụy phục vụ nhân dân vô điều kiện.
Bác Hồ dạy Dĩ công vi thượng là như thế.
Ngay cả khi một bộ phận nhân dân vi phạm pháp luật thì xử phạt theo pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng đừng bao giờ nhìn họ bằng đôi mắt coi thường, như nhìn kẻ thù.
Nhân dân làm nên đất nước này.
Nhân dân giữ vững đất nước này.
Nhân dân là MẸ.
1 comments:
Có dân, có đất, có quyền
Mất dân, mất đất, mất quyền, lưu vong.
Ngày ngày tựa cửa sắt cong
Tủi thân lao lý - Tổ Tông ngậm ngùi.
Gương xưa tích củ rực mùi
Xin đừng vứt bỏ để vùi bùn nhơ
Dân là gốc là nguồn tơ
Bỏ dân nào khác dây mơ đoạn nguồn.
Đăng nhận xét