Nghĩ đến Đức Thầy ta thường nghĩ đến vị Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, một tôn giáo phát sinh trong lòng dân tộc với hơn 7 triệu tín đồ lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản hành đạo. Ít người biết được Đức Thầy là người sáng lập đảng Dân Xã, một Tổ Chức chính trị theo nguyên tắc “chủ quyền ở nơi tòan thể nhân dân”, chủ trương “tòan dân chánh trị” và “chống độc tài bất cứ hình thức nào”.
Kỷ niệm 65 năm ngày Đức Thầy thọ nạn, người viết xin được chia sẻ vài suy nghĩ về tư tưởng tòan dân chánh trị. Để tôn trọng những văn bản người xưa để lại, bài viết xin được dùng cụm từ chánh trị thay vì chính trị.
Ngày 9-3-2012 vừa qua phóng viên Đài Á Châu Tự Do Đỗ Hiếu đã phổ biến bài về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ông cho biết quan niệm của Tỳ Kheo Thích Pháp Huyền, trụ trì Tịnh Xá Phước Huệ,thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ở Định Quán thì mọi sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam đều được tự do, thoải mái: “Khi có lễ lộc hay bất cứ việc gì đều được nhà nước ủng hộ, chứ không có gì khó khăn, Mô Phật, đúng như vậy. Mình là người tu hành thì nhà nước rất tán đồng, hoan hỷ. Mình cứ tu theo giáo lý Đức Phật, không tham gia về chánh trị, thì chùa chiền được mở rộng, không có khó khăn gì.”
Trước cảnh nước mất về tay Trung cộng, nhà tan vì độc tài cộng sản vẫn có những Tỳ Kheo chỉ theo giáo lý, chỉ lo mở chùa, chỉ lo đắp tượng, quên đi cảnh nước mất nhà tan mới hiểu được hòan cảnh 65 năm về trước. Vào tháng 4 năm Ất Dậu (1945) Đức Hùynh Phú Sổ có đặt câu hỏi với tín đồ như sau: “Tôi là một nhà tu hành, lẽ thì vào chốn non cao, núi thẳm tu tâm dưỡng tánh, cớ nào hôm nay lại xen vào chánh trị?!” Không ai nói gì Đức Thầy có vẻ buồn, cau chân mày và ngâm bài thơ tứ tuyệt dưới đây:
Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
Thương đời chưa vội ẩn non cao.
Quyết đem tâm sự tâu cùng Phật,
Nhờ uy tín và dấn thân đấu tranh chánh trị, sau đảo chánh Pháp 1945 Đức Thầy được bầu làm thủ lãnh của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm nhiều Tổ Chức Tôn Giáo, Tổ Chức Dân Sự Xã Hội, Tổ Chức Chánh Trị và Nhân Sĩ. Một điều không thể phủ nhận nếu thiếu đi sự tích cực tham gia chánh trị của Đức Thầy, của những Tổ Chức Quốc Gia, và những Cá Nhân không chấp nhận cộng sản thì đã không có một miền Nam tự do (1954-75), một Hải ngọai chống cộng và một quốc nội đang sửa sọan đứng lên giải thể cộng sản như ngày nay.
Đến ngày 21-9-1946, Đức Thầy loan báo đã thành lập một đảng Chính Trị lấy tên là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắc là đảng Dân Xã. Qua lời loan báo Đức Thầy kêu gọi: “Tất cả anh em tín đồ nếu thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, thương nước thương dân hãy tham gia mà tranh đấu. Ðây (đảng Dân Xã) là phương tiện để anh em tín đồ hành sử Tứ Ân".
Sau này Ðức Huỳnh Giáo Chủ giải thích rõ hơn: “…mặc dù tôi ở trong địa hạt Phật giáo, nhưng có quyền riêng là gia nhập Việt Nam Dân Xã, nó hợp với quan niệm tranh đấu chánh trị của tôi. Cái quyền nhập đảng ấy, anh em Công giáo, Cao đài, Tịnh độ cư sĩ vẫn có cũng như tôi. Hiện nay tôi là đảng viên của đảng Dân Chủ Xã Hội và có rất nhiều anh em ở Hậu giang cũng đã vào đảng Dân Xã. Khi đã vào đảng đều tuân kỷ luật của đảng trong sự hoạt động chánh trị. Như vậy cũng rõ rệt rằng Phật Giáo Hòa Hảo và đảng Dân Xã là hai tổ chức khác nhau, Tôn giáo là Tôn giáo mà Chánh trị là Chánh trị".
Rõ ràng Đức Thầy chỉ xem việc tham gia chánh trị để đền Ân Đất Nước và xem đảng Dân Xã như một phương tiện để phục vụ đất nước quê hương.
Phật Giáo Hòa Hảo - Tứ Ân - Bát Chánh
Bên trên Đức Thầy đã giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa hai tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo và đảng Dân Xã. Phật Giáo Hòa Hảo cũng có cơ cấu tổ chức từ trung ương xuống đến địa phương. Những người đại diện hay lãnh đạo ở mọi cấp đều do tín đồ chọn ra từ những người có tài có đức.
Theo lời Đức Thầy trên tinh thần thì cả hai tổ chức đều dựa trên Tứ Ân. Nhất là dựa trên Ân Đất Nước, truyền dạy con dân phải bảo vệ đất nước khi bị ngọai bang xâm lăng, xây dựng đất nước cho được cường thạnh, cứu nguy đất nước khi bị ngọai bang thống trị, tùy tài tùy sức hy sinh cho xứ sở. Nếu không làm được như trên thì phải tránh làm cho nước nhà đau khổ và chớ tiếp tay với ngọai bang xâm lược làm tổn hại đến đất nước. Như thế theo lời Thầy dạy yêu nước là phải tích cực chống cả ngọai xâm lẫn chống những kẻ nội thù đang hủy họai đất nước quê hương.
Ngòai Tứ Ân, Đức Thầy còn truyền giảng Bát Chánh là căn bản để rèn luyện đạo hạnh cá nhân. Bát Chánh gồm có:
Chánh kiến là dòm thấy xem thấy đúng như sự thật;
Chánh tư duy là tư tưởng chân chánh;
Chánh nghiệp là việc làm chánh đáng ngay thẳng;
Chánh tinh tấn là tín ngưỡng chân chánh;
Chánh mạng là giữ sanh mạng chân chánh và trong sạch;
Chánh ngữ là lời nói chân thật;
Chánh niệm là ghi nhớ sự chân chánh; và
Chánh định là suy nghĩ chân chánh.
Còn chánh trị theo người viết là làm những việc chánh đáng cho đất nước cho quê hương.
Tư Tưởng Chánh Trị Tòan Dân
Theo lời Đức Thầy dạy Phật Giáo Hòa Hảo lấy Tứ Ân và Bát Chánh làm căn bản, thế nên rất dễ dẫn đến kết luận tư tưởng chánh trị tòan dân chính là tư tưởng của Đức Thầy.
Theo Hồi Ký của Ông Trần văn Ân việc quyết định thành lập và soạn ra chủ trương của Dân Xã Đảng chỉ gồm 5 người Đức Thầy, ông Nguyễn văn Sâm, ông Nguyễn Bảo Tòan, ông Nguyễn văn Nhiều và chính ông. Văn bản Dân Xã Đảng hòan tất là từ ý kiến của cả năm người, và những người đã được hội ý nhưng không hiện diện, nhưng nhờ hồi ký của ông Trần văn Ân chúng ta có thể xác định được tòan dân chánh trị chính là tư tưởng của Đức Thầy.
Ông Ân cho biết Đức Thầy : “Ưng nghe và thảo luận suốt ba ngày, ưng chánh trị hóa quần chúng của mình, không chấp nhận sự cuồng tín như ta đã thấy ở nhiều tôn giáo từ xưa và hiện nay, không chấp nhận độc tài đảng trị, không bỏ rơi người nghèo khổ, ưng làm những gì để thủ tiêu bất công xã hội, chống cộng mà không ưng tàn sát, thương người thương cả mọi người: quả tình là hiếm có. Mà sở dĩ có được, theo tôi nghĩ, là nhờ truyền thống Phật giáo…”
Tư tưởng tòan dân chánh trị chính là tư tưởng dân chủ tuyệt đối, dân chủ hạ tầng, dân chủ phân quyền. Nói một cách đơn giản Đức Thầy cổ vũ mọi người có quyền tham gia chánh trị để làm những việc chánh đáng cho đất nước cho quê hương. Đây quả là một tư tưởng đi trước thời đại.
Tư Tưởng Độc Tài Cộng Sản
Đối nghịch lại là tư tưởng độc tài cộng sản, những người cộng sản cho rằng chánh trị là việc làm chuyên môn của những người đã được tuyển chọn, đào tạo và rèn luyện bên trong guồng máy đảng Cộng sản. Ở cực điểm là chuyện cha truyền con nối, bè phái như hiện nay. Mọi quyền lực quốc gia nằm trong tay 14 Ủy viên Bộ Chính Trị.
Đảng Cộng sản cho rằng dân trí Việt Nam còn thấp chưa đủ để thực thi dân chủ. Vào đầu năm nay 2012 cuộc tranh luận về vai trò của người trí thức tiết lộ một điều vô cùng quan trọng là nhiều người có học thức tại Việt Nam cũng chưa biết, chưa hiểu, hay chưa dám biết, chưa dám hiểu những quyền tự do mà họ đã bị đảng Cộng sản tước đọat. Ngược lại nhiều người thuộc các tầng lớp khác lại dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ. Trong số đó có rất nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và chiến sĩ Dân Xã đảng. Điều này cho thấy lập luận dân trí và dân chủ nêu trên chỉ là những lập luận ngụy biện.
Có nhìn ra được điều này mới thấy rõ trên 65 năm về trước Đức Thầy đã chủ trương mang chánh trị xuống đến tòan dân, giáo dục chánh trị cho tòan dân. Đảng Dân Xã thành lập chỉ làm phương tiện để Đức Thầy có thể áp dụng tư tưởng chánh trị tòan dân của mình nâng cao tầm hiểu biết về dân chủ xã hội của hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, mà đa số là những nông dân ít học. Tư Tưởng và hành động của Đức Thầy đã đi trước thời đại.
Chánh trị hóa quần chúng
Không ít người trong chúng ta đều ngán ngẩm hai từ “chính trị” và thường tìm cách để “phi chính trị” hóa mọi vấn đề. Đây chẳng qua là hậu quả của guồng máy cai trị cộng sản đã thiết lập nhằm cai trị dân ta. Đảng, quốc hội, nhà nước, đòan thể, … tất cả chỉ nhằm phục vụ chế độ cộng sản. Riết đâm ra chúng ta quên rằng làm chánh trị đơn giản chỉ là làm những việc chánh đáng cho đất nước cho quê hương.
Còn Ðức Thầy thành lập đảng Dân Xã làm phương tiện đeo đuổi quốc sách, nhằm tranh đấu thực hiện các mục tiêu chánh trị, xây dựng một nước Việt Nam "Công bình và nhơn đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước dân chủ tiền tiến trên hoàn cầu". Chánh trị chính là mục tiêu tối hậu, còn đảng chỉ là phương tiện để đạt đến mục tiêu.
Trên thực tế mỗi quốc gia trong mỗi lúc có hòan cảnh khác nhau, mỗi quốc gia lại được hình thành từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Các tầng lớp này lại luôn thay đổi theo hòan cảnh của cá nhân và xã hội. Vì thế không lạ gì khi quyền lợi và ý kiến chánh trị mỗi người dân đều khác nhau có khi lại trái ngược nhau.
Khi quần chúng đã được giáo dục chánh trị thì những người cùng một xu hướng chánh trị, có cùng chung các quyền lợi thường tập hợp nhau thành những tổ chức chánh trị. Mỗi tổ chức chánh trị lại đề ra có những chánh sách theo quan niệm xu hướng chánh trị của mình. Các tổ chức chánh trị cạnh tranh nhau qua những chánh sách do tổ chức của mình đề ra và khả năng thực hiện chánh sách. Nhờ đó xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.
Nói một cách khác cuộc đấu tranh chánh trị là một cuộc đấu tranh trường kỳ giữa các cá nhân, các tổ chức chánh trị. Tổ chức nào đề ra các quốc sách phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân trong từng giai đọan sẽ được tòan dân trao cơ hội để thực hiện.
Trước khi một quốc sách được hoàn thành thì các tổ chức chánh trị phải đưa ra các quốc sách mới và phải vận động để tòan dân ủng hộ quốc sách mới này hầu được tiếp tục lãnh đạo quốc gia. Hành động chánh trị luôn luôn có tính cách trường kỳ, và lúc nào chánh trị cũng đóng lấy vai trò lãnh đạo đưa đất nước thăng tiến.
Đó chính là tư tưởng chánh trị tòan dân của Đức Thầy và là lý do tại sao Đức Thầy sáng lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Dân Chủ Xã Hội
Trong Hồi ký ông Trần văn Ân còn cho biết: “Mấy câu hỏi mà Đức Thầy nêu lên là trong hòan cảnh nước nhà có thể thực hiện chánh trị xã hội và dân chủ được chăng ? Sự khác biệt giữa nước mình và Tây Âu ? Có tổn thương tôn giáo hay không ? Làm sao để đề cao nhân phẩm, v.v…”
Ngày nay tư tưởng Dân Chủ Xã Hội làm nền tảng căn bản cho đảng chánh trị tại các quốc gia tân tiến. Đạo Thiên Chúa chủ trương một xã hội công bình nên các tín đồ Thiên Chúa Giáo thường gia nhập hay tích cực yểm trợ các đảng Dân Chủ Xã Hội. 65 năm về trước Đức Thầy cũng nhận ra tư tưởng dân chủ xã hội phù hợp với khối quần chúng nông dân mà mình đang lãnh đạo. Trong một dịp khác người viết sẽ trở lại đề tài này.
Thực Tế Việt Nam
Không may cho Việt Nam đất nước của chúng ta, 65 năm qua đảng Cộng sản sử dụng bạo lực để cướp và nắm giữ chính quyền. Về tư tưởng đảng Cộng sản lấy quốc tế cộng sản, lấy ngọai bang làm đồng chí anh em, xem những người đồng chủng không chấp nhận cộng sản là kẻ thù và sẵn sàng ra tay đàn áp tiêu diệt. Ngày nay cả Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải được quan thầy Tàu cộng phê chuẩn chấp nhận nên bọn họ được ví như những thái thú thời Bắc Thuộc.
Hòang sa, Trường sa, Bản Giốc và nhiều phần đất quê hương hiện đang trong tay quân giặc. Bauxite Tây Nguyên, rừng Việt Nam cũng không thóat khỏi tay Tàu cộng. Nhục mất nước, nhục làm thân nô lệ cũng chỉ vì những người cộng sản đã bán rẻ linh hồn và thể xác cho ngọai bang Trung cộng. Để tiếp tục cầm quyền thiểu số lãnh đạo cộng sản luôn sẵn sàng làm tay sai cho Tàu cộng, tiếp tục đàn áp dân lành và bán đứng quê hương đất nước. Theo đuổi những tư tưởng ngọai bang Mác, Lênin, Stalin, Mao, đảng Cộng sản đưa Việt Nam đến tình trạng hiện nay, dân tình thì đói khổ, xã hội thì phân chia, nhân tâm thì ly tán, đạo lý thì suy đồi, ... đất nước khủng hỏang bế tắc tòan diện.
Lịch sử đang xoay chiều, Khối Tự Do ngày càng xóa dần các thể chế độc tài và độc tài cộng sản. Các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông đang lần lượt đứng lên để giành lại tự do. Chính đảng Cộng sản phải tự thú thay đổi để sống còn, nhưng vì bản chất không thay đổi, chế độ cộng sản đã bị đào thải tại Nga sô và Đông Âu rồi cũng sẽ bị đào thải tại Việt Nam.
Chánh Trị Tòan Dân Là Chân Lý
Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo các chiến sĩ Dân Xã Đảng theo lời Đức Thầy dạy dựa vào dân tộc chiến đấu cho quyền lợi Tổ Quốc quyền lợi Dân Tộc. Tư tưởng chánh trị tòan dân của Đức Thầy đã thấm nhuần trong tâm trí các chiến sĩ Dân Xã. Các chiến sĩ Dân Xã một phát triển thành mười, mười phát triển thành trăm, trăm phát triển thành ngàn, … cứ thế theo lời Thầy dạy triệu người đang đứng lên để giành lại tự do, để xây dựng dân chủ, công bình, bác ái, đưa đất nước tiến lên hòa nhập vào thế giới văn minh.
Bài viết trước “Hiến Pháp Phải Gắn Liền Với Con Người Việt Nam” người viết đã đề nghị mang quyền sáng kiến vào Hiến Pháp Mới của Việt Nam. Theo đó nếu bất cứ sáng kiến nào một tỷ lệ làng xã Việt Nam đồng thuận thì sẽ biến thành những chánh sách quốc gia. Quyền sáng kiến sẽ giúp người dân nhất là người nông dân được trực tiếp tham gia hình thành các chánh sách quốc gia. Nó sẽ giúp cân bằng quyền lực giữa trung ương và địa phương và tạo nên sự công bằng giữa các địa phương. Một Hiến Pháp với sự liên tục tham gia trực tiếp giữa làng xã và chính quyền Trung Ương sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Chủ trương chánh trị tòan dân của Đức Thầy vì vậy nên được xem là một chân lý và ý tưởng mang quyền sáng kiến vào Hiến Pháp Mới của Việt Nam hòan tòan thích hợp cho Việt Nam Thống Nhất từ Bắc xuống Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
14/3/2012
Tài Liệu Tham Khảo
Sách Hành sử đạo nhân, Trang Nhà Phật Giáo Hòa Hảo
Sấm Giảng Thi Văn Tòan Bộ của Đức Hùynh Giáo Chủ, Văn phòng Phật Giáo Hòa Hảo Victoria - Ấn Hành 1997.
Nguyễn Long Thành Nam (1991), Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, Tập San Đuốc Từ Bi xuất bản.
Nguyễn Quang Duy (3-2011), Theo Chân Đức Thầy Kết Liên Cứu Quốc
Nguyễn Quang Duy (2-2012), Hiến Pháp Phải Gắn Liền Với Con Người Việt Nam
Trần văn Ân, Thành Lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, Nguyễn Long Thành Nam từ trang 414 đến trang 417.
0 comments:
Đăng nhận xét