Vì sao cứ luôn chọn lựa sai, cứ luôn học theo cái sai?

Song Chi

Phó Chủ tịch nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, người được cho là sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào kỳ Đại hội lần thứ 18 sắp tới của đảng cộng sản TQ, trong bài phát biểu tại Lễ khai giảng học kỳ mùa xuân Trường Đảng Trung ương ngày 1 tháng 3 năm 2012, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giữ gìn tính trong sạch của đảng cộng sản TQ.

Đọc bài phát biểu của ông Tập Cận Bình được đăng tài trên tạp chí Cầu Thị, sau đó được dịch sang tiếng Việt và đưa lên trang Anh Ba Sàm, chúng ta thấy gì?


Thứ nhất, cho đến giờ phút này, người lãnh đạo thuộc thế hệ thứ 5 của đảng cộng sản TQ này vẫn nói rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc là một chính đảng Macxit,” rằng “Đảng chúng ta là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân Trung Quốc, đồng thời là đội quân tiên phong của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa, ngoài lợi ích của giai cấp công nhán và đông đảo quần chúng nhân dân ra, Đảng không có lợi ích của riêng mình, bất cứ lúc nào Đảng cũng đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân…”, “cán bộ lãnh đạo của Đảng phải luôn coi những bài giảng lý luận của chủ nghĩa Mác và phần Trung Quốc hóa trong đó là tư tưởng chỉ đạo, luôn coi việc phấn đấu vì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là niềm tin lý tưởng, kiên trì đường lối tư tưởng thực sự cầu thị của chủ nghĩa Mac…”…Rằng TQ vẫn đang trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa “mang màu sắc Trung Quốc”, và vẫn trích dẫn những câu nói của V.Lenin, Mao Trạch Đông… Nghĩa là, về mặt lý luận cũng cũ mèm và chẳng khá gì hơn các ông lãnh đạo VN chuyên trị dựa vào chủ nghĩa Mác, vào các khái niệm “xây dựng xã hội chủ nghĩa”, trích dẫn Mác, Hồ Chí Minh. Nghĩa là, vẫn nói những điều chẳng ai còn tin và ngay chính người nói cũng không tin.

Thứ hai, những vấn đề của đảng cộng sản TQ mà ông Tập Cận Bình đưa ra cũng không có gì mới mẻ, như một bộ phận đảng viên bị biến chất, “không giữ nổi cái gốc kỷ cương Đảng và quốc pháp, cuối cùng rơi vào thối nát suy đồi”, có những người vào đảng chỉ vì mục đích cá nhân, vì việc đó sẽ đem lại được điều lợi cho mình và gia đình, người thân, đảng bị mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân v.v…

Biện pháp mà ông đưa ra cũng không mới “Phê bình và tự phê bình là truyền thống và tác phong tốt đẹp của Đảng chúng ta”, “kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức, kỷ luật công tác kinh tế, kỷ luật công tác quần chúng và kỷ luật liêm chính thành quy phạm hành vi của mình” …
Trước ông Tập Cận Bình, nhiều nhà lãnh đạo TQ cũng đã từng lên tiếng báo động về tình trạng thoái hóa, biến chất, thối nát của nhiều đảng viên nói riêng và đảng cộng sản TQ nói chung. Nhưng có vẻ như đến giai đoạn này, sự thối nát, băng hoại của đảng cộng sản TQ đã trở nên nghiêm trọng, nên cả ông Tập Cận Bình, và trước đó là ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lẩn kêu gọi đảng cộng sản TQ phải cải cách chính trị. Trong buổi họp báo sau kỳ họp Quốc hội bế mạc ngày 14.3.2012, ông Ôn Gia Bảo nói rất mạnh rằng: “Nếu không cải tổ thành công cơ cấu chính trị, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội của Trung Quốc sẽ không được giải quyết căn bản và các thảm kịch lịch sử kiểu như cách mạng văn hóa có thể lại xảy ra” (theo VietnamNet).

Còn trong bài phát biểu trên của ông Tập Cận Bình, cái từ được ông Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong bài, đó là từ “thối nát”. Nào là “những phần tử thoái hóa biến chất, phần tử thối nát không thể cứu chữa”, “hiện tượng thối nát, chống lại thối nát”, “Có những cán bộ lãnh đạo sở dĩ bị sa vào vực thẳm phạm pháp, thối nát suy đồi, xét về căn bản là “cái điều khiển” thế giới quan, nhân sinh quan đã có vấn đề, đã bị mất khả năng phòng ngừa thối nát, biến chất”, “Giám sát chặt chẽ là con đường quan trọng để ngăn ngừa sự thối nát…”

Đối với người VN, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nghe rất quen. Những vấn đề mà đảng cộng sản TQ đang đối mặt cũng là những vấn đề của đảng cộng sản VN. Chả phải các ông lãnh đạo đảng cộng sản VN cũng từng đề cập đến những điều tương tự hay sao. Mới đây nhất ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng kêu gọi chỉnh đốn đảng, cũng nói đển tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất v.v…

Nghĩ cũng khôi hài cho hai cái đảng cộng sản anh em VN, TQ này, giống nhau từ mô hình thể chế cho đến những căn bịnh cũng giống nhau, cách chữa trị cũng giống nhau. Trang Anh Ba Sàm có lời bình rất hài hước về vụ này:

“…Vì sao lãnh đạo đảng ở nhiều nước tư bản không cần phải “chỉnh đốn”, “xây dựng” đảng như Đảng Cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc? Chẳng hạn như Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc, do bà Angela Merkel, thủ tướng Đức làm chủ tịch, hay đảng Dân chủ của tổng thống Mỹ Obama và nhiều đảng khác ở các nước tư bản, không gặp phải những vấn đề “sống còn” như hai đảng cộng sản “anh em” ta? Hầu như không thấy tổng thống Mỹ hay thủ tướng Đức có những bài phát biểu để chỉnh đốn hoặc làm trong sạch đảng của họ. Hoặc là đảng của họ không phải là nơi tập trung những thành phần “thối nát nhất” của xã hội, hoặc là đảng của bọn tư bổn vẫn đang “giẫy chết” nên không cần chỉnh đốn…”

Trước sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế TQ trong ba thập niên qua dẫn đến sự thay đổi chóng mặt của đất nước này, trong lúc nền kinh tế của Hoa Kỳ và châu Âu gần đây bị suy thoái kéo dài, nhiều người đã vội nghĩ đến khả năng Hoa Kỳ bị suy yếu, TQ sẽ vượt qua Hoa Kỳ và trở thành lãnh đạo thế giới. Nhưng nếu suy nghĩ một cách tỉnh táo, người ta sẽ nhận ra khả năng đó hãy còn xa lắm.

Trước mắt, rõ ràng đảng cộng sản TQ đang phải vật lộn để tìm cách chữa trị những căn bịnh trầm trọng, đảng đã trở thành nơi tập trung mọi thối nát, đã tự đánh mất uy tín, lòng tin của nhân dân như lời ông Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, đảng và nhà nước cộng sản TQ còn phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề xã hội có nguy cơ làm sụp đổ chế độ-nạn tham nhũng nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội quá lớn, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, thiên nhiên bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác bừa bãi…

Chỉ trừ tầng lớp đặc quyền đặc lợi, bọn tham nhũng, thành phần tư bản đỏ, còn lại đa số người dân TQ chưa thật sự hạnh phúc trong một xã hội không có một chế độ an sinh, phúc lợi để đảm bảo cho cuộc sống của người dân, cũng như không được hưởng những quyền tự do dân chủ như những quốc gia có nền dân chủ pháp trị trên thế giới. Mà ngay cả tầng lớp giàu có ở TQ nhiều người cũng vẫn đang tìm mọi cách để rời khỏi TQ, sang sinh sống tại Hoa Kỳ, Canada hay một số quốc gia châu Âu khác, với lý do môi trường sống an toàn hơn, tốt hơn, quyền con người được tôn trọng và một nền giáo dục tốt hơn cho con cái.

Về mặt đối nội, những nguy cơ bất ổn chính trị luôn luôn đe dọa đến sự tồn vong của đảng, nhà nước TQ từ sự bất bình, bất mãn của đông đảo nhân dân nhất là tầng lớp nông dân, công nhân, dân nghèo, những xung đột về sắc tộc, văn hóa, chính trị trong các khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng…Và ngay cả sự đấu đá trong nội bộ đảng mà mới đây, vụ Bạc Hy Lai là một ví dụ. Đối ngoại, chính sách hung hăng gây hấn và tham vọng to lớn của TQ tại biển Đông đã khiến nhiều quốc gia trong vùng cảnh giác, nhìn qua nhìn lại TQ chả có ai thực sự là đồng minh, bạn bè.

Tóm lại, TQ còn có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi có thể trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới!

Trước đây nhà cầm quyền VN đã lựa chọn đi theo con đường/mô hình của nhà nước cộng sản Liên Xô, nhất nhất học theo Liên Xô về mọi mặt. Đến khi Liên Xô sụp đổ, không do các tác động hay một cuộc chiến tranh nào từ bên ngoài, mà do chính những vấn đề nội tại của mô hình thể chế chính trị, xã hội của Liên Xô, nhà cầm quyền VN lại quay sang nhất cử nhất động học tập theo TQ.

Nhưng một mô hình như TQ hiện tại liệu có nên noi theo?

Chính những người lãnh đạo cao nhất của TQ cũng đã phải nói đến chuyện cần cải cách, thay đổi về chính trị. Những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN nghĩ gì khi nhìn sang “đàng bạn”, “nước bạn”, và nhìn rộng ra thế giới?

Dân tộc VN đã từng nhiều lần chọn lựa sai, từng nhiều lần nhỡ tàu trong lịch sử. Đặc biệt là từ giai đoạn có sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Những sai lầm nối tiếp sai lầm, nhỡ tàu nối tiếp nhỡ tàu, đã khiến cả đất nước này, dân tộc này hiện đang đứng ở thứ hạng rất thấp về nhiều mặt so với các nước láng giềng và so với thế giới. Chưa kể đến cái giá máu xương đã trả, một phần lãnh thổ lãnh hải đã mất và bao nhiêu hệ lụy khác.

Bây giờ, không lẽ đảng, nhà nước cộng sản VN lại tiếp tục tìm cách câu giờ chờ đợi xem mọi chuyện sẽ thế nào, hay ít nhất, chờ TQ thay đổi trước rồi mới thay đổi theo, như đã từng học theo đuôi cái gọi là “đổi mới” trước đây?

Vì sao những cái đầu “đỉnh cao trí tuệ” đang ngồi trong Bộ Chính trị đảng cộng sản VN lại không chịu nghĩ rằng trong suốt cái lịch sử dài đằng đẵng chuyên đi theo đuôi, chuyên làm cái bung xung cho các nước khác mua bán, đổi chác trên lưng mình và trên máu xương của cả dân tộc, ít nhất một lần đảng cộng sản VN có thể tự mình đi trước đảng cộng sản TQ một bước, tự cải cách dân chủ để có được những lợi thế về thời gian? Như TQ đã từng đi trước VN trong công cuộc đổi mới và do đó đã tiến xa hơn VN rất nhiều.

So với TQ, VN vẫn có những lợi thế hơn trong công cuộc cải cách chính trị, chuyển đổi thành một quốc gia dân chủ pháp trị đa đảng đa nguyên. VN là một nước nhỏ, mọi sự thay đổi khó có khả năng sẽ đưa đến một sự tan rã, chia năm xẻ bảy thành nhiều nước độc lập như Liên Xô đã trải qua hay TQ có khả năng sẽ phải trải qua. Thứ hai, chí ít VN đã từng có kinh nghiệm thành lập mô hình quốc gia dân chủ từ miền Nam trước đây so với TQ không hề có kinh nghiệm này. Nhưng vì sao cứ phải chờ đợi, học theo, đi sau nước khác như TQ?

Đơn giản chỉ vì những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN từ trước đến giờ vẫn là những con người có tầm nhìn ngắn, tư duy lùn, lại thêm hèn nhát, bảo thủ, nên khả năng VN lại tiếp tục câu giờ và nhỡ tàu một lần nữa là điều hoàn toàn có thể.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More