DienDanCTM (Bản tin 11-04-2012)
Một trận động đất lớn với cường độ 8,6 độ richter đã xảy ra dưới lòng biển ở tỉnh Aceh, thuộc miền bắc Indonesia vào lúc 3 giờ 38 phút chiều nay, 11-4-2012 (giờ VN), gây hoảng loạn cho hơn 200.000 người dân ở tỉnh Aceh. Những người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã tìm mọi cách để di tản lên vùng cao vì sợ sóng thần ập đến. Cảnh báo sóng thần đã được phát đi ngay sau khi có cuộc động đất cho các tỉnh Aceh, Tây Sumatra, Bắc Sumatra, Lampung và Bengkulu... Cùng lúc, hàng chục quốc gia khác tiếp giáp với vùng ven biển xảy ra chấn động ờ khu vực Ấn Độ Dương cũng nhận phát đi lời cảnh báo ngừa tránh sóng thần.
Dân chúng Indonesia tìm cách thoát chạy đến khu vực cao để ngừa tránh sóng thần sau cơn động đất ngày 10-4-2012 |
Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương nói rằng mặc dầu chưa rõ liệu sóng thần đã xuất hiện hay chưa, nhưng cảnh báo các nhà cầm quyền nên "có các biện pháp phù hợp". Trung tâm này cho rằng các trận động đất với cường độ như vậy có khả năng gây ra một trận sóng thần trên diện rộng, có sức hủy diệt lớn đối với các duyên hải trên toàn bộ lòng chảo Ấn Độ Dương. Một cơn sóng thần cao 30 centimét gần Aceh đã được phát giác trong thời gian ngắn sau khi trận động đất xảy ra.
Theo cơ quan Khảo sát Địa chất của Mỹ, trận động ở Aceh xảy ra ở độ sâu 33km dưới lòng biển, và cách thủ phủ Banda Aceh của tỉnh Aceh khoảng 495km. Khu vực này thường xuyên xảy ra động đất, hiện có khoảng 220.000 người dân sinh sống.
Một cảnh tàn phá của trận động đất tại Indonesia |
Được biết, rung chấn động đất với cường độ mạnh này đã ảnh hưởng đến Việt Nam khiến nhiều người đang làm việc, sinh hoạt tại các tòa nhà cao tầng, kể cả ở Sài Gòn và Hà Nội, đã hoảng sợ, nháo nhào bỏ chạy ra đường với vẻ mặt hốt hoảng.
Dân Sài Gòn đổ ra đường vì ảnh hưởng trận động đất ở Indonesia ngày 11-4-2012 |
Theo một viên chức ở Viện Vật lý địa cầu cho biết, chấn động cảm nhận được ở Việt Nam thực chất là sóng động đất, chứ chưa phải là dư chấn động đất, nên chỉ ở mức độ nhẹ. Nếu là dư chấn thì mức độ ảnh hưởng sẽ mạnh hơn.
Năm 2004, trận động đất 9.1 ở ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia đã gây ra trận sóng thần Ấn Độ dương giết chết 230.000 người, trong đó có phân nửa là những người ở tỉnh Aceh. Cơn địa chấn hôm nay có độ sâu tương đương với trận động đất Ấn Độ dương năm 2004.
Hồi năm ngoái, một trận động đất cũng đã xảy ra ở Nhật Bản, có cường độ 9.0 đã gây ra sóng thần và giết chết khoảng 19.000 người.
Với con số đo được, trận động đất hôm nay là trận động đất lớn hàng thứ 9 kể từ năm 1900 tới nay.
Dân chúng ở toà nhà The Flemington, Sài Gòn chạy thoát ra đường vì địa chấn từ trận động đất ở Indonesia. |
Tưởng cũng nên biết, thời gian gần đây Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều chấn động do động đất gây ra. Trước đây, vào tối ngày 24-3-2011, hàng trăm người dân sống ở các chung cư cao tầng thuộc khu vực phố Vọng, Linh Đàm, Vincom, Hacinco và cả khu Hà Đông... đã bị một phen hoảng loạn khi thấy nền nhà rung chuyển do một cơn địa chấn khá mạnh. Người dân nhốn nháo chạy ra đường sau khi cảm thấy rung lắc. Theo báo cáo của Viện Vật lý địa cầu, trận động đất tại Hà Nội vào ngày 24-3 nằm tại tọa độ 20,86 độ vĩ bắc, 187 độ kinh đông có độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Cơn dư chấn này xảy ra do tác động từ trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra tại biên giới Myanmar – Lào – Thái Lan vào tối cùng ngày.
1 comments:
Với cái nhìn và đánh giá của tôi cho sự việc xây dựng 14 Lò Nguyên Tử là một quyết định không sáng suốt của nhà nước Việt Nam. Nhà nước chỉ ham muốn vì sự phô trương và háo danh chứ không nghĩ đến tai nạn hay thảm hoạ do môi trường đầu tư, do trình độ kém cỏi của công nhân viên phụ trách, do sự tham nhũng lan tràn hay là do thiên nhiên gây ra.
Với Đập Thủy Điện Sông Tranh thì còn có thời gian để xả đập nước và sửa chửa, nhưng với Lò Nguyên Tử thì không. Nói cách khác là khi Lò Nguyên Tử có vấn đề thì chỉ có chết mà thôi !!!
Đăng nhận xét