Ngô Văn
Hội nghị lần thứ 4 giữa Nhật Bản và 5 nước ở lưu vực sông Mêkông, gồm Lào, Miến Điện, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, đã diễn ra tại Tokyo vào hai ngày 20 & 21 tháng 4 vừa rồi.
Hiển nhiên nhân vật được truyền thông Nhật và thế giới chú ý nhiều nhất là Tổng thống Thein Sein của Miến Điện. Sau 28 bị thế giới cô lập, đây là lần đầu tiên nhân vật đứng đầu Miến Điện có mặt tại một hội nghị quốc tế tổ chức ở một quốc gia tự do, dân chủ.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có mặt trong hội nghị này. Trong vài ngày trước đó, với không khí phản đối Trung Quốc đang dâng cao tại Nhật, nhiều quan sát viên tiên đoán ông Dũng sẽ tận dụng cơ hội này để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông.
Tuy nhiên, người ta chỉ nghe từ ông những phát biểu chung chung về những lãnh vực nhỏ và khá xa lạ như “hệ thống vận tải đa phương thức”, v.v... Chỉ sau hội nghị và đến phần họp báo, ông mới đưa ra một câu khẳng định nhưng cũng không liên quan gì đến biển Đông: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kỹ thuật cao và tính an toàn về điện hạt nhân của Nhật. Do đó chủ trương của Việt Nam là vẫn quyết định nhập hai lò phát điện hạt nhân của Nhật chứ không có gì thay đổi."
Lời tuyên bố của ông Dũng đã được báo đài ở Nhật loan tải rộng rãi, nhưng các ký giả cũng như những bình luận gia Nhật đều lắc đầu ngao ngán vì không biết ông Thủ tướng CSVN căn cứ vào đâu để tin như thế. Hiện nay, chính dân Nhật, đặc biệt là các chuyên gia Nhật, đã phải thừa nhận giới hạn của khả năng bảo vệ các lò hạt nhân trước các thiên tai.
Thật ra ông Dũng còn nói thêm rằng: "Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân xảy ra, trong hội nghị song phương Việt-Nhật vào tháng 10 năm ngoái (2011), Việt Nam vẫn quyết định nhập hai lò phát điện nguyên tử của Nhật. Sự cố [Fukushima] xảy ra là một điều giáo huấn cho Nhật để phát triển hơn về kỹ thuật [điện hạt nhân]. Tôi tin tưởng như thế. Tháng giêng năm nay, chúng tôi đã ký hiệp định nguyên tử lực với Nhật, qua đó chúng tôi kỳ vọng vào Nhật về việc cung cấp kỹ thuật và đào tạo nhân tài cho Việt Nam."
Nhưng có lẽ các câu sau của ông Nguyễn Tấn Dũng không cần thiết, nên các đài truyền hình Nhật cắt đi và chỉ đem câu "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kỹ thuật cao và tính an toàn về điện hạt nhân của Nhật" ra bàn luận sôi nổi. Một số bình luận gia bày tỏ lòng thương tâm đối với số phận người dân Việt Nam chỉ vì sự tin tưởng khá mù quáng của thủ tướng nước họ. Cũng có nhà phân tích cho rằng nếu tai họa xảy ra thì đương nhiên Nhật Bản cũng phải lãnh một phần trách nhiệm vì trong khi chính nước Nhật đang tìm cách tránh xa dần loại kỹ nghệ nguy hiểm này mà lại đem bán hàng độc cho nước khác.
Phong trào chống điện hạt nhân của dân Nhật tiếp tục dâng cao. Chỉ nội trong tuần trước, nhiều cuộc biểu tình trước Phủ Thủ tướng, trước các Bộ liên quan đã diễn ra. Đặc biệt có cuộc tuyệt thực trước tổng công ty điện lực Kansai (Osaka) để phản đối dự tính cho nhà máy phát điện nguyên tử Oi nằm ở tỉnh Fukui (vùng Bắc Lục nằm phía biển Nhật Bản) tái khởi động sau một thời gian đóng cửa để kiểm tra. Về phía các chuyên gia nguyên tử hàng đầu của Nhật cũng lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của điện hạt nhân. Trong 54 lò phát điện hạt nhân của Nhật Bản thì 53 lò đang đóng cửa, chỉ có 1 lò ở Hokkaido là đang hoạt động, nhưng đến đầu tháng 5 sắp tới phải ngưng để kiểm soát lại toàn bộ hệ thống. Việc người dân và nhiều chuyên gia phản đối mạnh đã khiến cho chính quyền Nhật phải ngưng các dự án xây thêm nhà máy điện hạt nhân.
Cả các đại diện chính quyền địa phương, nơi có đặt nhà máy điện hạt nhân, cũng đã suy nghĩ lại. Điển hình là Đốc phủ Osaka và Thị trưởng Osaka đã đưa ra 8 điều kiện yêu cầu chính quyền Trung ương và tổng công ty điện lực Kansai phải cam kết thực hiện mới đồng ý cho các nhà máy điện hạt nhân nằm trong địa hạt của mình tái khởi động. Tám điều kiện đó là:
1. Thiết lập một cơ quan độc lập để đưa ra quy chế điện hạt nhân cao hơn hiện tại.
2. Sửa lại toàn bộ tiêu chuẩn an
toàn về điện hạt nhân.
3. Các tiêu chuẩn an toàn mới phải
đầy đủ tính kiện toàn của nó qua thử nghiệm (stress test).
4. Phải đặt tiền đề là đương nhiên
tai nạn sẽ xảy ra để đưa ra kế hoạch cứu chữa và cứu hộ.
5. Phải có sự đồng ý của người dân
ở trong vòng bán kính 100 km tính từ nhà máy điện hạt nhân.
6. Phải có một thể chế rõ ràng về
việc xử lý các thanh nhiên liệu (hạt nhân) sau khi đã sử dụng.
7. Phải triệt để kiểm tra nhu cầu
cung cấp điện lực.
8. Phải có kế hoạch bồi thường
thiệt hại rõ ràng cho người dân và giảm thiểu tối đa về nguy cơ phá sản của
tổng công ty điện lực.
Một điều nữa có lẽ cũng bất ngờ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng, đó là việc công luận Nhật Bản khen ngợi Kuwait đã sáng suốt quyết định ngưng việc mua 4 lò điện hạt nhân của Nhật, nghĩa là tạm thời cho đông lạnh kế hoạch điện hạt nhân của nước họ.
Sáng chủ nhật, ngày 22/04, trong một chương trình bàn chuyện thời sự về nguy cơ của điện hạt nhân trên đài truyền hình Nhật, tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng lại được đem ra mổ xẻ. Sau hết, người điều khiển chương trình đã kết luận: "Không biết, không thấy mà tin là kẻ mù quáng. Một người lãnh đạo mà tin vào những gì không có căn cứ vững chắc thì làm khổ người dân là điều chắc chắn".
1 comments:
Ông Nguyễn Tấn Dũng đâu có cần suy nghĩ về nhà máy điện hạt nhân,ông thủ tướng Dũng chỉ lợi dụng xây nhà máy để có cơ hội chấm mút,còn xảy ra đại họa thì chỉ có người dân lãnh đủ.
Đăng nhận xét