Thân nhân phải bán nhà chuộc 21 ngư dân bị Trung quốc bắt

DienDanCTM (Bản tin 01-04-2012)

Thân nhân 21 ngư dân Quảng Ngãi đang lo lắng
vì số tiền TQ đòi chuộc người quá lớn
Sau gần một tháng bị Trung quốc bắt đòi tiền chuộc nhà nước không can thiệp được, thân nhân của 21 ngư dân ở Quảng Ngãi đã phải dự định bán nhà để chuộc người thân như đòi hỏi của phía Trung quốc.

21 ngư dân thuộc hai tàu đánh cá mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, bị tàu tuần hải quân Trung quốc bắt từ ngày 3-3-2012 khi đang đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó Trung quốc đã ra giá đòi tiền chuộc là 70.000 nhân dân tệ (tương đương 11.000 đô la Mỹ) cho mỗi người.


Mặc dầu lên tiếng xác nhận "Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam". Nhưng đây chỉ là phản ứng khi được báo chí đặt vấn đề, nhưng phía nhà nước Việt Nam cho đến nay không có động thái nào can thiệp cho tự do của các ngư dân bị bắt vô cớ này.

Chị Phúc, vợ ngư dân Trần Hiền, mới sinh con
tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi
Mới đây, hôm 31-3, chị Lê Thị Phúc, vợ thuyền trưởng Trần Hiền tàu QNg 66074TS, nghẹn ngào cho biết “Chúng tôi định bán nhà để nộp 70.000 nhân dân tệ tiền chuộc như yêu cầu của phía Trung Quốc”.

Chị vừa sanh đứa con trai gần hai tuần nay, và ngư dân Trần Hiền vẫn chưa thấy mặt con do bị phía Trung Quốc bắt giữ.  Gia đình chị đã phải vay mượn mới đóng được chiếc tàu trị giá 400 triệu đồng VN (20,000 đô la), đó là tài sản kiếm sống duy nhất của gia đình, giờ thì tàu bị bắt lấy, gia đình chị đã sạch tiền.

 Từ khi nghe tin Trung Quốc yêu cầu nộp tiền chuộc mới thả người, chị Phúc và 10 gia đình ngư dân trên tàu anh Hiền hoang mang vì số tiền quá lớn, không biết vay mượn ở đâu được, nên chị tính kế phải bán nhà.

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Mai Trang ở An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi, cũng đau đớn: "Hôm 1/3, tôi mới sinh con chưa được 3 tuần nhưng do trong nhà tiền bạc chẳng còn nên chồng tôi, anh Phan Văn Tân, đành để lại mẹ con tôi ở nhà, rồi xuống tàu ra biển. Hai ngày sau thì tàu bị Trung Quốc bắt. Chồng tôi và 10 ngư dân trên tàu bị giam giữ từ đó đến nay, hiện chưa biết tính sao".

Cùng bị Trung Quốc bắt giam lần này còn có 10 ngư dân trên tàu QNg - 66101 do ông Bùi Thu ở xã An Vĩnh, Lý Sơn làm thuyền trưởng. Phía Trung Quốc cũng ra giá  cho 10 ngư dân tàu này là 70.000 NDT như tàu ông Hiền để được tự do. Các thân nhân của những ngư dân này cũng hoang mang, không biết tìm đâu ra tiền để cứu ngư dân về, chỉ mong chờ sự can thiệp của Chính phủ một cách vô vọng.

Theo bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh, cùng các ngành liên quan đề nghị giúp đỡ và có hướng đề xuất với Nhà nước tìm cách can thiệp để Trung Quốc thả người. Đồng thời ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, tỉnh "đã gửi văn bản cho các bộ, ngành T.Ư đề nghị can thiệp để 21 ngư dân và phương tiện được trả về trong thời gian sớm nhất...", và gia đình ngư dân chỉ biết chờ.

"Sói biển" Mai Phụng Lưu, đã 4 lần bị TQ bắt tịch thu tàu cá
Liên quan đến sự việc này, một ngư dân dày dạn kinh nghiệm, ông Mai Phụng Lưu, người được mệnh danh là "Sói biển”, đã 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu cá khi đang đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa, nói với báo chí như sau: Tôi rất xót xa vì 21 ngư dân Lý Sơn đang phải chịu đựng những đau đớn, khổ ải cùng cực như tôi ngày trước vì khi rơi vào tay phía Trung Quốc, họ phải chịu ăn uống thiếu thốn, ở tạm bợ, mất tự do, và không chừng bị đánh đập tàn nhẫn. Tuy nhiên cái đáng sợ nhất là họ đối diện với nguy cơ bị tịch thu tàu thuyền, mà như vậy là trắng tay.

Trong 4 lần tôi bị phía Trung Quốc bắt, thì đến 2 lần tôi bị tịch thu tàu, 3 lần tôi phải nộp tiền chuộc (trên 700 triệu đồng). Phía Trung Quốc đã làm cho gia đình tôi tán gia bại sản, con cái ly tán mỗi đứa một nơi, tôi thất nghiệp, lâm vào nợ nần chồng chất. Trải qua những cảnh đó, tôi thiết tha mong Nhà nước có can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ bằng con đường ngoại giao để Trung Quốc mau chóng thả vô điều kiện 21 ngư dân và tàu thuyền của họ về nước. Nếu không có sự can thiệp này, các ngư dân sẽ kéo dài những ngày tháng đau khổ tại nhà tù Phú Lâm. Gia đình họ sẽ rất đau đớn mong ngóng người thân trở về. Và sẽ rất xót xa khi những gia đình ngư dân nghèo phải vay mượn, thậm chí bán nhà cửa để gửi tiền chuộc tự do cho những ngư dân vô tội.

Nhân đây, tôi hy vọng rằng, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ mau chóng được thành lập, được trang bị đầy đủ những phương tiện cần thiết cũng như cơ sở pháp lý để có tiếng nói và hành động bảo vệ được công dân mình đang hoạt động hợp pháp tại biển khơi, trong đó có ngư dân chúng tôi.

1 comments:

Tôi chưa thấy có chính quyền nào trên thế giới này mà lại hèn như nhà nước Việt Nam này. Người dân bị nước ngoài hiếp đáp đến như thế mà vẫn ngậm câm là nghĩa làm sao?

Ông Nguyễn Tấn Dũng không cảm thấy nhục khi tự nhận vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo dân mà không thể bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ sự an toàn cho dân trước ngoại bang. Có bao giờ đất nước mình hèn đến như thế không?

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More