Hành Quân Vào Cõi Vĩnh Hằng

Ô Nguyễn Quang Toại trước mộ Anh Hùng Phạm Hồng Thái năm 1987
(Kính gửi Hương Hồn Bác Nguyễn Quang Toại,
Người Lính Già Khả Kính)

Võ Đại Tôn

Chiều nay, tuy không bất ngờ trước lẽ Vô Thường của cuộc đời, nhất là vào tuổi hoàng hôn, nhưng khi nhận được tin Niên Trưởng Nguyễn Quang Toại vừa ra đi, tiếp bước Hành Quân vào Cõi Vĩnh Hằng, lúc 7:50 tối thứ Tư, 9.5.2012, hôm qua, tôi thực sự ngậm ngùi, nhìn ra khung trời chiều ảm đạm, mới đó mới đây ! ... Tháng trước, tôi đã vào viện dưỡng lão, ngồi cầm tay Bác Toại để hàn huyên tâm sự, kể cho nhau nghe bao chuyện “trên trời dưới đất” và cười vui về
“nhân tình thế sự”, những kèn cựa tranh chấp nhỏ nhen, những tỵ hiềm xuyên tạc, bên lề cuộc đời thường tình và cuộc đấu tranh còn dang dở, luôn cả tội ác làm cho cả Dân Tộc phải chia lìa của chế độ cộng sản Việt Nam mà Bác Toại, thế hệ đàn anh của tôi, đã từng chứng kiến từ Bắc vào Nam. Mỗi lần nghe đến tên tuổi của bất cứ nhân vật nào, đương thời hay đã ra đi, đã đào xới tiểu dị mà quên
đi đại đồng, Bác Toại mỉm cười, từ tốn nói : “Đều là chỗ anh em cả mà, có lẽ chưa hiểu nhau thế thôi, chúng ta chỉ có một kẻ thù chung là cộng sản...”. 

Thông thường, tuổi già hay nhớ về quá khứ với bao “ân oán giang hồ”, bao thăng trầm trong cuộc đời đã qua, và tuổi trẻ thì hướng về tương lai với khung trời mở rộng. Riêng tôi, từ khi gặp Bác Toại, hai người lính già nhiều lần cùng đi sinh hoạt Cộng Đồng, biểu tình chống cộng, cùng ngồi bên nhau uống cà phê cạnh đường đời, tôi chỉ cần biết đấy là một Người Lính Già hơn tôi, đáng nể trọng về tuổi tác, về kinh nghiệm sống, xuyên suốt cuộc hành trình từ thuở bắt đầu cuộc chiến ngoài Bắc, và qua bao cuộc hành quân tại miền Nam, công tác tại Lào,  để bảo vệ nền Tự Do cho quê hương Dân Tộc. Tôi chưa bao giờ tò mò hỏi Bác Toại có bao nhiêu huy chương, vì tất cả danh vọng tiền tài đều là phù du , điều quan trọng là đã góp công gì với núi sông trong lý tưởng Quốc Gia vì Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm của một người lính trong thời chiến cũng như đời thường, luôn cả trên bước đường lưu vong hiện tại. Một chiến hữu vừa trao đổi điện thư với tôi về tin Bác Toại đã vĩnh biệt anh em đồng đội, có viết : "Rồi ai cũng phải ra đi... Điều quan trọng là khi ra đi có được trọn vẹn tiết tháo, liêm sĩ, của một con người như Bác Toại hay không ?...” . Tôi cũng nghĩ suy như vậy. Rồi lại có một người bạn điện thoại cho biết : “Chiều hôm qua, có đem báo vào viện dưỡng lão cho Bác Toại đọc nhưng được biết là Bác đã được chuyển đi bệnh viện rồi. Sáng nay lại được tin Bác đã ra đi . Tờ báo vẫn còn trong xe...”.

Cụ Nguyễn Quang Toại biểu tình tại Sydney
Tôi lại nhìn ra khung trời chiều với vài vệt nắng còn sót lại. Sương lạnh se lòng. Tôi nhớ lời khuyên của Bác Toại nói cùng tôi trong buổi gặp cuối cùng. – “Công cuộc kháng chiến phục quốc dù thành công hay thất bại thì Ông cũng đã một lần tận hiến. Khi Ông ở tù, tôi đã luôn cầu nguyện. Bây giờ, nếu còn sức khỏe, còn khả năng, mong Ông cứ tiếp tục công việc cùng anh em. Nếu chưa về lại quê hương được thì cũng cố giữ cho Cộng Đồng khỏi bị đánh phá tan nát hết, rồi chẳng biết phải vượt biển một lần nữa đi về đâu ?”...Bác lại tâm sự tiếp, mặc dù giọng nói đã khàn đục : “Thế hệ của Ông và tôi, chúng mình đều học tiếng Pháp. Ông có còn nhớ Tổng Thống Pháp Charles De Gaulle đã nói gì không ? Trước khi Ông De Gaulle qua đời, cận thần có hỏi ý kiến là trên bia mộ nên khắc chức vụ trước sau như thế nào ? - Vị Cứu Tinh Dân Tộc – Anh Hùng Cứu Quốc – Anh Hùng Giải Phóng Đất Nước - Thiếu Tướng Quân Đội - Tổng Thống - ... Ông De Gaulle đã căn dặn : - Không cần viết dài dòng, tốn công tốn chỗ, chỉ khắc một cái tên Charles De Gaulle là đủ rồi !”...  “Trong cuộc đời này, rồi tất cả cũng sẽ qua đi, một cái tên dù nhỏ hay lớn cũng có thể lưu lại cho con cháu, miễn sao không mang lại sự nhục nhã cho giòng họ, cho tập thể,  là đủ rồi”... “Chúng ta cứ thế mà bình thản ra đi...Cuộc hành quân vào cõi vĩnh hằng còn dài mà...Nếu đi được, tôi sẽ đi Canberra để tham gia biểu tình ngày Quốc Hận 37 năm này với anh em...”.  

Tôi lại miên man nghĩ tiếp. Trong lớp đàn anh của tôi, trên dưới 90 tuổi như Bác Toại, gần đây tôi lại mất thêm hai người, đều là Niên Trưởng trong quân đội và là anh em kết nghĩa trong đời của tôi. Biết bao thâm tình, biết bao kỷ niệm vui buồn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là cố Đại Tá Nguyễn Văn Y và cố Đại Tá Cao Tiêu. Khi tôi vào viện dưỡng lão ở Hoa Thịnh Đốn thăm Đại Tá Y, ông ngồi trên xe lăn nhìn tôi không nói được. Lúc ra về, tôi đứng nghiêm chào kính ông ta, đột nhiên cánh tay ông ta phát động, cũng đưa lên chào trả lại. Mọi người đều cảm động, bất ngờ, vì từ lâu nay người Anh kết nghĩa của tôi không còn cảm giác, gần như bại liệt. Dường như tôi thấy nơi khóe mắt ông ta có một giọt lệ cuối đời chảy ra, mờ đục. Khi về lại Cali, tôi điện thoại thăm người Anh thứ hai là Đại Tá Cao Tiêu. Ông ta trả lời giọng yếu ớt, phều phào khó thở, rồi như chợt nhớ lại điều gì : “Có còn nhớ chuyến công du Đài Loan năm 1970 của bọn mình không ? “Moa” muốn trở lại đó một lần nữa, phong cảnh đẹp quá, nhưng dù sao cũng không đẹp bằng quê hương mình...Thôi, “toa” nhớ giữ sức khỏe nhe...Còn nhiều việc phải làm...”Moa” yếu lắm rồi...Chẳng biết làm sao mà về lại được đất nước mình”... Chiều hôm sau, có người con của Đại Tá Cao Tiêu tìm gặp tôi và đưa một lá thư nhỏ viết vội vài dòng :  - “ Mấy đứa con về thăm, có cho “moa” vài trăm, gửi “toa” một nửa, đi uống cà phê, thuốc lá, và cứ tưởng như là có “moa” ngồi chung với nhau là tốt rồi...”. Khi tôi về lại Úc thì được tin cả hai người Anh của tôi trước sau lần lượt ra đi... Cuộc đời thực sự là Vô Thường, nhưng những lời khích lệ trước đây của các bậc Đàn Anh của tôi đang nâng tôi đứng dậy, vượt thắng nhiều trở ngại và những nỗi cô đơn.  

Bây giờ thì tới phiên Bác Toại. Có một lần ngồi nói chuyện với nhau, chợt Bác hỏi tôi : - “Trong tù, hơn 10 năm, ngoài các việc như bị tra tấn đánh đập, không tin tức gia đình, thiếu thốn mọi thứ, có điều gì Ông nhớ mãi không ?”. Tôi suy nghĩ trả lời, có nhiều việc đáng ghi nhớ, nhưng có một triết lý Sống mà tôi không bao giờ quên được, đang cố gắng thực hiện mỗi ngày. Một hôm, vào năm 1989, sau khi tôi đã ở tù tại trại Thanh Liệt, Hà Nội, hơn 8 năm, vách tường ở đầu dãy Khu D bị sụp. Tù nhân các xà lim khác được dồn lại tạm ở chung với nhau, chờ sửa chữa vách tường. Có một ông tù già, người Tàu, được chuyển đến ở chung buồng với tôi vài ngày. Ông ta là một đông y sĩ ở Cao Bằng, bị bắt trong cuộc chiến Việt-Trung năm 1979, đã ở tù hơn 10 năm rồi. Nói tiếng Quảng Đông và một ít tiếng Việt. Sau khi biết tôi từ hải ngoại trở về để kháng chiến phục quốc, có một đêm ông ta tâm sự...Vì là thầy thuốc, ông ta đã chữa trị cho các thương binh bộ đội Việt Nam, luôn cả thương binh Trung Cộng. Vì lẽ đó đã bị bắt giam, không biết ngày nào được thả, vì bị nghi làm gián điệp. Ông ta nói : - “Mỗi người đều cần phải suy nghĩ và cần có lương tâm cố gắng hoàn thành công việc mà mình cho là đúng nhất, cho Tổ Quốc của mình, cho cuộc đời của mình. Trong tù, ngoài máu ra, còn có những giọt mồ hôi. Phải cố gắng giữ cho những giọt mồ hôi của mình thành những giọt sáng long lanh, để tặng cho Đời, chứ không phải những giọt tanh hôi...”. Tôi đã suy nghĩ thật sâu những lời nói này. Bác Toại ngồi nghe, mỉm cười đôn hậu : - “Đấy là một bài học quý. Tuổi già cũng cần phải học mỗi ngày. Bây giờ ở hải ngoại này, chúng ta còn có nhiều cựu quân nhân nhưng ít đồng đội, dù sao, vẫn còn đủ sức để chống lại kẻ thù cộng sản... !”...

Trước khi chào tạm biệt Bác Toại tại viện dưỡng lão, Bác cầm tay tôi và nói : - “Trong những bài thơ của Ông, có bài gì đó viết về chữ Tâm mà tôi đã được đọc trước đây, Ông đọc lại cho tôi nghe được không ?”. Tôi nói là bài thơ dài quá, không còn nhớ hết, chỉ xin đọc cho Bác nghe hai câu cuối :

“Trăm năm còn một chữ Tâm
Thịnh suy giữ vẹn, thăng trầm giữ nguyên”.

Tôi xin gửi lại Bác chữ Tâm đó trong lòng của tôi và xin chào kính lần cuối Người Lính Già Nguyễn Quang Toại mà tôi quý trọng. Trước sau gì chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau trong cuộc Hành Quân vào cõi Vĩnh Hằng.

Võ Đại Tôn
Đêm 10.5.2012.
http://www.lyhuong.net/uc/index.php/bandoc/2125-2125

* Cụ Nguyễn Quang Toại, Trung tá Không Quân QLVNCH, nguyên Khu Bộ Trưởng Úc Châu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, người đã đại diện Mặt Trận viếng và đặt lá cờ Việt Nam Cộng Hoà trên mộ Anh Hùng Phạm Hồng Thái vào năm 1987 để tuyên xưng chính nghiã Quốc Gia Dân Tộc tại Hoàng Hoa Cương, Trung Quốc, trong thời kỳ đối đầu gay gắt giữa khối Cộng Sản và Tự Do, đã từ trần vào lúc 7 giờ 50 phút tối Thứ Tư, ngày 9 Tháng 5 năm 2012, tại bệnh viện Liverpool, Sydney, Úc Châu, hưởng thọ thọ 85 tuổi. (DienDanCTM)




1 comments:

Lứa tuổi hậu vệ,xin nguyện cầu cho hương hồn cụ Nguyễn Quang Toại được thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More