Hoa Kỳ: TNS Bob Casey quan tâm tình hình nhân quyền tại Việt Nam

DienDanCTM (Bản tin11-05-2012)

TNS Hoa Kỳ  Robert P. Casey   
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Robert P. Casey thuộc tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, trong lá thư trả lời cử tri của ông mới đây, liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam, đã xác định mối quan tâm của ông đối với tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam hiện nay.

Theo TNS Casey, tự do tôn giáo là một quyền căn bản phổ quát của con người. Các nhóm tôn giáo thiểu số cũng phải được tự do giữ đạo và hành đạo mà không sợ bị truy bức hay kỳ thị. Tất cả mọi chính quyền, đặc biệt những chính quyền có các ký kết với quốc tế về tôn trọng tự do tôn giáo, cần nỗ lực bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số và cổ xúy tinh thần bao dung tại nước họ.


Qua lá thư, ông Casey đã chứng minh mối quan tâm của ông đối với tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua. Ông cho biết vào tháng 8/2011, ông đã cùng với một số thượng nghị sĩ thuộc cả 2 đảng yêu cầu Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton lên tiếng thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả ngay Lm. Thadeus Nguyễn Văn Lý. Ông biết rất rõ trường hợp Cha Lý, một tu sĩ Công Giáo, đã bị kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế vào ngày 30/3/2007 chỉ vì ông đã hành xử quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận của mình. Trường hợp của Cha Lý, cũng như nhiều trường hợp tương tự tại Việt Nam, cho thấy không có ranh giới rõ rệt giữa quyền tự do tôn giáo và tự do chính trị. Cha Lý đã bị tai biến mạch máu nhiều lần trong thời gian ở tù và khi được tạm thả để điều trị bướu não vào ngày 15-3-2010. Tuy nhiên, ngày 25-7-2011, chính phủ Việt Nam lại bắt Cha Lý vào tù, bất kể tình trạng sức khỏe suy yếu của ông cũng như kết luận của Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc về Bắt Giữ Tùy Tiện rằng việc giam giữ ông vi phạm luật pháp quốc tế. TNS Casey bày tỏ sự e ngại rằng "việc tái giam cầm Cha Lý sẽ đe dọa tính mạng của ông".

Cũng theo TNS Casey, từ năm 2007, chính phủ Việt Nam đã mở chiến dịch đàn áp nhiều nhà đấu tranh cho nhân quyền đáng kính, như trường hợp ứng viên giải Nobel Hòa Bình H.T Thích Quảng Độ, Bs. Nguyễn Đan Quế, blogger Điếu Cày, và nhạc sĩ nổi tiếng Việt Khang...

TNS Casey viết trong thư rằng "Chính phủ Việt Nam phải biết là việc coi thường các quyền căn bản của con người sẽ ngăn cản tiến trình xây dựng quan hệ Mỹ - Việt. Chính phủ của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã bày tỏ ý định muốn tiến tới. Và việc thả tù các nhà đấu tranh cho nhân quyền, kể cả Cha Lý, sẽ là một bước quan trọng để cho thấy phía Việt Nam thực sự muốn đạt đến mục tiêu này." Ông cũng cho biết, trong bức thư gởi cho bà Bộ Trưởng Clinton, ông và các đồng viện đã thúc giục bà "tiếp tục tranh đấu cho Cha Lý và những người bị tù đày tại Việt Nam chỉ vì vận động ôn hòa cho các quyền con người."

Đề cập đến dự luật S. 1051 nhằm Chế tài Việt Nam về Vi phạm Nhân quyền, TNS Casey cho cử tri ông biết ông đã ủng hộ dự luật này liên quan đến nhân quyền Việt Nam, cũng như một số những nghị quyết dự luật nhân quyền nhắm vào một số các quốc gia khác…

TNS Casey cho biết, vào ngày 24-5-2011, Thượng Nghị Sĩ John Cornyn thuộc tiểu bang Texas đã đệ nạp Dự Luật 1051 Trừng Phạt các Vi Phạm Nhân Quyền tại Việt Nam. Dự luật này ghi nhận  rằng: “Một cách tổng quát, hồ sơ nhân quyền Việt Nam tiếp tục tồi tệ, và càng tệ hại kể từ khi Việt Nam tham gia Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới năm 2007” theo báo cáo thường niên 2011 của Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới. Dự luật 1051 có thể trừng phạt những cá nhân đã góp phần trong các vụ vi phạm nhân quyền đối với các công dân Việt Nam và gia đình họ. Những cá nhân này sẽ bị cấm vào nước Hoa Kỳ, và tài sản của họ tại Hoa Kỳ sẽ bị cho đóng băng. Sau hết, dự luật này cũng sẽ liệt Việt Nam vào danh sách “những nước cần quan ngại đặc biệt” theo đúng Nghị Quyết năm 1998 về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới. Đó là một phương thức mạnh mẽ và hữu hiệu để soi rọi vào những hành động chà đạp tự do tôn giáo tại Việt Nam và khuyến khích việc tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Dự luật này đã được đệ nạp Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện mà tôi là một thành viên. 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More