Lại tuyên bố chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng!

Lê Nguyên Hồng

 

Theo thông tin từ các báo của nhà nước Việt Nam Cộng Sản, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu điều tra “những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4/2012 tại Văn Giang, Hưng Yên”. Nghe có vẻ nghiêm trọng và cũng có vẻ ông thủ tướng mẫn cán và yêu dân thật. Nhưng cứ nhìn cái cách cấp dưới của ông thừa hành trong vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng thì biết ngay kết cục của những “yêu cầu” loại này của ông Dũng.

Ngày 24/4, trên mạng Internet xuất hiện clip dài hơn 1 phút cho thấy nhiều kẻ mặc sắc phục công an và cả thường phục đeo băng đỏ, đánh hai người đàn ông. Ông Nguyễn Ngọc Năm (42 tuổi) - trưởng phòng Thời sự và ông Hán Phi Long (33 tuổi) - phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) nói, họ chính là hai người bị đánh trong clip nói trên. Thế nhưng chỉ khi vụ việc đã không thể bưng bít thì các cơ quan truyền thông (nhất là Đài VOV) mới xác nhận thông tin này.

“Chìm xuồng” hay “cứt Trâu hóa bùn” là những cụm từ luôn đúng với cách hành xử của chế độ đối với những vụ việc nhân viên công vụ (nhất là công an) lộng hành, đàn áp dân lành vô tội. Hầu như điệp khúc “thủ tướng chỉ đạo” chẳng còn chút giá trị nào, khi hết vụ việc này đến sự cố khác xảy ra, cấp dưới của ông cứ tự do làm việc theo lối yêng hùng cát cứ.

Vậy trách nhiệm và quyền hạn của một ông thủ tướng trong nhà nước vừa có “pháp” vừa có “quyền” là ở chỗ nào? Chính phủ của một nước là cơ quan quyền lực nắm toàn quyền hành pháp.
Hành pháp theo quan điểm hiện đại, được hiểu theo hai phương diện: Thứ nhất là tổ chức thi hành luật đã có hiệu lực. Thứ hai là chủ động khởi thảo, hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại, và đệ trình chúng lên quốc hội. Như vậy là chính phủ hoạt động tầm vĩ mô. Những vụ việc xảy ra ở địa phương do chính quyền tại đó có trách nhiệm xử lý theo luật định.


Vậy tại sao ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại cứ hay đăng đàn “chỉ đạo” cấp dưới thông qua báo chí và truyền thông? Theo cách hiểu đơn giản, ông Dũng muốn “mua” dân bằng nước bọt. Chắc ông ta cũng thừa hiểu, những phát biểu của mình cũng chỉ để đó, và có lẽ ông cũng chẳng cần xem rốt cuộc cấp dưới của mình có tuân theo hay không. Vụ việc “chỉ đạo rầm rầm” lãnh đạo huyện Tiên Lãng và Hải Phòng từ ngày 10/2/2012 đến nay vẫn nằm chình ình ra đó, không hề có nhúc nhích gì, là một bằng chứng không thể chối cãi…


Người dân Việt Nam bị lừa mấy chục năm nay, ăn bánh vẽ cũng đã đủ bội thực, ngồi tàu bay giấy cũng đã đủ xây xẩm mặt mày. Vậy đề nghị ông thủ tướng hãy hành động cách khoa học, đúng với chức năng nhiệm vụ của mình là một người đứng đầu chính phủ. Ở cấp địa phương, kẻ nào không tuân lệnh ông, ông cứ kỷ luật giáng chức hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nghiêm minh, thì đâu cần ông phải tuyên bố chỉ đạo chỉ đường làm gì cho mệt?


Có thể hiểu một cách cũng rất có thể, đó là rốt cuộc ông thủ tướng cũng chẳng yêu dân, chẳng vì dân chút nào. Hoặc giả trình độ ông cũng chỉ có vậy, tức là không hơn gì một anh nông dân cầm cày, hay một anh công nhân cầm búa là mấy. Và nếu một đất nước có một vị thủ tướng như vậy, tức là ông thủ tướng đó không yêu dân, hoặc không đủ tài điều hành một chính phủ, hoặc không đủ "uy" với cấp dưới, không đủ "tín" với nhân dân, để mặc cho nạn cát cứ lộng hành, thì đó quả là một đại họa cho đất nước!


Lê Nguyên Hồng  

1 comments:

Người Việt nam ăn bánh vẽ mấy chục năm nay nhưng không phải người Việt nam không biết.Đó là một điều chắc chắn.Cũng như người Việt đều biết đằng sau bộ mặt điển trai , dáng đi phường chèo, ba Dũng là ai? Thủ tướng tư cách mõ, y tá làm thống đốc ngân hàng,tay ký tay vơ tiền , nhưng chỉ chịu trách nhiệm chính trị...Sự thật này ở Việt nam thì đến trẻ con cũng biết.Nhưng đại đa số người Việt sợ.Sợ truyền thông đỏ, tư bản đỏ, lưu manh đỏ, quân đội , công an...Sợ lắm , sợ quá...

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More