Ngày Báo Chí Thế Giới 3/5 và sợi xích lề phải

Ngô Đình Thu - DienDanCTM

Một trong các quyền con người thiết yếu nhất và không thể tách rời đối với  sinh hoạt tư tưởng là quyền tự do báo chí và tự do thông tin. Chính vì vậy tự do báo chí luôn luôn là thước đo trình độ dân chủ của một quốc gia, từ đó người ta có thể đánh giá một chế độ, một thể chế cai trị. Một chế độ, một thể chế , dù có khoác lên mình bao nhiêu bộ áo mỹ miều dán nhãn dân chủ tự do, nhưng nếu người dân không được quyền nói, quyền viết , quyền suy nghĩ một cách độc lập, thì chế độ ấy chỉ là một chế độ phản dân chủ.

Để cổ vũ và nâng cao sự hiểu biết chung về tự do báo chí,  Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 3 tháng 5 hàng năm làm “Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới”, nhằm nhắc nhở các quốc gia về tầm quan trọng tuyệt đối của quyền này và bổn phận của các chính phủ phải duy trì, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân.

Việt Nam vẫn thường tự hào về nền báo chí xã hội chủ nghĩa của mình với số lượng trên 700 tờ báo được xuất bản. Ngoại trừ trường hợp vô cùng hãn hữu của tờ báo Du Lịch bị bộ Thông Tin – Truyền Thông của Hà Nội bắt đình bản 3 tháng vào tháng tư năm 2009, vì số báo xuân của báo này đã đăng bài “ Tản Mạn Đảo Xa” của nhà báo Trung Bảo, có nội dung đề cao tinh thần yêu nước của thanh niên sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình chống âm mưu của Trung Cộng lấn chiếm  Hoàng Sa, Trường Sa của VN, và thẳng thắn phê phán nhà cầm quyền trấn áp sinh viên yêu nước; thì cho tới nay chưa nghe một báo nào khác bị đình bản hay bị đóng cửa. Điều này cũng dễ hiểu, vì toàn bộ báo chí đều là báo của các cơ quan nhà nước. Người hành nghề báo chí là cán bộ đảng viên ăn lương từ ngân sách nhà nước;  cộng thêm điều đầu tiên của “điều lệ báo chí” quy định các nhà báo phải “tuyệt đối trung thành với đảng CSVN”, tất cả đã khiến báo chí ở Việt Nam trở thành những con ngựa được đảng bịt mắt cẩn thận, theo sự cầm cương của đảng chạy cho đúng “lề”, nên lúc nào cũng êm ả. Có thể nói, ở Việt Nam đảng thì có báo đảng, bộ thì có báo của bộ; ngành nào, tỉnh (hay thành phố) nào cũng ra  báo. Hai tờ báo quan trọng nhất của đảng là tờ Nhân Dân và tờ Quân Đội Nhân Dân đều có những trụ sở vô cùng bề thế, hoành tráng ở nhiều nơi; được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại nhất, nhưng lại có số lượng báo bán được ít nhất. Ngoài hai tờ báo vừa kể, nhiều tờ báo khác cũng không thể tự lực cánh sinh, nhưng báo chí vẫn phát triển rầm rộ, vì đã có ngân sách nhà nước lấy từ tiền thuế của nhân dân ra tài trợ. Mặc dù chưa có một tờ báo tư nhân nào được phép xuất bản, và dù ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố thẳng thừng là  cấm ra báo tư nhân; và dù ông Lê Doãn Hợp, bộ trưởng thông tin – truyền thông năm ngoái nói với công luận hải ngoại rằng, vì dân trí Việt Nam còn thấp nên chưa thể  cho ra báo tư nhân (*). Hoá ra theo ông Hợp thì dân trí VN hiện nay còn thấp hơn dân trí các nước tây phương 2, 3 thế kỷ trước, vì lúc đó các nước tây phương đã có tự do báo chí rồi). Thế nhưng nhà cầm quyền cộng sản VN vẫn luôn khẳng định rằng Việt Nam có tự do hơn cả các nước dân chủ Tây phương. Đó là chưa kể, theo ông Doãn, thì dân trí VN ngày nay còn kém cả thời Pháp thuộc, vì thời đó thực dân Pháp còn cho phép ra báo tư nhân.

Thực chất cái tự do báo chí ấy như thế nào? Ngày 30 tháng 3 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra một hội nghị mang tên Hội Nghị Cán Bộ Báo Chí Toàn Quốc dưới sự chủ trì của Thứ Trưởng Bộ Thông Tin Đỗ Quý Doãn. Tham dự có một số lãnh đạo tai to mặt lớn như  Ủy viên BCT Lê Hồng Anh, đại tướng công an đang nắm thường trực Ban Bí Thư; Đinh Thế Huynh Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng và BộTrưởng Thông Tin Và Truyền Thông Nguyễn Bắc Sơn, cũng là một phó Ban tuyên giáo trước đây. Dĩ nhiên chẳng ai ở trong cũng như ngoài nước  thắc mắc gì về hội nghị này, một loại hội nghị chỉ ở Việt Nam (Trung Quốc, hay Bắc Hàn...)  mới có, nơi mà sự hiện diện của những cán bộ tuyên giáo là cần thiết cho một nền tự do báo chí bị khóa miệng và  mang màu sắc xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt hơn hết, trong phần phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, tướng công an Lê Hồng Anh cầm dùi cui thay mặt đảng chỉ ra những yếu kém của báo chí cần khắc phục. Ông nhấn mạnh: “lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên cần nhận thức rõ, báo chí phải luôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.” (cũng của đảng). Nghe một nhân vận lãnh đạo xuất thân từ ngành công an răn dạy báo chí tận tình với những lời lẽ đanh thép như thế, những chủ bút, những tổng biên tập, những phóng viên ngồi nghe bên dưới, nếu còn chút ít lương tâm của người cầm bút, hẳn cũng lấy làm tủi thân.

Không còn nghi ngờ gì nữa, báo chí Việt Nam hiện nay tiếp tục con đường làm công cụ vô lương tâm và trung thành của chính quyền độc tài. Như trong vụ cướp đất trắng trợn ba xã của huyện Văn Giang (Hưng Yên) mới đây, báo chí lề phải hoàn toàn im lặng hay chỉ nói những chuyện bất cần sự thật và bất cần cả người nghe. Vì chỉ đưa tin theo lệnh của công an, báo chí lại làm nhiệm vụ tô vẽ thêm các chi tiết của cơ quan an ninh đưa ra rồi kết án các nạn nhân bất cần tòa án như trong vụ Bia Sơn (Phú Yên), từ một nhóm tôn giáo bị biến thành nhóm “khủng bố”. Mặt khác lại tiếp tục vấy bùn dơ vào văn hóa dân tộc với những bài báo vô tích sự và hình ảnh bậy bạ để câu khách như ca tụng “nồi lẫu chua cay” có thể phục vụ 18,000 thực khách!

Cung cấp sự thật và nội dung bài vở là yếu tố quyết định cho giá trị đích thực của một tờ báo. Trong làng báo lề phải dưới sự cầm cương của đang ở Việt Nam những giá trị đó chẳng có là bao. Nếu trong thời đại tin học ngày nay mà những giá trị đó còn bị coi nhẹ thì thời đại bưng bít tuyệt đối trước kia còn tệ như thế nào. Cứ nhớ lại những tin tức “thắng lợi rực rỡ”, “vượt chỉ tiêu sản xuất” (đủ mọi thứ); hay những nghị quyết của đảng “phấn đấu” để mỗi người được vài ba lạng thịt, mấy cái chén, mấy đôi đũa một năm; những ngân sách dự chi dự thu cân bằng, không thiếu không thừa một xu v.v...; đăng trên trang nhất của báo Nhân Dân trong thời VN “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, người ta sẽ biết giá trị của báo đảng như thế nào. Chính vì vậy mà chẳng mấy ai buồn đọc báo đảng.

Nhà báo Bùi Tín, một thời là phó tổng biên tập của báo Quân Đội Nhân Dân hiện sống ở Paris, đã nói với đài BBC rằng: “Ngay từ khi tôi còn ở trong nước, người ta đã nói là báo Nhân Dân để làm những việc phục vụ xã hội như gói đồ là chính.” Ông còn nói tiếp: “Thậm chí họ dùng chữ để làm vệ sinh là chính, chứ không phải để đọc.” Nhân dân không ai đọc báo Nhân Dân, đó là một sự thật không có gì đáng ngạc nhiên. Nằm trong bộ tứ tuyên truyền của đảng còn có Thông tấn xã, Đài truyền hình và Đài phát thanh trung ương cũng chỉ là những cơ quan phổ biến sự gian dối của nhà cầm quyền.

Theo BBC News, năm 2011 Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã xếp Việt Nam đứng thứ 172 trên 179, là một trong mười nước có thành tích đàn áp báo chí mạnh nhất, hơn cả Miến Điện. Tổ chức này cũng nêu vụ giảng viên đại học Phạm Minh Hoàng bị kết án tù ba năm là ví dụ về trấn áp tự do ngôn luận. Trong lúc đó theo khảo sát của Viện Gallup tại Hoa Kỳ thì Việt Nam được xếp thứ 100 trong bảng khảo sát ở 133 nước về tự do báo chí. Tồi tệ hơn, Việt Nam còn được coi là kẻ thù của Internet!

Việt Nam chẳng những nổi tiếng về thành tích siết chặt báo chí mà ngay trong cung cách đối xử với phóng viên ngoại quốc cũng không hiếm những hành động côn đồ. Ngày 19/9/2008, phóng viên Ben Stocking của hãng thông tấn AP trong lúc chụp ảnh làm tin  về cuộc cầu nguyện của giáo dân ở khu vực Tòa Khâm Sứ cũ (Hà Nội) đã bị công an đánh bể đầu. Lý do : đó là nơi cấm chụp hình. Và lẽ dĩ nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng lúc đó cũng lấp liếm rằng “hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking". Trong vụ Mường Nhé diễn ra hôm tháng 5/2011, nhà cầm quyền cộng sản cũng từ chối không cho ký giả ngoại quốc tới hiện trường với lý do vu vơ “thời tiết và đường sá" khó khăn. Đó chỉ là vài thí dụ điển hình.

Đối với các ký giả trong nước, vấn đề thực sự còn tồi tệ hơn. Những vụ hành hung ký giả diễn ra càng ngày càng nhiều, nhưng đặc biệt những nhà báo có lương tâm chức nghiệp dám phanh phui tham nhũng, chẳng những bị sách nhiễu mà còn bị bắt giam và truy tố ra tòa. Người ta chưa quên, đầu năm 2012 công an Sài Gòn bắt giam ký giả Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ, với tội danh “đưa hối lộ”. Hoàng Khương là tác giả của nhiều bài báo điều tra về tệ nạn ăn hối lộ trong ngành cảnh sát giao thông, được mô tả như những hung thần trên các nẻo đường. Vụ án Hoàng Khương đến nay vẫn chưa kết thúc (dù rằng đã có vài tờ báo rụt rè nêu lại vấn đề của nhà báo này), chứng tỏ quyết tâm của công an muốn bịt miệng báo chí, dù chỉ là báo chí trong lề. Và đó cũng chỉ là một thí dụ điển hình gần đây nhất.

Nhưng trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam càng siết chặt tự do báo chí thì hiện tượng làng dân báo phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây càng khiến mọi người phấn khởi. Với đà tiến càng ngày càng nhanh và mở rộng của các trang mạng xã hội nhờ internet, dân báo đã thực sự đóng vai trò là nguồn cung cấp thông tin đầy đủ, xác thực và đáng tin cậy của tất cả các biến cố mà báo chí nhà nước được lệnh giấu nhẹm. Nhờ làng dân báo (blog nguyenxuandien – anhbasam – danlambao - Dân Luận – diendanCTM – dcvOnline -  v.v…) mà vụ cưỡng đoạt đất đai của nông dân ba xã huyện Văn Giang ngày 24/4 đã được thông tin rộng rãi và cập nhật từng giờ với đầy đủ chi tiết về hình ảnh, bài viết mô tả cuộc đối đầu giữa hàng ngàn cảnh sát chiến đấu với dân oan chỉ có gậy gộc hoặc dụng cụ làm ruộng trong tay.

Không chỉ có vậy, dân báo còn góp phần hiệu quả trong việc lật tẩy các bí ẩn của chế độ. Trong khi các báo lề phải im lặng thì chính dân báo với các trang web cá nhân đã vạch trần âm mưu dâng nhượng đất nước cho Trung Quốc qua các hiệp định về biên giới đất liền và trên biển, cũng như góp phần vạch rõ “công hàm Đồng” 1958 thực sự là một “công hàm bán nước” mà đảng Cộng Sản không thể chối cãi!

Tiêu diệt tự do báo chí, nhà nước đã đẩy đất nước vào những “quốc nạn” ngày càng nan giải. Tệ nạn tham nhũng trở nên phổ biến từ cấp trung ương đến địa phương, cấu kết nhau thành từng phe nhóm, từng gia đình, từng địa phương thi nhau bóc lột tận xương tủy người dân. Mỉa mai thay, nhà nước còn nổi tiếng về Ủy Ban Chỉ Đạo Chống Tham Nhũng Trung Ương giúp tham nhũng càng ngày càng vững mạnh và mở rộng. Đến nỗi bí thư thành ủy một thành phố lớn nhất Miền Trung còn mang danh hiệu “Ông 10%” một cách công khai. Tham nhũng trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm mà báo chí lề phải khó đụng tới. Chỉ có dân báo mới dám xông vào vụ Vinashin một cách dũng cảm và đưa ra được thái độ bỏ chạy vô trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong những năm gần đây, hiện tượng công an lạm dụng quyền hành bắt giữ, đánh đập người dân đến chết xảy ra thường xuyên hơn, chỉ thấy tăng không thấy giảm. Chính vì nhà cầm quyền quyền độc tài đã sử dụng công an như một công cụ cai trị chính, giao cho quyền hành rộng rãi, có thể nói là vô giới hạn. Công an không còn biết sợ bất cứ biện pháp chế tài nào, bất cứ thứ thứ luật pháp nào và bất cứ tòa án nào, miễn là bảo vệ đảng để “còn đảng còn mình”. Người dân trước cảnh bất công không thể lên tiếng vì công an và chính quyền nắm chặt báo chí trong tay, cho phép nói mới được nói. Không có tự do báo chí, không có quyền suy nghĩ, quyền nói, quyền viết sự lộng hành của công an trở nên một hiện tượng bình thường đứng trên luật pháp và ngoài luật pháp.

Tóm lại, làng dân báo đã ngày càng trở thành một lực đối trọng với báo lề phải, mà với sự tiến triển của internet, cán cân lực lượng chắc chắn sẽ ngày càng nghiêng về phía dân báo. Cách đây mấy năm, trong bài “Blog và báo”,nhà báo kiêm blogger Trương Duy Nhất đã cho biết hiện tượng đọc dân báo đến....”nghẽn mạng”, trong khi chẳng ma nào đọc báo đảng, vì chỉ cần đọc 1 tờ báo lề phải là biết hơn 700 tờ báo của nhà nước đăng tin gì...

Ngày Báo Chí Thế Giới 3 Tháng 5 năm nay một lần nữa trở lại trong bối cảnh quyền Tự Do Báo Chí và Tự Do Thông Tin ở Việt Nam càng ngày càng bị  chính quyền độc tài siết chặt hơn. Mặc dù một bộ phận báo chí lề phải đã có khuynh hướng muốn tách rời khỏi sự lãnh đạo và chỉ đạo của đảng, nhưng con đường thoát ra khỏi sự kềm kẹp có vẻ như còn dài. Đây lại là dịp làng dân báo siết chặt tay nhau, gia tăng sức lực bằng những thông tin nhiều chiều, hữu hiệu hơn để giúp người dân nâng cao nhận thức về nhu cầu một nền tự do báo chí không thể thiếu ở Việt Nam. Đó cũng là cách để nới lỏng vòng xích cho báo chí lề phải đang muốn thực hiện đúng đắn thiên chức của người làm báo cũng như thể hiện “tính tự do” mà ông Lê Hồng Anh không dám đề cập tới trong khi thay mặt đảng dạy dỗ người làm báo trong Hội nghị Báo chí ở Quảng Ninh vừa qua.



2 comments:

KT

hàm hồ! Tôi.. sinh viên Đại Học Bách khoa TP Hồ Chí Minh tuyên bô cam đoan là blogspot này ăn nói hàm hồ

Hàm hồ? Diễn đàn này nói đúng sự thật, làm cho nhiều người mở mắt thấy chế độ Hà Nội chỉ là một chế độ đàn áp, biến dân thành đàn cừu. Sinh viên thành Hồ còn nhắm mắt trước hiện tình đất nước đến bao giờ?

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More