Nhận định của CT Đảng Việt Tân về phiên xử 4 thanh niên Công giáo Vinh

RadioCTM phỏng vấn ông Đỗ Hoàng Điềm
DienDanCTM
Ông Đỗ Hoàng Điềm nhận định về vụ xét xử 4 Thanh Niên Công Giáo tại Nghệ An

Nguyễn Vũ - RadioCTM

Nguyễn Vũ xin kính chào qúy thính giả. Vào buổi sáng 24.05.2012 Tòa án Nhân dân Vinh đã xét xử 4 thanh niên công giáo là các anh Đậu Văn Dương,Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn và Hoàng Phong. Bản án được ghi nhận là quá nặng nề đối với các thanh niên. Nhân dịp này chúng tôi có liên lạc với ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch Đảng Việt Tân, xin mời quí thính giả theo dõi những nhận định sau vụ xử 4 thanh niên yêu nước.


Nguyễn Vũ: Xin chào ông Đỗ Hoàng Điềm. Thưa ông, trong phiên tòa tại Vinh sáng ngày 24.05.2012 vừa qua, cả 4 thanh niên Công giáo vừa bị kết án với tổng cộng gần 15 năm tù và quản chế, đều bị khép tội liên quan đến việc liên lạc với linh mục Nguyễn Văn Lý cũng như ám chỉ thanh niên này làm việc chỉ vì nhận tiền của Linh mục Lý. Ông nghĩ gì về những sự kiện này?

Đỗ Hoàng Điềm: Dạ thưa ông và thưa quí thính giả. Câu hỏi chúng ta cần nhìn lại là, thật sự những thanh niên này đã làm gì để có thể bị kết án nặng như vậy? Theo tôi, chúng ta nhìn thấy rõ ràng rằng họ chỉ trình bày cái nhìn của họ một cách rất ôn hòa về cuộc bầu cử quốc hội của nhà nước CSVN. Họ là những người đã thực sự hành xử quyền tự do phát biểu ý kiến một cách ôn hòa. Thưa quí vị, trong xã hội văn minh ngày nay việc làm này hoàn toàn bình thường và được công pháp quốc tế cũng như các nước tiến bộ mặc nhiên công nhận và bảo vệ. Do đó việc xử án này theo tôi nghĩ – và đây không phải là lần đầu tiên - cho thấy bộ mặt độc tài và bất chấp công lý của nhà nước CSVN. Đây thực sự là một hành động vi phạm nghiêm trọng quyền căn bản của người dân, đi ngược lại chính những điều mà nhà nước CSVN vẫn rêu rao là phải tôn trọng; thì chúng ta thấy rõ rằng, luật pháp được chế độ CSVN xử dụng để bảo vệ chế độ chứ không phải để bảo vệ công lý cho người dân. Và điều này cũng cho thấy là nhà nước CSVN hoàn toàn không đại diện cho dân tộc Việt Nam của chúng ta. Câu hỏi tôi nghĩ chúng ta phải tự hỏi là, chúng ta có thể để tình trạng phi lý này kéo dài thêm bao lâu nữa và phải chờ thêm bao nhiêu người khác phải chịu oan ức, thì chế độ độc tài này mới ra đi? Và  chúng ta cần phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng bất công này càng sớm càng tốt.

Nguyễn Vũ: Thưa ông, chúng tôi được biết là trong những chứng cớ buộc tội chính đối với 4 thanh niên công giáo này, là tờ truyền đơn mà nội dung chính là kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội. Để các thính giả của đài có một bức tranh tổng thể, ông có thể cho biết là chính quyền dân chủ trên thế giới quan niệm như thế nào về loại kêu gọi hay hoạt động như vậy, thưa ông?

Đỗ Hoàng Điềm: Dạ vâng, như tôi đã nói ở trên, đây là những sinh hoạt phải nói là rất bình thường trong bất kỳ một quốc gia có tự do dân chủ trên thế giới. Quyền tự do bày tỏ cái nhìn của mình một cách ôn hòa, kể cả việc rải truyền đơn, phát tán bài viết, phát biểu bằng lời nói hay tổ chức hội họp để trình bày quan điểm của mình, hay kể cả biểu tình để bày tỏ thái độ một cách ôn hòa v.v... Tất cả những hình thức đó đều là những sinh hoạt rất bình thường ở bất kỳ một nước văn minh và tiến bộ trên thế giới... thì chúng ta không thể nào chấp nhận được lối hành xử phải nói là thiếu văn minh, độc tài và chà đạp lên công lý như của nhà nước CSVN.

Như tôi đã vừa phân tích trình bày thì việc làm của những thanh niên này, thực sự phải nói là việc làm được Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền và công ước quốc tế bảo vệ, và được chính luật pháp - theo đúng nguyên tắc là chính hiến pháp Việt Nam - hiện giờ cũng bảo đảm nữa. Thế thì chúng ta thấy rõ ràng chúng ta không thể nào chấp nhận để cho một chế độ như thế này cứ tiếp tục tồn tại, tiếp tục chà đạp lên công lý và đè lên dân tộc chúng ta mãi được.

Nguyễn Vũ: Theo công luận được biết là 4 thanh niên Công giáo vừa bị đưa ra tòa cũng thuộc cùng đợt với 17 thanh niên Công giáo bị công an bắt giữ từ năm 2011. Nhưng tại sao lại tách 4 thanh niên này ra và số phận 13 người còn lại thì ra sao, thưa ông? Ông có biết gì thêm về họ không?

Đỗ Hoàng Điềm: Vâng, theo tôi nghĩ thì có lẽ, sở dĩ 4 người này bị xử sớm hơn là vì họ bị kết tội vào việc rải truyền đơn và kêu gọi tẩy chay bầu cử quốc hội. Còn 13 người kia cho đến giờ phút này vẫn chưa rõ họ sẽ bị đưa ra xử về những tội gì; chúng tôi chỉ có thể đoán biết, đó là lý do tại sao mà 4 người này đã bị tách ra bị xử riêng. Về trường hợp của 13 người còn lại thì cho tới nay theo như chúng tôi được biết, họ vẫn còn đang bị giam giữ. Trong số này có một số người thì thân nhân đã được thăm, một số người thân nhân vẫn chưa gặp mặt. Trong đó có một trường hợp khá đáng thương của một người là anh Paulus Lê Sơn. Trong lúc đang bị giam thì bà mẹ của anh lâm bạo bệnh và qua đời. Theo tôi được biết là anh vẫn hoàn toàn không được biết tin bà mẹ của mình đã quá cố; thì phải nói rằng đó là việc rất là thương tâm. Và một lần nữa lại cho thấy thêm cái bản chất vô nhân đạo của hệ thống pháp lý của nhà nước CSVN. Tóm gọn lại, chúng ta chưa biết chừng nào 13 người còn lại sẽ bị đem ra xét xử và sẽ bị xét xử về những tội gì.

Nguyễn Vũ: Xin ông cho biết một cách tóm tắt về nỗ lực chung của đồng bào, bà con các nơi, đặc biệt là bà con Công giáo, về việc tranh đấu cho 17 thanh viên Công giáo này, thưa ông?

Đỗ Hoàng Điềm: Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta theo dõi diễn tiến phiên xử 4 thanh niên Công giáo tại Nghệ An thì chúng ta có thể thấy được ngay sự hỗ trợ mạnh mẽ của bà con Công giáo đối với không chỉ riêng 4 anh em vừa bị xét xử, mà nói chung cho cả nhóm 17 người thanh niên Công giáo bị bắt giữ từ cuối năm ngoái cho đến bây giờ. Sự hiện diện rất đông đảo của bà con Công giáo đòi phải trả tự do cho những người này - với những khẩu hiệu khẳng định việc làm của họ là hoàn toàn không có gì sai trái, và họ là những người vô tội - cho thấy sự hỗ trợ về mặt tinh thần; cụ thể là có mặt ngay tại phiên tòa bày tỏ quan điểm một cách rõ nét đối với nhà nước CSVN. Tôi cho đó là những hành động rất là can đảm cho thấy sự đoàn kết cũng như sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bà con Công giáo. Chưa kể chúng ta biết là có một số những giáo xứ cũng đã tổ chức những thánh lễ cầu nguyện hiệp thông với những thanh niên này và gia đình của họ. Nói chung về phía bà con Công giáo chúng ta thấy rõ sự hưởng ứng và hỗ trợ này rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, dư luận đồng bào chúng ta ở trong nước và ngoài nước đều rất quan tâm và vận động cho những thanh niên này rất nhiều. Chúng ta thấy rõ ràng là phía dư luận quốc tế cũng thế. Có thể nói rằng các tổ chức nhân quyền trên thế giới và rất nhiều quốc gia dân chủ đã lên tiếng kêu gọi nhà nước CSVN phải nhanh chóng trả tự do cho những thanh niên này, và phản đối việc 4 người thanh niên Công giáo bị đem ra xét xử tại Nghệ An. Nói chung, những áp lực quốc tế không phải bỗng dưng mà có; nó đến phần lớn nhờ vào nỗ lực của người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại. Tóm gọn lại, tôi nghĩ rằng những nỗ lực, hưởng ứng này cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ của dư luận khắp nơi của người Việt cũng như của quốc tế.

Nguyễn Vũ: Có dư luận cho rằng việc xử các thanh niên Công giáo hiện nay, vụ đưa các nhân sự của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ra tòa, và ngay vụ sách nhiễu gần đây đối với các tiếng nói lương tâm như trường hợp Ts. Nguyễn Xuân Diện, Lm. Phan Văn Lợi, anh Đỗ Nam Hải v.v... đều là sự cố ý của nhà cầm quyền để chuyển sự chú ý của người dân ra khỏi những vấn nạn lớn hơn như Biển Đông, như tình trạng kinh tế suy sụp quá nhanh chóng, cũng như để dư luận quên phê phán các vụ đổ bể lớn như vụ Vinalines, đập Sông Tranh 2. Xin ông cho biết ý kiến về nhận định đó, và nếu đúng thì bà con chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Đỗ Hoàng Điềm: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta hiểu bản chất của những chế độ độc tài, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu họ sử dụng những thủ đoạn như thế này. Rõ ràng là bất cứ chế độ độc tài nào, khi họ gặp nhiều khó khăn và sự chống đối của người dân thì họ hay có xu hướng tạo ra những vấn đề mới, tạo ra những cái gọi là biến động hay bất ổn để từ đó họ chuyển sự quan tâm, đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận. Tôi nghĩ rằng CSVN cũng không đi ra ngoài quy luật đó của bất kỳ một chế độ độc tài nào. Khi họ gặp khó khăn, chống đối của người dân... thể hiện qua thái độ rất khiếp nhược của họ đối với sự xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông, sự bất lực của họ trong tình trạng kinh tế đang bị suy sụp, hay vấn đề tham nhũng lan tràn hiện nay. Tôi nghĩ rằng những việc họ đưa ra những vụ xử án, những vụ vu cáo những hoạt động âm mưu để gây rối loạn v.v... đều là những thủ thuật để làm sao đánh lạc hướng sự quan tâm và sự chú ý của mọi người. Nhưng điều chúng ta cần nhìn cho rõ là xem dư luận đồng bào chúng ta có bị đánh lạc hướng hay không? Tôi có nhận xét rằng, dù chế độ có cố gắng làm việc đánh lạc hướng đó, nhưng dư luận không dễ bị đánh lừa như vậy. Những vấn đề lớn hiện nay như vụ đổ bể Vinashin, vấn đề nguy hiểm của đập Sông Tranh 2, tình trạng kinh tế đang lâm nguy và có chỉ dấu sẽ còn suy sụp nhanh trong 1, 2 năm trước mặt. Tất cả những vấn nạn này - ngay cả việc họ hèn yếu trước Trung Quốc - những mối đe dọa này quần chúng trong nước đều thấy rõ cả. Không ai có thể quên những chuyện này. Không ai có thể để nhà nước đánh lừa bằng cách đưa ra những vụ xử các thanh niên Công giáo này để đánh lạc hướng mọi người. Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục duy trì áp lực, phải tiếp tục đưa ra trước công luận tất cả những sai trái, việc làm mờ ám của chế độ. Đó là việc đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra tại Việt Nam.

Tóm gọn lại, tôi nghĩ rằng đây là một thủ đoạn của chế độ nên chúng ta không dễ gì bị đánh lừa, và rõ ràng cho thấy người dân Việt Nam chúng ta vẫn đang tiếp tục hướng chế độ vào những việc mà họ cần phải giải quyết, tạo nên những áp lực thay vì để cho họ đánh lừa và đánh lạc hướng qua những chuyện khác.

Nguyễn Vũ: Thay mặt quí thính giả đài Chân Trời Mới, xin cám ơn ông Đỗ Hoàng Điềm. Kính chào ông.

Đỗ Hoàng Điềm: Xin cám ơn ông.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More