Nỗi đau một gia đình thương binh gần 10 năm ở hầm.

Phía ngoài “hầm” gia đình người thương binh Nguyễn Xuân Kim đang ở
Hồ Hồng Tuyển
Đây không phải là câu chuyện thời chiến tranh ác liệt, mà thống nhất đất nước đã 37 năm. Có chăng người thương binh và vợ (TNXP) đã cống hiến xương máu, tuổi xuân đi qua khói bom trở về quê hương. 

Gần10 năm có lẻ, nói thật khách quan, ở trong cái gọi là nhà, một phần thấp hơn mặt đất, một phần nhô cao lên, chiều rộng khoảng 2m, chiều dài 4m, tứ phía che ni lông, bì rách, gạch đá đè lên…giống như một vòm thuyền nốc xơ xác lênh đênh giữa biển đời.
Ông là Nguyễn Xuân Kim, vợ Vũ Thị Xuân cùng 3 người con, 1 gái, 2 trai hiện đang ở khối 4 thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An. 

Sau khi bị thương rời quân ngũ, anh Nguyễn Xuân Kim về quê nên duyên chồng vợ với chị Vũ Thị Xuân ( TNXP, cùng quê). Không có đất sản xuất, 2 vợ chồng được sự đồng ý của UBND thị trấn, thuê một mảnh đất sát quốc lộ 7A, phía sau là vùng đất Bưu điện huyện Diễn Châu. 

Đầu năm 2003, bưu điện trả đất cho UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh bàn giao cho huyện Diễn Châu, huyện lại giao cho thị trấn quản lý. Được sự đồng ý của cấp trên, UBND thị trấn phân chia lô thửa thông báo bán cho dân có nhu cầu làm nhà ở. Đấu tranh quyền lợi ưu tiên cho thương binh nhưng không được, ông Kim làm đơn mua đất như bao người dân khác. 

Theo thông báo của UBND thị trấn ông được mua lô số 4 với giá gần 170 triệu, số tiền này ông đã nạp vào kho bạc, cộng thêm 10 triệu nữa hộ trợ thị trấn. Lạ lùng thay từ đó đến nay ông vẫn chưa được bàn giao đất, lao tâm khổ tứ gần 10 năm với cả đống giấy tờ đơn thư khiếu nại gửi đi khắp nơi, từ thị trấn đến trung ương mà chưa có cấp nào xử lý dứt điểm để một gia đình chính sách ở hầm như vậy.

Phía trong hầm ông Kim ở (ảnh)
Nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến nhà ông Kim thật quá dễ vì ai cũng gọi “ Ông Kim hầm”. 

Nhìn bên ngoài (mái nhà) ni lông, bì rách phần phật gió Lào, ngó vào trong, tối om om và nóng như một chảo lửa hắt vào mặt. Một chiếc giường đôi, rồi áo quần chăn màn, xoong nồi…Hỏi, 2 vợ chồng nghỉ ngơi, sinh hoạt ở đây còn con cái ở đâu ? bà vợ mặt nhăn lại như ăn phải bồ hòn “ Một đứa bộ đội biên phòng, một đứa làm bên viễn thông, khi nào chúng nó về thăm bố mẹ thì ở trọ trong làng. Mùa hè này còn sướng đấy chứ mùa mưa thì trong nhà là một cái ao nhỏ, nước bì bỏm”. 

Hỏi, năm 2003 mà anh, chị có số tiền gần 200 triệu mua đất kể ra cũng giàu rồi. Vẫn giọng phẫn uất như chứa chất nhiều đau buồn, bà Xuân cho biết “ Để kịp thời có từng ấy tiền mua đất, vợ chồng chúng tôi đã bán đứt ngôi nhà trong làng, rồi vay mượn anh em, người thân phần lớn mới đủ. Mười năm rồi chúng tôi phải ở trong căn hầm như thế, còn quán bán phở này là thuê của họ. 

Mười năm, chúng tôi nhịn ăn, nhịn mặc è cổ ra trả lãi suất. Nếu như các cấp có thẩm quyền không lừa chúng tôi thì gia đình đâu phải khốn khổ đến thế này”. 

Hỏi, thời buổi dân trí, dân chủ này sao các “ ông cán bộ lừa được”? “ Nói đúng ra họ không lừa, nhưng họ cứ bảo chờ đợi…năm này qua năm khác. Số là khi mua đất, phía mặt tiền còn 3 hộ đang án ngữ, họ cũng được UBND thị trấn cho thuê (thời hạn 3 năm), hết thời hạn, 3 hộ đó không chịu đi mà UB thị trấn cũng không làm gì được. Đây là mấu chốt quan trọng nhất vì chưa GPMB mà đã bán đất cho dân, theo kiểu cứ lấy tiền đã rồi tính sau”. Tìm hiểu về 3 hộ án ngữ mặt tiền, họ đều bảo “ Chúng tôi cũng hộ khẩu ở địa phương này, trước đây cũng thuê mượn đất thị trấn, tại sao không ưu tiên bán cho chúng tôi mà bán cho ông Kim và các hộ ngoài địa phương khác”? Sau này tìm hiểu từ thị trấn, đến UBND huyện Diễn Châu mới hay 3 hộ đang ở trái phép (không có giấy tờ hợp pháp) trước đây đều được UBND thị trấn thông báo bán đất nhưng họ không có đơn mua.

Ông Nguyễn Xuân Kim vết thương tái phát đi chạy chữa ở bệnh viễn tỉnh đã về, trông ông phờ phạc, đen đúa như một người sắp chết đói. Ông cũng như bà vợ đều nói “ 10 năm rồi chúng tôi kiên trì chờ đợi pháp luật, tin vào đảng vào chính quyền, bây giờ thì hết chịu nổi. Thà rằng nói chúng tôi còn thiếu giấy tờ này, thủ tục kia, đàng này ông thị, ông huyện, tỉnh ai cũng bảo chúng tôi không thiếu thứ gì, khiếu nại là đúng, rồi vận động chúng tôi hết năm này sang năm khác kiên trì chờ đợi. Có thằng còn vô đạo đức nói : Ông yên tâm đi, nếu vợ chồng có mệnh hệ gì nằm xuống thì đời con, đời cháu ở chứ ai giám vào đó”.

Tại UBND huyện Diễn Châu, ông chánh văn phòng, ông chủ tịch huyện đang buổi tiếp dân, trả lời những bức xúc, nóng bỏng về đất đai. Chúng tôi gõ cửa vào phòng ông trưởng phòng TN- MT Lê Văn Thuận. Mặc dù đã trình giấy công tác của PV, nhưng nguyên tắc bắt chúng tôi vòng lại ông phó văn phòng để ở đây gọi điện lên chúng tôi mới được làm việc. 


Sau khi nêu vấn đề, ông Thuận, trưởng phòng TN- MT nói “ Việc đất đai của ông Nguyễn Xuân Kim chúng tôi rất quan tâm. Ông Kim khiếu nại đã nhiều năm là đúng, cái khó là 3 hộ đang án ngữ mặt tiền của đất ông Kim chưa giải tỏa được. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp, xác minh họ chưa có đất ở nên cho các hộ đó chọn một lô đất không sinh lợi, giá chỉ định, nhưng họ vẫn không chịu đi. Trong lúc đó họ không có một giấy tờ gì hợp pháp để ở trên mảnh đất hiện tại. 

Vừa qua ĐBQH nhận được đơn của ông Kim, ngày 4/5/2012 UBND tỉnh có công văn gửi GĐ Sở TN- MT  chủ trì phối hợp với thanh tra tỉnh, Sở tài chính, Sở tư pháp xem xét lại hồ sơ để tham mưu cho UBNMD tỉnh ra văn bản trả lời các nội dung kiến nghị, vướng mắc của UBND huyện Diễn Châu kiến nghị thực hiện cưỡng chế 3 hộ, giao đất cho ông Nguyễn Xuân Kim. 

Nói thật với các anh vấn đề khiếu kiện về đất đai ở huyện Diễn Châu chiếm 90%”. Mọi chuyện tưởng đã rõ như ban ngày, bởi nhiều đoàn thanh tra, huyện, tỉnh  đã xác minh, làm việc chi tiết và có kết luận, kiến nghị. Ông Phạm Hồng Thanh chủ tịch thị trấn trao đổi “ Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì 3 hộ đang lấn chiếm, gọi họ lên cho chọn một lô đất, nhưng họ bảo phải đất sinh lợi, buôn bán chứ không thể ở đất loại hai. Có hộ lại bảo không đi đâu cả, mà phải bán đất tại chỗ”. 

Ông Lê Văn Thuận trưởng phòng TN- MT: “ Thị trấn cũng như huyện, đủ cách rồi, chúng tôi đã có kiến nghị lên tỉnh xin ý kiến chỉ đạo để cưỡng chế. Tuy nhiên, tỉnh đang giao Sở TN- MT, Sở tài chính, kết hợp với huyện rà soát lại 3 hộ lấn chiếm để tỉnh ra văn bản thực hiện”. 

Rời phòng máy lạnh mát rượi của ông trưởng phòng TN- MT, một lần nữa chúng tôi tiếp xúc với 3 hộ đang lấn chiếm nói trên. Qua trao đổi, họ cho rằng UBND thị trấn cũng như huyện bán đất không công khai, trái luật định vì họ ở trước đã nhiều năm, nhiều năm đã đóng lệ phí, vậy mà không ưu tiên họ mua là không đúng. Ông Ngô Đình Nhậm chủ tịch huyện trước đây đã cấp đất sai trái rất nhiều. Bây giờ về hưu dân ném phân, chó chết vào nhà, ông không dám đi họp khối”.
Ông Lê Văn Thuận trưởng phòng TN- MT huyện Diễn Châu tươi cười 
nói về chuyện người thương binh Nguyễn Xuân Kim gần 10 năm ở hầm (ảnh)
Đã 2 đời bí thư huyện ủy, 2 nhiệm kỳ chủ tịch huyện Diễn Châu và một số cán bộ cấp tỉnh về hưu và cũng gần 10 năm người thương binh Nguyễn Xuân Kim cùng vợ con vẫn ở hầm. Nhiều người dân thấy cám cảnh của vợ chồng con cái của ông Kim nói “ Đây là đất ông Kim chứ đất của quan chức, hoặc con cháu họ mà xem, xong lâu rồi. Có người còn xúi bà Vũ Thị Xuân : Bây giờ gia đình chia nhau ra hai phe, một lên phòng chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Võ mà ở, một lên phòng bí thư huyện ủy, có thế mới nhanh giải quyết được”. 

Bà Vũ Thị Xuân bức xúc “Chúng tôi tin pháp luật, tin đảng hết rồi. Ai đời một mảnh đất nhỏ mà không sao giải quyết được, để chúng tôi khốn khổ đến bao giờ nữa”. Nhớ lại cách đây hơn 2 năm, hàng trăm hộ buôn bán ở chợ Phủ Diễn huyện này phản đối đền bù, giải tỏa để giao đất cho doanh nghiệp đầu tư xây cao ốc, trung tâm thương mại, nhưng với quyết tâm cao của các cấp thị, huyện, tỉnh chỉ một sớm một chiều mọi chuyện đã xong xuôi. Bây giờ một mảnh đất nhỏ của người thương binh gần 10 năm rồi vẫn chưa sao giải quyết nổi, cấp thị xin ý kiến huyện, huyện xin ý kiến tỉnh, rồi thanh tra đi thanh tra lại nhiều năm vẫn chưa có hồi kết. Đây là là sự yếu kém hay chuyện nhỏ của một công dân, cho dù đó là một thương binh hy sinh một phần xương máu cho ngày hòa bình hôm nay. 

Viết đến đây tôi lại nhớ đến nhiều vụ lợi ích nhóm đã xẩy ra nhiều nơi, cố đẩy đổi dân bằng mọi cách, kể cả sự thô bạo để doanh nghiệp nhảy vào đầu tư…mua đi bán lại. Khi thành công, các DN ma biếu lãnh đạo, người giúp đỡ cả chiếc xe ô tô tiền tỷ. Như vụ án “ nốt đất” ở Vĩnh Phúc, kẻ chủ mưu đã được tư vấn chạy ra nước ngoài, còn lại “con tốt” đang bị thí để bảo vệ “tướng”.
Tại nơi thuê ốt kiếm sống bà Vũ Thị Xuân vợ thương binh Kim nói “ Gần 10 năm 
chờ đợi được bàn giao đất ở, bây giờ chúng tôi không tin vào chính quyền này nữa”.
Chưa đến 27/7, ngày thương binh, liệt sỹ nhưng nhiều nơi đã bàn bạc kế hoạch thực hiện, rồi sẽ có những khẩu hiệu, băng ron rùm beng, những quan chức đây đó lại lấy tiền ngân sách đi thăm hỏi các gia đình chính sách, chứng tỏ mình luôn luôn nhớ đến người có công với đất nước. Xin đừng mỵ dân bằng cách “ Chẳng mất gì của mình” mà hãy bằng thực tế từ những chuyện như của người thương binh Nguyễn Xuân Kim nói riêng, của dân tình nói chung. Mong mỏi của toàn dân nói chung là thế, nhưng câu nói của bà Vũ Thị Xuân (TNXP) vợ của thương binh Nguyễn Xuân Kim cứ riết róng mãi  “ Chúng tôi không còn tin gì nữa trước các quan chức bây giờ !”. Nhưng chúng tôi vẫn tin vào lương tri, tin ngày “ Bảo nổi can qua”…

Hồ Hồng Tuyến.

1 comments:

Một nhà nước bù nhìn và vô cảm chỉ làm khổ dân.
Xin chúc ông bà Kim nhiều mạnh dạn và an lành.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More