Tam Quyền Phân Lập Là Gì ? [3]

Các Thể Chế Chính Trị trên thế giới

Lê Tùng Châu
Tác giả gửi đến DienDanCTM

Nội Dung:
- Những nguyên nguyên tắc tối thượng của 1 thể chế dân chủ
- Tổng Thống Chế
- Nội Các Chế
- Quốc Hội Chế
- Tổng Kết về các thể chế
------------------------------------

Trong 1 bài (*) vào năm 2010, tôi có viết:
...............
Dân chủ là gì, công bằng là gì? Độc tài là chi? Thưa ông, bao lâu còn con người trên trái đất này thì còn bất công, còn độc tài. Còn muốn ăn một mình. Thô nhẹ thì như hai thời cộng hòa ở miền Nam. Tinh vi và độc ác tàn nhẫn thì như miền Bắc cộng sản của Hồ chí Minh và đồng bọn.


Tham Lam và Ngu Muội, Vong Thân và Độc Ác là những căn tính truyền kiếp của con người.
Chỉ có qua các định chế dân chủ mà với Tam Quyền Phân Lập thực sự như hiện nay ở Mỹ và các quốc gia Âu, Úc…cho phép quần chúng Phổ thông Đầu Phiếu –bỏ phiếu kín- may ra khả dĩ ngăn chận phần nào những xấu xa đó của con người, thậm chí còn không cho ai ra ứng cử Tổng Thống quá 2 nhiệm kỳ, là gì???
Tôi nghĩ tếu (xin lỗi ông ...) là bây giờ dân Việt Nam đưa ông ... làm Tổng Thống thì chẳng chóng thì chầy ông cũng sẽ thích độc tài à, bởi chẳng mấy ai muốn san sớt cái Lợi Thế mình đang có cho người khác, trừ phi là những Triết Gia, những hiền nhân vô cùng hiếm hoi trong lịch sử nhân loại.

Phải thấy rõ là, Dân Chủ, Tự Do, Công Bằng là những ước vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, và phải đấu tranh không ngừng mới có được, phải được trao truyền, dẫn dắt bởi một thiểu số Trí Thức tâm huyết với xứ sở. Đó là một sự nghiệp Nhân Bản phải được duy trì một cách liên lỉ, tỉnh táo. Chỉ cần thiếu đi một trong các yếu tố trọng yếu kể trên là coi như nền Dân Chủ dù đã được thiết lập được chăng nữa, vẫn bị đe dọa tiêu vong................

Quả thật những dòng đó hẳn cũng là những nhận định, lo âu và bi quan về con người của các nhà lập thuyết Tam Quyền.
Không phải người ta có thể hay không thể TIN (trust) nơi con người, nhưng kinh nghiệm mấy ngàn năm diễn trình văn minh của nhân loại đã chỉ ra rằng, phải có một định chế khe khắt, ngang tầm một ước thúc tối thượng cưỡng hành khó bị làm thay đổi...thì mới có thể phần nào yên tâm rằng, một chính quyền bởi do dân, vì dân thực sự (ở mức tương đối) có mặt trên thế giới này(**)

Từ đây, những công dân dù ở ngoài hay đã tham dự vào địa hạt chính trị không còn dùng tới khái niệm TIN người nữa, mà vấn đề đặt ra là: người đó có Tuân Thủ nguyên tắc tối thượng hay không? và nếu có, thì chưa chắc đã được khen thưởng -vì đó là bổn phận bắt buộc không phân biệt cá nhân nào- còn nếu không, thì chắc chắn sẽ bị trừng phạt bởi Luật Pháp.

I - Những nguyên tắc tối thượng

Những nguyên tắc tối thượng cho một chế độ dân chủ đặt trên nền tảng Phân Quyền là:

- Chủ quyền quốc gia thuộc về dân: chứ không thuộc về cá nhân nào hay đoàn thể, đảng phái nào hết.

- Nguyên tắc đại diện: tức ý tưởng khai sinh chế độ đại nghị. Theo nguyên tắc này, quyền của dân được ủy thác vào các đại biểu trong một thể thức tuyển cử (ứng cử và bầu cử) khách quan, công bằng và được giám sát nghiêm ngặt. Cơ cấu quyền hành quốc gia do dân bầu (dân biểu Hạ viện, nghị sĩ Thượng viện, và Tổng Thống) nhưng cũng chỉ có giá trị trong một hạn kỳ nhất định (nhiệm kỳ) và ngắn hạn (4 hoặc 6 năm tùy nơi), khi hết hạn là phải tái cử và tái bầu. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết thể thức tuyển cử trong một chế độ dân chủ nơi một bài khác sau.

- Nguyên tắc đa số: nếu ở các chế độ độc tài, nơi mà chỉ một thiểu số ý kiến của thượng tầng chế độ khuynh loát và chi phối đời sống bất chấp nhu cầu thực thụ của khối đại quần chúng, thì trong một quốc gia tự do dân chủ, xảy diễn ra ngược lại: ý kiến của dân chúng, thông qua các vị đại diện được dân ủy quyền qua các cuộc bầu cử mới thực sự lèo lái con thuyền quốc gia. Đó là nguyên tắc đa số tổng quát. Về tiểu tiết ta phân biệt như sau:

a/ Về phía Ứng viên: ai đắc đa số phiếu bầu trong 1 cuộc tuyển cử (tức là nhận được nhiều số phiếu bầu của cử tri hơn các đối thủ khác), sẽ là người thắng cuộc.

b/ Về phía cử tri: những cử tri dù không dồn phiếu cho Ứng viên đắc cử, cũng sẽ phải vui vẻ chấp nhận kết quả hợp lệ (legal result) vì Ứng viên này được đa số tín nhiệm: "thiểu số phục tùng đa"

Với Nguyên tắc đa số, thì chính quyền đã được xác lập qua kết quả tuyển cử, vậy thì, ở phía thiểu số, tức là các ứng viên thất cử sẽ ra sao? Họ sẽ bất mãn, bất hợp tác hay xử sự tiêu cực với chính quyền trong việc nước?
Trả lời câu hỏi này đưa ta tới khảo sát chủ đề Đối Lập Chính Trị, một hình thức văn minh và đặc biệt trong các chế độ tự do dân chủ, sẽ đề cập chi tiết trong một bài riêng về sau.

- Nguyên tắc trọng pháp: Luật pháp là những quy lệ có tính các tổng quát, khách quan, thích nghi, phù hợp và cưỡng hành.
Luật pháp quy định trường hợp tổng quát với mọi công dân, như một quy ước tiên thiên bắt buộc nhằm điều hòa những nhu cầu đa dạng và khác biệt từ mọi tầng lớp dân chúng cho một nền trật tự và an ninh chung. Đây là nơi xuất phát của câu: "Tự Do nghĩa là muốn làm gì cũng được nhưng không được xâm phạm đến Tự Do của người khác".
Luật Pháp sẽ được chỉnh sửa, cập nhật cho thích nghi với chuyển biến của đời sống.
Luật pháp có tính cách cưỡng hành với chính quyền cũng như mọi công dân trong nước.
Vì là luật tắc chung cho mọi sinh hoạt xã hội và là nền tảng của Công Bằng nên mọi công dân phải có bổn phận bảo vệ Luật Pháp bằng cách tuân thủ Luật Pháp và tố cáo những kẻ phạm pháp dù họ ở trong hay ngoài chính quyền.

- Nguyên tắc tự do bình đẳng: Dân chủ, trước hết phải có nghĩa là Tự Do.
Trong các quyền tự do của công dân được bảo đảm, trước hết phải là tự do chính trị.
Không thể có tự do chính trị nếu công dân bị bắt giam vô cớ, nếu đời tư và danh dự cá nhân bị xâm phạm, hoặc tự do cư trú và đi lại bị ngăn cản.
Cũng không thể có tự do chính trị nếu quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận (báo chí & truyền thông...), tự do hội họp và lập hội (tự do thành lập chính đảng...) bị tước đoạt vì bất cứ lý do gì.
Một chế độ không tôn trọng quyền tự do tiên quyết này của dân chúng thì chỉ là một thứ chế độ phản dân chủ, độc tài hoặc tiếm danh dân chủ cho dù có tự bôi vẽ lên bởi đủ loại khẩu hiệu, mỹ từ man trá.
Vì việc nước là việc chung nên mọi công dân có bổn phận phải tham gia vào sinh hoạt chính trị. Quyền này là đương nhiên và bình đẳng để quốc gia lấy quyêt định hệ trọng đến vận mạng đất nước.

Hiện nay hầu hết Hiến Pháp ở các nước tự do dân chủ trên thế giới (cũng như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc) đều long trọng xác nhận các quyền tự do bình đẳng và quyền bất khả xâm phạm của công dân căn bản như sau:

Bảo đảm bản thân:
- Quyền an toàn cá nhân.
- Quyền tự do đi lại, cư trú xuất ngoại và hồi hương.
- Quyền bí mật thư tín, thông tin cá nhân, đời tư, và được tôn trọng danh dự cá nhân.
- Quyền bình đẳng trước pháp luật.

Quyền Tự do tư tưởng:
- Tự do tín ngưỡng.
- Tự do hội họp và lập hội.
- Tự do ngôn luận.
- Tự do tham chính.

Quyền Tự do kinh tế & xã hội:

- Quyền tư hữu.
- Quyền làm việc.
- Quyền đình công.
- Quyền được hưởng an ninh xã hội.

Chế độ đại nghị là phát minh đáng hãnh diện của nhân loại, khai sinh ở Anh quốc vào đầu thế kỷ 18 và lập tức có ảnh hưởng sâu rộng. Tới cuối thế kỷ 18, đã lan sang Hoa Kỳ rồi Pháp rồi lan rộng khắp thế giới. Chế độ đại nghị thủ tiêu nền quân chủ ngự trị nhân loại ngót 2000 năm và để đạt thành quả tự do dân chủ như ngày nay, là do sự chung tay xây dựng hoàn thiện dần của nhiều thế kỷ.

Dựa trên những nguyên tắc tối thượng trên, thuyết Tam Quyền đã cho ra đời các thể chế sau đây.


II - TỔNG THỐNG CHẾ

Một điển hình của việc áp dụng nguyên tắc phân quyền cứng rắn, đó là Tổng Thống Chế, khai sinh bởi Hoa Kỳ theo Hiến Pháp 1787.
Tổng Thống Chế được áp dụng tại nhiều nơi trong đó có Việt Nam Cộng Hòa (1956-1963; và 1967-1975)


Cách Tổ Chức Và Điều Hành Nền CHÍNH TRỊ HOA KỲ (by David Cushman Coyle, bản Việt dịch by Nguyễn Ngọc Nhạ, Việt Nam Khảo Dịch Xã ấn hành và xb, Saigon, 1967)

Đặc điểm:

Hành Pháp độc lập:

- Vị Tổng Thống dân cử đứng đầu Hành Pháp, chỉ định các phụ tá là một số Bộ Trưởng: chính phủ gồm Tổng Thống và các Bộ trưởng.
- Vì do dân bầu cử trực tiếp nên Tổng Thống chỉ chịu trách nhiệm trước quốc dân. Khi mãn nhiệm, quốc dân sẽ bầu lại Tổng Thống khác.
Vì thế Tổng Thống không tùy thuộc vào Quốc Hội nghĩa là Quốc Hội không thể biểu quyết bất tín nhiệm Tổng Thống và lật đổ chính phủ.
- Các Bộ Trưởng do Tổng Thống bổ nhiệm, họ chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng Thống.

Vậy, quyền hành pháp tập trung trong tay Tổng Thống. Tổng Thống có ưu thế với các Bộ Trưởng.

Lập Pháp độc lập: Quốc Hội do dân bầu trực tiếp, nắm quyền lập pháp, biểu quyết đạo luật, chuẩn y các chính sách quốc gia, kiểm soát hành pháp.
Tổng Thống không có quyền giải tán Quốc Hội.

Mối tương liên giữa Hành Pháp và Lập Pháp:

- Quyền phủ quyết của Tổng Thống cho phép ông từ chối không ban hành một đạo luật và yêu cầu Quốc Hội phúc nghị. Như vậy, hành pháp đã phần nào tham gia vào công vụ lập pháp.

- Quốc Hội cũng có quyền can thiệp hoạt động của Tổng Thống như bổ nhiệm các công chức cao cấp (Đại Sứ, Viện Trưởng Đại Học ...), phê chuẩn các hiệp ước do Tổng Thống ký kết với các nước khác. Chỉ sau khi được Quốc Hội phê chuẩn, hiệp ước mới có hiệu lực. Như vậy, lập pháp có thể kiểm soát các hành vi trọng yếu của hành pháp.

Mối tương liên này là một cơ chế cân bằng giúp cho quyền bính quốc gia được thăng bằng, khó bị thao túng bởi chính phủ. Nó cũng có nghĩa là vị thế của dân chúng lớn hơn, Tổng Thống (và chính phủ của ông) phải thực thi những cam kết như đã hứa khi tranh cử hầu nhắm tới hoàn thành những trọng trách mà người dân đã tín nhiệm họ qua lá phiếu bầu.

Nếu Quốc Hội là cơ quan đại diện nhân dân nhưng là đại diện dưới hình thức tập thể về quyền lợi và khu vực, thì Tổng Thống là đại diện cho toàn thể dân chúng với tầm vóc một quốc gia.

(điển hình: "Tổng Thống Chế tại Hoa Kỳ" sẽ có bài riêng trong các phần sau)

III - QUỐC HỘI CHẾ

Quốc Hội chế là chế độ tập quyền trong tay Quốc Hội, áp dụng tại Thụy Sỹ.

- Quốc Hội nắm quyền Lập Pháp và Hành Pháp: trong thể chế này, Quốc Hội do dân bầu và nắm giữ cả 2 quyền Lập Pháp và Hành Pháp.

- Thực tế, Quốc Hội không thể hành xử cả 2 quyền nên phải bổ nhiệm Hành Pháp.

- Hành pháp phải tuân theo chỉ thị của Quốc Hội. Nếu bất đồng với Quốc Hội, Hành Pháp không tự ý rút lui mà phải được Quốc Hội chấp thuận mới được từ chức.

- Quốc Hội có quyền hủy bỏ các quyết sách của Hành Pháp.

Trong Quốc Hội Chế, Hành Pháp không còn là một quyền mà trở thành cơ quan thi hành chính sách của quốc hội.

Tuy hầu như không áp dụng nguyên tắc phân quyền, nhưng trong Quốc Hội Chế ở Thụy Sỹ, khó xảy ra độc tài vì dân chúng có quyền rất lớn, có quyền đưa ra những sáng kiến góp ý về Luật pháp, Hiến pháp, có quyền bày tỏ ý kiến mạnh mẽ qua các cuộc trưng cầu dân ý quy mô. Dân chúng kiểm soát sâu quyền hành nơi quốc hội là một nét độc đáo của Quốc Hội Chế.

(điển hình: "Quốc Hội Chế tại Thụy Sỹ" sẽ có bài riêng trong các phần sau)


IV - NỘI CÁC CHẾ

Một điển hình của việc áp dụng nguyên tắc phân quyền mềm dẻo, đó là Nội Các Chế, khai sinh bởi Anh quốc. Còn gọi là Thủ Tướng chế vì Thủ Tướng chính phủ đứng đầu hành pháp.
Nội Các Chế được áp dụng tại nhiều nơi như Nhật, Đức, Thái Lan...

Đặc điểm: Nội Các Chế áp dụng hành pháp lưỡng đầu, và lập pháp lưỡng viện.

1/ Cơ cấu công quyền:

Hành Pháp: Gồm Quốc trưởng, Quốc vương hay Tổng Thống dân cử, và một Thủ Tướng đứng đầu chính phủ.

Quốc trưởng: không có thực quyền, chỉ mang tính tượng trưng, đại diện về nghi thức cho quốc gia.

- Vì thế, Quốc trưởng không có chính sách mà trái lại, phải chấp nhận chính sách của chính phủ. Những văn kiện mà Quốc trưởng ký phải có Thủ Tướng hoặc một Bộ trưởng phó thự (***) để chịu trách nhiệm.
- Tuy nhiên, Quốc trưởng luôn phải được Thủ Tướng tường trình đường lối chính sách, hoạt động của chính phủ.

Nội Các: (tức Chính Phủ hay Hội Đồng Bộ Trưởng) gồm các Bộ Trưởng dưới quyền điều khiển của Thủ Tướng.

Thành lập Nội Các

- Quốc trưởng chỉ định hoặc đề cử Thủ Tướng. Thủ Tướng được chỉ định sẽ bổ nhiệm các Bộ Trưởng.
- Sau khi thành lập xong, Nội Các trình diện Quốc Hội để được Quốc Hội tấn phong.

Quyền hạn và trách nhiệm của Nội Các

- Nội Các là cơ quan đầu nào điều hành guồng máy quốc gia.

- Các Bộ Trưởng có quyền rộng trong Bộ mình phụ trách, và cùng tham dự đường hướng, chính sách của Chính phủ. Nếu có bất đồng trong Nội Các, Thủ Tướng sẽ phải lấy biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

Lập Pháp: theo hình thức lưỡng đầu. Quốc Hội gồm 2 viện: Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện.

2/ Thẩm Quyền: Tuy vẫn tuân thủ lý thuyết phân quyền nhưng cơ chế cài chéo nhau trong phân chia quyền lực một cách mềm dẻo chứ không cứng rắn rạch ròi như Tổng Thống Chế.

- Quốc Hội nắm quyền Lập Pháp nhưng chính phủ vẫn có thể đề nghị dự thảo luật, hoặc dự thảo ngân sách quốc gia.

- Nội Các điều hành nền hành chính, nội an và ngoại giao nhưng vẫn có nhiều trường hợp Quốc Hội có tiếng nói trong việc phê chuẩn Hiệp Ước, hoặc theo dõi, kiểm soát những thi hành quốc sách từ Nội Các.

3/ Tương Quan: Quốc Hội có quyền bất tín nhiệm (giải nhiệm) Nội Các. Và chiếu theo đề đạt của Thủ Tướng, Quốc Trưởng cũng có thể giải tán Quốc Hội.
Nếu điều này xảy ra, dân chúng phải bầu lại Quốc Hội như từ ban đầu theo các trình tự Hiến định.
Nếu phe đa số tại Quốc Hội (vừa mới bị giải tán) cũng lại vẫn đắc cử, điều đó có nghĩa là đa số cử tri vẫn tán đồng ý kiến và tín nhiệm Quốc Hội cũ, do vậy, Nội Các phải từ chức.

(điển hình: "Nội Các Chế tại Anh" sẽ có bài riêng trong các phần sau)
-----o0o-----


V - TỔNG KẾT Về Các Thể Chế

Mỗi loại hình thể chế ta vừa khảo sát tổng quát đều có ưu và khuyết điểm.

Tổng Thống Chế:

Ưu điểm:

- Phân quyền rắn, tránh được nạn độc tài.
- Hành pháp mạnh, các Bộ Trưởng có quyền lớn cũng như trách nhiệm nặng nề trước Tổng Thống.

Khuyết điểm:

- Hành pháp và Lập pháp ít "thân" nhau, lắm khi tranh chấp dai dẳng vì tương phản nhiệm vụ và không thể giải tán nhau.

- Nếu vì bằng cách nào đó mà Tổng Thống kiểm soát được Quốc Hội thì rất dễ đưa tới độc tài -như Nam Hàn thời Park Chung-hee (làm Tổng Thống tới 4 nhiệm kỳ từ 1963 - 1979) và Chun Doo-hwan (Tổng Thống 2 nhiệm kỳ từ 1980 - 1988)

Quốc Hội Chế:

Ưu điểm: Chủ quyền bất khả phân nơi Quốc Hội khiến quyền của công dân, cử tri rất lớn trong tuyển cử và những góp ý về chính sách quốc gia.

Khuyết điểm: Nếu đa số tại Quốc Hội thuộc về chỉ 1 đảng thì dễ có nguy cơ đưa tới độc tài đảng trị.

Nội Các Chế:

Ưu điểm:

- Vẫn người dân có quyền tối hậu khi các tranh chấp, bất đồng giữa Hành Pháp và Lập Pháp được giải quyết bởi lá phiếu của cử tri qua cuộc bầu cử mới.

- Hầu như tránh đươc đảo chánh, vì chỉ cần Quốc Hội bất tín nhiệm Nội Các là việc tranh giành quyền Hành Pháp trở nên vô nghĩa.

Khuyết điểm: Tuy nhiên, với cơ chế can thiệp lẫn nhau của 2 quyền Lập Pháp và Hành Pháp, dễ có nguy cơ xảy ra khủng hoảng chính trị nếu Quốc Hội cứ giải nhiệm Nội Các mãi (ví dụ, ở Pháp từ 1919 - 1940, Nội Các đã bị thay đổi tới 40 lần).

May thay, vai trò của các Chính Đảng và đối lập đã đóng 1 vai trò có tính quyết định và xây dựng góp phần điều hòa các Ưu và Khuyết điểm trên của các thể chế chính trị nêu trên. (sẽ có về sau 1 bài riêng về vai trò của các Chính Đảng và Đối Lập trong sinh hoạt chính trị quốc gia)

-hết bài 3-

------

Saigon, May 24, 2012

Lê Tùng Châu

(còn tiếp: TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ GÌ? [bài 4]: Chế Độ Độc Tài)

-----------
(*): bài Cảm Nghĩ qua Bài Viết về Cờ Vàng của Nguyễn gia Kiểng

(**): .....Hội Nghị Lập Hiến ở Philadelphia 1787 đã thảo ra Hiến Pháp 1787 cho Hoa Kỳ, các nhà thảo hiến Philadelphia lo ngại, nếu Chính Phủ Liên Bang quá mạnh, sẽ dễ xảy ra nạn chuyên chế. Mối lo sợ này cũng là nguồn gốc của Thuyết Phân Quyền -một ý tưởng cho rằng, các quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp có thể trở nên nguy hiểm nếu cả 3 hoặc 2 trong 3 quyền ấy tập trung vào tay một người hay một nhóm người.
Vì Hiến Pháp Hoa Kỳ tồn tại từ 1788 đến nay mà không bị ai phản đối nên người ta chẳng đặt vấn đề xem xét nó thích ứng với nhu cầu và tính khí của nhân dân Hoa Kỳ hay không đó thôi! Quả thật, các nhà thảo hiến đã hiểu biết một cách phi thường về tính tình người dân Mỹ và rút ra nhiều điều từ bài học lịch sử từ các địa phương Hoa Kỳ. Kết quả công lao của họ rất đáng kể vì không những bản Hiến Pháp đã giải quyết những vấn đề cấp thời thời đó (năm 1787 - 1788) mà còn có thể tu chỉnh để tương thích với những tình thế mới chưa xảy ra mà các nhà khai sáng ấy chưa thể tiên liệu được..
Một thế kỷ sau, một quan sát viên người Anh là James Bryce đã nói: "Hiến Pháp Hoa Kỳ đứng đầu hết thảy mọi bản văn Hiến Pháp vì tính hoàn hảo nội tại của các mục tiêu nó nhắm đạt tới, vì nó thích hợp với mọi cảnh huống, vì ngôn ngữ được dùng thật đơn giản, vắn tắt và chính xác, vì nó điều hòa khôn khéo tính bất di bất dịch về nguyên tắc với tính mềm dẻo ở chi tiết"..... (-trang 13, 14 sách đã dẫn thượng)

(***): Kí tên thêm vào. Trong một văn kiện, người chịu trách nhiệm chính kí tên, còn có thêm người trách nhiệm cấp dưới kí tên thêm gọi là phó thự.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More