DienDanCTM (Bản tin 19-06-2012)
Các diễn giả trên bàn thuyết trình trong hội thảo
về "chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông"
tại ĐH Boston ngày 16-06-2012
|
Một buổi hội thảo về "chủ quyền biển đảo của Việt Nam
trên Biển Đông", do Hội Thanh niên Sinh viên VN vùng Boston tổ chức, đã diễn
ra hôm 16-6-2012 tại Viện Yenching, thuộc Đại học Harvard. Có khoàng hơn 50 sinh
viên, chuyên viên cũng như người ngoại quốc quan tâm về vấn đề biển Đông tham dự
trực tiếp, cùng với hơn 200 người tham dự trực tuyến qua hệ thống live stream
trên trang tin của Hội sinh viên qua mạng internet.
Ba diễn giả được mời cho buổi hội thảo gồm người thứ nhất là
Tiến sĩ Nguyễn Nhã đến từ Việt Nam, ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa
thuộc Đại học Sư Phạm Sài Gòn từ năm 1966, đã từng xuất bản một Đặc khảo Hoàng
Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào
năm 1975, ngay sau thời điểm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy còn
thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1975 cho đến nay, ông vẫn
không ngừng tìm tòi nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa. Diễn giả thứ nhì là Tiến
Sĩ Tạ Văn Tài, Hội viên nghiên cứu đồng
thời là giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật thuộc Ðại Học Harvard. Diễn giả
thứ ba là ông Thomas Valleley, hiện vừa
là Giám đốc Chương trình VN của Đại học Harvard, và cũng là một trong những
sáng lập viên của quỹ VEF (Quỹ học bổng Việt Nam – Hoa Kỳ)
Trong phần trình bày trước cử toạ tham dự, Tiến sĩ Nguyễn Nhã giới thiệu một hồ sơ Tư Liệu dày
500 trang về chủ quyền của HS TS mà ông đã dành tâm huyết gần suốt cuộc đời để
nghiên cứu. Trong đó, phần I, ông giới thiệu 2 tư liệu của quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình
Dương và những đoạn trích nguyên văn của những sách địa lý , du ký của người
Phương Tây thế kỷ XIX trở về trước đã khẳng định Paracels thuộc về Annam hay
Cochin China tức Việt Nam hiện nay. Theo những tài liệu này dẫn chứng thì chủ
quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi nhận từ thời Gia Long (1816). Sang
đến đời vua Minh Mạng, chủ quyền của Việt Nam vẫn giữ nguyên. Những bằng chứng cho
thấy nhà vua cử quân lính ra đóng cọc, xây trạm thu thuế trên quần đảo Hoàng
Sa, và quần đảo vẫn được xác nhận chủ quyền của người An Nam kể từ thời vua Gia
Long. Phần II, bao gồm các tham luận, những bài viết của chính tác giả được
trình bày khi tham dự các hội thảo quốc tế trong và ngoài nước về vấn để chủ
quyền biển đảo của Việt Nam. Những tư liệu lịch sử được ông thu thập cập nhật đưa
ra một lần nữa đã khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sang
phần thứ III, bao gồm toàn văn, phụ lục cùng những nhận định của ông trong luận
án tiến sĩ mang đề tài “Quá trình xác lập
chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, mà tác giả đã bảo vệ thành công năm 2003 tại Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Tp HCM
Trong vòng 30 phút, Tiến sĩ Nguyễn Nhã trình bày ngắn gọn
toàn bộ công trình khảo cứu một cách khoa học, khách quan và cụ thể, đã chứng
minh sự thật lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa
và Trường Sa. Trong dịp này, ông cũng bày tỏ ước muốn tác phẩm của ông được cácbạn trẻ dịch ra nhiều thứ tiếng để đến được với cộng đồng thế giới nhằm nâng
cao nhận thức về vấn để chủ quyền của Việt Nam, và mong nhận được sự ủng hộ của
thế giới. Ông đã tặng tập khảo cứu này cho thư viện của Viện Yenchin, Đại học
Harvard.
Sang phần thuyết trình của Tiến sĩ Tạ Văn Tài, trình bày về khía cạnh luật pháp liên quan đến
vấn đề biển Đông, Ts. Tài đã đưa ra một
số giải pháp luật pháp cho vấn đề này. Ba điểm ông đưa ra là thứ I, dùng nội
dung các quy định trong luật pháp quốc tế về Biển để làm cơ sở pháp lý trong những
tranh luận về chủ quyền biển đảo, hoặc tranh chấp khai thác cá và dầu khí
khoáng sản trong Vịnh Bắc Bộ và Vùng Kinh Tế Độc Quyền ở Biển Đông. Thứ II, dùng
cơ chế Luật quốc tế về thương nghị và đàm phán để áp lực, như là phải "thương
nghị đa phương" thay vì "song phương", và có thể đem Trung Quốc
ra trước tòa án quốc tế như ITLOS bất chấp sự đồng ý của TQ. Và thứ III, dùng
Hiến Pháp và luật pháp Quốc Hội VN để củng cố nội lực, như thúc đẩy người dân
bày tỏ lòng yêu nước, v.v.
Phần trình bày của diễn giả thứ ba, ông Thomas Valleley đã trao
đổi một số vấn đề về tình hình chính trị thế giới liên quan đến biển Đông,
trong đó có sự quan tâm và trở lại của Mỹ trên Biển Đông, mà ông cho là rất chiến
lược. Ông đã đưa ra những tài liệu mới nhất liên quan đến vấn đề tranh chấp
trên biển Đông, cũng như như giới thiệu một bài báo mới đăng tải trong tạp chí The Atlantic, số tháng
6-2012, như một thể hiện mối quan tâm của Mỹ về vấn đề này.
Cử tọa đặt câu hỏi thảo luận tại buổi hội thả về "chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông" |
Theo ghi nhận, vì ban tổ chức là Hội thanh niên sinh viên Boston, gồm các du sinh ở vùng Boston, nên sự hiện diện của một quan chức Việt Nam đã khiến buổi hội thảo bị điều hướng chừng mực, nhất là trong phần thảo
luận bị giới hạn như trường hợp câu hỏi bị loại không trả lời của sinh viên nói
trên.
2 comments:
Cám ơn các bạn trẻ đã có những quan tâm về vấn đề chủ quyền đất nước. Hy vọng những buổi hội thảo thế này cũng tổ chức được ở tại Việt Nam và không bị "làm khó" như lần Ts Nguyễn Nhã có mặt ở Hà Nội.
Tiếc quá mình ở VN k tham dự đc )): Cám ơn các bạn đã tưởng thuật.
Đăng nhận xét