Cần Chăng Một Cuộc Cách Mạng Giải Phóng Dân Tộc?(bài 3)

Iris Vinh Hayes
Tại Sao Phải Là Một Cuộc Cách Mạng Mà Không Là Một Giải Pháp Nào Khác? 
Từ CÁCH MẠNG nhất là khi đi chung với cụm chữ GIẢI PHÓNG DÂN TỘC thường làm cho những người yếu bóng vía cảm thấy bất an và những người bị dị ứng với Cộng Sản cảm thấy khó chịu. Đã có nhiều người công khai bày tỏ ý nghĩ của họ như vậy. Chỉ là hệ quả tất yếu của lịch sử. Điều này có thể hiểu được.


Thực ra nó là hiện tượng rất phổ biến và Yoder đã nói về điều này trước đây. Với một số người, một cuộc cách mạng là một hiểm hoạ lớn đe dọa đến văn minh hiện đại. Với một số người khác, một cuộc cách mạng là hy vọng duy nhất để thoát ra khỏi thế giới tối tăm đang giam hãm con người. 


Nhưng nhìn chung thì có thể nói đa số đều cho rằng một cuộc cách mạng là điều đáng sợ và bằng mọi giá đừng để nó xảy ra. Giới báo chí thường ám chỉ nó là thảm trạng ngoại hạng đối mặt với những quốc gia hiện đại. Một trong những phương tiện hiệu quả nhất để chặn đứng một phong trào xã hội của ngày hôm nay là cứ gán cho nó cái nhãn cách mạng hoặc nói rằng nó là một bước trong tiến trình cách mạng. (Dale Yoder - Current Definition of Revolution. Nguồn: The American Journal of Sociology, Vol. 32, No. 3, Nov. 1926).

Chỉ với những nhận xét trên của Yoder đủ để sự phức tạp và nhạy cảm của hai chữ cách mạng. Cái quan trọng là nó cho thấy nhu cầu cần làm rõ hai chữ này.

Theo định nghĩa của tự điển Merriam Webster, cách mạng là: (a) một sự thay đổi đột ngột, triệt để và toàn diện; (b) sự lật đổ hoặc không thừa nhận và thay đổi một chế độ bởi người bị trị; (c) sự vận động hoặc xu hướng nhằm tác động lên những thay đổi cơ bản của tình trạng kinh tế xã hội; (d) một sự thay đổi cơ bản trong cách suy nghĩ hoặc hình dung về một điều gì đó...

Theo định nghĩa của tự điển Oxford, cách mạng là: (a) sự lật đổ một chế độ hoặc một trật tự xã hội, bằng vũ lực hoặc bằng áp lực, nhằm thiết lập một chính quyền mới hoặc một trật tự mới; (b) một sự thay đổi rộng lớn và sâu sắc đối với những điều kiện, những thái độ hoặc sự vận hành...

Theo định nghĩa của từ điển Dictionary.com, cách mạng là: (a) sự lật đổ hoặc không thừa nhận và thay đổi chế độ hay hệ thống chính trị bởi người dân; (b) một sự thay đổi triệt để và sâu rộng trong xã hội và cấu trúc xã hội, đặc biệt là sự thay đổi đột ngột và thường là kèm theo bạo động; (c) sự thay đổi đột ngột và toàn diện trong một vấn đề nào đó...

Theo định nghĩa của từ điển Random House Webster’s College, cách mạng là: (a) sự lật đổ một chế độ hoặc hoặc một hệ thống chính trị, bằng vũ lực hoặc bằng áp lực, bởi người dân; (b) một sự thay đổi đột ngột, triệt để và toàn diện.

Từ những định nghĩa trên chúng ta có thể tóm lược một số đặc tính của cái gọi là một cuộc cách mạng. Những đặc tính đó bao gồm: (a) một sự thay đổi nhanh chóng, triệt để và toàn diện; (b) có tác động rộng lớn và sâu sắc làm thay đổi xã hội và cấu trúc xã hội; (c) thực hiện bằng bạo lực hoặc bằng áp lực; và (d) đối tượng có thể là một chế độ hoặc một hệ thống chính trị và cũng có thể là tình trạng, sự vận hành, thái độ, quan niệm hoặc vấn đề.

Trong thế giới của những học giả nghiên cứu xã hội, khái niệm cho hai chữ cách mạng cũng không kém lộn xộn.

Với Jean Bodin (The Six Books of the Commonwealth), A. W. Small (General Sociology), Brooks Adams (The Theory of Social Revolutions), Pitirim A. Sorokin (The Sociology of Revolution), E. A. Ross (Principles of Sociology, Russia in Upheaval, Russian Bolshevik Revolution, Russian Soviet Republic, Social Revolution in Mexico), Everett Dean Martin (The Behavior of Crowds), Rev. J. A. Dewe (the Spychology of Politics and History), Lyford Patterson Edwards (The Mechanics of Revolution), Mrs. Nesta Webster (World Revolution and the French Revolution), Eden & Cedar Paul (Creative Revolution) and John Spargo (The Psychology of Bolshevism) thì một cuộc cách mạng là một hiện tượng chính trị thuần tuý, một sự thay đổi quyền lực.

Với Gustave Le Bon (The Psychology of Revolutions) and C.A. Ellwood (Sociology in Its Psychological Aspects, The Psychology of Human Society) thì một cuộc cách mạng là một hiện tượng thay đổi xã hội một cách đột ngột. Một cuộc cách mạng chính trị cũng chỉ là một trong những loại hình thay đổi xã hội.

Với Henry M. Hyndman (Evolution of Revolution) states this conception, and W. G. Summer (Folkways, Essays), P. A. Parsons (Intoduction to Modern Social Problems), and Ross L. Finney (Causes and Cures for Social Unrest) thì một cuộc cách mạng là một sự thay đổi mạnh mẽ tác động lên mọi mặt của sự tổ chức xã hội. Một cuộc cách mạng có thể tự gốc là chính trị nhưng đồng thời nó cũng có những phương diện khác như là tôn giáo, kinh tế, kỹ nghệ, vân vân. Nói cho rõ hơn, một cuộc cách mạng là một sự thay đổi toàn bộ trật tự xã hội.

Và sau cùng, với Dale Yoder, một cuộc cách mạng là một sự thay đổi về quan niệm/thái độ. Khi mà những chuyển dịch [sự thay đổi bình thường] của xã hội vì một lý do nào đó bị bế tắc nó sẽ làm nảy sinh những sự bất ổn và phát triển thành sự bất ổn rộng lớn gắn liền với những khía cạnh tiêu cực nhất của cấu trúc xã hội. Hành động tập thể của quần chúng, tiếp theo sau sự bất ổn rộng lớn, đúng là tiêu biểu cho một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, đáng kể hơn phải nói là “sự thay đổi đã rồi” trong những quan điểm/thái độ thật cơ bản đối với trật tự cơ chế truyền thống. Nói một cách khác, để có một “biển người xuống đường” thì trước đó đã có một “biển người đã thay đổi quan niệm/thái độ” của họ đối với hệ thống cầm quyền đương thời.

Cũng theo Yoder, sở dĩ có sự lộn xộn trong khái niệm về cách mạng là vì những học giả khác đã không cứu xét cho thật trọn vẹn, đã không thận trọng chú ý cùng một lúc tất cả các cành nhánh liên đới. Có những thay đổi trong xã hội bao trùm tất cả và sâu rộng. Những thay đổi như vậy ảnh hưởng đến những quan niệm/thái độ cơ bản, là thứ hổ trợ cho cấu trúc xã hội (những tập tục, qui ước, cách sống, vân vân) cũng là thứ quyết định mức độ phức tạp của những quán tính và những cảm tính của xã hội, chỉ ngần này thôi [quán tính và cảm tính xã hội] cũng đã khả dĩ làm nên trật tự xã hội. Chính do những thay đổi như thế mà khái niệm cách mạng có thể áp dụng.

Hai khái niệm sau cùng, thay đổi toàn bộ trật tự xã hội và thay đổi những quan niệm/thái độ xã hội, đặc biệt có sức thuyết phục. Theo nhận định riêng của Iris Vinh Hayes, Việt Nam cần có một sự thay đổi toàn bộ trật tự xã hội và thay đổi từ nền móng mà trật tự xã hội hiện nay đã tựa lên đó để thiết lập. Nói một cách khác, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng. Hai chữ nền móng ở đây bao hàm cả “quan niệm/thái độ xã hội” đã được đề cập ở trên, bao hàm cả cái gọi là “những giá trị cốt lõi”“tâm thức dân tộc” đã được nói tới trong bài viết trước.

Tại sao toàn bộ trật tự xã hội cần phải được thay đổi và phải thay đổi từ nền móng mà trật tự xã hội Việt Nam hiện thời đã tựa lên đó để thiết lập? Tại vì có sự thay đổi toàn diện và triệt để như vậy thì mới có thể phá vỡ cái hệ thống điều hành đất nước đang giam hãm toàn dân. Tại vì có sự thay đổi toàn diện và triệt để như vậy thì mới có thể giải phóng dân tộc thoát khỏi những giá trị cốt lõi rất tồi tệ mà ĐCSVN đã áp đặt và thoát khỏi thứ tâm thức sắt máu đã làm cho dân tộc trở nên mông muội. Tại vì có sự thay đổi toàn diện và triệt để như vậy thì mới có thể loại trừ được “lỗi hệ thống” để chấm dứt tình trạng tồi tệ đang diễn ra trên đất nước. Quan trọng hơn, có sự thay đổi toàn diện và triệt để như vậy thì mới có cơ hội để định hình những giá trị cốt lõi tốt đẹp được “nhân loại tiến bộ” công nhận, mới có cơ hội để nâng tâm thức dân tộc lên một mặt bằng mới cao nhất được “nhân loại tiến bộ” trân trọng, mới có cơ hội để kiến tạo một đất nước văn minh và thiện đức, mới có cơ hội để xây dựng một xã hội thật sự hạnh phúc và bền vững.

Một xã hội trở nên tồi tệ như chúng ta đang thấy tại Việt Nam không phải chỉ vì những lý do đơn giản như “con người bị tha hoá” hoặc “hệ thống bị lỗi” mà thực ra là vì cái nền móng mà trật tự xã hội đương thời tựa lên đó để thiết lập vốn dĩ tồi tệ cho nên toàn bộ trật tự xã hội dựng lên từ cái nền móng đó không thể nào thoát ra khỏi những hệ quả tồi tệ. Sự tồi tệ toàn bộ, từ nền móng cho tới cái trật tự xã hội dựng trên cái nền móng đó, chính là cái mà cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An gọi là “lỗi hệ thống.”

Không có một hệ thống nào mà không từng xảy ra tình trạng bị lỗi. Lỗi phát sinh bên trong một hệ thống không có gì lạ lẫm. Đó là điều rất bình thường. Loại trừ lỗi phát sinh bên trong một hệ thống để chấm dứt những hậu quả tiêu cực cũng không có gì lạ lẫm. Đó là điều nên làm và phải làm. Nhưng để chọn lấy giải pháp đúng đắn để loại trừ lỗi của một hệ thống, chúng ta cần phải hiểu rõ một điều là “lỗi của một hệ thống” (system’s error) không đồng nghĩa với “lỗi hệ thống” (systemic error).

Lỗi của một hệ thống có thể chia ra làm hai loại: lỗi bất thường (random error) và lỗi hệ thống (systemic error).

“Lỗi bất thường” là những lỗi phát sinh bên trong một hệ thống do những điều kiện khách quan (không biết hoặc không dự đoán được) gây ra. Thường thì điều kiện khách quan chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn. Khi “điều kiện khách quan gây lỗi” xuất hiện, hệ thống phát sinh ra những hiện tượng tiêu cực. Khi “điều kiện khách quan gây lỗi” biến mất, hệ thống hoạt động bình thường trở lại và những hiện tượng tiêu cực cũng không còn. Nếu như “lỗi bất thường” không gây ra tổn thất đáng kể thì người ta có thể bỏ qua. Còn như “lỗi bất thường” gây ra tổn thất đáng kể thì người ta sẽ bổ sung chức năng của hệ thống để phòng bị khi “điều kiện khách quan gây lỗi” xuất hiện lần nữa. Thường thì không vì những lỗi loại này mà người ta phải phá bỏ hoặc thay đổi hệ thống.

“Lỗi hệ thống” là tình trạng mà một hệ thống tự nó phát sinh và tiếp tục phát sinh ra những tiêu cực và mỗi tiêu cực do nó phát sinh sẽ tiếp tục tái diễn nếu như hệ thống đó vẫn duy trì như cũ. Hay nói một cách khác, tự bản thân hệ thống phát sinh ra những tiêu cực chứ không do những điều kiện khách quan gây ra. Những tiêu cực đã phát sinh tiếp tục lập đi lập lại do đó loại lỗi này được cho là “có tính cách hệ thống” hay ngắn gọn là lỗi hệ thống.

Một hệ thống bị “lỗi hệ thống” là vì tự bản thân hệ thống đó đã được thiết kế trên nền móng có những sai lầm. Nền móng đó có thể là những giả định (assumptions), những tiền đề (premises) hoặc những tri thức tiên nghiệm (priori knowleges)... hoặc tổng hợp của tất cả. Và những sai lầm từ nền móng đó sẽ lan toả ra khắp cả hệ thống.

Với loại “lỗi hệ thống” người ta có thể sẽ rất khó tìm ra “bệnh căn” để loại trừ bởi vì một khi mà một giả định sai lầm, một tiền đề sai lầm, một tri thức tiên nghiệm sai lầm được chấp nhận thì mọi thứ phát xuất từ đó cũng rất là hợp lý dầu là đã sai lầm từ nền móng.

Muốn ngăn chận những tiêu cực tiếp tục phát sinh và tiếp tục tái diễn thì không có một giải pháp nào khác hơn là phải loại trừ “lỗi hệ thống” bằng cách loại trừ “bệnh căn” của nó nằm ở nền móng. Và điều này có nghĩa là phải thay đổi toàn bộ hệ thống.

Không may cho Việt Nam là toàn bộ hệ thống, từ nền móng cho tới trật tự xã hội được kiến tạo trên nền móng đó, thực sự là rất tồi tệ.

Nói một cách khác hình tượng hơn cho dễ hiểu, một ngôi nhà được xây dựng trên một nền đất bùn thì không thể nào không nghiêng lún và nứt nẻ, càng sửa chữa thì càng nứt nẻ, càng thêm tầng thì càng nghiêng lún, càng theo thời gian thì càng trầm trọng. Mưa dột, tường thấm, meo mốc lan tràn, trùng bọ khắp nơi...tất cả chỉ là hậu quả tất yếu của một ngôi nhà bị nghiên lún, nứt nẻ vì đã xây trên một nền móng rất yếu.

Để có được một cao ốc to đẹp và bền vững, giải pháp tốt nhất không phải là tiếp tục gia cố móng rồi chồng thêm tầng cho một ngôi nhà xây trên nền đất bùn đã bị nghiêng lún, nứt nẻ đến mức tồi tệ. Lại càng không phải là tiếp tục tốn công sức, tốn tiền của, tốn thời gian để chống dột, chống thấm, chống meo mốc, chống trùng bọ...rồi cứ nhắm mắt tiếp tục chồng thêm tầng. Giải pháp tốt nhất là phải mau chóng bỏ cái nhà tồi tệ đó đi rồi xây một cao ốc mới trên một nền đất mới chắc chắn và ổn định, một nền đất thích hợp cho một kiến trúc hoành tráng.

Cao ốc Liên Xô được xây dựng trên một nền đất bùn cho nên nó đã sụp đổ một cách thảm hại. Những cao ốc của khối cộng sản Đông Âu được xây dựng trên một nền đất bùn cho nên cũng đã sụp đổ một cách thảm hại. Ngôi nhà Việt Nam hiện nay cũng được xây trên một nền đất bùn. ĐCSVN đã gắng công gia cố móng của ngôi nhà bị nghiêng lún, nứt nẻ với cái “phao” gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” rồi kiên định chồng thêm tầng với hy vọng biến nó thành một cao ốc hoành tráng với “ý chí chính trị.”

Càng cố gắng thì càng thêm tồi tệ. ĐCSVN đã và đang làm mọi cách để cho mọi người chạy quanh chống dột, chống thấm, chống meo mốc, chống trùng bọ...chống tham nhũng, chống lạm dụng chức quyền, chống lỗ doanh nghiệp nhà nước, chống cả ngàn cả triệu thứ tiêu cực...và tin vào sự “hoành tráng” của một cao ốc “tưởng như thật” mà thực trạng thì chỉ là một ngôi nhà chồng tầng đang nghiên lún, nứt nẻ chẳng giống cái chi chi. Một kiến trúc bị “lỗi từ trên tới dưới,” là thứ “lỗi hệ thống” chỉ có thể thay đổi chứ không thể phòng chống, mà phải là thay đổi triệt để và toàn diện.

Đã biết như thế rồi thì tại sao lại không chọn một giải pháp tốt nhất là mau chóng bỏ đi cái nhà tồi tệ đó rồi tập trung tất cả sinh lực và tài nguyên để xây một cao ốc mới trên một nền đất mới chắc chắn và ổn định, một nền đất thích hợp cho một kiến trúc hoành tráng? Đã biết như thế rồi thì tại sao đảng viên của ĐCSVN không tự làm một cuộc cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi sự giam hãm và để toàn dân góp tay tạo dựng một cao ốc mới thực sự hoàng tráng và bền vững rồi mỗi và mọi người sẽ có được một đời sống tốt đẹp hơn?

Giải phóng là một nửa đầu của tiến trình cách mạng. Giải phóng để được tự do nhưng đó chỉ mới là TỰ DO THOÁT KHỎI SỰ GIAM HÃM, KỀM KẸP ĐÃ ÁP ĐẶT MỘT CÁCH BẤT CÔNG, chỉ mới là trạng thái Liberation from Tyrany, chỉ mới đạt được cái gọi là LIBERTY chứ chưa phải là FREEDOM.

FREEDOM là TỰ DO CỦA SỰ THAM DỰ TÍCH CỰC VÀO CÔNG VIỆC CÔNG CỘNG (public affairs) thông qua những cái gọi là NGÔN LUẬN, TƯ DUY, HỌP HỘI, LIÊN HỆ mà KHÔNG PHẢI SỢ HÃI và KHÔNG BỊ ÁP ĐẶT. FREEDOM là TỰ DO CỦA KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG để ở đó MỌI NGƯỜI có thể THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ. FREEDOM là TỰ DO CỦA ĐIỀU KIỆN SỐNG để quần chúng có thể tìm được HẠNH PHÚC CHO CHÍNH MÌNH và HẠNH PHÚC CHO TẤT CẢ, nhờ vào có được MỘT ĐỜI SỐNG TỐT ĐẸP CHO CHÍNH MÌNH trong MỘT XÃ HỘI TỐT ĐẸP CHO TẤT CẢ.

Toàn dân góp tay tạo dựng một xã hội tốt đẹp để cho mỗi và mọi người có được một đời sống tốt đẹp là một nửa sau của tiến trình cách mạng.

Dù muốn hay không muốn thì hiện nay MỘT TIẾN TRÌNH CÁCH MẠNG CŨNG ĐÃ MỞ RA RỒI VÀ ĐANG TIẾN HÀNH (căn cứ theo khái niệm cách mạng của Dale Yoder) vì người dân đang thay đổi quan niệm/thái độ đối với hệ thống điều hành đất nước do ĐCSVN độc quyền, đối với trật tự xã hội do ĐCSVN thiết lập và khuynh đảo!!!

NHỮNG ĐẢNG VIÊN CỦA ĐCSVN, những con người tự nhận mình yêu nước thương dân, TẠI SAO KHÔNG TỰ TẠO MỘT SỰ THAY ĐỔI NHANH CHÓNG, TOÀN DIỆN VÀ TRIỆT ĐỂ để giải phóng dân tộc khỏi sự giam hãm và để toàn dân góp tay tạo dựng xã hội thực sự tốt đẹp và bền vững để rồi mỗi và mọi người sẽ có được một đời sống tốt đẹp hơn cho riêng mình?????

Iris Vinh Hayes

1 comments:

Không cần một cuộc cách mạng sâu rộng, chỉ cần đặt lợi ích của "Quốc Gia - Dân Tộc" lên trên lợi ích đảng phái hay cá nhân là đủ rồi.

Lê Quốc Việt

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More