Nguyễn Quang Lập
Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả tác phẩm Ký Ức Vụn, bao gồm nhiều câu chuyện ngắn thâm thúy, của nhà văn Nguyễn Quang Lập - một người đã được công luận biết đến qua những tin tức, tường thuật, và nhận xét xâu sắc trên trang blog Quê Choa.
Xin trân trọng giới thiệu.
BBT - DienDanCTM
*
Thằng hai đầu gối
Đó là thằng Dư, ở sát ngay sau hồi nhà mình.
Cái xóm nhà mình ngày xưa giống y chang cái nồi lẩu đủ món sang hèn. Một nhà ăn mày, một nhà giáo viên, một nhà bí thư tỉnh ủy, một nhà cướp giật, một nhà đĩ điếm, một nhà giáo sư, một nhà buôn lậu. Nhưng là một cái xóm hòa thuận nhất thị trấn vì không nhà nào thèm dây với nhà nào.
Nhà thằng Dư có ba mẹ con, mẹ nó hành nghề đĩ điếm đẻ ra ai đứa, nó là thằng Dư, em gái nó là Thừa, chắc mẹ nó nghĩ giá không đẻ đứa nào thì mới đủ.
Nhà nó về ở sau nhà mình khi nó 12 tuổi, em nó 2 tuổi. Mạ nó tên gì mình không nhớ nữa, chỉ nhớ như in sáng nào mạ nó rời nhà vào Đồng Hới hành nghề thì cả xóm đều biết.
Không hiểu sao cứ ra khỏi nhà mười bước thì bà mới quay lại gọi Dư ơi! Rồi dặn thàng Dư nấu cái này nấu cái kia, thằng Dư dạ, bà đi thêm mười bước nữa lại Dư ơi, lại dặn lấy cái này lấy cái kia, thằng Dư dạ, bà đi thêm mười bước nữa lại Dư ơi, lại dặn mua cái này mua cái kia, lại dặn trông em thế này cho em ăn thế kia…Có chục lần như vậy rồi bà mới đi hẳn.
Cả trăm buổi sáng như một.
Thằng Dư hơn mình 2 tuổi nhưng khi nào nó cũng gọi mình bằng anh, xưng em. Tóm lại trẻ con trong xóm bất kể lớn bé nó đều gọi anh chị, xưng em, chẳng phải riêng mình.
Nó bị dị dạng từ khi mới lọt lòng. Chân phải bình thường, chân trái có hai đầu gối, một đầu gối bình thường và một đầu gối mọc thêm ở giữa cảng chân, có xương bành chè đàng hoàng, không phải khối u, giống hệt cái đầu gối thật.
Vì thế nó đi lại rất khó khăn, mỗi bước đi đều khụy xuống hai lần, y như người ta nhúng vậy. Nó đi từ nhà ra chợ rồi quay về, tổng cộng 3 cây, chọn vẹn buổi sáng.
Mạ mình nói mày muốn mua gì bác mua giùm cho, nó nói không, lưng cõng em, mỗi bước đi nhúng hai nhúng cứ thế lết ra chợ rồi lết về, ngày nào cũng thế.
Nhiều khi đi cùng đường, mình nói đem tao cõng em cho đi cho nhanh, nó nói không, cứ thế lầm lì đi đi nhúng nhúng. Có khi mưa to quá, mình nói đem tao cõng em cho về mau không ướt hết, nó nói không, cứ thế nhúng nhúng đi đi trong mưa.
Hình như óc nó không có khái niệm giúp đỡ hay nhờ vả, chưa thấy nó sang nhà ai bao giờ kể cả ba ngày tết.
Mình vẫn hay lân la qua nhà nó, hỏi có gì nó cũng trả lời nhát một, ít khi nói quá ba từ.
Mặt nó trông sợ lắm. Mắt trái bình thường nhưng mí mắt phải là một khối thịt lớn chum xuống đến tận cằm.
Ai chưa quen, nhìn mắt nói ghê lắm, về không ăn được.
Mình đã lật cái mí mắt phải nó lên, trong đó là một miếng thịt hồng tươi nhày nhụa máu. Vì thế mỗi khi nó khóc, mắt trái chẩy ra nước mắt, mắt phải chẩy ra máu. Sợ chết đi được.
Nó ăn cơm, cuối gầm mặt và cơm, mí mắt phải nhúng cả vào bát nó cũng mặc kệ. Mình hỏi nó sao mày không vào viện cắt đi cho khỏi vướng. Nó cười nói không. Mình hỏi sao, nó nói chời cho. Mạ nó đi từ sáng, khuya mới về, mình nó ở nhà trông em. Em khóc, nó chỉ ôm em lắc lắc, không nói không hát, chỉ ngồi lắc lắc vậy thôi.
Mình 17 tuổi to cao như người lớn, nó vẫn bé vậy, không lớn lên được chút nào, 19 tuổi đầu vẫn bé tí, em gái nó còn lớn hơn cả nó.
Chiều hôm đó, mùa hè năm 1974, mình đi thi đại học về gặp nó cõng em vừa đi vừa nhúng trên đường Cái Quang, giữa nắng chang chang.
Không phải cõng, nó khuân em như khuân một bao tải nặng trịch trên lưng. Em nó nằm xấp sau lưng nó, hai chân quệt đất, cứ thế để cho nó kéo đi.
Mình hỏi em mày sao, nó nói nóng. Mình nói đem tao cõng xuống viện cho, nó nói không, cứ thế nhúng nhúng đi đi. Mình giật lấy em nó đòi cõng thì thấy em nó lạng ngắc, cứng queo từ lức nào.
Mình nói em mày chết rồi. Nó nói không, lầm lì kéo em đi, vừa đi vừa khóc, mắt trái giầm dề nước mắt, mắt phải giầm dề máu.
Nhiều lần muốn làm phim về nó quá nhưng sợ các xếp phê bình đen tối, lại thôi.
0 comments:
Đăng nhận xét