Valentin Flauraud – Hoàng Trường
Ngôi sao hy vọng của dân tộc Miến Điện Bà Aung San Suu Kyi |
Trong thời gian gần đây, song song với những
chuyến công du đến Thái Lan bà Aung San Suu Kyi cũng đến những quốc gia Tây
phương như Thụy Sĩ, Pháp, Anh và Na Uy, nơi bà được trao tặng giải thưởng Nobel
Hoà Bình cao quý vào năm 1991 mà không có cơ hội đi nhận. Bà được chính giới và
công luận đón nhận như một ngôi sao chiếu sáng trên nền trời nhân bản, như một
biểu tượng của tự do dân chủ. Bà được ví như là một Mandela của dân tộc Miến
Điện.
Thật vậy, Bà Suu Kyi không chỉ là một biểu tượng cho khát vọng dân chủ
của dân tộc Miến Điện mà còn là một thách thức đối với những lãnh đạo quân
phiệt Miến đã nắm quyền cai trị đất nước này hơn nửa thế kỷ qua.
Như tiền định, bà Suu Kyi là hiện thân của niềm hy vọng của dân tộc Miến
Điện từ khi mới sinh ra. Cha của Bà, ông Aung San, người thành lập quân đội
Miến khi nước này còn là một thuộc địa của Anh, là một anh hùng dân tộc. Ông
Aung San bị sát hại vào năm 1947 khi Bà Suu Kyi mới 2 tuổi.
Năm 1962, khi bà Suu Kyi mới 17 tuổi, xẩy ra cuộc đảo chính của quân đội
thiết lập một chính thể quân phiệt tại Miến Điện.
Bà Suu Kyi đi du học ở Ấn Độ và thành hôn với tiến sĩ Michael Aris và
sống ở Anh Quốc với chồng con. Vào năm
1988, 26 năm sau, nhân dịp trở về Miến Điện để thăm viếng người mẹ hấp hối, bà
Suu Kyi bị lôi cuốn vào phong trào đòi dân chủ của người dân Miến.
Khi phát biểu với tư cách là con gái của người hùng Aung San, lời phát
biểu của bà Suu Kyi, mà nội dung là thẳng thắn chỉ trích chế độ quân phiệt, đã
lôi kéo được đông đảo quần chúng. Bà đã có câu nói bất hủ: “Nỗi lo sợ đánh mất
quyền lực làm tha hoá những người nắm quyền lực trong tay, và sự khiếp sợ bị
quyền lực trừng phạt làm tha hoá những người bị quyền lực thống trị”. Một nhà
dân chủ Miến đã có nhận định như sau về bà Suu Kyi: “Ngay từ khi nhìn thấy Bà
tôi đã biết Bà là lãnh tụ của tôi”; và một nhà dân chủ khác đã nói: “Bà Suu Kyi
đã trở thành người lãnh tụ duy nhất được dân tộc Miến công nhận kể từ khi thân
phụ của Bà bị sát hại vào năm 1947”.
Lo ngại về uy tín, sự thông minh và sức thu hút của bà Suu Kyi, nhóm lãnh
đạo quân phiệt Miến đã giam giữ và quản chế bà trong hơn 2 thập niên kể từ năm
1989. Mặc dầu vậy, họ chưa bao giờ thành công trong ý đồ triệt tiêu ảnh hưởng
chính trị của Bà.
Vào năm 1990, lãnh đạo quân phiệt đổi tên nước Miến Điện từ Burma thành Myanmar và tổ chức bầu cử. Nhưng
sau khi tổ chức Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Suu Kyi đạt được 82% số
ghế trong Quốc Hội thì lãnh đạo quân phiệt Miến hủy bỏ kết quả bầu cử và tiếp
tục nắm quyền.
Năm sau đó, 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hoà Bình. Bà không tới
thủ đô Oslo của Na Uy để lãnh giải vì sợ rằng nếu ra đi thì sẽ không được phép
trở lại Miến Điện. Ước mơ này Bà đã thực hiện 21 năm sau đó khi tới Na Uy và
đọc bài diễn văn nhận giải thưởng cách đây ít ngày.
Bước ngoặt trong tiến trình dân chủ hoá của Miến Điện là Cuộc Cách Mạng
Áo Cà Sa của các nhà sư Miến vào năm 2007. Tuy thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình
đổ máu này nhưng nhóm lãnh đạo quân phiệt Miến đã có biểu hiện chỉ dấu của dân
chủ hoá qua việc viết lại Hiến Pháp dự trù thiết lập một chính phủ dân sự vào
năm sau đó. Và tiếp theo là việc trả tự do cho bà Suu Kyi vào Tháng 11 năm
2010.
Kể từ thời điểm đó, bà Suu Kyi đóng một vai trò quan trọng trong tiến
trình dân chủ hoá của Miến Điện qua những điều đình với Tổng Thống Thein Sein
dẫn đến việc phóng thích các tù chính trị, việc hợp thức hoá các công đoàn cũng
như những cải cách kinh tế rộng lớn. Và mặc dầu quyền tự do ngôn luận vẫn còn
rất giới hạn, việc công kích chính phủ đã được chấp nhận. Trong không khí cởi mở
dân chủ đó, Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Suu Kyi đã quyết định tham gia
cuộc bầu cử bổ túc vào ngày 1 tháng 4 năm nay và bà Suu Kyi đã chính thức trở
thành dân biểu và là lãnh tụ của đối lập trong Quốc Hội.
Khi được hỏi và đánh giá về mức độ dân chủ của Miến Điện hiện nay từ 1
(thấp) tới 10 (cao) thì bà Suu Kyi nói là mới chỉ trên đường tiến tới mức số 1.
Đảng của Bà mới chỉ chiếm được 43 ghế trên tổng số hơn 600 ghế trong Quốc Hội
Miến, và Hiến Pháp vẫn còn cho phép quân đội nắm quyền nếu cần thiết. Bà Suu
Kyi luôn cảnh giác thế giới và dân chúng Miến Điện là không nên có thái độ lạc
quan quá trớn về tương lai của Miến Điện, cho rằng một thái độ như vậy thật sự
không giúp ích gì cho đất nước này.
Bà Suu Kyi cũng rất quan tâm về mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì
Miến Điện là quốc gia có tiềm năng rất lớn về thủy điện và dầu khí ngoài khơi
nên có sức thu hút các công ty Tây phương, nhất là sau khi Ngoại Trưởng Hillary
Clinton gặp gỡ bà Suu Kyi vào Tháng 12 năm ngoái dẫn đến dự trù bãi bỏ cấm vận
đối với Miến Điện. Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc tại Miến Điện với mức
đầu tư lên tới $27 tỉ Mỹ kim là một yếu tố quan trọng. Nhưng ngược lại, thái độ
lấn lướt của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc đã gây phản cảm đối với người
dân Miến và dẫn đến một quyết định mang tính ái quốc của Miến Điện qua việc hủy
bỏ chương trình xây cất đập thủy điện trị giá $3,6 tỉ mỹ kim mà 90% năng lượng
sẽ được chuyển sang Trung Quốc.
Bà Suu Kyi luôn cảnh giác là việc mở cửa với Tây phương không được dẫn
tới một sự đối đầu với Trung Quốc. Bà Suu Kyi nói: “Tôi luôn lo ngại là Miến
Điện trở thành bãi chiến trường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Miến Điện phải là
môi trường hoà hợp giữa hai quốc gia to lớn đó!”
Từ suy tư, lời nói, đến hành động, Bà Aung San Suu Kyi thật sự đặt nhu
cầu ấm no, hạnh phúc, và nhân phẩm của mọi sắc dân Miến Điện lên trên hết và
trước hết. Bà xứng đáng với tiếng hô chào đón vang rền của dân chúng tại những
nơi bà ghé thăm: “Mẹ Suu Kyi, mẹ Suu Kyi!”.
1 comments:
Mong gì Việt Nam có một người như Bà !
Đăng nhận xét