Những sơn nữ trước mùa biển động.

Hồ Hồng Tuyến
Tác giả gửi đến DienDanCTM

Các địa danh “ du lịch, nghỉ mát” như Hòn Câu, Diễn Thành, Quỳnh Xuân, Quỳnh Phương… của tỉnh Nghệ An đã có từ rất lâu.  Tiếng tăm ở đây vang xa không phải phong cảnh hữu tình mà vì lớp tiếp viên trẻ đẹp lại hầu hết là những “bông hoa rừng” mới rời nhà sàn xuống phố.


Một khu nhà ở của các cô gái “tiếp viên”
Trên một chiếc xe ca từ huyện rẻo cao Quế Phong (Nghệ An) về xuôi tôi gặp mấy cô gái đang ríu rít nói cười bằng tiếng Thái, tưởng như người ngồi bên cạnh không biết gì nên các cô tha hồ tung ra các bí mật.
 

Qua cuộc trò chuyện tôi hiểu các cô là tiếp viên, mỗi người đi về một vùng biển, đó là  biển xã Diễn Thành, Hòn Câu, xã Diễn Hải (Diễn Châu),  biển Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu)…
 
Nghe tôi giới thiệu  quê huyện Quỳ Châu ( Tay hâu đọ- người Thái ta cả)  mấy cô gái thoáng giật mình rồi đồng thanh thốt lên “ Chú này biết hết mình nói chuyện lúc nãy rồi”. Thế nhưng chỉ  chốc lát cả mấy cô gái đã  hết thẹn vì nghĩ rằng tôi là người Thái thật, lại là tuổi chú, dễ thông cảm.
Tôi hỏi cô tên Quỳnh, người xã Châu Kim (Quế Phong):
- Cháu ở biển Quỳnh Phương lâu chưa?
- Cháu ở nhà nghỉ ông V. một năm rồi, nay về rủ hai bạn đây cùng đi, tùy theo trẻ, đẹp, ông chủ trả cho 700 – 900 ngàn đồng một người. Ở nhà không có việc gì làm ra tiền để mua áo quần đẹp, phá rừng làm nương rẫy thì bị phạt, ruộng lúa thì không có, như gái ở miền xuôi còn đi buôn chợ còn trên Quế Phong toàn rừng núi cả,  đều đã có chủ. Về biển tháng ít cũng được một triệu rưỡi đến hai triệu ăn rồi, công việc lại khỏe. Đầu tiên 5-3 đứa đi, sau nhiều đứa hỏi thăm, đi theo. Của mình đem bán chứ ăn trộm mô mà sợ.
- Thế mấy bạn gái lần đầu tiên xuống biển, cháu rủ đi họ không thẹn à?
- Cháu không nói cho bạn biết xuống biển làm gì mà chỉ nói tiếp khách, còn xuống đó ít hôm là quen thôi, khi thì uống bia, khi thì uống rượu rồi thấy người ta làm gì đều làm theo, thế là quen, cháu lúc đầu cũng thế . Mà ở biển nhiều thằng “ Ê lèo” ( làm xong) cũng ăn quịt nhé, chắc là nghèo quá, nhưng lại thích gái. Nhưng cũng có nhiều ông bụng to, da dẻ hồng hào, đi ô tô  thì lịch sự lắm, còn cho thêm tiền nữa đấy. Còn cháu ạ, được một anh dưới xuôi lên buôn trâu, nói là yêu, sau đó hắn đưa về xuôi vào nhà nghỉ ở Quỳnh Phương,  ngủ chung một đêm, sáng dậy không thấy hắn đâu nữa, chỉ thấy  có 500 ngàn trong ngực.
 

Đang ngồi khóc vì bơ vơ thì ông chủ nhà đến đưa 200 ngàn đòi ngủ… Cháu bị thằng buôn trâu lừa nhưng may ông chủ ở đây thương (?) cho ở lại tiếp khách. Đầu tiên tưởng chỉ mình cháu là người miền núi, vậy mà ở đây nhiều lắm, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… lúc nào tiếp viên cũ rồi, khách chơi thấy chán thì nhà nghỉ nọ đổi  tiếp viên cho nhà nghỉ kia, để khách đến chơi tưởng là gái mới.
- Cháu đã bị đổi chưa?
- Trước cháu làm ở nhà nghỉ X.Q – xã Quỳnh Bảng – huyện Quỳnh Lưu, mới đổi ra Q.P ba tháng,  nhưng thu nhập thấp lắm, vì khách quen đã nhàm chán, sắp tới cháu sẽ chủ động xin vào biển Diễn Thành thôi, bạn cháu trong đó cũng có mấy đứa.
                                                                     
Nghe cô gái kể tự nhiên như người đi chợ mua bán hàng hóa mà lòng tôi thấy xa xót quá. Đây là sự nghèo túng, hay nông nổi, có thể cả hai, và nữa đó là sự xô bồ của cuộc sống mà mặt trái nền kinh tế nhiều thành phần đã len vào mọi làng bản vùng sâu, vùng xa, nơi trong lành cuối cùng của bản sắc văn hóa cũng đã bị nhem nhúa. Thảo nào mỗi lần đến các bản làng dân tộc thiểu số, những nếp nhà sàn thưa vắng, hầu hết đã bán làm nhà đất, còn tiền để mua xe máy, áo quần mốt mới như thành thị. Nhiều cô gái bắt gặp ăn mặc thật ga lăng, nói năng lơ lớ tiếng Bắc. Ở tuổi trẻ không còn thấy váy, áo thêu hoa văn thổ cẩm, đặc  trưng của người Thái nữa.
 

Xe khách đến Yên Lý (Diễn Châu) thì dừng lại nghỉ, tôi mua dăm đốt mía chiêu đãi mấy cô gái rồi làm quen tiếp. Cô gái có tên Hiền (không biết tên thật hay tên bịa?) tự giới thiệu quê ở xã C.P, huyện Quỳ Châu nói:
- Ở nhà chán lắm,  chẳng biết làm gì , trong lúc đó con gái lại cần tiền, chỉ ít thôi để mua đôi dép, chiếc kẹp tóc, bộ quần áo cũng không có…
Tôi ngắt lời cô Hiền:
- Bây giờ các Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, người ta tổ chức đứng ra cho các hội viên vay tiền Ngân hàng chính sách xã hội để mở mang ngành nghề, chăn nuôi… sao cháu không vay một ít để tạo việc làm?
Hiền cười nhìn tôi như người trên trời rơi xuống:
- Bọn cháu đang là thành viên trong một hộ, nếu  được vay thì bố mẹ mới đủ tư cách, mà bố mẹ vay thì lời lỗ bố mẹ chịu, chứ bọn cháu đâu biết đồng tiền đen bạc thế nào. Mà chú ạ, vay được tiền ngân hàng không dễ, phải là gia đình nổi trội kinh tế , nhà cháu nghèo lắm, có 7 anh chị em…
- Sao cháu biết mà đi về biển… để làm kinh tế?
- Cách đây sáu tháng cháu ra xã C.B chơi nhà con bạn, thấy nó ăn mặc rất đẹp, tay đeo nhẫn vàng, hỏi nó làm gì mà giàu thế, nó bảo đi làm tiếp viên dưới nhà nghỉ ở biển Diễn Thành và rồi cháu được nó đưa đi theo.
 

Về biển Diễn Thành ông chủ có tên Tâm đưa đi Vinh rồi đến ở một khách sạn, cháu chỉ uống với ông khách lạ có một tý rượu rồi không biết gì nữa, sáng ra ông khách lạ biến mất còn cháu không có áo quần trên người.
Cháu tắm rửa mặc quần áo thì vừa đúng lúc ông Tâm đến đưa cháu về biển Diễn Thành và trao tay cháu 500 ngàn nói là tiền bán… ấy.
 

Về nhà nghỉ ông Tâm được ít hôm cháu khiếp quá vì một đêm có 3 – 4 người đến đòi ngủ. Cháu trốn về quê, nhưng khổ quá không chịu được, thế là cháu lại đi tiếp.
 

Ăn hết khúc mía cô Hiền chỉ sang cô ngồi bên cạnh:
- Con này tên là Quế, người xóm trại Bò, xã Y. H – Quỳnh Hợp, mẹ nó mất, bố nó lấy vợ khác, mình nó nuôi ba em còn ăn học, làm tiếp viên ở biển Quỳnh Bảng nó phải chắt chiu từng tý, không dám ăn tiêu gì…
 

Ô tô tuýt còi giục khách lên xe, mấy cô gái ở lại để đón xe khác về biển Quỳnh Lưu giơ tay chào tôi, miệng tươi cười không chút ngượng ngùng. Tôi quay mặt nhìn bâng quơ đám mây đen sũng nước cuối trời.
Ngồi cùng bàn ăn ở quán cơm Cầu giát  với tôi có một tay xem ra bặm trợn, cạnh hắn lại dựng một chiếc xe máy Minskhơ, tôi đoán hắn đi xe ôm.
Đang uể oải nhai cơm, buồn chán vì công việc chẳng suôn sẻ gì thì tay xe ôm nốc hết cốc rượu hỏi tôi
- Ông bác có về Quỳnh Bảng nghỉ mát không?
Máu tò mò nổi lên khi chợt nghĩ đến mấy cô gái tôi đã gặp trên chuyến xe khách. Tôi hỏi:
- Xuống biển Quỳnh Bảng xa không, bao nhiêu tiền?
- Ông bác cho em “hai lít” vì xuống đó hơn hai chục cây. Hết hai trăm ngàn? tôi nhẩm số tiền mình có trong túi rồi liền gật đầu đi “mục sở thị”.
 

Chẳng mấy chốc đã đến nhà nghỉ Xuân Quỳnh 1, Xuân Quỳnh 2 . Anh xe ôm cho xe tiến đến cánh cổng nhà nghỉ chừng 20m, lấy tiền công rồi quay đầu phóng đi như ma đuổi.
 

Vừa mở cửa ném túi, nằm ịch ra giường thì một cô gái tuổi trạc đôi mươi bước vào rồi ngồi lặng thinh giường đối diện. Tôi ngồi phắt dậy chưa kịp bắt chuyện thì cô gái đã lên tiếng
- Không làm gì ạ, hay không có nước nữa ?
Tôi bật cười chảy cả nước mắt vì cách nói vừa thô lỗ, vừa thật thà. Tôi hỏi, cô trả lời nhát gừng.
- Nhiều ông vừa thấy gái đã nhảy ào vào liền. Chú bị ốm ạ, sao đến đây cho mất tiền. Tên ạ, Thảo, người Quế Phong, xuống đây một tháng rồi, nhớ bố mẹ bạn bè làng bản lắm, muốn về nhà mà chưa đủ tiền. Vì khi đi mẹ bán con lợn được 500 ngàn cho mượn, mua quần áo giày dép, tàu xe hết rồi, mới góp được 300 ngàn còn thiếu 200 nữa mới đủ. Bố mẹ ở nhà không biết mình xuống biển làm “ cá ve” mô. Đứa nào cũng nói dối với người thân là đi làm công nhân, may, dày da, bán hàng cho các doanh nghiệp, nhà máy.
 

Nhìn cô gái tuổi chừng con đầu của mình nói năng không đầu, không cuối, tôi thấy xót xa lẫn xấu hổ. Tôi không hỏi cô một lời gì nữa. Cô gái cũng lặng thinh… rồi thở dài  mở cửa uể oải đi ra ngoài. Cánh cửa phòng không khép, gió đẩy đưa kêu lên như những tiếng rên.
 

Một người bảo vệ của nhà nghỉ X.Q nói:
- Nhà khách này bắt đầu đi vào hoạt động giữa mùa hè 2000. Tiếp viên ở đây cao điểm có 10 cô.
- Sao ở đây toàn là gái miền núi mà không có gái miền xuôi?
-  Các nhà nghỉ ở đây đều tuyển dụng gái miền núi, vì họ ăn uống kham khổ được, thu nhập chỉ   700- 900 ngàn đồng tháng cũng xong, chúng tôi  chỉ lấy tiền trọ, tiền ăn, còn họ tự điều chỉnh, tất cả đều phụ thuộc vào khách hàng. Hơn nữa bây giờ người ta không thích gái thành thị, trơ trẽn, mà chỉ thích  gái miền núi ngơ ngác như con nai rừng. Mốt mới mà.
-  Không sợ công an kiểm tra và các bệnh xã hội sao?
-  Có bao cao su bảo vệ rồi, và từng quý có y tế đến kiểm tra sức khỏe. Còn về quản lý hộ khẩu thì… bây giờ thông thoáng lắm, là thời bình, người ta cả chứ đâu phải gián điệp mà sợ. Tuy nhiên cũng phải có đi có lại với mấy tay chức trách, từ xóm, xã trong địa bàn chút ít. Tùy đó, ai thích tiền thì thôi, không thì khuyến mại em nào đó là xong. Nếu không thì đầy đủ giấy tờ mấy họ cũng không để cho yên đâu.
Chợt nhớ đến mấy cô gái trên chuyến xe khách dạo trước, tôi hỏi:
- Ở đây có ai tên Quỳnh, Hiền, Lê, Huệ người ở Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp?
Ông Kính bảo vệ nói:
- Chắc gì tên của các cô đó là thật, nhưng anh thử đi nhìn xem.
Dạo một vòng đến các nhà ngủ của các cô gái. Có giường hai ba cô đang túm lại nói chuyện, có cô đang lăn ra ngủ mê mệt, cũng có cô đang xem phim hoặc ngồi viết thư… Không ai là người quen trên chuyến xe khách, chắc các cô đã chuyện đi vùng biển khác.
 

Hỏi một cô tự giới thiệu tên Thúy quê ở huyện Tân Kỳ ( không biết thật hay giả) cô bảo:
-  Mỗi lần đi khách được 100- 200 ngàn, trừ tiền phòng, điện nước, tiền bảo vệ, tiền ăn, còn lãi ròng chia đôi, nhà nghỉ một nửa, mình một nửa, khoảng 5-7 chục ngàn.
-  Đã bị bắt lần nào chưa ?
-  Chưa, có ông chủ  nhà nghỉ lo hết. 

-  Ở đây có ông tây nào đến chơi không ạ ? 
Heo hút bản nghèo
- Có, thỉnh thoảng, nhưng chúng ki bo lắm, hai trăm là hai trăm, không thêm đồng nào. Thông thoáng chỉ có mấy ông như làm cán bộ to, họ còn cho thêm 2-3 trăm ngàn nữa đấy.

Tôi lếch thếch đi ra bãi cát. Biển đang mùa động, sóng gió gầm gào. Xa tít tắp của  bao la của đại dương, những con thuyền bé tẹo như chiếc lá dập dềnh xa lúc trồi lên, khi chìm xuống trong sóng cả. Chợt nghĩ đến thân phận của các sơn nữ vô vọng về đây kiếm sống bằng thân xác mà xót xa thay. Những con thuyền bé tẹo kia còn có ngày để cập bến, còn các cô gái sẽ đi về đâu trong tương lai ? Và tôi tự hỏi bấy lâu nay có nhiều ưu đãi cho người miền núi như chương trình 135/CP, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…mà sao người dân tộc thiểu số vẫn nghèo? Trong lúc đó có không ít các quan chức tậu đất, xây nhà, mua xe ô tô cả tiền tỷ, hàng chục tỷ như mua mớ rau, chiếc áo? Còn nơi các bản làng tôi đã bắt gặp các trẻ thơ đói rách, và nhiều bà cụ tuổi 70- 80 vẫn còng lưng, dầm mình trong nước, xúc tép, bắt ốc, mong có được bữa canh chiều. Tôi đã cũng bắt gặp những “bông hoa rừng” này đêm đêm vuốt thẳng, đếm đi, đếm lại những đồng tiền nhục nhã mong tích góp được ít nhiều gửi về quê giúp đỡ cha mẹ già, em thơ. Và người thân của các cô gái ở nhà cũng chỉ biết rằng, con, chị, em, mình đi làm việc đâu đó các nhà máy, khu công nghiệp chứ đâu biết được sự thật, khổ đau của đồng tiền đen, bạc đang dày xéo thân phận những bông hao rừng.
 

Mọi khe suối đều bắt nguồn từ rừng núi, chảy ra dòng sông tìm về biển cả. Đó là quy luật thiên nhiên, nhưng sự tồn sinh của con người lại có cả trăm nẻo, xót xa thay những bông hoa rừng lại chọn nghề bán thân ?
 

Cuộc đời vô thường. Thời gian vô tận, đời người như hạt cát, thật ngắn ngủi. Các sơn nữ đang trước mùa biển động  “ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Rồi những bông hoa rừng sẽ héo, bến nào dạt vào ngày mai?

Hồ Hồng Tuyến

4 comments:

Năm ngoái tôi có ra Nghệ An và được anh em dẫn ra bãi... (tên tôi chỉ nhớ được chữ Thành) do không phải là mùa du lịch nên hàng quán ven biển đều vắng teo, thế nhưng tay chủ quán cà phê chúng tôi ngồi thì cam đoan "cần là có ngay" hỏi giá? trả lời 100.000 ngàn.
Vừa rồi phải tiếp đối tác trong một quán "ôm" ở Nguyễn Kiệm, Gò Vấp lại gặp ngay 3 chị em ruột làm tiếp viên cho quán, người Thái trắng, quê Tương Dương (sẵn sàng phục vụ khách từ A - Z - giá mỗi "cuốc" 500.000) Hỏi khi nào về quê, các em đều nín thinh?

Ngày xưa thì cha mẹ các cô gái nầy đã tiếp lương thực cho các ông cách mạng để đánh Mỹ cứu nước để Việt Nam được độc lập, no ấm và hạnh phúc. Hiện nay là đã 37 năm
hoà bình vậy mà những người dân đó không đuợc ấm no để rồi những người con của họ phải âm thầm bán trôn nuôi họ, còn những người đại diện nhà nước thì đi mua trôn con họ. Thật là đau xót và trớ trêu thay !!!

qua la cai nghe"tren cho doi duoi ho hung
".da phan la con em o cac huyen quy chau,que phong....dung trach ho ma trach cac doan the chinh quyen co quan tam gi den doi song cac gia dinh co con em nhu tac gia da noi.


hovan ngoc

Không đánh dấu chính tả được thì đừng phản biện, chứ viết kiểu như người câm nói chuyện bằng ra dấu ở hai bàn tay như ông "hvngoc" trên đây khiến người đọc đã mõi mắt lại nhức đầu, khổ lắm!

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More