Thùy An - RadioCTM
Ông Đỗ Hoàng Điềm tại Hội nghị Seoul, Nam Hàn |
Thùy An: Chúng tôi là Thùy An, xin kính chào ông. Dạ,
mời ông lên tiếng cùng quý thính giả ạ.
Đỗ Hoàng Điềm:
Chúng tôi xin kính chào quý thính giả và xin kính chào chị Thùy An.
Thùy An: Xin ông Đỗ Hoàng Điềm có thể cho quý thính
giả được biết về diễn tiến cũng như mục tiêu của hội nghị này được không ạ.
Đỗ Hoàng Điềm: Dạ
vâng, đây là một hội nghị truyền thông có tầm vóc quốc tế và được tổ chức tại
Hàn Quốc trong 3 ngày như chị Thùy An vừa mới nói. Mục tiêu chính là để quy tụ
một số ký giả thuộc nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, một số những tổ chức
NGO phi chính phủ, cũng như một số những người hoạt động về nhân quyền và dân
chủ; gặp nhau để trao đổi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và để thảo luận về một
số đề tài liên quan đến lãnh vực truyền thông. Ngày Thứ Sáu là ngày đầu của hội
nghị, và chủ đề của cả ngày Thứ Sáu tập trung vào việc cổ võ ảnh hưởng và sự
liên quan của mạng xã hội trong việc
loan tải những thông tin trung thực. Ngày Thứ Bẩy, 23 Tây, nguyên một ngày hôm
đó, chủ đề chính xoay quanh vấn đề làm sao bảo vệ được quyền tự do xử dụng mạng,
tự do thông tin trên mạng. Và ngày Chủ Nhật, 24 Tây tập trung vào vấn đề liên
quan đến tình trạng của Bắc Hàn, cũng như mối tương quan giữa Bắc Hàn và Nam
Hàn, để giải quyết vấn đề Bắc Hàn đang có những chương trình vũ khí nguyên tử hạt
nhân. Đó là nội dung tổng quát của 2 ngày rưỡi hội nghị. Tôi cũng xin nói thêm,
thành phần tham dự hội nghị lần này khá đông. Trên 200 người tham dự hội nghị lần
này đến từ 27 quốc gia khác nhau và như tôi đã nói lúc nãy, thành phần tham dự
rất đa dạng, nhiều thành phần, nhiều giới khác nhau và đa số là những người có
tên tuổi, tiếng tăm trong lãnh vực hoạt động của họ. Một cách tổng quát, đó là
nội dung chủ đề chính trong hơn 2 ngày
rưỡi hội nghị.
Thùy An: Về phía Việt Nam, ngoài sự tham dự của ông,
còn có diễn giả nào khác không? Ngoài ra, ông có thể cho biết sơ qua về nội
dung trình bày của ông ạ.
Đỗ Hoàng Điềm: Dạ
vâng, về phía người Việt Nam chúng ta thì có hai người được mời thuyết trình
trong hội nghị lần này. Người đầu tiên là cô Nguyễn Quốc Trinh; cô Trinh đã
thuyết trình một chủ đề về vấn đề “Mạng xã hội - Tầm mức quan trọng và ảnh hường
của mạng xã hội trong vấn đề của các tổ chức phi chính phủ và một số chính quyền
các quốc gia tự do”, thì đó là chủ đề phần nói chuyện của cô Nguyễn Quốc Trinh.
Cá nhân tôi thì thuyết trình chủ đề liên quan đến việc bảo vệ và tranh đấu quyền
tự do thông tin trên mạng, đặc biệt là trường hợp của Việt Nam. Trong chủ đề của
tôi nói chuyện thì có 3 người được mời trình bày tiêu biểu đại diện cho 3 quốc
gia. Một người là ký giả người Trung Quốc làm việc tại Bắc Kinh, người thứ hai
là một ký giả Nam Hàn, và người thứ ba là cá nhân tôi. Cả ba người diễn giả
trong đề tài này đã trình bày cái nhìn và kinh nghiệm của mình về tình trạng tự
do thông tin, tình trạng kiểm duyệt các mạng xã hội, vấn đề thông tin trên mạng
tại các quốc gia Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam. Đó là chủ đề, nội dung chính của
cá nhân tôi cũng như cô Nguyễn Quốc Trinh.
Thùy An: Theo ông, qua hội nghị này có giúp được gì
trong tiến trình dân chủ của Việt Nam và đặc biệt trong các lãnh vực như tự do
ngôn Luận, tự do thông tin và truyền thông hay không ạ?
Đỗ Hoàng Điềm: Dạ
vâng, tôi nghĩ những hội nghị như Hội Nghị Truyền Thông Quốc Tế này, đặc biệt
có sự hiện diện của những người Việt chúng ta trình bày những vấn đề liên quan
đến quyền tự do ngôn luận, tự do truyền thông, tự do thông tin ở Việt Nam, đối
với tôi là một cơ hội rất là tốt bởi những lý do sau đây:
- Trước hết là không phải ai ở trong cộng đồng quốc tế hay ở
các quốc gia khác đều có thể nắm vững và biết rõ hiện trạng ở Việt Nam như thế
nào. Đây là cơ hội để chúng ta trình bày những dữ kiện sự thật, để những người
ngoại quốc hiểu được thực sự quyền tự do ngôn luận có được tôn trọng hay không;
quyền tự do thông tin, quyền tự do truy cập trên mạng có được thực sự bảo vệ và
được nhà nước bảo đảm hay không. Thì đây là lúc chúng ta trình bày sự thật là ở
Việt Nam thực sự không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền tự do truyền
thông. Cái đó là mục đích đầu tiên và điều này sẽ giúp cho rất nhiều người hiểu
hơn, họ ý thức được và họ biết được tình trạng ở Việt Nam thật sự như thế nào.
- Lợi ích thứ hai của những hội nghị như thế này, như tôi có
nói lúc nãy, là bởi vì thành phần tham dự đến từ nhiều quốc gia và bao gồm nhiều
thành phần khác nhau, trong đó có những người là ký giả, trong đó có những người
đại diện một số các tổ chức phi chính phủ (tức là những tổ chức NGO). Và đặc biệt
ở đây tôi xin nói rõ hơn, là những tổ chức NGO này là những tổ chức tập trung
vào lãnh vực vận động dân chủ, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền tự do truyền
thông, tự do ngôn luận, v...v... . Khi những tổ chức này hiểu rõ nhu cầu và thực
trạng ở Việt Nam như thế nào thì họ sẽ trở thành những người đồng minh của
chúng ta để góp phần tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền tự do
truyền thông ở Việt Nam. Đó là lợi ích thứ hai, bởi vì chúng ta, qua những hội
nghị như thế này, chúng ta có được những người đồng minh, để có thể phụ giúp
chúng ta.
- Lợi ích thứ ba sau cùng, là qua những hội nghị như thế
này, chính chúng tôi, và tôi tin rằng cô Nguyễn Quốc Trinh cũng đồng ý, là cái
dịp để chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, bởi vì như
lúc nãy tôi cũng có nói, là trong buổi hội nghị cũng có sự hiện diện của những
người vận động tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở những quốc gia như Miến Điện,
Trung Quốc, Bắc Hàn v.v... Đây cũng là dịp để chính chúng ta được học hỏi kinh
nghiệm, học thêm được những vốn liếng hay, những kiến thức hay quý của các quốc
gia khác như một số các kỹ thuật làm việc trong lãnh vực truyền thông, để làm
sao chúng ta có thể tận dụng được phương tiện các mạng điện tử, để qua đó có thể
chuyển tải được những tin tức trung thực đến người dân Việt Nam chúng ta.
Đó là ba cái lợi ích chính mà tôi nghĩ những hội nghị như thế
này, chắc chắn giúp rất nhiều cho tiến trình vận động dân chủ cho Việt Nam.
Thùy An: Trước khi chia tay, xin mời ông Đỗ Hoàng Điềm
có vài lời chia sẻ đến quý thính giả đang theo dõi chương trình phát thanh Chân
Trời Mới ạ.
Đỗ Hoàng Điềm: Dạ
vâng, như chúng tôi đã trình bày trong cái lần hội nghị này với những cử tọa đến
tham dự là sự phát triển của mạng điện tử, đặc biệt là những mạng xã hội, như
Face book hay Twitter, thực sự đang trở thành những phương tiện giúp cho đồng
bào Việt Nam chúng ta có được cơ hội, có được phương tiện để thực thi quyền tự
do ngôn luận, quyền tự do thông tin của mình; và tôi nghĩ rằng đây là một điều
tôi mong mỏi tất cả người Việt chúng ta hãy nhìn thấy cái giá trị và tầm mức
quan trọng của những phương tiện này và hãy cố gắng. Nếu những người nào, hoặc
những bạn nào chưa có thông hiểu cách xử dụng các phương tiện như mạng xã hội,
hay xử dụng Internet như thế nào, thì đây là lúc tôi nghĩ rằng chúng ta hãy tự
học hỏi, tìm hiểu và hãy tận dụng những phương tiện mới này. Hãy tận dụng những
mạng xã hội này để qua đó ta có thể tự tìm hiểu những thông tin mà vốn dĩ trong
hoàn cảnh khó khăn ở trong nước, có thể chúng ta không được điều kiện để truy cập.
Và hãy xử dụng cái quyền của mình, bởi vì đối với chúng tôi, tôi quan niệm quyền
tự do truyền thông, tự do thông tin là cái quyền của chúng ta mà không ai,
không có một nhà nước nào có thể ngăn cấm được; và nói một cách đơn giản là hãy
tận dụng cái quyền của mình, hãy xử dụng cái quyền của mình, hãy thực thi cái
quyền được nói, được suy nghĩ, được đọc, được truy cập những gì chúng ta cần và
muốn truy cập. Đó là điều duy nhất mà tôi muốn được nhân cơ hội này trình bày
và chia sẻ đến quý thính giả.
Thùy An: Xin cám ơn ông Đỗ Hoàng Điềm đã dành cho
Chân Trời Mới có buổi trao đổi ngày hôm nay.
1 comments:
Những chia sẻ của ông Đỗ Hoàng Điềm rất thực tế cho những ai còn nghĩ đến tự do và dân chủ cho Việt Nam trong tương lai hay là đang trên đường đấu tranh chống chế độ CSVN hiện nay.
Xin chân thành cảm ơn ông Đỗ Hoàng Điềm và xin chúc ông luôn luôn thành công trong mọi lảnh vực.
Đăng nhận xét