DienDanCTM (Bản tin 07-06-2012)
Cụ bà Lê Hiền Đức, một blogger, người được cả nước biết đến vì chống tham nhũng, nay bị truyền thông nhà nước hết lời đả kích. |
Sau sự việc trang blog Nguyễn Xuân Diện bị đóng cửa đột ngột vào tuần qua, dấu
hiệu cho thấy những lo ngại về việc nhà cầm quyền theo bước Trung quốc gia tăng
kiểm soát blog tại Việt Nam là đang thực sự diễn ra. Ngoài một số các blogger bị mời làm việc hay bị tấn công quấy rối như blogger Người buôn gió, blog Nguyên Hữu Vinh... trong những ngày qua, cơ quan báo chí truyền thông chính thức của nhà nước
đã liên tục đả kích một blogger khác là cụ bà Lê Hiền Đức, người được cả nước
biết đến qua thành tích từng được chính quyền tuyên dương liên quan đến chống
tham nhũng.
Theo cụ bà Lê Hiền Đức, đây là bước chuẩn bị cho những hoạt
đàn áp đối với những nhân vật hay blogger có tầm ảnh hưởng lớn trong nước. Cụ bà nhận xét là "vì bây giờ uy tín của tôi được nhiều người tin cậy cho nên họ
muốn hạ uy tín tôi bằng cách gây rối như thế." Lo ngại là trang blog của cụ
cũng sẽ bị đóng trong những ngày tới, nhưng cụ "sẵn sàng với tinh thần chuẩn
bị", và nghĩ rằng "không phải chỉ có hai blogger, mà là hàng ngàn
hàng vạn blogger...". Cụ Đức nhấn mạnh "đây là lúc cần có dư luận của
công chúng, và mong rằng với lương tri và trí tuệ của các bạn trong nước và
trên thế giới lên tiếng để làm sao cho người ta thấy được lẽ phải. Chứ còn blog
này sập sẽ có blog khác."
Sự việc này diễn ra từ sau khi nhà viết blog nổi tiếng
Nguyễn Xuân Diện bị mời lên làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội hôm
1-6 về quyết định thanh tra và những thông tin trên trang blog của ông. Trước đó, hôm 18-5, một
nhóm thương binh tự phát đã đến viện Hán Nôm là cơ quan làm việc của tiến sĩ
Nguyễn Xuân Diện, đe dọa và yêu cầu ông phải rút một bức thư phản đối nhà máy nguyên
tử khỏi trang blog.
Trong
thư khiếu nại ngày 5-6 vừa qua, Ts. Nguyễn Xuân Diện cho rằng quyết định thanh
tra không đúng với các quy định trong pháp luật của Việt Nam. Ông cũng khiếu
nại về cách làm việc của thanh tra với ông trong những ngày gần đây, vì "khi
làm việc, thành viên đoàn thanh tra không đi vào trọng tâm việc, thanh tra vì
mục đích gì", hay yêu cầu ông giải trình về vấn đề gì, mà chỉ làm lãng phí
thời gian cũng như "o ép tinh thần và sức khỏe" của ông. Ông tố giác trong thư khiếu nại là
"trong quá trình làm việc họ đã coi tôi như một bị can trong một vụ án
hình sự".
Tưởng
cũng nên biết, hồi đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã đưa ra một
bản dự thảo nghị định mới về quản lý internet với các điều khoản thắt chặt việc
quản lý thông tin người sử dụng internet cũng như người cung cấp dịch vụ
internet, đồng thời tổ chức “Hội thảo đóng góp ý kiến" cho dự thảo này, nhằm
thay thế "Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử
dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng”
Đối
với Hoa Kỳ, dự thảo Nghị định về Quản lý, Cung cấp, và Sử dụng các dịch vụ
Internet và thông tin trên mạng của Hà Nội đã "tạo các quan ngại về mặt
tác động thương mại, và rộng hơn là về quyền tự do bày tỏ quan điểm của công
dân."
Trong
bản đóng góp ý kiến của chính phủ Hoa Kỳ gửi chính phủ Việt Nam hồi đầu tháng
này, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội có nêu rõ "dù Hoa Kỳ đánh giá cao mục tiêu
của nghị định nhằm thúc đẩy việc sử dụng Internet tại Việt Nam, nhưng chính phủ
Mỹ quan ngại rằng nhiều khía cạnh của nghị định được đề ra không khả thi và tạo
ra các rào cản lớn cho việc cung cấp các dịch vụ Internet, và cản trở sự phát
triển thương mại của lĩnh vực Internet tại Việt Nam."
Phía
Hoa Kỳ cũng nêu rõ một số điều khoản trong nghị định là "bao quát và mơ hồ"
như các quy định về những hành vi bị cấm, nó có thể tác động tiêu cực đến quyền
tự do bày tỏ quan điểm của công dân Việt Nam trong khi quyền tự do ngôn luận
được ghi trong Hiến pháp Việt Nam, cũng như Việt Nam đã có cam kết với quốc tế
đảm bảo quyền này.
Cho
rằng thực thi Dự thảo Nghị định này sẽ gây tổn hại cho cả người tiêu dùng và
nhà cung cấp dịch vụ, và là một vấn đề đặc biệt phiền toái trong lúc Việt Nam
đang tham gia đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương với mục tiêu chung là mở
rộng cửa hơn nữa các dịch vụ, chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam xem lại tổng
thể các vấn đề này và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam giúp tìm ra phương pháp khả
dĩ hơn.
1 comments:
Những người cộng sản cầm quyền bao giờ cũng muốn kiểm soát tư tưởng, hành động người khác để trấn áp. Lần lượt họ sẽ bóp chết các trang mạng dân báo để cuối cùng chỉ tồn tại những diễn đàn lề phải, bất chấp thế giới.
Đăng nhận xét