Trò chuyện với nhà thơ Thạch Quỳ

Trần Đức Thạch
Nhà thơ Thạch Quỳ
Tác giả gửi đến DienDanCTM

 Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương đình Huấn quê ở huyện Đô lương, tỉnh Nghệ An khá nổi tiếng trong nền thi ca Việt Nam đương đại. Với những bài thơ có lối tư duy độc đáo, thông minh, và giấu hình ảnh. Gợi cho người đọc liên tưởng tới những vấn đề cực kỳ sâu sắc. Chả thế mà trong những năm tám mươi thế kỷ trước, bài thơ "Dặn con" của ông đã bị nhà cầm quyền cho là "có vấn đề". Ông được công an mật vụ chăm sóc rình mò theo dõi suốt một thời gian dài. Tôi gặp và biết ông cũng vào thời điểm đó. Chính ông là người biên tập đưa bài thơ đầu tiên của tôi góp mặt trên thi đàn Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ . Nói chuyện với ông rất thú vị. Từ đề tài chính trị xã hội tới lĩnh vực văn học nghệ thuật ông đều tỏ ra rất am tường. Trong câu chuyện mới đây ông nói với tôi:
            - Trong thế kỷ 20, ông Goc-ba-chop mới là người có công lớn với nhân loại. Còn sang đầu thế kỷ này, ông cựu thủ tướng Nhật bản Can cũng rất đáng ghi nhận. Nếu như Nhật bản từ bỏ hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân làm gương cho cả thế giới noi theo thì công của ông ấy lớn lắm.
            Là một người rất thông minh, lại đầy chất cao ngạo của nghệ sĩ thứ thiệt, nhà thơ Thạch Quỳ hiếm khi ghi nhận ai. Nhưng khi ghi nhận ai, ông đều xem xét vấn đề rất thấu đáo :
            Quả đất tròn một mình Ga-li-lê biết
            Và chỉ một mình ông biết mà thôi
            Nếu thời ấy giơ tay biểu quyết
            Cả hành tinh chống lại một con người...

            Nghe nhà thơ Thạch Quỳ nói, tôi không dám bình luận điều gì. Nhưng tôi rất khâm phục và tôn trọng lối tư duy độc đáo của ông. Tôi hỏi ông có nhận xét gì về tinh hình xã hội Việt Nam hiện nay, nhà thơ Thạch Quỳ thẳng thắn:
            - Có cái gì để chúng ta bàn đâu, mọi quyền hành nằm trong tay họ, muốn bắt, muốn giết ai cũng được. Luật pháp là họ, họ là luật pháp, nó chả ra thể thống quốc gia gì cả. Họ hành xử với nhiều người theo kiểu: "Ai cho phép mày sống lương thiện" thì nói chuyện gì nữa. Đất đai tài nguyên họ thâu tóm hết, người dân sống thoi thóp theo kiểu "Phát chẩn" cầm hơi. Tất nhiên đến một lúc nào đó phải có sự thay đổi, khi mà người dân không thể chấp nhận kiểu sống này được nữa.
            Cuộc trò chuyện của tôi với nhà thơ Thạch Quỳ khá dài, nhiều đề tài được đề cập đến theo kiểu ngẫu hứng. Có vẻ như lan man khó khái quát, nhưng chân tình và để lại nhiều ấn tượng. Để quan tâm đến tôi trong những năm tháng bị cầm tù ông nói:
            - Mình thấy giữa thanh thiên bạch nhật mà chúng đánh người không nương tay, trắng trợn tàn bạo như thế thì trong các "Vùng cấm" trại tạm giam, nhà tù có lẽ kinh khủng lắm nhỉ?
            - Vâng! Tôi gật đầu xác nhận. Rồi thấy ông lẩm bẩm đọc mấy câu thơ buồn đau: Vợ y khinh y; con y khinh y; và đến cả y cũng khinh y... Ông nhìn tôi cười đầy ngụ ý. Tôi thấy ông hiện thân y xì thầy giáo Thứ, nhân vật trong tác phẩm "Sống mòn" của nhà văn Nam Cao. Quen biết ông nhiều năm, tôi hiểu khi ông đọc thơ tâm đắc cho nghe là lúc ông thông cảm và tin tưởng rất nhiều vào tôi. Tôi thấy tiếc và vô cùng thương ông. Một nhân tài thực sự mà như ông nói bị vùi "Trong một xó nhà quê"... Máu thịt dường như ông dành hết cho thơ, thân xác ông hầu như bị vắt kiệt, chỉ còn trơ lại bộ xương mảnh khảnh và khuôn mặt đầy nếp nhăn in hằn bởi những tư duy sâu sắc:
            Dưới tảng đá này người đã ghìm cương
            Và nhận biết móng rùa thật giả
            Màu lông ngỗng ngây thơ trong trắng quá
            Nên máu người phải đổ Mỵ Châu ơi!
            (trích: Qua đền Cuông ghi chuyện cũ thơ Thạch Quỳ)

Đừng tưởng ông nói chuyện cũ mà là chuyện mới đấy. Có biết bao nhiêu người ngây thơ, trong trắng như Mỵ Châu bị lừa gạt trong các âm mưu chính trị để rồi phải đổ máu oan uổng. 

Và ông đau đớn viết tiếp:
            Ở đền Cuông con nghê đá không cười
            Màu của ngói xạm như màu của máu
            Con trai ngọc ôm khối hồng đau đáu
            Nghìn năm rồi nước mắt rửa không tan...

            Nỗi đau này đâu còn của riêng ông nữa, mà là của cả dân tộc. Tình huống An dương vương vung gươm giết con gái yêu khác nào "Nồi da nấu thịt". Những tưởng bi kịch ấy chỉ xảy ra trong truyền thuyết xa xưa không ngờ nó là hiện thực của cuộc nội chiến Nam Bắc vừa qua. 
Bài thơ gợi cho ta liên tưởng tới nhiều vấn đề.
            Và cũng từ rất lâu rồi, nhà thơ Thạch Quỳ đã tiên đoán đời sống xã hội Việt Nam sẽ đi tới đâu dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản:
            Phía trước mặt là mông con trâu
            Phía sau lưng là roi ông chủ
            Sau ông chủ là thằng tây đội mũ
            Kiếp trâu cày kéo tiếp kiếp người sau...
(trích trường ca Hồ chí Minh)

Cũng trong trường ca này, ông đã nhìn ra người cộng sản như thế nào:
            ... Họ bá vai nhau nghiêng ngả cười
            Vàng-Đen-Trắng-Một chùm hoa đồng chí...

Hãy bỏ qua nhan đề bài thơ có vẻ hoành tráng, thời thượng mà chú ý đến những câu thơ, đoạn thơ ông viết mới thấy sự thâm thúy thật vô cùng... Đôi khi cũng được nở nụ cười thích chí cùng tác giả:
            ... Con ơi! Cứ mơ về nàng Bạch Tuyết
            Nhưng áo con rách nhờ mẹ vá giùm cho
            Cái trăng tròn, tròn như đĩa mật
            Chuyện đó là có thật .Nhưng cái bánh đa tròn và nó thực hơn...
            (trích ý bài thơ "Dặn con" của T.Q. Bài thơ bị cho là có vấn đề)

            Cách nhìn đời như thế thì còn lâu nhà thơ Thạch Quỳ mới bị lừa. Chả thế mà mấy lần ủy ban nhân dân tỉnh mời ông ra tranh cử đại biểu quốc hội ông liền tìm cách "Lẩn như chạch". 
Ông đã nói với tôi như vậy.

            Khi tôi bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam vì cái tội "Ai cho phép mày sống lương thiện" thì trong giới văn nghệ sĩ Nghệ An có nhiều ý kiến, thái độ khác nhau. Sau khi ra tù, tâm lý tôi cũng rất ngần ngại tiếp xúc với họ. Trừ những người bạn vàng của tôi. Một người bạn vàng của tôi mách:
            - Nhà thơ Thạch Quỳ nói: Trong giới văn nghệ sĩ tỉnh ta, Trần đức Thạch là số một. Vì nhà cầm quyền bắt giam nó là đã phong thánh cho nó. Bỗng nhiên nó trở thành người nổi tiếng khắp trong ngoài nước, cũng nên mừng cho nó...

            Xin cảm ơn  nhà thơ Thạch Quỳ đã thông cảm và nghĩ  tốt về tôi. Và sự thật đúng là như thế. Ông đã dành một thời gian khá dài để tiếp chuyện tôi, với tình cảm ấm áp chân tình và đầy sự tin tưởng. Với ông, bao giờ cũng là người thầy của tôi trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật. Điều này tôi đã ghi nhận từ lâu. Được trò chuyện với ông lần này cũng là niềm hạnh phúc.Được ông thông cảm và chia sẻ sự cam go trong cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ nhân quyền cho Việt Nam là tôi phấn khởi lắm rồi. Có lẽ không nên đòi hỏi ông thêm điều gì nữa.

Trần đức Thạch
Nghệ An
Mùa gió Lào tháng sáu 2012











0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More