Trịnh Hội
Luật sư Lê Công Định |
Fulbright là tên của chương trình học bổng lớn nhất, có danh
tiếng nhất của nước Mỹ.
Và Ðịnh là tên cúng cơm của anh bạn tôi: Lê Công Ðịnh, hiện
vẫn đang ngồi tù ở Việt Nam.
Không biết tôi viết đến đây thì các bạn đã biết tôi muốn viết
gì chưa ạ?
Số là tuần trước tình cờ tôi đọc báo mới biết được là bà
Clinton, đương kim bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ, vừa đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 20
năm chương trình học bổng Fulbright có mặt tại Việt Nam.
Nghe nói đâu hôm đó có đông sinh viên, quan chức Việt Nam đến
tham dự lắm. Ai cũng tấm tắc khen ngợi chương trình học bổng quá xuất sắc này.
Nhờ nó mà cho đến nay đã có gần 1000 sinh viên ưu tú của Việt Nam và Mỹ được
cho đi du học từ năm 1992. Cũng nhờ nó mà có rất nhiều người trong số này hiện
đang là những doanh nhân, quan chức, luật sư, tiến sĩ thành danh và rất thành
công trong xã hội. Như đương kim bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam là ông Phạm Bình
Minh cũng từng nhận học bổng Fulbright.
Trong bài phát biểu cảm tưởng tại Hà Nội, bà Clinton đã nhắc
lại sự thành công này và cho rằng nhờ vậy mà mối quan hệ giữa hai nước Việt-Mỹ
ngày càng sâu đậm, bền vững. Nếu tính ra thì nó hơn nhiều so với 20 năm trước
khi luật cấm vận vẫn chưa được bãi bỏ. Và chương trình học bổng Fulbright chưa
được nhiều người biết đến.
Luật Sư Lê Công Ðịnh hồi năm 2009. (Hình: AFP/AFP/Getty
Images)
Nhưng có lẽ điều mà tôi muốn biết nhất lại là: thế hôm ấy có
ai dám nhắc đến cái tên nổi nhất đã từng nhận được học bổng Fulbright hay
không?
Kể cả bà Clinton, không biết bà có dám nhắc đến cái tên Lê
Công Ðịnh khi nói về sự thành công của chương trình sau 20 năm dài với biết bao
nhiêu người đã thành danh, nên phận?
Tôi đoán chắc là không. Phép tắc ngoại giao thông thường sẽ
không cho bà nhắc đến cái tên quá ư là nhạy cảm này. Ít nhất là giữa thanh
thiên bạch nhật. Riêng đối với các quan chức, sinh viên Việt Nam thì chúng ta
ai cũng biết là càng... không thể. Mặc dù nếu nói đến danh thì ngay trong buổi
họp mặt ngày hôm đó, không ai có nhiều danh hơn Ðịnh. Riêng về phận thì chúng
ta càng không thể so sánh vì Ðịnh là người Việt Nam duy nhất từng đoạt học bổng
Fulbright nhưng hiện nay đang phải ngồi tù.
Thế mới thấy thấm câu tiếng Anh: “He who was the elephant in
the room.” Ðịnh chính là con voi to lù lù trong phòng, ai cũng rõ, cũng tường
nhưng không ai dám nhắc tới.
Vì nhắc tới Ðịnh là phải đối mặt với sự thật phũ phàng ở Việt
Nam mà không ai có thể chối cãi. Ðó là bạn có thể là một sinh viên ưu tú của đất
nước. Bạn có thể là một Fulbright Scholar, “a Fulbrighter,” là niềm hãnh diện của
gia đình, của cả hai nước Việt-Mỹ.
Nhưng nếu như bạn chọn lý tưởng làm lẽ sống. Chọn con đường
tranh đấu cho một đất nước Việt Nam ngày càng được công bằng, văn minh hơn thì
chắc chắn một điều: bạn sẽ mất rất nhiều. Từ công ăn, việc làm cho đến gia
đình, nhà tan, cửa nát.
Danh của bạn có thể sẽ lớn hơn, đi xa hơn. Vì tuyệt đại đa số
những ai trên thế giới yêu chuộng sự tự do, dân chủ đều sẽ ủng hộ, ngưỡng mộ bạn.
Nhưng phận của bạn ngay trên quê hương mình sẽ là phận của một
kẻ bị tù đày. Bị bôi nhọ, làm nhục, xa lánh. Bởi chính những người từng gọi bạn
là bạn. Bởi những kẻ cầm bút chỉ biết đưa tin theo chỉ thị. Và những đồng nghiệp
từng gọi là anh em nhưng thoáng chốc đã biến dạng để trở thành những người đầu
tiên kết tội bạn, gạt phắt tên ra khỏi danh sách luật sư đoàn. Mặc dù lúc ấy bạn
vẫn còn đang bị điều tra, chưa bị kết án.
Thử hỏi, nếu bạn là Ðịnh thì bạn sẽ nghĩ sao về thế thái
nhân tình trong suốt thời gian vừa qua? Về cái gọi là tình bạn ở một đất nước
như vậy? Bạn sẽ làm gì khi bạn đã mất hết tất cả và đối diện với bạn chỉ là bốn
bức tường lạnh lẽo giam hãm bạn từ tháng này sang năm khác?
Như bạn, trong ba năm vừa qua từ khi Ðịnh bị bắt tôi cũng chỉ
biết đoán mò. Tôi đoán có thể là tinh thần Ðịnh bị suy sụp. Bị dằn vặt lắm. Vì
Ðịnh là người có rất nhiều trước khi bị bắt. Có nhà lớn ở Phú Mỹ Hưng. Có vợ đẹp
là hoa hậu. Có một việc làm, địa vị trong xã hội ít ai dám mơ tưởng.
Nếu tôi là Ðịnh chắc có lẽ suốt ngày trong tù tôi chỉ biết
than thân, trách phận. Chỉ biết tự đặt cho mình những câu hỏi kiểu “what if,” nếu
như, nhưng sẽ không có câu trả lời. Chỉ biết suy nghĩ làm thế nào để mình có thể
ra khỏi tù trong một thời gian sớm nhất.
Nhưng may thay, tôi vừa tìm được câu trả lời thỏa đáng,
chính xác nhất. Từ chính anh Lê Thăng Long là người cùng bị bắt với Ðịnh, đã ở
cùng phòng với Ðịnh và anh Trần Huỳnh Duy Thức trước khi cả ba bị chuyển đi biệt
giam.
Anh Long vừa mới được thả ra và anh cho tôi biết thế này.
Khác với sự dự đoán của tôi và nhiều người khác, tinh thần của Ðịnh vẫn thoải
mái, ổn định như ngày nào. Nếu không muốn nói là vững chãi hơn. Ðịnh không than
thân, trách phận. Anh Thức vẫn an nhiên với bản án 16 năm tù của mình.
Vì cả ba đã cùng bàn thảo ngay trong tù để quyết định anh
Long phải là người cố gắng ra khỏi tù sớm nhất để vận động cho một phong trào
mà cả ba đã cùng theo đuổi từ lúc trước khi vào tù. Mà ngay cả khi anh Long bị
bắt, phải trở lại vào tù. Hay Ðịnh và anh Thức phải tiếp tục chịu ngồi tù thì
phong trào nhất định vẫn phải được ra mắt và thực hiện.
Ðó là một phong trào mà tất cả mọi công dân Việt Nam, những
người con Việt Nam ở bất cứ phương trời nào cũng có thể tham gia. Ai cũng có thể
tự mình làm một điều gì đó để cổ vũ và ủng hộ sự tôn trọng các quyền dân sự và
chính trị trong xã hội Việt Nam hiện tại. Ai cũng có thể tham gia phát động
phong trào mà không cần phải thông qua bất kỳ cơ quan nào. Hay phải gia nhập
vào một tổ chức chính trị, đảng phái.
Phong trào đó được cả ba Thức, Ðịnh, Long khởi xướng và đặt
cho một cái tên rất đơn giản nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa.
Ðó là phong trào Con Ðường Việt Nam.
Một con đường đã được những người khởi xướng vạch ra và chỉ
mong sao mỗi ngày sẽ có thêm nhiều người cùng nhau mạnh dạn tiến bước.
Bạn sẵn lòng chứ?
0 comments:
Đăng nhận xét