Thư chất vấn của Ủy Ban LHQ Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện gởi Hà Nội về việc bắt giữ các TNCG

Radio CTM chuyển ngữ

Chúng tôi xin gởi đến quí bạn đọc bản dịch bức thư chất vấn của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện gởi nhà cầm quyền Việt Nam về trường hợp các thanh niên công giáo bị bắt từ tháng 7 và 8 năm 2011.

BBT-RadioCTM

===============
LIÊN HIỆP QUỐC
VĂN PHÒNG LIÊN HIỆP QUỐC
CAO ỦY VỀ NHÂN QUYỀN

THỦ TỤC ĐẶC BIỆT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN

Những phán quyết của:

Điều Tra Trưởng Nhóm Làm Việc về Bắt Giữ Tùy Tiện; 
Điều Tra Viên Đặc Biệt về sự độc lập của chánh án và luật sư; 
Điều Tra Viên Đặc Biệt về việc bảo vệ và cổ vũ cho quyền tự do tư tưởng và ngôn luận; 
Điều Tra Viên Đặc Biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và quyền tự do lập hội; 
Điều TraViên Đặc Biệt về tình trạng những nhà bảo vệ nhân quyền.

THAM CHIẾU: UA G/SO 218/2 G/SO 214 (67-17) Assembly & Association (2010-1) G/SO 214 (107-9) G/SO 214 (3-3-16)
VNM 7/2011

1 tháng 12 năm 2011

Kính thưa Quí Ông,

Chúng tôi hân hạnh trao đổi với Ông với tư cách là Điều Tra Trưởng Nhóm Làm Việc về Bắt Giữ Tùy Tiện; Điều Tra Viên Đặc Biệt về sự độc lập của chánh án và luật sư; Điều Tra Viên Đặc Biệt về việc bảo vệ và cổ vũ cho tự do tư tưởng và ngôn luận; Điều Tra Viên Đặc Biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và quyền tự do lập hội; Điều Tra Viên Đặc Biệt về tình trạng những nhà bảo vệ nhân quyền, theo nghị quyết 60/251 của Đại Hội Đồng và các nghị quyết 15/18, 17/2, 16/4, 15/21 và 16/5 của Hội Đồng Nhân Quyền.

Trong cương vị này, chúng tôi muốn lưu ý Chính Phủ của Quí Ông về những  thông tin chúng tôi nhận được về việc các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Peter Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh tiếp tục bị giam giữ, và tình trạng của nhà bảo vệ nhân quyền Giáo Sư Phạm Minh Hoàng.

Các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Peter Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh đều có liên hệ với Dòng Chúa Cứu Thế, và đều tích cực trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Gần đây họ đã ký kiến nghị yêu cầu trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ, một nhà đấu tranh cho nhân quyền đã bị xử tù 7 năm vào tháng tư năm 2011 sau khi vận động cho một nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Bản kiến nghị cũng phê phán Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận.

Ông Phạm Minh Hoàng là một blogger được nhiều người biết đến, chuyên viết về những vấn nạn mà Việt Nam phải đối diện, đặc biệt về giáo dục và môi sinh. Ông là giảng viên môn toán áp dụng tại Trường Đại Học Bách Khoa Tp. HCM và tổ chức các buổi học thảo về kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên của ông. Ông tích cực vận động chống lại việc khai thác bô xít ở vùng Tây Nguyên, cổ vũ cho nhân quyền và khuyến khích tham gia hoạt động xã hội.

Theo những thông tin nhận được:

- Trong khoảng thời gian từ 30 tháng 7 năm 2011 tới 16 tháng 8 năm 2011, các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Peter Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh được báo cáo là đã bị  và nhân viên Bộ Công An bắt giữ.

- Ngày 30 tháng 7 năm 2011, báo cáo cho biết các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa và Nguyễn Văn Oai đã bị giữ tại phi trường Tân Sơn Nhất, Tp. HCM. Ngày 2 và 3 tháng 8 năm 2011, được biết là công an đã lần lượt lục xét nhà các ông Hồ Đúc Hòa và Nguyễn Văn Oai. Những nhà bảo vệ nhân quyền này đã bị buộc tội âm mưu lật đổ chính phủ chiếu theo Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, mà hình phạt có thể lên tới tử hình. Họ hiện đang bị giữ tại Trại Giam B14 ở Hà Nội.

- Ngày 2 tháng 8 năm 2011, các ông Peter Trần Hữu Đức và Đậu Văn Dương, cả hai đều là sinh viên, được báo cáo là đã bị bắt tại nhà ở Vinh. Tin tức cho biết là họ hiện đang bị giam tại nhà tù Kim Sơn ở Nghệ An, nhưng chưa chính thức bị buộc tội.

- Ngày 3 tháng 8 năm 2011, báo cáo cho biết ông Paulus Lê Văn Sơn đã bị công an bắt ngay trước nhà ông tại Hà Nội. Theo những tin tức đã nhận được, công an đã chặn đường vào nhà khiến ông bị ngã xe. Tin tức cũng cho biết công an sau đó đã nắm chân tay xách ông lên xe công an. Được biết ông đã bị buộc tội theo Điều 79 của Bộ Luật Hình sự và hiện đang bị giam tại Trại B14 ở Hà Nội.

- Ngày 7 tháng 8 năm 2011, tin tức cho biết ông Nguyễn Văn Duyệt, Chủ Tịch Hiệp Hội Lao Động Công Giáo, đã bị bắt ở Nghệ An. Ông bị buộc tội theo Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự và hiện đang bị giam tại Trại giam B14 ở Hà Nội.

- Ngày 16 tháng 8 năm 2011, báo cáo cho biết ông Hồ Văn Oanh đã bị bắt tại Giáo Xứ Yên Hòa. Tháng 4 năm 2011, ông từng bị tạm giữ khi ông tham dự phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ. Được biết là ông đã bị buộc tội theo Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự và hiện đang bị giam tại số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, Tp. HCM.

- Báo cáo cho biết là sau khi các nhà bảo vệ nhân quyền nêu trên bị bắt, gia đình họ đã yêu cầu nhà cầm quyền cho biết tin tức về nơi giam giữ cũng như về tội danh họ bị cáo buộc, nhưng nhà cầm quyền đã từ chối cung cấp thông tin. Hơn nữa, được biết là công an đã cảnh cáo một số gia đình không được làm lớn chuyện này. Đến tháng 9, được biết là gia đình họ đã được thông báo về nơi giam giữ cùng với lý do bị giam; tuy nhiên, cho tới nay, gia đình họ vẫn chưa được phép gặp mặt. Tin tức cũng cho biết thêm rằng lực lượng quân sự đang giám sát địa phương mà gia đình những người nói trên đang sinh sống.

- Theo những tin tức đã nhận được, gia đình họ đã không thể tìm được luật sư để giúp đỡ họ vì các luật sư đều sợ rằng việc này có thể khiến họ bị khai trừ khỏi luật sư đoàn. Các nhà bảo vệ nhân quyền này vẫn chưa kiếm được các trợ lý pháp luật.

- Hơn nữa, ngày 10 tháng 8 năm 2011, tin tức cho biết ông Phạm Minh Hoàng đã bị Tòa Án Nhân Dân Tp. HCM xử ba năm tù vì tội "có hành vi nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Được biết là những cáo buộc này liên quan đến việc ông Hoàng là thành viên của tổ chức bị cấm hoạt động Việt Tân. Ông Hoàng đã bị bắt vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 và bị từ chối qui chế đóng tiền tại ngoại hầu tra.

- Báo cáo cũng cho biết là chỉ một mình vợ ông Hoàng và luật sư được phép có mặt trong phòng xử. Gia đình và những người ủng hộ ông đã không được phép dự phiên xử dài khoảng ba tiếng rưỡi đồng hồ.

- Được biết là ông Phạm Minh Hoàng đã kháng cáo và phiên tòa đã đưc định vào ngày 14 tháng 10 năm 2011. Tin tức cũng cho biết thêm là ông Hoàng và luật sư đã không được thông báo về ngày xử và chỉ sau này họ mới biết được qua phương tiện truyền thông quốc gia. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa đã được hoãn lại và ngày xử mới hiện vẫn chưa được xác định.

Đã có những mối quan tâm liên quan đến việc các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Peter Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh hiện đang tiếp tục bị giam giữ. Thêm nữa là mối quan tâm về tội trạng, có thể dẫn đền án tử hình, mà các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh bị cáo buộc. Cũng có quan tâm nghiêm trọng về việc các ông Peter Trần Hữu Đức và Đậu Văn Dương tiếp tục bị giam giữ mặc dầu chưa chính thức bị buộc tội. Thêm nữa là mối quan tâm về tội trạng và phiên xử sau đó của ông Phạm Minh Hoàng. Mối quan tâm cuối cùng là những sự kiện trên đều liên quan trực tiếp đến những hành động ôn hòa và hợp pháp của những người được nêu tên ở trên trong việc bảo vệ nhân quyền và thực thi quyền tự do ngôn luận.

Ở giai đoạn này, chúng tôi không bày tỏ quan điểm về những dữ kiện của trường hợp trên hoặc việc bắt giữ những người nêu trên là có tùy tiện hay không, mà chỉ kêu gọi Chính Phủ của ông có những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự tự do của họ không bị tùy tiện tước đoạt và được phán xét một các công bằng trước một tòa án độc lập và vô tư, theo đúng các điều 9 và 10 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các điều 9 và 14 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Liên quan đền việc các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Peter Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh không được tiếp xúc với luật sư, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng quyền được giúp đỡ và đại diện về pháp luật là một quyền căn bản và việc bảo đảm một sự xét xử công bằng đã được nêu rõ trong điều 14 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Bổn phận của các chính phủ là bảo đảm và chấp thuận quyền được tiếp xúc đó một các nhanh chóng và "trong mọi trường hợp, không quá 48 giờ kể từ khi bị bắt giữ" thể theo điều 7 của Nguyên Tắc Căn Bản về Vai Trò của Luật Sư (thông qua bởi Đại Hội Liên Hiệp Quốc Lần Thứ Tám về Ngăn Ngừa Tội Phạm và Đối Xử Với Can Phạm, tại Havana, Cuba, từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 7 tháng 9, năm 1990).

Về vấn đề các luật sư ngần ngại trong việc giúp đỡ luật pháp cho các nhà bảo vệ nhân quyền vì sợ bị trả thù, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng "Các chính phủ phải bảo đảm rằng các luật sư (a) có thể thực thi tất cả những chức năng chuyên nghiệp mà không bị dọa nạt, cản trở, sách nhiễu, quấy rầy bất chính; (b) có thể đi lại và tham khảo một cách tự do với thân chủ, ở trong nước hay ở nước ngoài; và (c) sẽ không phải chịu, hoặc bị đe dọa phải chịu những hình phạt truy tố, hành chánh, kinh tế hoặc những hình thức khác chỉ vì đã hành động đúng với bổn phận chuyên môn, chuẩn mực và hợp với đạo lý" phù hợp với tài liệu nêu trên. Thêm nữa, chúng tôi muốn viện dẫn những điều khoản sau đây của Nguyên Tắc Căn Bản:

- "17. Khi sự an toàn của luật sư bị đe dọa theo sau việc họ thi hành chức năng của mình, nhà chức trách phải cung cấp đầy đủ sự bảo vệ cho họ."

- "18. Khi thi hành chức năng của mình, các luật sư sẽ không bị đồng hóa với các thân chủ hay các mục tiêu đeo đuổi của thân chủ."

- "20. Luật sư được miễn tố về mặt dân sự cũng như hình sự về những phát biểu liên hệ mà họ tin là đúng, bằng văn bản hay bằng lời nói, khi đứng ở vai trò chuyên môn trước tòa hay trước các cơ quan chức năng về tư pháp hay hành chánh."

Về phiên tòa xử ông Phạm Minh Hoàng, mà chỉ có vợ ông và luật sư được quyền tham dự, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều có quyền tham dự một phiên xử công khai theo điều 14(1) của ICCPR. Tòa chỉ có thể cấm một phần hoặc toàn thể công chúng "vì lý do đạo đức, trật tự công cộng, hay an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, họặc vì nhu cầu bảo vệ quyền riêng tư của các bên liên hệ, hoặc theo ý kiến của tòa là thật sự cần thiết trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xử công khai sẽ gây tổn hại cho công lý", (Chú Giải Tổng Quát Của Ủy Ban Nhân Quyền, só 32, CCPR/C/GC/32, para 29). Tương tự như vậy, ông Hoàng và luật sư của ông phải được thông báo về ngày, giờ và địa điểm phiên xử phúc thẩm. Thông tin này cũng phải được công bố cho quảng đại quần chúng (Chú Giải Tổng Quát, đoạn 28).

Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ Ông thực hiện những bước cần thiết để bảo đảm quyền tự do quan điểm và bày tỏ, đúng theo các nguyên tắc căn bản ghi trong điều 19 của bản Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, qui định rằng: “Mọi người phải có quyền tự do bày tỏ quan điểm; quyền này phải bao gồm sự tự do tìm kiếm, đón nhận, và gởi ra thông tin và ý kiến về mọi loại, bất kể biên giới, qua lời nói, chữ viết, hay qua dạng in ấn, dạng nghệ thuật, hoặc bất kỳ phương thức truyền bá nào mà người ấy chọn.”

Hơn nữa, chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ Ông thực hiện những bước cần thiết để bảo đảm quyền tự do lập hội, ghi trong điều 22 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, quy định rằng "Mọi người phải có quyền liên hiệp với những người khác, gồm cả quyền thành lập và tham gia các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của người ấy".

Thêm vào đó, chúng tôi muốn lưu ý Chính phủ của Ông về Hội Đồng Nhân Quyền 15/21, trong đó Hội Đồng "kêu gọi các Quốc Gia tôn trọng và bảo vệ trọn vẹn quyền của mọi cá nhân được ... tự do lập hội ... kể cả những người thiểu số hoặc khác biệt quan điểm và tín ngưỡng, và các nhà bảo vệ nhân quyền đang thực thi hoặc cổ vũ cho [quyền này]..." (OP1).

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi muốn lưu ý Chính phủ của Ông về những nguyên tắc cơ bản được nêu ra trong Tuyên Ngôn Về Quyền Hạn Và Trách Nhiệm Của Cá Nhân, Nhóm, và Bộ Phận của Xã Hội trong việc Cổ Vũ và Bảo Vệ Nhân Quyền và Các Quyền Tự Do Căn Bản Được Thế Giới Công Nhận, đặc biệt là điều 1 và 2, xác định rằng "mọi người đều có quyền, với tư cách cá nhân hay kết hợp với những người khác, để thúc đẩy và nỗ lực cho việc bảo vệ và thực thi nhân quyền và những quyền tự do căn bản ở cấp quốc gia hoặc quốc tế," và "mỗi quốc gia đều có trách nhiệm hàng đầu và bổn phận bảo vệ, cổ vũ và thực thi tất cả nhân quyền và những quyền tự do căn bản, bằng nhiều cách bao gồm cả việc thực hiện những bước phải có để tạo những điều kiện cần thiết trong lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và những lãnh vực khác, cũng như những bảo đảm về pháp lý phải có để bảo đảm mọi người trong phạm vi thẩm quyền [của quốc gia đó], dù là với tư cách cá nhân hay kết hợp với người khác, đều có thể hưởng những quyền và loại tự do đó trong thực tế."      

Thêm vào đó, chúng tôi cũng xin lưu ý Chính phủ của Ông về những điều khoản sau đây trong bản Tuyên Ngôn:

- điều 6, điểm a) quy định rằng mọi người, cá nhân hay tập thể, đều có quyền biết, tìm kiếm, thu thập, tiếp nhận và lưu trũ thông tin về tất cả các quyền con người và những loại tự do căn bản, gồm cả quyền tiếp cận loại thông tin về mức độ ảnh hưởng của những quyền và loại tự do nêu trên lên hệ thống lập pháp, tư pháp hay hành chánh trong nước.

- điều 12, đoạn 2 và 3 của Bản Tuyên Ngôn quy định rằng nhà nước phải làm tất cả những biện pháp cần thiết để chắc chắn cung cấp các giới chức đủ khả năng để bảo vệ mọi người, cá nhân hoặc tập thể, chống lại mọi loại bạo lực, đe dọa, trả thù, phân biệt đối xử trong thực tế hay trong luật lệ, làm áp lực hay những hành động tùy tiện khác, để trả đũa việc họ thực thi một cách hợp pháp những quyền được quy định trong Bản Tuyên Ngôn. Liên quan đến vấn đề này, mọi người đều có quyền, dù là cá nhân hay tập thể, được bảo vệ một cách hữu hiệu bởi luật pháp quốc gia trong việc phản ứng lại hoặc chống đối lại, bằng những phương tiện ôn hòa, những hành động và hoạt động, gồm cả những sự chểnh mảng có thể quy về nhà nước, dẫn tới sự vi phạm nhân quyền và các loại tự do căn bản, cũng như các hành động bạo lực của những nhóm hay những cá nhân làm ảnh hưởng tới việc hưởng thụ các quyền con người cũng như những loại tự do căn bản. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ của Ông tiến hành tất cả những biện pháp cần thiết để bảo đảm các quyền và các loại tự do căn bản của những người nêu trên được tôn trọng. Trong trường hợp kết quả điều tra của Ông có đủ chứng cớ hoặc có chỉ dấu rằng những tố cáo nêu trên là đúng, thì cần phải làm rõ phần trách nhiệm của từng người liên hệ đến những vi phạm đang được truy tố. Chúng tôi cũng yêu cầu Chính phủ của Ông đề ra những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tái diễn những việc tương tự.

Vì mức cấp bách của vấn đề, chúng tôi mong nhận thư phúc đáp về những biện pháp đầu tiên của Chính Phủ Ông để bảo đảm các quyền của những người nói trên, theo đúng những qui định quốc tế đã dẫn.

Hơn nữa, chúng tôi có trách nhiệm, theo thẩm quyền được giao bởi Hội Đồng Nhân Quyền, phải tìm cách kiểm chứng tất cả các trường hợp được đệ nạp đến chúng tôi. Vì chúng tôi sẽ phải báo cáo về những trường hợp trên lên Hội Đồng Nhân Quyền, chúng tôi sẽ rất cám ơn sự hợp tác của Ông và sự nhận xét của Ông về những vấn đề sau đây, liên quan đến trường hợp đang được xem xét:

1. Những dữ kiện được cho biết trong bảng tóm tắt những trường hợp trên có chính xác không?

2. Đã có đơn khiếu nại nào được đệ nạp nhân danh các nạn nhân không?

3. Xin cung cấp những chi tiết và kết quả điều tra, điều tra tư pháp và những điều tra khác liên quan đến những trường hợp trên. Nếu không có cuộc điều tra nào hoặc điều tra không đưa tới kết luận thì xin giải thích tại sao.

4. Xin cung cấp thông tin về căn bản pháp lý của việc bắt bớ và giam giữ những nhà bảo vệ nhân quyền nêu trên và tại sao những biện pháp đó phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế như đã được nêu rõ trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, bản Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị, và những văn kiện khác nữa.

5. Xin cung cấp đầy đủ chi tiết về những biện pháp đã được thực hiện để bảo đảm rằng các ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Peter Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh được nhanh chóng tiếp xúc với luật sư và gia đình của họ.

6. Xin giải thích tại sao phiên xử ông Phạm Minh Hoàng lại không được mở rộng cho công chúng tham dự.

7. Xin nêu rõ những biện pháp đã được áp dụng để bảo đảm những nhà bảo vệ nhân quyền có thể tiến hành những công việc hợp pháp của họ để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và những loại tự do căn bản trong một môi trường tự do và an toàn.

Chúng tôi cam đoan rằng lời phúc đáp của Chính phủ Ông cho mỗi câu hỏi trên sẽ được phản ảnh trung thực trong bản báo cáo mà chúng tôi sẽ đệ nạp để Hội Đồng Nhân Quyền cứu xét.

Xin Ông nhận nơi đây mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi.

El Hadji Malik Sow, Điều Tra Trưởng của Nhóm Làm Việc về Bắt Giữ Tùy Tiện
Gabriela Knaul, Điều Tra Viên Đặc Biệt về tính độc lập của chánh án và luật sư
Frank La Rue, Điều Tra Viên Đăc Biệt về việc bảo vệ và cổ vũ cho tự do tư tưởng và ngôn luận   
Maina Kiai, Điều Tra Viên Đặc Biệt về quyền tự do hội họp một cách ôn hòa và quyền tự do lập hội
Margaret Sekaggya, Điều Tra Viên Đặc Biệt về tình trạng những nhà bảo vệ nhân quyền.
  
[Radio Chân Trời Mới chuyển ngữ, 2012]
DienDanCTM

1 comments:

Đọc lá thư trên của Uy Ban LHQ làm tôi rất cảm kích và biết ơn cho sự việc lên tiếng nầy. Tuy nhiên lá thư nầy đã viết trong tháng 12 năm 2011 và hiện nay thì đã hơn nửa năm mà chưa có kết quả gì thì tôi rất buồn !!!
Nếu Ủy Ban LHQ làm việc như vầy thì những người vô tội sẽ bị hành hạ thêm và rồi chết dần, chết mòn trong nhà tù thôi !!!
Do đó tôi thành khẩn xin quý ông quý bà có tên trên đây thuộc Ủy Ban LHQ hãy gấp rút thực hiện bước thứ hai. Có như thế thì nhà nước Hà Nội mới có thể thật sự cộng tác cùng quý vị trong việc trên. Xin cảm ơn ông bà.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More