Tâm Việt
Từ trái: Ô. CT Hội CSV/QGHC, Ô. Nguyễn Bá Tùng,
bà Jackie Bông, Ô. Trần Ngọc Thành,
Ô. Đoàn Việt Trung, Ô. Nguyễn Đình Hùng,
cô Ca Dao, Ô. Nguyễn Ngọc Bích
|
UB Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam:
Hai vụ ra quân ngoạn mục
Nhân dịp họp Đại-hội lần 3 của Uỷ-ban Bảo vệ Người Lao-động
VN (tắt là UBBV), các thành-viên của Uỷ-ban đã quyết-định sang Hoa-kỳ để ra mắt
và tường-trình về công việc của Uỷ-ban từ ngày thành-lập cách đây sáu năm, một
lần ở bờ biển miền Tây (Nam Cali) và một lần ở bờ biển miền Đông (Hoa-thịnh-đốn).
Sau gần một tuần gặp gỡ và dành phỏng vấn cho các cơ-quan
truyền-thông lớn của người Việt ở Quận Cam (trong đó phải kể những cuộc phỏng vấn
của LS. Đỗ Phủ với anh Trần Ngọc Thành hoặc của Kim Nhung với Ca Dao trên SBTN,
cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Phong Vũ trên đài truyền hình VNA, cuộc phỏng vấn
của cô Ngọc Anh trên đài Little Saigon Radio, chưa kể những cuộc phỏng vấn với
các báo in từ Việt Báo đến Người Việt, v.v. hay các Youtube của Văn-hoá Nhân-bản
Lạc Việt), ngày chủ-nhật 17/6 tại phòng sinh-hoạt của nhật-báo Người Việt đã có
một cuộc gặp gỡ giữa các thành-viên chủ chốt của Uỷ-ban với hơn 100 đồng-hương
thuộc đủ mọi giới, đến để nghe về một tổ-chức mà bấy lâu nay thỉnh thoàng có
nghe nhắc đến trên mặt báo nhưng chưa có dịp trực-diện trao đổi.
Gặp gỡ với đồng-hương ở Quận Cam
Phải nói trên 100 đồng-bào đến nghe trình bầy về Uỷ-ban Bảo
vệ Người Lao Động VN và ở lại đến tối là một cuộc gặp gỡ rất hiếm hoi và đáng kể
bởi không phải lúc nào Uỷ-ban cũng đã được đại diện bởi những thành-viên đến từ
Ba-lan (anh Chủ-tịch Trần Ngọc Thành), Úc-châu (anh Tổng-thư-ký Đoàn Việt
Trung, anh Nguyễn Đình Hùng thuộc Tiểu-ban Mã-lai), Pháp (cô Ca Dao, đại diện ở
Âu-châu), Mỹ (bà Jackie Bông, Tổng-thủ-quỹ), ông Nguyễn Ngọc Bích (Phó-chủ-tịch,
đại diện ở Hoa-kỳ), chưa kể là trong cử-toạ hôm đó cũng có một số vị đã tham-dự
Đại-hội thành-lập Uỷ-ban ở Vác-sa-va, Ba-lan, như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện,
G.S. Nguyễn Thanh Trang, nhà báo Nguyễn Vạn Hùng, ông Trần Quốc Bảo v.v.
Được đặt dưới sự bảo trợ của Mạng Lưới Nhân-quyền VN (Tiến-sĩ
Nguyễn Bá Tùng, chủ-tịch) và Hội Cựu-sinh-viên Quốc gia Hành-chánh cũng như của
nhật-báo Người Việt, cuộc họp đã duyệt qua những lý-do vì sao Uỷ-ban đã được
thành-lập. Ông Trần Ngọc Thành, một người
đã học và sinh sống lâu năm ở Ba-lan, qua đó ông đã chứng-kiến sự thành công của
Công-đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc), đã từ kinh-nghiệm bản-thân vận-động cho việc
kêu gọi một hội-nghị quốc-tế về vấn-đề người lao-động VN, một hội-nghị vào cuối
tháng 10 năm 2006 thu hút được 60 người quan-tâm đến từ gần 10 quốc gia. Hội-nghị đó, mang tên “Cơm Áo và Tự Do,” đã
được chính-phủ Ba-lan đỡ đầu (nên cho họp ở ngay phòng họp chính của Toà nhà Quốc-hội
ở Vác-sa-va) và được sự ủng-hộ của chính công-đoàn Đoàn Kết Ba-lan.
Ngay từ đầu, nhà cầm quyền CS đã chống đối nỗ lực này và phản-đối
dữ đội việc chính-quyền Ba-lan ủng-hộ việc tổ-chức Hội-nghị. Vì thế nên tuy Toà Đại-sứ Ba-lan ở Hà-nội đã
cấp visa (chiếu khán, thị-thực) cho nữ-Luật-sư Lê Thị Công Nhân để sang họp và
nói chuyện với Hội-nghị, cô ta đã bị chặn lại ở Nội-bài và ít lâu sau thì bị
đưa vào tù vì dám dạy về Nhân-quyền ở Văn-phòng Luật-sư Thiên Ân của L.S. Nguyễn
Văn Đài.
Mặc dầu vậy, việc tổ-chức Hội-nghị “Cơm Áo và Tự Do” vẫn đã
diễn ra và sau đó, đã tiến hành với các chương-trình giúp đỡ người công-nhân
lao-động VN. Hiện Uỷ-ban Bảo vệ Người
Lao Động VN ngoài Ban Điều hành Trung-ương còn có hai tiểu-ban, một tiểu-ban Việt-nam
làm việc với phong trào Lao-động ở trong nước và một tiểu-ban Mã-lai làm việc với
các công-nhân “lao-động xuất khẩu” ở Mã-lai.
Không phải là mọi sự đã mát mái xuôi chèo trong nỗ lực giúp
đỡ người công-nhân lao-động VN. Bằng-chứng
là những người như anh Lê Trí Tuệ, sau một thời-gian làm việc với phong trào đã
phải trốn sang Căm-pu-chia, sau đó vẫn bị Công-an Hà-nội sang Nam-vang bắt cóc
đem về nước và hiện không ai rõ anh đang ở đâu hay có thể đã bị thủ tiêu. Bằng-chứng là anh Đoàn Huy Chương (còn có tên
là Nguyễn Tấn Hoành) đã đứng ra thành-lập Hiệp-hội Đoàn-kết Công Nông VN, sau
đó đã bị bắt chung với tất cả ban lãnh-đạo Hiệp-hội và phải đi tù nhiều năm.
Cách đây hơn hai năm rưỡi, ba người làm việc với Uỷ-ban, anh
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cô Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Đoàn Huy Chương, sau khi ra
tù được ít lâu, lại tham-gia vào phong trào Lao-động VN để tổ-chức thành-công một
số đình công ở trong nước, điển-hình là cuộc đình công 10 nghìn người của
công-nhân hãng làm giầy Mỹ Phong ở Trà-vinh.
Công-an đã tung lưới bắt cả ba người, đánh đập dã man, rồi trong một
phiên toà ở Trà-vinh, đã tuyên án anh Hùng 9 năm tù, và hai người kia (anh
Chương và Minh Hạnh) mỗi người 7 năm tù.
Bên cạnh công việc của Tiểu-ban VN, Tiểu-ban Mã-lai đã tìm
cách giúp đỡ các công-nhân VN trong số 90 nghìn “lao-dộng xuất khẩu” sang
Mã-lai để cho họ học và biết được đâu là những quyền lợi của họ, có thể
tham-gia công-đoàn trong thời-gian họ ở Mã-lai (một điều nhà nước VN cấm-đoán
trong các hợp-đồng), và nương tựa vào nhau trước những ngược-đãi của chủ-nhân
cũng như trước thái-độ dửng dưng “đem con bỏ chợ” của các công-ty môi-giới và của
cả sứ-quán VN ở Mã-lai.
Mấy phưong-thức giúp đỡ
Minh-hoạ một số công-tác giúp đỡ công-nhân ở Mã-lai, cô Ca
Dao đã dùng Powerpoint để cho thấy cuộc sống khá chật vật của các anh chị
"lao-động xuất khẩu" ở bên đó: nhiều người chen chúc vào trong những ổ
chuột, như tám công-nhân chia xẻ với nhau một cái container bằng sắt nên không
thể đứng dậy được mà chỉ khum khum chui vào hay đi ngủ; cả trăm công-nhân nam nữ
chỉ có một bể nước để tắm hay nấu nướng hay chỗ đi cầu thiếu thốn nên phải dậy
thật sớm để sắp hàng hoặc chờ đến khuya để tắm thì hết nước v.v. Không lạ là trong những điều-kiện sống đó đã
có lúc giữa đêm bị cháy, đa-số người chui ra kịp nhưng cũng có người bị cháy đến
80%. Lại cũng có trường-hợp một nữ-công-nhân
khi sang đến Mã-lai thì khám-phá ra bị ung-thư, công-ty không chịu giúp để chữa
chạy. Hoặc một nữ-công-nhân khác vì ngôn
ngữ bất đồng, không hiểu các chỉ dẫn trong công việc, bị cho nghỉ nhà không
lương, đến khi than phiền thì chủ hãng cho đổi tay qua ba môi-giới trong một đêm. Cũng có trường-hợp phải làm việc quá nhiều giờ
(từ 12 đến 18 giờ một ngày) một nam-công-nhân ở một nhà máy giấy bị máy kéo tay
vào nghiến mất gần 3/4 cánh tay. Trong tất
cả những trường-hợp đó, chủ các nhà máy viện cớ này cớ nọ để không giúp đỡ hay
trả bảo hiểm lao-động, các bạn công-nhân dù rất nghèo vẫn phải hè nhau lại
chung tiền giúp. Hoặc chính UBBV đã phải
đi quyên tiền gây quỹ để giúp chữa hay hoặc đưa nạn-nhân về VN, rồi về nước rồi
có khi vẫn phải theo dõi để hoàn-tất việc trị bệnh. Có người không đồng-ý, cho rằng những
trách-nhiệm này là của nhà nước VN, Uỷ-ban không thể (và không nên) làm hộ, vì
như thế chỉ chữa được ngọn mà không giải-quyết được vấn-để tận gốc.
Trả lời chỉ-trích này, Uỷ-ban cho rằng đây là những trường-hợp
đặc-biệt thương-tâm mà mình không thể quay mặt đi được dù như Uỷ-ban không có
bao nhiêu phương-tiện. Cũng như thấy
cháy nhà thì phải tìm vài xô nước tiếp tay dội vào. Song công việc chính của Uỷ-ban ở Mã-lai thể-hiện
trong những công-tác dài hơi khác hoặc qui-mô hơn nhiều:
Như lần vận-động được Kênh Truyền hình số 7 ở Úc sang quay
những hoàn-cảnh sinh sống tồi tệ của các công-nhân ở hãng HiTex, một hãng có hợp-đồng
cung-cấp sản-phẩm cho công-ty Nike ở Mỹ.
Lúc đầu Nike còn phủ-nhận là có tình-trạng đó nhưng một khi Kênh số 7 đã
chiếu lên thì lập-tức Nike chấp nhận thương lượng để giải-quyết tình-trạng
trong vòng 30 ngày, giúp được 20 nghìn công-nhân trong đó có hơn 800 công-nhân
VN. Một trường-hợp tương-tự, tuy ở
qui-mô nhỏ hơn, cũng đã được giải-quyết khi Uỷ-ban làm việc với một tờ báo ở
Đan-mạch để phanh phui những bê bối này.
Một trong những nỗ lực của Uỷ-ban ở Mã-lai là khuyến khích
các công-nhân VN ở Mã-lai tham-gia
công-đoàn ở Mã-lai để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Ở trong một trường-hợp ở thành phố Penang, các
công-nhân VN đã bất chấp sự cấm-đoán ghi trong hợp-đồng ký ở VN để tham-gia
công-đoàn địa-phương và kết-quả là điều-kiện sinh sống của họ đã cải thiện rõ
ràng: những chỗ ở sạch sẽ hơn, giờ ăn trưa (45') được tôn trọng, có phòng chơi
bóng bàn hay hát karaoke, và còn có thể tổ-chức picnic trong những ngày nghỉ, tất
cả được ghi lại trong các hình chụp của cô Ca Dao.
Mấy kết-quả ban đầu
Buổi nói chuyện vào chiều Chủ-nhật 17/6 ở toà báo Người Việt
được đánh giá là rất giá trị. L.S. Nguyễn
Tường Tâm cảm ơn Uỷ-ban là đã đem đến cho đồng-bào ở Mỹ những hình ảnh thật
trung-thực về cuộc sống của 90 nghìn đồng-bào chúng ta ở Mã-lai, ông cũng đặc-biệt
khen cô Ca Dao là một người có kỹ-thuật cao và trình bầy thật mạch lạc, thuyết
phục. Trong cử-tọa cũng có nhiều người tự
nguyện góp tiền để giúp Uỷ-ban tiếp-tục công việc hữu ích của UB, trong đó có một
vị giáo-sư xin góp tới 1000 đô-la và một bác-sĩ đã mua tấm hình "3H"
(tức hai anh Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh) do một
cụ già 80 tuổi ở Pháp, cụ Lê Thúc Lân, vẽ thật giống tặng cho Uỷ-ban để gây quỹ
giúp "3H".
Cũng trong dịp này, Uỷ-ban cũng giới-thiệu vị Thủ quỹ mới của
Uỷ-ban, cô Thuỵ Phương ở Texas, người do B.S. Lâm Thu Vân (một thành-viên của
UBBV) ở Montréal giới-thiệu, và anh Nguyễn Minh, một người trẻ tự nguyện vào
giúp Uỷ-ban để làm website. B.S. Lâm Thu
Vân cũng mang một ngân-phiếu do đồng-bào ở Montréal đến tặng vào quỹ của Uỷ-ban.
0 comments:
Đăng nhận xét