Nhớ về “ Người tù bất khuất”

Trần Đức Thạch - DienDanCTM

Chân dung "người tù bất khuất"
Trương Văn Sương
Vào ngày này 20 tháng 8 năm ngoái anh Trương văn Sương bị bắt trở lại trại giam Nam hà. Anh được đình chỉ thi hành án một năm khi lâm phải cơn đau “ Thập tử nhất sinh” . Ai đó thấy anh chờ ngoài cổng liền hét toáng lên : “ Anh Sương trở lại rồi kìa!” . Tôi và một số anh em trong buồng chạy ra đón. Thấy anh, tôi lẩm bẩm “Chúng nó thật khốn nạn, không còn chút tính người nào nữa” . Bởi tại tôi cứ đinh ninh anh sẽ được tha luôn vì sức khỏe yếu và tuổi già. Chúng nó đã đày ải anh trong tù suốt 27 năm trời ấy là chưa kể trước đó anh phải đi cải tạo 6 năm nữa. Tổng cộng là ba mươi ba năm anh bị cộng sản giam cầm chứ ít ỏi gì đâu. Anh đã phá kỷ lục ngối tù của Nen-xơn-men- đê-la tổng thống Nam phi rồi đấy. 

Thấy anh đau nặng tưởng sẽ chết. Chúng nó vội trả anh về cho gia đình lo liệu để khỏi mất thêm cái hòm chứ nhân đạo cái con mẹ gì. Không ngờ anh qua được bạo bệnh nhờ sự quan tâm chăm sóc hết lòng của cả bà con trong và ngoài nước. Anh chưa được khỏe cho lắm mà chúng  đã vội bắt anh trở lại nhà tù. Chúng sợ anh tố cáo tội ác của các nhà tù cộng sản việt nam với công luận quốc tế. Nhưng anh đã kịp làm điều đó trước khi chúng bắt lại. “ Người tù bất khuất” là mọi người vinh danh anh! Trông anh có vẻ béo ra và nét mặt đầy tự tin. Đó là nhận xét của tôi khi quan sát và đón anh về buồng…


Tôi nhập buồng 6 trại giam Nam hà vào đầu tháng ba năm 2010. Lúc đó buồng 6 có hơn năm mươi tù nhân. Phần đông là anh em Tây nguyên bị giam ở đây. Họ bị kết tội gây rối an ninh hoặc phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Lại có cả tội trốn ra nước ngoài âm mưu lật đổ chính quyền nữa. Án của họ người nào cũng trên dưới 10 năm. Số còn lại là những người bị kết tội xâm phạm an ninh, chính trị quốc gia. Tôi được luật sư Nguyễn văn Đài mời nhập mâm ăn bữa cơm đầu tiên đến trại. Đây là sự may mắn tôi không ngờ tới. Mấy tháng trước, ở trại tam giam số ba của công an thành phố Hà nội, tôi còn băn khoăn không biết tình hình của luật sư Đài hiện nay ra sao?Băn khoăn ấy tôi có thổ lộ với một tù nhân hình sự. Anh ta được giải về Nam hà trước nên đã nói cho luật sư Đài biết về tôi. Ngoài đời chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau nhưng trong cái bắt tay và lời chào lần đầu này thì chằng khác nào quen thân lâu lắm rồi. Trong bữa cơm luật sư Đài giới thiệu:

-         Đây là anh Ngô tích Hải người Quảng ninh. Còn đây là anh Trương văn Sương quê ở Sóc trăng. Anh Sương có “ Tuổi tù” cao nhất trong buồng và có lẽ cả trại này.

Nghe tới con số 27 năm trong tù cộng với 6 năm đi cải tạo mà anh Sương đã trải qua tôi vô cùng cảm phục. Sau này nghe anh em trong buồng kể nhiều chuyện về anh đấu tranh lại càng nể phục hơn. Mỗi lần chúng bắt anh đi biệt giam là phải huy động một lực lượng công an đông đảo. Anh chửi chúng tố tát từ giám thị trưởng trại trở xuống. Chúng phải xúm lại vật anh ra nhét giẻ vào miệng, khóa chặt tay chân mới khiêng đi được. Chỉ cần câu chuyện này thôi chúng ta cũng biết được tinh thần kiên cường, bất khuất của anh Sương như thế nào rồi. Anh Sương nói với tôi:

-         Dù đi nhặt một cọng rơm cho cộng sản anh cũng không làm.

Hàng ngày anh lấy sách ra hè buồng ngồi học tiếng Anh. Anh bảo nếu có được về thì sẽ dạy lại cho cháu. Anh phát âm khá chuẩn. Nhiều hôm mới ngủ dậy nghe anh học tôi cứ tưởng đài phát thanh nước ngoài nào đang phát. Đã lâu lắm anh không có người tiếp tế. Cuộc sống trong nhà tù cộng sản mà không có sự tiếp tế thì cơ cực vô cùng, chỉ còn nước thiếu sống thừa chết. Nhưng nhờ tinh thần đấu tranh ngoan cường mà anh được rất nhiều người giúp đỡ. Anh em bên tù hình sự nghe tiếng anh cũng nể. Có cơ hội là họ gửi cho anh đủ thứ. Họ cho anh cả tiền. Hôm buồng 6 bị “ Đập” (tức khám xét buồng), anh là người bị chúng thu nhiều tiền mặt nhất. Những hơn một triệu sáu cơ mà. Quy định trong trại cấm giữ và tiêu tiền mặt mà anh có ngần ấy tiền là ghê gớm lắm. Tôi cũng phải ngạc nhiên về sự giàu có của anh.

Trên ba mươi năm bị đày đọa trong nhà tù cộng sản thì chuyện gì anh kể tôi cũng muốn nghe. Tôi có ý định sau này có điều kiện sẽ viết một cuốn sách về cuộc đời anh. Có một câu chuyện anh kể mà tôi lấy làm thích thú. Ấy là sau khi đi cải tạo xong, anh trốn sang Cam pu chia và găp được một cô gái Khơ me trẻ đẹp giàu có buôn bán ở Nông pênh. Cô gái đem lòng yêu thương anh. Cô bàn với anh đừng đi đâu nữa, mà ở lại Nông penh cùng với cô làm ăn và xây dựng hạnh phúc gia đình. Lúc đầu anh cũng xiêu lòng, Nhưng ngọn lửa cứ cháy ngùn ngụt trong lòng anh. Anh lại nằng nặc nhất quyết ra đi. Cô gái đành phải giúp anh một số vàng và tìm đường cho anh sang Thái lan. Chuyện nghe cứ như tiểu thuyết đầy tình cảm bi hùng. Chuyện này quy chiếu với việc anh đã sang được Thái lan thì cơ hội định cư ở Mỹ là dễ dàng. Nhưng anh đã chọn con đường quay về giành lại tổ quốc nên chuyện tình anh kể không phải là bịa, mà có thật vốn như nó đã từng xẩy ra. Tôi tin tưởng như thế.

Sau lần buồng 6 bị “ Đập” được mấy hôm thì anh đau. Anh phải xuống trạm xá cấp cứu và nằm lại ở đấy. Cái hôm anh gắng gượng xin vể buồng để lấy đồ vệ sinh cá nhân. Tôi nhìn anh mà hoảng. Anh trụt cân nhanh chóng. Hai mắt trũng sâu tím quầng. Da dẻ nhợt nhạt, vẻ mặt không còn sinh khí. Tôi đã nhìn thấy bóng dáng thần chết đang lởn vởn trong mắt anh. Tôi lo cho anh mà chẳng giúp gì được. Rồi chúng đưa anh ra bệnh viện Phủ lý. Nghe anh em kể cuộc sống của tù bệnh nhân ở bệnh viện Phủ lý tệ hại lắm. Nhất là những người không có điều kiện gia đình chăm nom, tiếp tế thì chỉ còn nước chết mà thôi. Người dân vào bệnh viện còn bị hành lên bờ xuống ruộng huống hồ là tù. Anh Sương người thân ở xa. Anh lại không có tiền, anh em cho được một ít thi hôm “ Đập buồng” bị chúng lột thu sạch. Cũng may luật sư Nguyễn văn Đài đã tìm cách nào đó gửi cho anh được mấy trăm. Số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng động viên tinh thần anh nhiều lắm. Ấy là khi bị bắt trở lại vào trại anh đã nói với tôi như vậy. Anh còn kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện trong một năm được đình chỉ thi hành án. Chuyện dữ là vợ anh và ba đứa con bị mất mấy năm nay rồi mà anh không được biết. Chuyện vui là anh dược bà con trong ngoài nước quan tâm hỏi thăm, giúp đỡ hết lòng mới tai qua nạn khỏi. Nhắc tới chuyện này anh cảm động lắm. Anh nói “ Anh vô cùng biết ơn bà con trong và ngoài nước . Anh nguyện sẽ chiến đấu không khoan nhượng với lũ cộng sản đến hơi thở cuối cùng…” Thảo nào tôi thấy nét mặt anh bình tĩnh, tự tin đến thế.

Anh Sương vào lại trại được mười hôm thì tôi ra tù. Hôm tiễn tôi anh không nói gì hết mà xiết bàn tay tôi thật chặt. Đôi mắt anh nhìn tôi vui roi rói tràn đầy tin tường. Tôi càm nhận được đôi mắt anh nói với tôi rất nhiều điều. Có cả ý nghĩa gửi gắm sự nghiệp đấu tranh cho cả anh nữa trong những công việc mà tôi phải làm. Và tôi trĩu lòng về sự gửi gắm tin tưởng đó. Hình như đấy cũng là một cái điềm. Mười hai ngày sau thì tôi hết hồn nghe tin anh mất. Tôi không ngờ anh lại ra đi nhanh như thế. Khi luật sư Nguyễn văn Đài điện báo xác nhận chuyện anh mất là thật thì tôi mới tin. Nếu như chúng nó không thả tôi trước khi mãn hạn tù 14 ngày thì có lẽ tôi được ở bên anh trong những giây phút chấm hết một bản hùng ca. Trong nỗi thương nhớ anh tôi lại bực bội với 14 cái ngày ra tù sớm đó. Thế là tôi không được cùng anh về Sóc trăng ngoạn cảnh chùa Dơi nữa anh Sương ơi!

Hồi anh mất được 6 tháng, tôi nhớ anh quá và đã chấp bút viết một bài kể chuyện về anh. Không may bản thảo gửi đi cho bạn xem hộ bị thất lạc và bây giờ… Sắp tới ngày giỗ đầu của anh, kỷ niệm những ngày sống với anh trong tù lại bừng dậy. Tôi luôn luôn tôn trọng anh là một anh hùng. Một kiểu anh hùng như nhà thơ Nga Ép-tu-sen-cô viết: “Quen cái lặng thinh không tô vẽ cho mình” . Và anh đã làm cho mai sau phải nhớ. Danh hiệu “Người tù bất khuất” sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh chống độc tài Việt Nam. Cuộc đời đằng đặng bị đày đọa trong nhà tù cộng sản của anh lớn lao và vĩ đại quá. Viết về anh không phải chuyện dễ. Nhưng vì nể phục và thương tiếc anh vô hạn, tôi cũng cố hết khả năng tài hèn sức mọn để viết lên những gì có thể. Anh Sương ơi! Dưới suối vàng anh có linh thiêng thì hãy xem đây là nén tâm nhang của thằng em thắp cho anh nhân ngày giỗ đầu nhé! Và anh nhớ phù hộ cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ nhân quyền cho Việt nam mau thành công nghe anh! Em hứa sẽ làm hết sức mình những điều anh đã tin tưởng gửi gắm.

Ngày 20/8/2012.
Viết trong nỗi nhớ anh Trương Văn Sương.
         


1 comments:

cộng sản thật khốn nạn, chúng đang rình nhau từng miếng ăn và bây giờ là cơ hội của chúng ta, trong đó có VT

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More