Văn hóa tham nhũng ở Việt Nam: Lùn!

Tham nhũng là một dạng tội phạm nguy hiểm
Lê Nguyên Hồng
Tác giả gửi đến DienDanCTM

Bất kỳ một hoạt động sống nào trong xã hội mà thành một lề thói, một nề nếp, đều là biểu hiện của văn hóa. Người ta biết đến văn hóa làng xã, văn hóa đô thị, văn hóa mua bán hàng, văn hóa xe buýt, thậm chí là văn hóa… chửi, thì tất nhiên phải có văn hóa tham nhũng. Nơi nào có tiền bạc và quyền lực, nơi đó tiềm ẩn văn hóa tham nhũng, đó là chân lý!

Tham nhũng là một hành vi trục lợi cá nhân dựa trên vị trí quyền lực và quyền hạn được tập thể, xã hội, hay nhà nước giao phó.  Cách thức thủ đoạn và hành vi tham nhũng ở mỗi nơi mỗi lúc có khác nhau, nhưng ở Việt Nam chúng có nét chung: Lùn! Lùn vì hành vi tham nhũng vốn là một hành vi mang tính kín đáo và tinh vi, nhưng ở Việt nam nó lại công khai và trắng trợn chẳng khác nào hành động ăn cướp giữa ban ngày.
Trên thế giới không hiếm những vụ tham nhũng động trời, gần đây nhất đó là vụ scandal của ngân hàng Barclays của Anh hay tại ngân hàng BOC của Trung Quốc. Nhưng những vụ tham nhũng được coi là “chấn động” này cũng chỉ dừng lại ở thủ đoạn thao túng lãi xuất liên ngân hàng. Hoặc ngay như trong “thương vụ” hối lộ nhằm giành hợp đồng in tiền Polymer - một phát minh độc quyền của Úc - cũng chỉ nhằm tìm kiếm công ăn việc làm…

Ở Việt Nam, cứ có tiền trong túi là lũ quan chức tham nhũng coi đó là của mình, không cần biết hậu quả là gì, kẻ tham nhũng cứ thoải mái xà xẻo, chi tiêu bạt mạng. Cung cách đó xuất phát từ nguyên nhân quản lý lỏng lẻo của bộ máy chính quyền, nhưng sâu xa nhất chính là cơ chế quản lý thiếu minh bạch và chồng chéo, vừa làm cầu thủ vừa làm trọng tài. Đặc biệt là nạn bao che cho các đảng viên Cộng Sản là cán bộ nhà nước, dưới một quan điểm rất bất công, đó là “bảo vệ uy tín cho Đảng Cộng Sản”.

Thử hỏi, nếu như thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình không làm ngơ và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không ngoảnh mặt thì làm sao cái gọi là “Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB” có quyền hành bao phủ các hoạt động của ngân hàng ACB do Nguyễn Đức Kiên thao túng và điều hành trái pháp luật lại có thể tồn tại hàng chục năm, trong khi Luật tổ chức tín dụng không cơ cấu tổ chức này?

Chuyện ông Trần Xuân Gía - cựu chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - nói mình “làm ơn nên oán với ACB” là cố tình phủ nhận trách nhiệm quản lý, đồng thời có biểu hiện không trung thực vì ông làm việc có hưởng lương (mà phải là lương "khủng"), không đi làm từ thiện. Chưa nói đến việc ông Gía làm Chủ tịch hội đồng quản trị của ACB có uẩn khúc gì ở đây, bởi vì nếu làm CEO thì chỉ cần chất xám và nghiệp vụ là đủ, nhưng để có đủ điều kiện giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị (tỉ lệ chiếm 99% mặc dù luật không bắt buộc) ông Gía phải là cổ đông lớn nhất của ngân hàng ACB, hoặc là ông Gía phải được những cổ đông “có máu mặt” hùn hạp cổ phần để “dựng” ông này lên làm Chủ tịch hội đồng quản trị…

Thủ đoạn lừa đảo và thao túng của Nguyễn Đức Kiên không có gì mới: Bán khống, lập công ty ma, là những cách “kiếm tiền” hoàn thuế đã xảy ra trong ngành thuế Việt Nam cách nay hàng chục năm. Thế nhưng Kiên đã qua mặt được cả những cái đầu thông minh như ông Gía. Phải chăng tất cả đều đã mờ mắt, mất phương hướng vì những khoản lại quả và phong bao kếch xù?

Thế nhưng Nguyễn Đức Kiên lại vẫn thuộc vào hàng “có văn hóa” trong guồng máy tham nhũng. Kẻ tham nhũng thậm chí sẵn sàng ăn chặn tiền cho vay xóa đói giảm nghèo của nông dân, mà các khoản vay này đã được chính những người cho vay là chính phủ các nước như Ý, Pháp, Thụy Điển vv.., cho vay không lãi, và cuối cùng thì họ đã đồng ý xóa nợ cho người nghèo Việt Nam. Lợi dụng chủ trương này các quan chức tham nhũng của ngân hàng Agribank đã nuốt trọn hàng trăm tỉ đồng lẽ ra là người nghèo được hưởng…

Bọn tham nhũng vừa kể của ngân hàng Agribank tuy “thiếu văn hóa” hơn Kiên “bạc” nhưng lại vẫn còn “có văn hóa” hơn những kẻ cướp trắng những khoản tiền ít ỏi do các tổ chức nhân đạo cứu giúp những người lâm nạn trong lũ lụt ở Miền Trung. Thậm chí tiền chi phí xử lý rác thải và đờm dãi của bệnh nhân Lao, bệnh nhân HIV cũng bị những kẻ phụ trách tước đoạt. Những hành động đó nếu dùng những cụm từ “đểu cáng, đê tiện, khốn nạn” cho chúng, chắc chắn là chưa đủ!

Những vụ án cướp vé số của người mù, cụ già, em nhỏ đói khát lang thang bán vé số kiếm chén cơm qua ngày, hay những vụ giết người chỉ để cướp vài trăm ngàn đồng, hoàn toàn được phép “sánh vai” về độ bẩn thỉu và liều lĩnh đến ngu ngốc từ những vụ tham nhũng của quan chức Việt Nam. Đó, nói văn hóa tham nhũng ở Việt Nam nó (bị) lùn là như vậy!

Lê Nguyên Hồng

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More