Ký-sự của Nguyễn Ngọc Bích
Gs. Nguyễn Ngọc Bích chụp hình lưu niệm nhân dịp tham dự ra mắt phim Hồn Việt tại Houston, Texas |
Tôi đi nhiều, nhưng dù đi nhiều như tôi, nước Mỹ vẫn mênh
mông và cũng có đến cả vài năm rổi tôi mới lại có dịp trở về Houston, Texas.
Và mỗi lần trở về đây là một lần tôi ngỡ ngàng về sức sống của
thành phố này. Khu Bellaire của người Việt và người Á-đông, chẳng hạn, kéo dài
hàng nhiều cây số với các shopping centers, các toà nhà đồ sộ, các khu làm ăn sầm
uất, tất cả còn xem như mới tinh toanh, không có vẻ gì tiều tuỵ hay xuống dốc
như nhiều khu khác. Một thí-dụ: ở đây tôi thấy có nhiều ngân-hàng Á-đông hơn ở
Quận Cam rất nhiều. Như vậy có nghĩa là ở đây người ta còn đang xây cất rất nhiều,
thiên-hạ còn đổ tiền đầu tư vào kinh tế dầu hoả của Houston mạnh lắm.
Không lạ, bởi hỏi ra mới biết là mỗi tháng có tới khoảng 35
nghìn người ở nơi khác (đặc-biệt là Cali) đổ về đây nhập cư. Nhà còn rẻ, đất
còn rẻ, xăng cũng rẻ, và công ăn việc làm không thiếu.
Tôi đi Houston kỳ này là có công-tác: đi gặp gỡ các cơ-quan
truyền-thông của người Việt để báo một tin vui, sắp có phim tài-liệu "Hồn
Việt" về Quốc-kỳ và Quốc-ca Việt-nam. Đây là một sản-phẩm của Vietnam Film
Club, một tổ-chức mới lập ra cách đây hai năm vào tháng 9 năm 2010.
Dịp đó, Nghị-hội (Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ) nhóm họp ở
Arlington, Virginia, và những người đến Đại-hội từ nhiều tiểu-bang, có cả người
đến từ Canada, đi đến nhận-định là càng ngày nhu-cầu phim ảnh nhằm giải thích
và đưa ra chính-nghĩa của người Việt tự do là một nhu-cầu cấp thiết. Vì sao? Vì
sách tiếng Việt, dù hay cách mấy cũng càng ngày càng ít người đọc. Trái lại, tuổi
trẻ VN ở hải-ngoại thích xem phim ảnh (hay video, Youtube) là những thứ sản-phẩm
đập vào tai, vào mắt, có hành-động, có trao đổi, có chuyển cảnh, nghĩa là vui
hơn một cuốn sách. Đó là chưa kể nhiều em giờ đây nếu còn nói được tiếng Việt
thì cũng lười đọc tiếng Việt. Bởi thế phim ảnh là ngôn ngữ thời-thượng của tuổi
trẻ VN.
Ngoài ra, chúng ta cũng có nhu-cầu đem câu chuyện của Việt-nam,
câu chuyện đứng đắn (không bị bóp méo) về lịch-sử, văn-hoá VN đến với người ngoại-quốc
để họ khỏi bị hiểu lầm, ngộ-nhận về chúng ta. Có nghĩa là chúng ta cũng cần những
phim tài-liệu giá-trị để đưa vào các đại-học hay học-đường, không riêng gì ở Mỹ
mà còn ở cả nhiều nước nói tiếng Anh nữa (như Úc-châu, Canada, Anh, Ấn-độ...).
Và thế là Vietnam Film Club thành-hình và dự-án đầu tiên của
Câu-lạc-bộ này là sản-xuất một phim về Quốc-ca và Quốc-kỳ Việt-nam, hai hiện-tượng
mà ta thấy người Việt tự do lúc nào cũng tôn-kính trải khắp suốt năm châu.
Tại Houston, Vietnam Film Club có cái may là một thành-viên
trong Câu-lạc-bộ lại cư ngụ ngay tại đây. Đó là cựu-Đại-tá Phạm Bá Hoa, người
đã ghi nhận tất cả những bước thăng trầm của lá cờ vàng ba sọc đỏ ở xứ người.
Nhờ đó mà phòng hội của khu Làng Tre 1, một khu chung-cư rất khang-trang của
khoảng 400 vị cao-niên VN, đã được bà Thảo cho mượn để dùng vào việc giới-thiệu
về phim "Hồn Việt" cho khoảng 80 người đến nghe hôm thứ Năm, 18/10,
trong đó cũng trên 20 vị là ở trong giới truyền-thông. Người ta thấy có những
cây gạo cội trong làng báo như các ông Nguyễn Đạt Thịnh, Lê Phú Nhuận (của Việt
Tấn Xã trước năm 75), Hoàng Bách (Đài Tiếng Nước Tôi), Nguyễn Ngọc Bảo (Hội
Văn-hoá Khoa-học và báo Ngày Nay), Vũ Văn Hoa (báo Việt Nam Mới), ông Lưu (trước
của báo Time ở Sài-gòn), nhiếp-ảnh-gia Trần Trí (của Thời Báo), phóng-viên của
Đài VAN TV v.v. Một số người đến cũng vì đã được nghe nhà báo Dương Phục phỏng
vấn tôi và ông Phạm Bá Hoa trên đài Saigon 900 AM và đài Global TV phỏng vấn
tôi từ hôm trước (thứ Tư 7/10).
Mở đầu buổi họp, tôi đã có dịp trình bầy về sự thành-lập của
Vietnam Film Club và gốc gác của cuốn phim tài-liệu sắp ra mắt đồng-bào và đồng-hương
vào giữa tháng 11 và đầu tháng 12 tới đây. Tôi cũng đã nhấn mạnh vào một khía cạnh
rất quan-trọng đối với một phim tài-liệu, đó là việc tìm ra nhân-chứng để chúng
ta được xem và nghe tận mắt tận tai những nhân-chứng đó. Tỷ như nữ-sinh-viên miền
Nam lần đầu tiên hát bài "Tiếng gọi Sinh-viên" (tiền-thân của bài Quốc-ca
"Tiếng gọi Công-dân" hay "Công-dân Hành-khúc") ở Giảng-đường
Đại-học Hà-nội vào tháng 3 năm 1942 (giờ đây bà đã 90 tuổi), hay ông Craig van
Hoy, người đã mang cờ vàng ba sọc đó lên cắm trên ngọn núi cao nhất thế-giới, đỉnh
Everest trên dãy Hi-mã-lạp-sơn. Chính những chứng-nhân này mà trong phim còn
nhiều hơn hai vị trên đã làm nên mức độ khả tín rất cao của phim "Hồn Việt."
Để đạt cả hai mục-đích, đến với cộng-đồng và đến với tuổi trẻ
và người nước ngoài, DVD "Hồn Việt" sẽ có hai track: bấm vào một
track thì sẽ có tiếng Việt, bấm vào track kia thì sẽ có tiếng Anh. Làm lối này
mai mốt phim có thể sẽ lồng thêm những track như tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng
Nhật...
Tiếp theo phần trình bầy của tôi là phần trình bầy của ông
Phạm Bá Hoa nói về những câu chuyện thật lý-thú về sự công-nhận ngày càng rộng
rãi, không riêng gì ở Mỹ mà còn ở cả một số nước khác, lá cờ của chúng ta như
là "lá cờ di-sản của người Việt tự do." Chỉ tính ở Mỹ không cũng đã
có 16 tiểu-bang công-nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là cờ chính-thức để trưng ở các
nơi công-cộng, nơi nào có người Việt cư ngụ hay làm ăn buôn bán (trong số đó có
hai tiểu-bang, Ohio và Louisiana, ra hẳn luật về vấn-đề này). Ngoài ra cũng còn
trên 110 thành-phố và quận hạt công-nhận lá cờ này. Ở Canada, ông bộ-trưởng
Đa-văn-hoá cũng ra văn-thư chính-thức công-nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ trên khắp
lãnh-thổ Canada.
Rồi những chuyện kỳ-thú như cột cờ dành cho chúng ta ở một
thành-phố thật nhỏ, Sundre ở Calgary, Canada, một thành-phố mà dân-số chỉ có
khoảng 1000 người, cũng ngạo nghễ tung bay lá cờ của chúng ta. Khi toà đại-sứ
Việt-Cộng ở Ottawa phản-đối, cả hội-đồng thành-phố đã quyết-định vẫn treo lá cờ
của chúng ta trở lại "ngày nào tôi còn sống," như lời hứa của ông thị-trưởng
Roy Cummings. Ở Boston, Massachusetts, cũng vậy. Khi toà đại-sứ VC ở Washington
cử hai người lên xin gặp ông thị-trưởng để phản-đối, ông ta đã không tiếp và nhờ
một bà thành-viên trong hội-đồng thành-phố ra tiếp. Khi đại diện sứ-quán VC viện
cớ Bộ Ngoại-giao đã công-nhận lá cờ (đỏ sao vàng) của họ thì bà ta đã đáp:
"Nếu vậy thì xin các ông mang lời khiếu nại của các ông đến Bộ Ngoại-giao"
rồi nhã nhặn mở cửa mời hai ông kia đi ra.
Cuộc đấu tranh của chúng ta cho lá cờ Quốc-gia do đó phải được
xem là một phép màu, một phép lạ đáng ghi thành một trang sử oai hùng trên phim
ảnh hay sách vở. Rõ ràng là lãnh-thổ có thể mất, chính-quyền có thể đầu hàng
nhưng lý-tưởng tự do thì trường-tồn, không mất. Và lý-tưởng đó vẫn nằm trong
con tim chúng ta, như một cô sinh-viên VN ở Arlington, Texas, đã nói với ông viện-trưởng
trường của cô, nằm trong hàng chục triệu con tim, trong và ngoài nước, mà biểu-tượng
là lá cờ vàng ba sọc đỏ, mà quốc-ca vẫn là bài "Công-dân Hành-khúc."
* Video Clip giới thiệu phim Hồn Việt
Cụ Trần-thượng Thủ và bộ "Từ điển Việt Nam minh hoạ"
Cũng tại Houston, tôi được gặp một học-giả lão thành, năm
nay đã 85 song tinh-thần cũng như thể-chất còn vô cùng tráng kiện và minh mẫn.
Cụ được coi là vị trưởng-lão ở khu chung-cư đẹp đẽ dành cho các vị cao-niên
Làng Tre này. Gặp tôi, cụ rất ân cần vì cũng đã được biết đến một vài tác-phẩm
của tôi. Nhưng phần tôi thì ngạc-nhiên vô cùng bởi trước đó tôi không được biết
cụ là một nhà lịch-học nổi tiếng với những sách như Nhịp Điệu Thời Gian hay là
Lịch Pháp Giản Yếu (Nhà xb Phương Đông, 2007, 616 trang) viết rất sáng sủa và
khoa-học về cả lịch Tây-dương lẫn âm-lịch (lịch ta), lịch theo mặt trăng của
người Hồi-giáo, lịch Maya, v.v.
Nhưng lạ lùng nhất là cụ đem xuống cho tôi coi bộ Từ điển Việt
Nam minh hoạ mà cụ đang hoàn-tất với một số học-giả cả ở trong lẫn ngoài nước
mà cụ là chủ-biên. Bộ sách, viết rất kỹ càng và đặc-biệt nhất là có phần
minh-hoạ, hiện đã hoàn-tất đến vần TH. Một khi hoàn-tất, cụ cho biết sẽ lên đến
2600 trang và in thành hai tập.
Chính tôi là người đã hơn một lần gợi ý với một số bạn bè là
ta cần có một bộ từ-điển đứng đắn trong tiếng Việt, không đưa chính-trị chính
em lảm nhảm vào trong đó (như một số từ-điển in ở miền Bắc trước đây), và đặc-biệt
nên có minh-hoạ như từ-điển Larousse của Pháp hay từ-điển Random House của Mỹ.
Thì đây, bộ từ-điển mà ê-kíp Trần-thượng Thủ đang hoàn-tất và có thể ra mắt độc-giả
trong năm tới (2013) có thể sẽ đáp ứng được những ước muốn của chúng ta.
Người ta bảo, "Đi một quãng đường, học một sàng
khôn." Có học được sàng khôn đó không thì tôi không biết nhưng có điều chắc
là mình mở mắt ra, được học về những công-trình lớn mà người Việt đang hoàn-tất
ở khắp mọi nơi. Như từ-điển đối-chiếu tiếng Việt với các thứ tiếng Đông-Nam-Á của
Bác-sĩ Nguyễn Hy Vọng (gần 5000 trang) cũng sắp ra nay mai trên CD, như bộ DVD
Nam Phong-Ngày Nay mới được một ê-kíp trong gia-đình nhà Nguyễn Tường hoàn-tất
và tung ra cùng một thời-điểm trên Internet, cả ở trong nước lẫn ở ngoài này.
DienDanCTM
DienDanCTM
0 comments:
Đăng nhận xét