Bản tin cập nhật số 2: Quanh Đại Hội Toàn Đảng thứ 18 Cộng Sản Trung Quốc

Phóng viên Ngô Quảng - RadioCTM

Trước ống kính TV, 97% dân Hoa Lục đành phải nói là có hạnh phúc.

Mấy ngày trước khi đảng Cộng sản Trung quốc tổ chức Đại hội lần thứ 18, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch “Đảng quan tâm đến đời sống của người dân’’ bằng cách chỉ thị cho các cơ quan truyền thông của họ thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn người dân ngoài đường phố qua câu hỏi: “Hiện nay ông, bà, anh, chị có hạnh phúc không?

Chương trình phỏng vấn này được phát liên tục mỗi đêm vài phút vào những giờ cao điểm suốt trong thời kỳ Đại hội đảng họp. Để cho có vẻ trung thực, các ban đi phỏng vấn được phép mời một vài phóng viên nước ngoài đi theo để thấy tận mắt và có quyền đề nghị phỏng vấn người này, người kia nếu muốn.

Một nữ ký giả trẻ người Nhật được phép đi theo ban phỏng vấn đã ghi lại thống kê là 75% trả lời rất hạnh phúc, khoảng 16% trả lời là hạnh phúc, 6% nói là bình thường thôi và chừng 3% chỉ mỉm cười, bỏ đi, từ chối trả lời. Những lý do được nêu vì sao mà hạnh phúc là vì đời sống được đầy đủ hơn so với mấy chục năm trước đây, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh đứng hàng thứ nhì thế giới, vượt qua Nhật, chỉ thua Hoa Kỳ, nhưng chỉ cần thêm một thập niên nữa là leo lên ngôi vị số một, hạnh phúc là vì đảng và nhà nưóc thực tâm lo đời sống cho dân, v.v...

Nữ ký giả trẻ này thuộc đài truyền hình Mainichi, kênh số 6 của Nhật, khi tường thuật về cho đài có đơn cử một trường hợp của một người đàn ông trung niên khi được phỏng vấn đã nói rằng: “về phần tôi thì đương nhiên là hạnh phúc rồi, nhưng tôi đố cô tìm ra được một người dám đứng trước ống kính truyền hình nói rằng sống dưới chế độ Cộng sản Trung quốc tôi không có hạnh phúc.” Người nữ ký giả này cũng nêu ra một thắc mắc của cô là tại sao nhiều người sau khi trả lời lại luôn kèm theo một câu là tất cả đều nhờ ơn Đảng.

Qua ngày 08/11/2012, tức là đúng thời điểm Đại hội đảng Cộng sản Trung quốc khai mạc, cũng người nữ ký giả này tiếp tục tường trình về cuộc phỏng vấn thăm dò đó và số người trả lời có hạnh phúc vẫn giữ ở mức rất cao như ngày hôm trước. Tuy nhiên cũng cùng một câu hỏi đó mà thăm dò qua nhiều mạng Internet, tức là người trả lời không bị lộ tông tích, thì chỉ có 27% trả lời là có hạnh phúc, số còn lại trên 70% trả lời là không. Ngay đến Portal site của một xí nghiệp lớn của Trung quốc cũng làm cuộc điều tra này và kết quả có đến 2 phần 3 (tức hơn 60%) trả lời cuộc sống không có hạnh phúc.

Lý do có hạnh phúc thì như những gì đã trình bày, còn không có hạnh phúc là vì bị bóc lột sức lao động, bị cán bộ, quan chức cưỡng chiếm đất đai, nạn tham nhũng, hối lộ quá lộng hành, đạo đức con người xuống cấp thật khủng khiếp, v.v...

Cùng một câu hỏi nhưng với cách hỏi khác nhau lại cho ra kết quả trái ngược nhau, như thế cũng đủ cho thấy tình trạng tự do ngôn luận trong xã hội Trung Quốc như thế nào. Đứng trước cái ống kính truyền hình nhà nước thì chẳng ai dám nói sự thật. Còn núp sau mạng thì người ta mạnh dạn hơn nhiều. Cho đến khi nào đứng đằng trước hay đằng sau ống kính mà câu trả lời như nhau thì xã hội Trung Quốc mới thăng tiến được.

Tìm bắt "phản động" được thưởng tiền

Trong lúc Đại hội đảng Cộng sản Trung khai diễn, ngoài lực lượng an ninh, chính quyền Bắc Kinh còn huy động đến 1 triệu 400 ngàn người từ những đoàn thể ngoại vi của đảng như đoàn thanh niên Cộng sản, đoàn thanh niên Xung phong, các tổ dân phố và kéo rất nhiều người tình nguyện ở các tỉnh về thủ đô để giữ an ninh cho Đại hội đảng.

Ngoài tiền công mỗi ngày, người nào thông báo kịp thời cho công an đến bắt những kẻ muốn phá hoại Đại hội Đảng sẽ được thưởng 100 đồng nguyên, tham gia việc bắt giữ sẽ được thưởng 500 đồng và 1000 đồng cho những ai tích cực làm cả hai công chuyện trên. Bởi vậy 1,4 triệu người này mặt mày đầy sát khí còn hơn cả công an đi lục lọi khắp nơi, gặp ai mà họ khả nghi là cả mấy chục người xúm lại hạch hỏi như kẻ phạm tội để mong nếu đúng thì sẽ được tiền thưởng.

Trong khi ở hội trường thì Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang đọc báo cáo và tán dương về chủ thuyết một Xã hội Hài Hòa do ông đề ra thì ngay giữa thủ đô Bắc Kinh lại diễn ra nhiều cảnh chẳng hiền hòa chút nào cả.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More