Từ Đâu Sinh Ra Những Quy Định Lạ Đời?

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn

Như bạn đọc đã biết kiểu thi tuyển công chức “loạn” thế nào rồi. Ở ngay tại thủ đô Hà Nội, chuyện chạy hàng trăm triệu cho các quan giám khảo gần như công khai. Và bây giờ, mỗi ngày một phát triển nên không còn là “chạy chức” nữa mà là “đấu thầu chức”…

Cũng bởi cái “kỹ nghệ thi cử và chạy chọt” ấy nên thi tuyển cán bộ chỉ tuyển được quá nhiều anh dốt. Vì có nhiều cán bộ “không đủ khả năng” nên mới phát sinh ra nhiều quy định “trái khoáy, vạy đuôi”. Các ông “cán” này ý kiến ý cò với các sếp hoặc chính các ông ấy bày ra nhiều “quốc sách” dở ẹc khiến người dân lo lắng, hoang mang, đến ngay cả các “cơ quan chức năng” cũng bối rối cành hoa, không biết phải thực thi nhiệm vụ như thế nào.

Hầu như khi soạn thảo những quy định mới đó, người soạn không cần biết đến luật pháp hiện hành và không chú ý đến việc nó sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân như thế nào. Nếu có cũng chỉ là làm qua loa chiếu lệ, miễn là cái quy định ấy được chào đời để gọi là có “sáng kiến” cải tổ, có “phương án” đóng góp vào sự văn minh tiến bộ của xã hội. Sáng kiến trở thành “tối kiến”. Một phần lớn là do việc tuyển chọn… người bất tài ra giúp nước đã và đang gây ra những hậu quả tai hại khôn lường.

Không còn là “chạy chức” mà là “đấu thầu chức”

Cho đến hôm nay, chuyện chạy tiền vài trăm triệu để “ra giúp nước”, cùng với chuyện 30% cán bộ (hay hơn nữa) không đủ khả năng ở hầu hết các cơ quan nhà nước đang được dư luận khắp nơi hâm nóng ngày càng sôi nổi. Nhiều người dân “bức xúc quá” phải lên tiếng trên các diễn đàn, các báo chí hoặc “bàn luận” công khai tại các quán cà phê bình dân, các bến xe đò…
Sau đây chỉ là một số trong hàng trăm, hàng ngàn ý kiến của nhiều thành phần dân chúng:

- Ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa – một trong những “ông nghị” chất vấn nhiều nhất trên diễn đàn Quốc hội về chuyện chạy quyền, chạy chức, ông kể: “Có lần tôi chất vấn bộ trưởng Bộ Nội vụ thì bị chất vấn ngược lại là hãy chỉ cho ông ấy biết đó là ai. Sau đó, tôi có chỉ ra 2 công dân chuyển cho tôi 2 lá thư, tôi đă chuyển cho bộ trưởng nhưng bộ trưởng lại chuyển xuống địa phương, địa phương báo cáo lại và bộ trưởng gửi cho tôi”.

Đúng là “nghịch cảnh” thiệt! Như thế mọi chuyện… cứ như không hề có, không có chất vấn và cũng chẳng có trả lời. Đâu hoàn đấy. Dzui như đi xem kịch vậy.

Ông Cuông nói tiếp: “Giờ ở Thanh Hóa thôi, tôi nghe nhiều phản ánh cũng tới hàng trăm triệu, Hà Nội mà bỏ ra 100 triệu đồng để làm công chức là còn ít đấy”. Theo ông Cuông, “bây giờ không phải “chạy” nữa mà đã là “đấu thầu”, ai bỏ tiền cao hơn thì được ngồi vào vị trí đó. Vị trí càng nhiều bổng lộc thì giá “đấu thầu” càng cao”.

Nói như rồng leo, làm như mèo mửa

- Bạn Nguyễn Sỹ Tỉnh xin bổ sung: “Khoảng 30% không làm được việc + 30% không chịu làm việc. Những đối tượng này đã không làm việc nhưng lại thích hưởng thụ, ăn nhậu, chơi bời, picnic, chùa chiền, chơi golf, đánh tennis…. Một số thì đua đòi, làm đẹp, thời gian ở siêu thị, tiệm thời trang, cửa hàng làm đầu nhiều hơn ở công sở. Nếu có làm tý việc thì đòi hỏi chế độ nọ, chế độ kia, “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, “Làm thì láo, báo cáo thì hay”, “Nịnh trên, lừa dưới”….
Muốn kinh tế, xã hội phát triển, đất nước phát triển, thì phải cải cách hành chính một cách thực sự, khơi thông các nút thắt, thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức …dởm.

Phải có “chút tình”

- Chị Nguyễn Thị T kể thêm: “phải có tình” mới có chức có quyền được. Rất đúng. Ngay cơ quan tôi cũng thế. Có tiền, thậm chí có tình là có chức có quyền. Còn không thì… dẹp. Có anh giám đốc xí nghiệp chưa có bằng phổ thông rồi đùng đùng nộp bằng đại học, rồi được đi học chuyên viên chính và bây giờ mức lương cao ngất ngưởng. Có con bé ngày trước chỉ là công nhân xí nghiệp, có ông chú làm trưởng phòng tổ chức, sau được lên làm nhân viên phòng Tổ chức, rồi cặp kè với xếp, phục vụ xếp chu đáo hơn phục vụ chồng con ở nhà. Rồi đùng đùng lên làm Phó Phòng Kế hoạch đầu tư. Thiết nghĩ mà ngán ngẩm nên dù mình bằng ĐH chính quy hẳn hoi cũng chẳng muốn phấn đấu. Vì có phấn đấu mà không có tiền, không có “Chút tình” với các xếp thì cũng zeerroo. Ôi… buồn!

Đấu giá từ chức tước từ phó ban đến trưởng phòng

- Bạn Thiếu Sơn lại bổ túc việc đấu giá chức tước: “Con số 30% tôi e là còn khiêm tốn. Hiện tượng mua việc làm (bỏ ra khoảng 100 đến 200 triệu) để xin vào một cơ quan nào đó… Rồi lại một khoản như vậy nữa khi đến kỳ thi tuyển công chức… Tệ nạn này dân biết, cán bộ, quan chức đều biết. Rồi đến chuyện nhân viên tham giá đấu giá các chức phó phòng, phó ban. Các phó lại tham gia đấu giá cái ghế trưởng phòng… Hỏi rằng công chức và lãnh đạo địa phương (không phải tất cả nhưng có lẽ trên 50 %) như vậy thì trên cả nước ta con số 30% công chức không đủ yêu cầu có lẽ còn do thống kê chưa đầy đủ”.
- Bạn Công Tâm chưa đồng ý: “Tôi chưa đồng ý lắm vì thực tế là trên 50% công chức không làm được việc, 40% lãnh đạo ngồi vào vị trí cho oai”.
- Bạn Đoàn Anh Duy tăng tỉ lệ lên 70%: “Thi công chức với giá trên 100 triệu thì 30% không làm được việc là không đúng đâu, tôi nghĩ những trường hợp thi bằng tiền để ngồi vào ghế công chức thì phải đến 70% là không biết làm việc mới đúng”.
- Bạn Lương Đình Quang nêu sự việc cụ thể: Tôi xin đơn cử 1 vài ví dụ điển hình về việc tuyển dụng như sau: Ở 1 trường đại học nọ tại Huế, con của 1 vị tiến sĩ làm trưởng ban đào tạo sau đại học học không có trình độ gì cả, ấy thế mà vị đó đã dùng nhiều ma thuật để con mình ở lại trường, các vị thanh tra có muốn hỏi tôi xin cung cấp thông tin cho. Một giảng viên dạy về tin học cho 1 môn chuyên ngành, ấy vậy mà vị giảng viên ấy còn chưa biết môn mình dạy sử dụng phần mềm gì.
Ở Thanh Hóa, có con 1 vị nọ, tốt nghiệp đại học loại khá, ra trường sau 20 ngày có việc, hẳn nhiên là chạy chọt mà tôi biết rất rõ, trong khi đó 1 sinh viên loại giỏi ra trường đã 2 năm, cái ông xin việc cho chàng sinh viên loại khá kia nói, mày đưa chú 50 triệu chú xin cho mày (quá rẻ!?).
Ở Ninh Bình, có 1 cô nọ chạy chọt được vào viên chức (không phải công chức) đâu nhé, trình độ thì không làm được việc… Thực ra vấn đề này mà nói ra thì nhiều lắm, nhưng vì tôi không có thời gian, mà cũng không muốn nói nữa! Nay bức xúc quá nên mạn phép bày tỏ đôi lời, có gì mong các bác thể tình lượng thứ!

Sáng kiến thành tối kiến

Không nói là còn nhiều hơn như ý kiến của các bạn đã nêu, nếu con số 30% là chính xác thì hậu quả của nó đã thật khủng khiếp. Không chỉ trả lương hàng tháng cho hàng triệu kẻ ăn không ngồi rồi, nhà nước mà cụ thể là tiền thuế của dân phải còng lưng gánh thêm rất nhiều các khoản chi khác như điện nước, phòng ốc, xăng xe cùng hàng loạt các khoản bảo hiểm, ốm đau, lễ tết…. Và không chỉ ngày hôm nay mà mãi mãi về sau, cả khi họ đã về hưu vẫn tháng tháng lĩnh lương.
Đó là chưa kể những kẻ lười biếng thường kèn cựa với người chăm chỉ. Kẻ bất tài thường ghen ghét với người có năng lực. Đó là bi kịch! Có anh dốt lại cố bày ra “sáng kiến” này chủ trương nọ để tỏ ra mình… cũng có tài.

Những quy định khiến người dân choáng váng

Thấp bé, nhẹ cân, ngực lép... không được lái xe
Môt phần vì thế, thời gian gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt quy định “lạ đời” được ban hành hoặc đề nghị ban hành. Từ quy định “xe chính ch, “thịt 8 giờ… cho đến gần đây quy định về đổi chứng minh nhân dân mẫu mới 12 chữ số, rồi ý tưởng “nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy kết hôn”. Những quy định thiếu tính thực tế, “không khả thi” được đưa ra liên tiếp khiến người dân ngơ ngác.

Người dân còn nhớ đến những quy định từng “gây sóng gió”, bất bình trong dư luận như “thấp bé, nhẹ cân, ngực lép… không được lái xe” theo quyết định của Bộ Y Tế, “đi xe theo ngày chẵn lẻ” theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải TP Sàigòn, nhất là lệnh “khâu miệng túi áo những cán bộ đứng ở trạm kiểm soát giao thông” khiến không ai nhịn được cười.

Mời bạn đọc “ôn cố tri tân” lan man một tí về cái lệnh mà người dân gọi là “lệnh lạc chết tiệt” này để có dịp cười… bằng thích nhân dịp vui Giáng Sinh đón Năm Mới.

Nhớ lại cái lệnh “khâu túi áo”

Vào khoảng tháng 6 năm 2006, Khu quản lý Đường bộ II (Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam) đã “phát minh” một biện pháp “chống tiêu cực” rất ly kỳ, có thể gọi là hết sức quái đản: yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của các trạm thu phí phải khâu túi quần, túi áo của mình lại! Lắm người còn tưởng là chuyện khôi hài, cho đến khi thấy tận mắt những ông ở trạm kiểm soát tự khâu túi áo, túi quần mới dám tin là có “lệnh” thật.

Nhờ vợ khâu túi áo bị vợ chê là mộng du

Nhớ lại chuyện cũ, nhân viên trạm
thu phí đã phải khâu túi áo
Trước quy định của cấp trên, anh T.M.T không biết phải “báo cáo” với cô vợ mới cưới như thế nào, nhờ mẹ thì lại càng dở. Tính toán mãi, đến đêm hôm trước ngày quy định có hiệu lực, T. phải tự làm lấy. Nửa đêm chờ vợ ngủ, T. mới lọ mọ dậy tìm kim chỉ tự khâu túi quần, túi áo của mình. Chiếc túi quần mới khâu được một nửa, cô vợ thức giấc. T. giải thích thế nào vợ anh cũng không tin, cho rằng T. bị mộng du. Khi biết đó là quy định của cơ quan, vợ T. chép miệng: “Đúng là ngớ ngẩn!”.
Anh T.B.C lại gặp phải sự khó xử khác. Anh than thở: “Tôi có hai đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Nếu chúng nhìn thấy tôi tự khâu túi quần, túi áo lại, chắc chắn sẽ thắc mắc, thậm chí nghĩ bố mình ăn cắp, ăn trộm nên cơ quan mới bắt làm như thế. Đành phải đợi chúng ngủ rồi nhờ vợ khâu giúp. Nói mãi vợ tôi mới tin, tin rồi thì bà ấy lại ôm bụng cười”.

Còn nhiều cái phải khâu nữa, các cụ tính thử xem

Cũng may mà cái lệnh “chết tiệt” kia vừa ra, gặp phản ứng dữ dội quá nên đã phải xóa sổ làm lại. Khu quản lý Đường bộ II đã ra thông báo gửi các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ yêu cầu dừng ngay việc khâu túi của cán bộ, nhân viên các trạm thu phí.

Dù sao đây cũng là một chuyện khôi hài nhất trong lịch sử “dựng nước và giữ nước” của dân tộc ta, đáng ghi vào sách Guiness của thế giới về những cái lệnh ngốc nghếch nhất trên thế giới.

Nếu cái lệnh được thực hiện trong toàn quốc với các cơ quan khác, sẽ có lúc các quan chức phải khâu luôn cái miệng. Nhưng khâu cái miệng chắc là chưa đủ? Còn phải khâu nhiều thứ khác. Bởi những anh tham nhũng không chỉ có “ăn” mà còn “chơi” nữa. Cái khoản “chơi” này mới dữ hơn “ăn”. Vậy các cụ thử lẩm cẩm tính xem chống tham nhũng như thế thì các quan chức (kể cả quan ông và quan bà) ngồi ở các vị trí “nhạy cảm” còn phải khâu những cái gì nữa?!

Tôi đề nghị bạn đọc nhớ lại chuyện này để chứng minh rằng “thứ lệnh lạc ba trợn” nào cũng có thể có được trong thời buổi này.

Đổi Chứng Minh Nhân Dân mới

Người dân đến làm CMND theo mẫu mới
từ ngày 21/9 tại CA quận Hoàng Mai
Mọi chuyện đang yên lành, bỗng cả nước nghe tin sẽ đổi lại Chứng Minh Nhân Dân (CMND) mới. Đây là chuyện đang làm các cơ quan lúng túng nhất kể từ khi ban hành nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND. Nghị định này đã nhanh chóng được làm thí điểm tại 3 quận, huyện ở Hà Nội là Tây Hồ, Từ Liêm và Hoàng Mai. Theo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) – Bộ Công an thì không ai phàn nàn gì nên từ nay đến hết năm 2013, sẽ tiếp tục cấp CMND mới trên toàn TP và mở rộng ra nhiều địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…

Nhưng thực tế cho thấy, ngay sau đó đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân và ngay cả những người hiểu biết pháp luật và cơ quan pháp luật cũng nhận thấy quyết định này vi phạm quyền công dân, làm phiền cho dân, không mang lại hiệu quả gì mới. Hãy nghe dư luận của ngừoi dân trước

Làm khó người dân như thế nào?

Lấy dấu vân tay làm CMND mới
- Ông Chu Văn Khanh, Trưởng Phòng Công chứng A1, Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội, cho biết đã có không ít người dân gặp rắc rối trong lúc làm các thủ tục mua bán tài sản khi CMND mới có 12 số thay vì 9 số như trước đây. Nhiều trường hợp công chứng vẫn làm xong nhưng khi gửi sang Phòng Tài nguyên – Môi trường thì bị trả lại, yêu cầu phải bổ sung giấy tờ chứng minh việc thay đổi CMND. Ông Khanh nêu thực trạng:

“Khổ nhất là những trường hợp trước đây làm giấy tờ ủy quyền tài sản nhưng bây giờ muốn làm thủ tục sang tên thì cơ quan Nhà nước yêu cầu phải có xác nhận thay đổi CMND của cả người ủy quyền”.

- Bạn Thanh Lan nêu nhiều chuyện phiền hà khác:

“Việc cấp lại CMND quá tốn kém, quá mất việc, quá phiền hà trong giao dịch. Sổ đỏ, Hợp đồng kinh tế, giấy tờ xe, giấy tờ tài sản, đăng ký kết hôn, bằng đại học… và rất nhiều thứ khác đều mang số CMND cũ. Bây giờ bắt thay CMND mới chỉ ghi thêm tên BỐ MẸ. Thật khổ mà tốn kém. Cả nước làm lại CMND mất hết 4 nghìn 900 tỷ đồng. Chưa nói mất công, mất sức.

- Bạn đọc Nguyễn Gia Huy cho rằng, đại diện Bộ Công an cho rằng “Con cái nên tự hào việc đưa tên cha mẹ vào CMND” là chỉ mới thấy mặt thuận lợi. Còn mặt trái của vấn đề này phức tạp hơn nhiều.

Ví dụ: mồ côi cha mẹ thì cứ mỗi lần nhìn thấy CMND của mình thì một lần phải nhắc lại nỗi đau này. Hoặc cha mẹ là tử tù, hoặc sinh ra từ ống nghiệm… thì điều này sẽ luôn đè nặng lên tâm trí họ. Bạn đọc này cho rằng CMND mới thuận lợi nhất cho những ai là “con ông, cháu cha”, có thể lòe thiên hạ, tận dụng tên tuổi của cha mẹ để “ứng phó” với xã hội, thực hiện những giao dịch trong cuộc sống.

- Bạn đọc tên Cu Li, dẫn chứng sự bất cập của CMND mới: “Dân số Việt Nam khoảng trên 80 triệu người, ước chừng bằng nước Pháp, ít hơn nước Mỹ gấp 3 lần, ít hơn Trung Quốc đến mười mấy lần vậy mà CMND của các nước đó có cần phải ghi nhiều như vậy đâu? Vậy mà họ vẫn làm việc được như thường. Còn ở ta thì sao lại rối rắm như thế”.

Đến mặt pháp lý cũng sai

- Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), sau khi nghiên cứu quy định cho phép đưa tên cha mẹ lên CMND, cục đã phát hiện điều này trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989.
Hơn nữa, điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này.

Phải dừng ngay

Mặt sau CMND mới có tên cha mẹ
-TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc đưa tên cha mẹ lên CMND là không cần thiết và phải dừng ngay. Ông nói:

“Việc đưa nguồn gốc con người lên CMND rất dễ gây xúc động, tâm lý không tốt với nhiều người đã có cha mẹ mất từ lâu, thiếu cha, mẹ hoặc sinh ra đã không biết cha mẹ là ai. Dù Bộ Công an giải thích những trường hợp này có thể để trống nhưng thử hỏi khi ấy công dân sẽ cảm thấy tủi thân, xấu hổ ra sao khi đưa CMND ra cho người khác xem.

“Quan điểm của tôi là không thể thực hiện quy định này. Bây giờ vẫn đang trong thời gian thí điểm, tác động chưa nhiều tới đông đảo dư luận nhân dân nên Chính phủ vẫn có thể yêu cầu dừng lại.

Bộ Tư pháp sẵn sàng nhận khuyết điểm

- Đại diện Bộ Tư pháp cho biết lãnh đạo bộ đã giao các cục, vụ chức năng nghiên cứu kỹ về tính hợp pháp, hợp lý của Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND. Nếu xét thấy việc thẩm định Nghị định 05 và sau đó là Nghị định 170 có sơ suất, để lọt quy định cho phép CMND ghi họ tên cha mẹ công dân thì Bộ Tư pháp sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm với Chính phủ.

Vi phạm nguyên lý sơ đẳng

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỷ, một cán bộ là cán bộ nghiên cứu lâu năm trong ngành công an về nhận dạng vân tay và ứng dụng để điện tử hóa các hệ thống căn cước cho rằng ông đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị ngừng ngay việc cấp CMND mới vì nó vi phạm các nguyên lý sơ đẳng của hệ căn cước. Ông Kỷ cho biết:

Thứ nhất: Khi đã được điện tử hóa, kết nối thông tin với nhiều phân hệ khác, chúng ta sẽ có hàng trăm thông tin về công dân chứ không riêng gì tên cha mẹ.

Thứ hai: Số CMND cũ 9 chữ số đã bám rễ sâu trong tất cả các ngành, trong hộ tịch, hộ khẩu, sổ đỏ, mã số thuế, thẻ ngân hàng, bằng lái xe, hộ chiếu… Nay nếu thay đổi số mới là phá hoại mọi thành quả 36 năm qua và phải mất 36 năm nữa để theo kịp hôm nay.

Thứ ba: CMND mới vẫn dùng 9 chữ số như cũ, không phải chuyển sang 12 chữ số, vì với 2 ký tự đầu làm mã serie cấp tỉnh ta có thể đánh số thoải mái, đủ cho dân số cả trái đất…

Bế tắc, tiến hay lùi?

Xem ra vụ CMND mới này đang gặp bế tắc, đã làm thí điểm ở 3 quận Hà Nội rồi, tất nhiên việc chuẩn bị cho tất cả các nơi khác cũng đã xong, nghe đâu chi phí hết 4 ngàn 900 tỷ đồng. Bỏ đi là quá phí phạm, giữ lại không biết để làm gì. Ngưng hay tiếp tục đang làm đau đầu cả quan và dân. Những nghị định quan trọng đến toàn dân như thế mà còn dằng co giữa đúng và sai, giữa nên và không quả thật là một chuyện rất lạ. Lạ hơn cả chuyện “may túi áo mấy bác ở trạm thu phí” bởi dù sao cái quy định đó chỉ ảnh hưởng tới một số ít người. Còn đây là chuyện lớn của quốc gia.

Trong kỳ sau tôi sẽ phân tích đến một số quy định khác đang làm dư luận xôn xao.

Văn Quang

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More