Ý Dân là Ý Trời ở xứ Phù Tang

Ngô Quảng
DienDanCTM

Người Nhật sử dụng quyền công dân
của mình tham gia bầu cử tự do 
hôm 16-12 
Chủ nhật, ngày 16 tháng 12 vừa qua, người Nhật đã sử dụng quyền công dân của mình qua lá phiếu để bầu lại 480 ghế dân biểu tại Hạ Viện Quốc Hội. Bầu xong lúc 8 giờ tối là kiểm phiếu ngay bằng hệ thống điện toán. Rạng sáng ngày hôm sau đã công bố kết quả.

Đảng Dân Chủ đang cầm quyền bị thua đậm, từ 230 ghế tụt xuống chỉ còn 57. Tám dân biểu hiện đang nắm chức Bộ trưởng bị thất cử và nhiều khuôn mặt chính trị lớn của đảng Dân chủ cũng chịu chung số phận. Ngay cả đương kim nữ Bộ trưởng Tanaka Makiko (con gái cố Thủ tướng Tanaka), chưa bao giờ nếm mùi thất bại trong bầu cử, cũng đành thất thủ. Cựu Thủ tướng Kan Naoto may mắn hơn, được trúng cử vớt theo thể thức liên danh (một qui định khá đặc thù trong luật bầu cử tại Nhật), nhờ vào việc ông ta chủ trương dẹp bỏ các nhà máy điện hạt nhân.

Thái độ của dân chúng đã hiện khá rõ từ trước ngày bỏ phiếu. Thủ tướng Noda hay cựu Thủ tướng Kan cũng như nhiều vị cựu bộ trưởng, đương kim bộ trưởng khi đi vận động  bầu cử đã bị nhiều cử tri bỉu môi, lắc đầu và hô lớn: "Đồ nói láo!" Và lá phiếu đã thể hiện chính xác thái độ đó của dân chúng. Nhưng dĩ nhiên, tại đất này, chẳng người dân nào bị công an đánh tại chỗ hay bắt nguội vì tội phản đối lãnh đạo.

Đảng Tự Do, hiện đang ở thế đối lập, thắng lớn với 294 ghế. Với số ghế quá bán này đảng Tự Do dư điều kiện để lên nắm chính quyền một mình vào đầu năm tới. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn liên hiệp với đảng Công Minh để thành lập nội các bao gồm thành viên của cả 2 đảng vì đó là lời giao ước từ trước ngày bầu cử.

Thủ tướng Noda đã xin từ chức Chủ tịch đảng Dân Chủ để nhận lãnh trách nhiệm về sự thảm bại này. Trong diễn văn từ chức, ông Noda bày tỏ: "Rất tiếc trong hơn 3 năm qua đảng cầm quyền Dân Chủ đã cố gắng hết sức để xây dựng đất nước. Nhưng chủ trương cũng như đường lối, chính sách của đảng không được đại đa số người dân ủng hộ thì chúng tôi phải ra đi thôi."

Về phía đảng Tự Do, ông Abe phát biểu rằng: "Tuy thắng lớn nhưng nếu chúng tôi không làm tốt trách nhiệm được người dân giao phó thì kỳ bầu cử tới cũng sẽ phải thua như ba năm 4 tháng trước đây hay như đảng Dân Chủ bây giờ mà thôi."

Quả thật, trong một nền dân chủ đích thực, khi người dân đã không chấp thuận thì chẳng có quyền lực nào tồn tại được. Nói cách khác, "ý dân là ý trời" chứ không phải "lời đảng là chân lý". Và càng không có chuyện đảng phái nào dám kể công với dân tộc để đòi nắm ghế cai trị vĩnh viễn.

Việc Thủ tướng Noda tuyên bố giài tán Quốc Hội để tổ chức bầu cử lại đã được báo đài ở Trung quốc lẫn Việt Nam loan tải rộng rãi theo chiều hướng phê phán: đa nguyên, đa đảng chỉ dẫn đến rối loạn chính trị và bất ổn xã hội. Họ lờ đi mặt tích cực của việc chính quyền tôn trọng ý muốn của nguời dân, cũng như khả năng thay đổi, sửa sai, và liên tục tìm những chính sách tốt nhất cho đất nước trong hệ thống dân chủ đa nguyên. Rồi từ đó, báo đài lề đảng kết luận rằng hệ thống độc đảng là tốt nhất cho đất nước.

Hiển nhiên, ai có dịp sống ở các quốc gia tự do, dân chủ như Nhật Bản đều biết rằng thay đổi lãnh đạo chẳng tạo rối loạn hay mất ổn định gì cả, về cả chính trị lẫn xã hội. Các đảng phái cung cấp hướng đi nhưng guồng máy vận hành quốc gia và sinh hoạt xã hội nằm trong tay giới công chức và các định chế dân sự, nên vẫn chạy đều dù ai lên nắm quyền. Các trách nhiệm tối thiểu của chính phủ như bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ và giúp đỡ dân trước các thiên tai, duy trì sự an lạc trong xã hội, v.v. đều giống nhau dù là đảng nào đang nắm quyền. Sự khác biệt lớn là giữa các chính sách phát triển đất nước, đặc biệt trong phạm vi kinh tế.

Thái độ của các đảng thắng và thua cũng không đậm màu thù hận. Đảng thua chỉ tự trách mình không có chính sách hay cách thực hiện hay, và cố gắng làm lại trong kỳ bầu cử tới. Đảng thắng biết họ chỉ có một thời gian nhất định để tiến hành các chính sách đã đề nghị và được dân chúng cho phép qua lá phiếu. Họ xem việc được dân tộc tín nhiệm để phục vụ đất nước ở vai trò lãnh đạo là một vinh dự, chứ chẳng phải lý do để lên mặt hống hách.

Cũng cần nói thêm, tại Nhật việc lập hội, lập đảng rất dễ dàng vì Hiến pháp và luật pháp đều bảo đảm sinh hoạt này. Muốn lập một đảng để hoạt động chính trị chỉ cần hội đủ một số điều kiện căn bản đã ghi rõ trong đơn xin đăng ký, như tên tuổi người chịu trách nhiệm đảng, trụ sở đảng, số đảng viên lúc đăng ký là bao nhiêu, và vài chi tiết khác. Bởi vậy trong kỳ tổng tuyển cử vừa rồi ở Nhật, người ta thấy nhiều đảng chính trị được thành lập trong nháy mắt. Hơn thế nữa, quốc gia tài trợ chi phí hoạt động cho các đảng chính trị tùy theo mức ủy nhiệm của người dân, nghĩa là cụ thể đảng nào được dân bầu vào bao nhiêu ghế tại Quốc Hội thì được tài trợ theo tỉ lệ đó.

Vì vậy xét cho cùng một đất nước chỉ mất an định khi nhà nước và người dân xem nhau như kình địch. Lãnh đạo đương quyền xem dân như những kẻ thù dự khuyết, nên không ngừng rình rập canh phòng và thẳng tay trừng trị bất kỳ người dân nào dù chỉ là lời phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Dân chúng thì hận lãnh đạo là những kẻ bất xứng, đặt lợi riêng lên trên hết, và chỉ dùng dân tộc làm bệ ngồi. Và đó mới là dòng nước ngầm bất ổn tại Trung quốc và Việt Nam hiện nay. 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More