40 năm Hiệp định Paris – có phải Bắc Việt quá tài ba?

Tấn Hà - DienDanCTM

Chuyện "đánh và đàm" là một giải pháp khôn ngoan của cả hai phe trong chiến tranh, điều đó có lẽ đã từng xảy ra từ thời cổ đại. Khi đàm phán, luôn là cơ hội để hai bên thăm dò nhau về chiến thuật, chiến lược, thậm chí là cả ý chí của địch thủ. Bàn đàm phán Paris trong chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam từ tháng 5/1968 đến tháng 01/1973 cũng là một nơi như vậy.

Hiệp định Paris ngày 27/01/1973 đã đánh dấu một ngã rẽ hoàn toàn bất lợi cho chính thể Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), nhưng nó cũng không hề có ý cho phép Bắc Việt có cơ hội tăng cường tấn công quân sự VNCH. Đã có hàng chục ngàn trang viết, bài bình luận, nghiên cứu, tổng hợp, nhận định, vv.., của hàng trăm nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu người Việt và người ngoại quốc về sự kiện này. Nhưng dường như nó chưa thoả mãn được sự quan tâm và cả... sự tò mò của những độc giả khó tính.

Người ta tự đặt câu hỏi, có thật Miền Bắc đã thông minh, khôn khéo, giỏi giang trong đàm phán với Hoa Kỳ và VNCH? Đây là một câu hỏi cần được trả lời một cách minh bạch, vì cho đến hôm nay báo đài của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam vẫn đang ra sức tô vẽ cho cái gọi là "chiến thắng ngoại giao" trong việc giành được lợi thế tại Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1973. 

Nếu nhìn một cách tổng quát, có vô vàn yếu tố cả khách quan và chủ quan dẫn đến kết cục của Hiệp Định Paris về Việt Nam năm 1973. 

Thứ nhất, và quan trọng nhất, đó chính là việc Hoa Kỳ không còn mấy mặn mà với cuộc chiến tranh Việt Nam. Có nhiều nguyên do dẫn đến quan điểm chính sách này, bao gồm sự phản ứng từ dư luận nhân dân Mỹ, đặc biệt là thân nhân các tử sĩ, binh lính và sĩ quan Mỹ đã và đang tham chiến tại chiến trường Miền Nam Việt Nam vào lúc đó. 

Thứ hai, việc ông Lyndon B. Johnson - Tổng thống Hoa Kỳ (1963 - 1969) quyết định không tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo cũng là một bất lợi lớn. Mặc dầu vậy, Tổng thống Johnson vẫn quyết định dùng không quân tấn công Miền Bắc năm 1972. Trong khi đó, ông Richard Nixon ra tranh cử và đắc cử tổng thống Mỹ cũng "há miệng mắc quai" vì những phát biểu mang tính chất hứa hẹn sẽ sớm kết thúc chiến tranh Việt Nam và tôn trọng hoà bình. 

Thứ ba, cũng vẫn xuất phát từ chiến dịch không kích Bắc Phần năm 1972. Theo tin tức chính xác từ một số cán bộ cao cấp của Miền Bắc, khi họ thấy không cần phải giữ bí mật chiến tranh nữa thì nhiều người đã thừa nhận là Miền Bắc đã nắm được ý đồ chiến lược của Hoa Kỳ và thậm chí là toàn bộ kế hoạch ném bom các mục tiêu của không lực Hoa Kỳ nhắm vào Hà Nội và các địa điểm khác. Điều này hẳn nhiên được minh chứng khi "lòi mặt chuột" hàng loạt gián điệp nằm vùng trong lòng VNCH với những cái tên như  Phạm Xuân Ẩn, Vũ Thắng, Vũ Đình Hoè, Đặng Trần Đức, Trần Văn Hiệu, Phan Dĩnh, Nguyễn Xuân Đính, vv.., đặc biệt là những động thái kỳ lạ (giống một tên nội gián) lúc cuối đời của cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - cựu tư lệnh không lực VNCH. Chúng ta thấy, dù có khác nhau về mức độ, các “lỗ hổng” này đều là những thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng!

Thứ tư, mặc dù giờ này không phải là lúc ngồi để mà bới lông tìm vết nhau. Nhưng thiết nghĩ cũng phải nói một vài điểm sai lầm của nhiều cá nhân quan trọng trong bộ máy chính quyền của VNCH để những người quan tâm có cái nhìn khách quan về sự kiện người Mỹ buộc phải ký Hiệp Định Paris năm 1973. Ngoại trừ cựu tổng thống Ngô Đình Diệm, hầu hết thế hệ lãnh đạo đầu tiên của giai đoạn 1954 – 1973 đều tin và dựa quá nặng vào đồng minh Hoa Kỳ để bảo vệ đất nước -- nặng đến nỗi khi đồng minh có nhu cầu khác thì VNCH chết đứng. (Nói như vậy không có nghĩa là người dân Nam Việt không có trách nhiệm khi đẩy hết việc giữ nước cho quân đội và sống như thể trong một nước không có chiến tranh).

Thứ năm, yếu tố Liên Xô cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Tại Paris, chính họ đã nghĩ ra "sáng kiến" đàm phán bàn tròn, nghĩa là tất cả 4 đoàn tham gia đàm phán đều ngồi quay quanh một chiếc bàn tròn. Chắc hẳn bạn đọc cũng đồng ý rằng: Vào thời điểm năm 1973 khi hàng tỉ con người trên trái đất này (trong đó có rất đông người Việt) đều vẫn tin rằng Chủ Nghĩa Xã Hội là chủ nghĩa tiến bộ, thế nên người Mỹ và cả VNCH cũng đều không thể coi nhẹ tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Đặc biệt, sự kiện Liên Xô triển khai vũ khí hạt nhân tại Cu Ba năm 1961 khiến cho bản thân Hoa Kỳ cũng phải thận trọng hơn với việc hậu thuẫn VNCH.

Hiệp Định Paris về Việt Nam năm 1973 kết thúc cả một tiến trình dài đàm phán, kể từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973. Trong đó tất cả những gì đã diễn ra trong hơn 200 phiên đàm phán công khai và 36 phiên đàm phán bí mật (số liệu do cựu đại sứ VC - ông Võ Văn Sung cung cấp), người ta thấy rằng, chỉ khi trên chiến trường, bên nào giành được lợi thế chiến thắng thì bên đó sẽ giành được lợi thế đàm phán. Thực tế, khi Pháo đài Bay B52 của Hoa Kỳ với tầm bay lên tới 16 ngàn mét, bất ngờ bị tên lửa SAM 3 của Liên Xô bắn rơi tại Hà Nội thì họ mới biết đích xác rằng, không riêng gì người Mỹ tham chiến tại Việt Nam mà phía bên kia chiến tuyến còn có những con thú dữ hung hãn ẩn mình là Nga Xô và Trung Cộng.

Nước Mỹ những năm 1970 không thực sự mạnh như ngày hôm nay. Họ cũng đang căng tai căng mắt đêm ngày để sẵn sàng cho một cuộc huyết chiến với phe Cộng Sản quốc tế, đứng đầu là Liên Xô. Cho nên để tránh một cuộc đối đầu bất đắc dĩ, Hoa Kỳ cần phải biết rằng: Khai hoả một cuộc chiến tranh thế giới tại chiến trường Việt Nam là quá xa để họ vận chuyển khí tài và đạn dược chiến tranh không hạt nhân, chứ chưa nói gì đến một cuộc chiến bằng vũ khí nguyên tử. Lúc đó nếu tôi là người Mỹ, tôi cũng sẽ sẵn sàng rút quân khỏi Việt Nam.

Về việc tại sao VNCH lại thất thủ trước Bắc Việt thì có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, cho đến hôm nay rất nhiều người không chịu nhận ra nột điều: Ngoài việc "đó là sự sắp đặt của Chúa" hay "do cơ trời vận nước" thì nguyên nhân con người là yếu tố chính quyết định tất cả. Xin xem thêm bài "Người Mỹ và cuộc chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam dưới góc nhìn của người ngoài cuộc" - Một bài viết đã gây ra tranh cãi mạnh mẽ - có tới hơn 100 comment trên trang Take-2 Tango của cố nhà báo Thế Phương (thời điểm năm 2009) thì sẽ hiểu thêm về vấn đề này.

Đối với cái gọi là "chiến công ngoại giao" trong Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 mà báo chí của chế độ Cộng Sản Việt Nam cố tình tô vẽ theo chỉ đạo của Ban tuyên Giáo trung ương thì thực chất, Bắc Phần ngày đó có được chút lợi thế chính là nhờ các bố già Liên Xô, còn họ chỉ là những tên bù nhìn mà thôi. Cuộc chiến Nam - Bắc Việt Nam ngày nào thực chất là cuộc chiến một bên là VNCH do người Mỹ đứng ra bảo vệ, nhằm gìn giữ nền dân chủ cộng hoà non trẻ và bên kia là cả một guồng máy Cộng Sản trải dài từ Âu sang Á muốn nhuộm đỏ cả thế giới, mà Việt Nam chỉ là nơi để chúng thử nghiệm dã tâm của mình...

Nhưng nếu nhìn lại thì còn có một yếu tố khác không kém phần quan trọng trong việc cố tình "hiểu sai" mà thực chất đó là hành vi bội ước của Bắc Cộng. Hiệp định ngày 27/01/1973 có tên đầy đủ là "Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh, Lập lại Hoà bình ở Việt Nam" gồm 9 chương và 23 điều khoản. Tại điều 1 của hiệp định kể trên ghi rõ: "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 đã công nhận". Thế nhưng báo chí của nhà nước VC lại hoẵng lên rằng, "đó là chiến thắng ngoại giao, và Miền Bắc được quyền giữ nguyên lực lượng quân sự tại chiến trường Miền Nam". Đây quả là một sự lươn lẹo có một không hai!

Tương tự như vậy, Điểm a, Khoản 3 của Hiệp định Paris năm 1973 viết rằng: "các bên cam kết giữ vững ngừng bắn, bảo đảm hoà bình lâu dài và vững chắc. Bắt đầu từ khi ngừng bắn, các lực lượng của Hoa Kỳ và nước ngoài giữ nguyên vị trí của mình chờ đợi rút quân hoàn  toàn khỏi Việt Nam". Cho tới hôm nay, không ai có thể biết được bên nào đã vi phạm lệnh ngừng bắn trước. Nhưng với việc đưa quân ồ ạt tấn công VNCH sau hiệp định Paris, Bắc Phần đã công khai việc bội ước với chữ ký của chính họ. Chẳng có chiến thắng ngoại giao nào ở đây. Nếu không có việc ký hiệp định thì họ vẫn sẽ tiến đánh quyết liệt VNCH.

Người ta thấy rõ rằng, khi VNCH mất đi người đồng minh Hoa Kỳ trong chiến trận thì họ đã mất tinh thần. Đặc biệt với câu nói của cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải một vài ngày hay một vài tháng, hay một năm, mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập" (Wikipedia), chúng ta thấy rằng tư tưởng độc lập hành động đã bị đốt cháy. Trong chiến tranh, ngoài mưu lược, gặp thời, và có thần may mắn phù hộ thì yếu tố liều chết cũng chính là một trong những yếu tố làm nên chiến thắng!

Cùng với việc "ăn mừng chiến thắng 30/4" nhà nước Việt Nam Cộng Sản tỏ ra vẫn không hề thay đổi trong luận điệu mị dân về cuộc xâm lược đẫm máu VNCH. Chẳng hiểu tại sao khi đất Việt trong tay người Việt thì nhất định "đốt cả dãy Trường Sơn" để giải phóng cho được. Còn khi biển đảo, đất trời Việt rơi vào tay Trung Cộng thì lãnh đạo ĐCSVN lại nhất định "ta không được vong ân bội nghĩa" vì Bắc Kinh "chỉ yêu cho roi cho vọt chúng ta thôi". Cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng nói: "Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn những gì họ làm" - Quả nhiên đúng như vậy!

  
- Phụ lục: 
Người Mỹ và cuộc chiến tranh Nam-Bắc VN dưới góc nhìn của người ngoài cuộc

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More