Blogger Tạ Phong Tần được đề cử Giải thưởng Báo chí 2013 của 'Index on Censorship'

Ông Padraig Reidy
Trà Mi -VOA 
 
Blogger Tạ Phong Tần được đề cử Giải thưởng Báo chí 2013 của Index on Censorship, tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tự do báo chí có trụ sở tại London, Anh Quốc.
 

Đây là giải thưởng hằng năm nhằm vinh danh những nhà văn, nhà báo, blogger trên thế giới bị đàn áp vì dám phơi bày thực trạng xã hội và đấu tranh cho công lý, nhân quyền, và dân chủ. Blogger Tạ Phong Tần lọt vào danh sách 4 ứng cử viên chung cuộc và Giải thưởng sẽ chính thức được trao vào ngày 21/3 năm nay.

Giải thưởng báo chí của chúng tôi nhằm nêu bật các trường hợp là nạn nhân của sự kiểm duyệt, đàn áp cần phải được ủng hộ.
Trong cuộc trao đổi với Trà Mi Ban Việt ngữ, ông Padraig Reidy, chủ biên của tổ chức Index, cho biết thêm chi tiết:
 
Ông Padraig Reidy:
Tạ Phong Tần nằm trong số các nhà báo trên thế giới được các tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhân quyền quốc tế đề cử cho Giải thưởng Báo chí 2013 của

Index on Censorship. Ban giám khảo của chúng tôi hiểu rõ tình hình kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận và báo chí tại Việt Nam đặc biệt là tình trạng bị đàn áp của các blogger. Tạ Phong Tần, một trong những ngòi bút đang bị giam cầm tại Việt Nam, nên được vinh danh trong Giải thưởng năm nay, không những  để ghi nhận đóng góp của bà đối với xã hội mà còn để nêu bật thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam.

VOA:
Đây có phải là lần đầu tiên một blogger tại Việt Nam được đề cử giải thưởng này của Index không, thưa ông?

Ông Padraig Reidy:
Đúng vậy. Bà Tần là blogger người Việt đầu tiên được đề cử nhận giải thưởng này.

VOA:
Giải thưởng này ra đời bao lâu rồi, thưa ông?
 
Ông Padraig Reidy:
Các giải thưởng của Index on Censorship đã có từ khoảng năm 2000 và giải thưởng về báo chí đã có nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên một ký giả tại Việt Nam được đề cử. Tổ chức Index on Censorship của chúng tôi bắt đầu hoạt động từ những năm 1970. Thoạt đầu, trọng tâm của chúng tôi hướng về Liên Xô và Đông Âu nhưng dần dần chúng tôi mở rộng hoạt động, hướng đến mục tiêu cổ võ cho quyền tự do ngôn luận trên toàn thế giới. Giải thưởng báo chí của chúng tôi nhằm nêu bật các trường hợp là nạn nhân của sự kiểm duyệt, đàn áp cần phải được ủng hộ. Qua đó, chúng tôi muốn đánh động sự chú ý của công luận về tình trạng kiểm duỵêt tại các nước và kêu gọi sự quan tâm của mọi người đối với các cá nhân can đảm dám chống lại sự kiểm duyệt đó để rồi phải gánh chịu những bất công chỉ vì thực thi quyền tự do căn bản của con người trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm.

VOA:
Những điểm nào được cho là đáng chú ý nhất trong trường hợp của blogger Tạ Phong Tần, thưa ông?
Tạ Phong Tần, một trong những ngòi bút đang bị giam cầm tại Việt Nam, nên được vinh danh trong Giải thưởng năm nay, không những để ghi nhận đóng góp của bà đối với xã hội mà còn để nêu bật thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam

Ông Padraig Reidy:
Việt Nam là một nước thực sự kiểm duyệt gắt gao các hoạt động internet, đặc biệt là việc viết blog. Những gì mà blogger Tạ Phong Tần bị nhà cầm quyền quy tội chỉ là phơi bày tham nhũng và những vấn nạn xã hội bên ngoài cái lề phải của báo chí nhà nước. Cho nên chúng tôi nghĩ rất cần thiết phải ghi nhận và vinh danh công việc của blogger này vì viết blog là một phong trào rất quan trọng giúp mang lại sự cởi mở và minh bạch cho Việt Nam. Quyền tự do ngôn luận có ích lợi rất lớn cho tất cả mọi người và mọi quốc gia. Trong thời đại ngày nay, khi mà con người có khả năng tiếp cận và đăng tải thông tin nhiều hơn bao giờ hết và điều này góp phần đem lại dân chủ nhiều hơn và buộc người ta phải có trách nhiệm hơn. Vì vậy, bằng việc đấu tranh chống lại sự kiểm duyệt hay ghi nhận sự tranh đấu này, cổ võ, ủng hộ cho những người dấn thân tranh đấu, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng một thế giới công bằng và dân chủ hơn cho mọi người trên toàn cầu.

VOA:
Xin chân thành cảm ơn ông Padraig Reidy từ tổ chức Index on Censorship đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Blogger Tạ Phong Tần là chủ nhân trang blog Công lý và Sự thật với hơn 700 bài phản ánh bất công xã hội, nạn tịch thu đất đai, và tình trạng tham nhũng của quan chức nhà nước. Trong phiên phúc thẩm với blogger Điếu Cày và AnhbaSG hôm 28/12 vừa qua, bà bị giữ y án 10 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các bài viết bị nhà cầm quyền xem là ‘xuyên tạc’ và ‘chống đối’. Trước phiên xử, thân mẫu của bà Tần đã tự thiêu để phản đối những đàn áp, sách nhiễu, bất công mà gia đình bà phải gánh chịu. Tổ chức Index on Censorship nói Việt Nam là một trong những quốc gia hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí khắt khe nhất trên thế giới.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More