Nhật hứa viện trợ nhưng giải ngân là chuyện khác

Ngô Quảng
Chẳng phải riêng gì Nhật Bản, hầu hết các quốc gia khi có một chính trị gia mới lên nhậm chức đìều hành đất nước đều cẩn trọng về nơi vị đó công du đầu tiên. Giới truyền thông, cả quốc nội và quốc tế, chắc chắn sẽ tập trung theo dõi. Lý do là vì quốc gia thăm viếng đầu tiên được đương nhiên coi là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách ngoại giao hoặc được dùng làm một thông điệp quan trọng của vị nguyên thủ đó. 

Chuyến công du đầu tiên của ông Abe Shinzo, tân thủ tướng Nhật 58 tuổi, là ba nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Vậy có phải ông Abe xem ba quốc gia này
là đối tác hàng đầu của Nhật không? Câu trả lời mà giới bình luận đều đồng ý là: Nhật xem ba nước này là đối tác thì có, chứ đối tác hàng đầu thì khá rõ là không. 

Thật ra lúc đầu tân Thủ tướng Abe muốn công du Hoa Kỳ vào tháng giêng này, nhưng vì lịch trình của ông Obama quá bận với lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai vào ngày 21/01/2013 sắp đến nên không điều chỉnh được phải dời qua tháng 2. Nhưng vào hạ tuần tháng giêng này, Quốc Hội Nhật nhóm họp khóa thường niên nên tân Thủ tướng Abe cần có một chuyến công du để khởi đầu công việc ngoại giao của mình theo thông lệ.

Hiển nhiên, ông Abe không thể chọn Trung quốc làm nơi thăm viếng đầu tiên của mình được vì tình hình ngoại giao giữa hai nước này đang căng thẳng. Bắc Kinh đang hùng hổ muốn xâm chiếm quần đảo Sekaku của Nhật. Tàu bè Trung quốc được lệnh thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh còn leo thang bằng việc cho cả máy bay thám thính bay vào không phận của Nhật.

Ông Abe cũng không thể sang thăm Hàn quốc vào thời điểm này vì tình hình tranh chấp hòn đảo nhỏ Liang Court, tiếng Nhật gọi là Takeshima (Trúc đảo) còn tiếng Hàn gọi là Dokdo (Độc đảo), vẫn đang căng thẳng.

Ông Abe đành gộp ba nước ít quan trọng hơn đối với Nhật là: Việt Nam, Thái Lan và Indonesia để thăm. Quyết định này vừa dễ thu xếp vừa để Nhật có thể dùng viện trợ kinh tế để tạo thế liên minh cho mục tiêu ổn định tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, không để cho Trung quốc hành động tùy tiện.

Trước khi lên đường, Thủ tướng Abe tuyên bố rõ rằng Nhật Bản chỉ muốn đẩy mạnh bang giao với quốc gia nào tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền. Tuyên bố này của ông Abe phù hợp với quá trình hoạt động của ông, đặc biệt là những nỗ lực tích cực của ông nhằm ủng hộ việc đòi nhân quyền cho người dân Tây Tạng. Tuyên bố đó cũng phù hợp với chính sách ngoại giao mới của Nhật, khác hẳn thái độ của các chính phủ trước đây -- vốn luôn coi việc trao đổi mậu dịch là ưu tiên hàng đầu chứ ít khi lên tiếng chỉ trích các vi phạm nhân quyền của những chế độ độc tài.

Tối ngày 16/01, tại Hà Nội, ông Abe đã có một cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong cuộc hội đàm này Thủ tướng Abe đã hứa sẽ cho Việt Nam vay 500 triệu mỹ kim theo chế độ ưu đãi để phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế.

Khi tin này được loan báo rộng rãi, nhiều bình luận gia trên các đài truyền hình Nhật nêu thắc mắc: Trước khi lên đường, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng chỉ muốn đẩy mạnh bang giao với quốc gia nào tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền, nhưng Việt Nam hiện nay là một trong các quốc gia có nhiều vi phạm nhân quyền nhất thế giới, vậy lời nói của ông Abe có đi đôi với việc làm không?

Các tổ chức nhân quyền ở Nhật còn vạch rõ hơn các bằng chứng về việc nhà cầm quyền Hà Nội bắt người tùy tiện, rồi kết án họ thật nặng chỉ vì những người đó không cùng quan điểm với nhà nước, như trường hợp của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần.... và chỉ mới đây thôi, trong tháng giêng này nhà cầm quyền CSVN đã xử bất công 14 thanh niên Việt Nam bằng một bản án có trước rất nặng.

Trước những chỉ trích đó, giới chức Nhật đành phải công khai dự tính của họ: Hứa cho vay là một chuyện. Còn giải ngân hay không còn tùy thuộc vào việc cải thiện tình trạng nhân quyền của nhà nước Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến sự việc này để tường trình cùng quý độc giả.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More