Trần Đức Thạch
Có lẽ tôi
không thể nào quên được cái tết đầu tiên ở trong tù. Đó là tết mừng xuân Kỷ dậu
năm 2009. Công an điều tra thành phố Hà Nội bắt tôi từ ngày 12/9/2008, nhưng
đến ngày 14/9/2008 mới đọc lệnh bắt giam khẩn cấp và tống tôi vào trại tạm giam
số 3. Đây vốn là trại tạm giam của công an tỉnh Hà Tây cũ. Anh em tù gọi nó là
trại Xa la. Cũng khét tiếng tàn bạo như những trại tạm giam hàng tỉnh khác. Trại
này nằm gần cầu Bươu, xung quanh là nghĩa trang Văn điển; sông Nhuệ; bệnh viện
bỏng 103. Toàn những địa danh nổi tiếng gây ô nhiệm môi trường trầm trọng.
Nguồn nước trại bơm trực tiếp từ giếng khoan lên cho tù dùng, đục và hôi đến
buồn nôn. Anh em tù gọi đây là thứ nước cốt. Gọi thế không sai chút nào, vì
nguồn nước ngầm bị cái nghĩa trang lưu cữu gần cả thế kỷ nay đã làm cho ô nhiễm
nặng. Chúng tôi phải lọc qua bốn năm lần tất vải mới tạm dùng được. Mỗi lần
hứng nước xong, chúng tôi tháo tất từ vòi ra giặt, phải mất bốn năm chậu đặc
sánh đất bùn. Chỉ cần vào trại dùng loại nước này dăm bữa nửa tháng là trên
người có ngay ghẻ lở,hắc lào phát triển, muốn phòng tránh kiểu gì cũng không
thoát.
Tôi vào trại được chừng mười lăm
ngày thì bị viêm tai giữa và bị nấm ăn ngay vùng kín. Đau rát ngứa ngáy hành hạ
suốt đêm ngày. Nhưng biết làm sao được, đành phải cắn răng chịu đựng, chuyện
này còn cơ cực hơn bị cánh công an tra tấn đánh đập. Vậy mà đã qua được bốn
tháng và tôi sắp sửa đón cái tết đầu tiên ở trong tù. Là tù nhân chính trị, lại
bị biệt giam trong trại giam tù hình sự, tôi không có được một mối liên hệ nào
để chia sẻ tâm sự. Tết đến, tôi vẫn là tù “mồ côi”. Không có ai thăm nom tiếp
tế quà cáp. Nếu không nhận thức được lý tưởng đấu tranh chính nghĩa thì có lẽ
tôi đã phải phát khóc vì sự cô độc này. Nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ gia đình,
người thân ùa đến, tràn ngập khiến tôi đôi lúc mệt lử. Tôi đành gạt nỗi nhớ ấy
bằng cách tìm cảm xúc làm thơ. Nhưng trong lòng đang chứa đầy phẫn uất, ngôn
ngữ hiện ra như những nhát búa, nhát dao tả xung hữu đột, tôi không tài nào
tiết chế được cảm xúc :
Phẫn uất chất chứa hồn tôi
Như khối nổ
bắn ra luồng đạn chữ
Tôi không
viết thơ tình được nữa
Dẫu yêu em da
diết nhớ em…
Chiều ba mươi tết, bữa cơm tù có
thêm mấy miếng thịt lợn mỡ bèo nhèo. Một bát canh xương nấu với khoai tây để
nguyên cả vỏ, ăn vào cứ chạm phải đất sạn nhám sì. Nhưng thế cũng tươm lắm rồi
so với những bữa cơm thường ngày chỉ có bát rau muống già chừng dăm cọng nấu
với nước hôi rình, thi thoảng lại thêm những con sâu mười hai chân nổi lềnh
bềnh trắng hếu. Tay tù “tự giác” còn mang cho tôi một cái bánh chưng chừng
300gr, một hộp mứt và vài gói kẹo rẻ tiền gọi là có hương vị tết. Tôi sắp các
thứ vừa có xuống cuối sàn nằm và ngắm chúng như những tác phẩm nghệ thuật.
Trong ánh điện nhờ nhờ từ ngoài hắt vào, hình tam đa vẽ trên hộp mứt bỗng trở
nên sống động kỳ lạ. Tôi lẩm bẩm thành lời như một gã tâm thần “ Tết này các vị
sẽ ở đây với tôi nhé!” rồi cười, cười thành tiếng. Chợt thấy ấm lòng giừa bốn
bức tường xám xịt hôi mốc, đại diện cho cường quyền cộng sản.
Tôi nằm bất động trên sàn xi măng
giá lạnh. Lót lưng là một tấm chiếu
rách te tua. Hôm tôi vào trại, trên người chỉ có một bộ quần áo. Suốt bốn tháng
qua vẫn vậy, không có chăn màn gì để đắp. Mấy người tù tự giác cám cảnh cho
tôi, họ nói khéo với cán bộ quản giáo cho tôi mượn thứ gì đó để chống chọi qua
mùa đông nhưng bị gạt phắt “Nó chống nhà
nước, bao giờ nó mở miệng xin nhà nước thì mới cho nó mượn chăn”. Tôi nghe mấy
tù tự giác nói lại như thế. Tôi bấm bụng “Không đời nào tao cầu cạnh chúng mày,
dẫu có phải chết”. Những đêm quá lạnh không ngủ được, tôi ngồi rình đập muỗi:
Muỗi vần vũ bên tai
Tôi đập đến ù tai
Chẳng thể nào hết…
Những con chết
Tóe máu đỏ tươi
Tôi giơ tay lên ngắm
Cười…
Hể hả với chiến thắng
Chợt cay đắng
Khi nhận ra những giọt máu đỏ kia là của chính mình…
Tôi lập một nghĩa trang muỗi trên tường, mỗi con là một vết máu khi bị
giết. Cả một khoảng tường chi chít mộ muỗi, không thể nào đếm xuể sau bốn tháng
tôi ra tay hành sự. Đêm ba mươi tết, tôi sẽ tha chết cho lũ muỗi khát máu đang
vần vũ quanh người. Tôi mải ngẫm nghĩ về những gì xẩy ra trong suốt năm qua. Đã
làm được hai chục tác phẩm cả thơ lẫn văn xuôi. Đã bị công an Thanh Hóa và Thái
Bình bắt giữ. Hăng hái tham gia biểu tình ở chợ Đồng Xuân Hà Nội để phản đối
cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh nhưng bị đàn áp. Thật tiếc cho bài phóng sự
“Trước bước nguy hiểm ở giáo xứ Thái Hà” chưa kịp đưa lên mạng. Những ý nghĩ
miên man đưa tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Cho tới khi…
Cả trại bùng lên như vỡ chợ, tiếng la hét huyên náo ầm ĩ “Giao thừa đến
rồi! Chúc mừng năm mới”. Tôi vụt dậy đến bên cửa gió chõ miệng hét theo “Chúc
mừng năm mới!”. Mấy tháng trời phải đi khẽ, nói nhẹ bây giờ mới được la hét thả
phanh, tôi cứ thế mà gào, có cảm giác nhẹ nhõm chút ít sau mỗi lần la hét như
vậy. Mấy vị tù trẻ còn trèo lên cửa gió phía trên làm pháo miệng tạch tạch đùng
đùng nghe vui đáo để. Huyên náo chừng mười lăm phút thì có tiếng quát mắng chửi
rủa của cán bộ quản giáo. Cả trại lại đột ngột rơi vào im ắng như bãi nghĩa địa
hoang.
Tôi không sao ngủ được nữa. Chợt nhớ hôm nay là ngày giỗ đầu cụ Hoàng Minh
Chính. Cụ mất vào hôm mồng một tết mậu tý. Tôi may mắn được dự đám tang cụ hôm
mồng mười tháng giêng. Đám tang của cụ được tổ chức trang nghiêm long trọng
lắm. Cũng từ hôm đi dự đám tang cụ mà tôi bị công an mật vụ thường xuyên theo
dõi. Thật tiếc là giỗ đầu của cụ tôi không có mặt. Thôi thì ở trong này tưởng
nhớ tới cụ vậy.
Tôi vô cùng cảm phục tinh thần đấu tranh của cụ. Nhất là chuyện cụ từ biệt
chủ nghĩa cộng sản một cách kiên quyết. Phải nói là hành động của cụ đã thức
tỉnh nhiều người, trong đó có tôi. Trước đây tôi cũng nghi ngờ cộng sản nhưng
còn mơ hồ, chưa nhìn ra bản chất độc ác tàn bạo của họ. Sau khi biết cụ thì mọi
chuyện đã trở nên rõ ràng hơn. Thế là tôi quyết định dấn thân và bắt đầu lộ
diện trong đám tang của cụ. Tôi vẫn nhớ như in không khí đám tang khá căng
thằng. Một bên là tinh thần đấu tranh bị dồn nén, lại phải thường trực cảnh
giác với sự khiêu khích phá đám của nhà cầm quyền. Một bên là các lực lượng
công an chìm nổi với nét mặt đằng đằng sát khí đang hầm hè diễu võ dương oai.
Nhưng rồi đám tang vẫn cử hành đàng hoàng long trọng sau khi chặn được một vài
hành động gây hấn của phía chính quyền. Trong đám tang, tôi gặp được khá đông
các nhà đấu tranh dân chủ khắp mọi miền đất nước. Tôi đã hiểu hơn phong trào
đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đang phát triển như thế nào. Điều này đã củng cố
cho tôi thêm niềm tin. Và bây giờ tôi đang trong thử thách. Chưa biết chúng sẽ
hành xử với tôi như thế nào? Thây kệ, chúng muốn làm gì thì cũng mặc, cứ giữ
vững bản lĩnh khí tiết là được. Cụ Hoàng Minh Chính bị chúng đày đọa khổ sở đến
vậy mà có làm gì nổi cụ đâu.
Ý định viết một bài thơ tưởng niệm cụ chợt lóe lên. Thế là ba ngày tết đầu
tiên trong tù, tôi tập trung cho lòng tưởng niệm cụ Chính, khỏi phải suy nghĩ
tới những thứ vớ vẩn khác.
Ngày giỗ đầu cụ
Hoàng minh Chính
Tôi bị nhốt trong
ngục Xa la
Nhớ năm trước
tiễn cụ đi xa
Dân chủ-Tự do bi
hùng lên tiếng
Ngoài bắc trong
nam người người đến tiễn
Hoa và hoa chật
đất chít viền tang
Lũ bạo quyền định
giở thói sói lang
Đành chịu khoanh
tay lắc đầu trố mắt
Cụ để lại tinh
thần bất khuất
Trên đường tới
dân chủ tự do
Dẫu còn nhiều thử thách cam go
Chân trời mới đã rạng ngời lý tưởng
Tôi với nhiều người cùng chí hướng
Bị sói lang giam ngục đọa đày
Không được về giỗ cụ lần này
Thắp câu thơ cháy lòng tưởng niệm…
( viết tại ngục Xa la
tết kỷ sửu)
Phải cố gắng
lắm tôi mới tiết chế nổi sự phẫn uất đang cháy ngùn ngụt trong lòng để viết
được bài thơ này. Cảm ơn thượng đế đã cho tôi giải bày sự tôn kính tới hương
hồn cụ trong thời điểm, không gian vô cùng nghiệt ngã. Cái tết đầu tiên trong
tù của tôi cứ thế mà đi qua. Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói ngoài sự ăm ắp về
tinh thần quyết tâm tranh đấu. Hóa ra, dưới đáy “địa ngục trần gian” tâm hồn
tôi vẫn lâng lâng cất cánh…
Trần Đức Thạch
28/01/2013
0 comments:
Đăng nhận xét