Chuyện lạ: Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ về Nhân Quyền


Ngô Quảng - DienDanCTM

Vào ngày 16/12/2012 tại New Delhi đã xảy ra một sự kiện làm cho người dân Ấn Độ lẫn dư luận thế giới không thể nào tha thứ được. Đó là việc một nữ sinh viên Ấn Độ bị 6 thanh niên hiếp dâm trên xe bus rồi tống xuống đường làm cho người nữ sinh này bị trọng thương. 

Cô được cấp tốc đưa sang Singapore điều trị nhưng không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Ngay sau khi biết được tin người nữ sinh viên này đã qua đời, nhiều cuộc biểu tình đông đảo của người dân Ấn Độ đã xảy ra để phản đối chính phủ của họ. Chính phủ đã không chu toàn nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng của người dân. Liền sau đó, Thủ tướng Ấn Độ đã lên báo đài nhận lãnh trách nhiệm và hứa sẽ gia tăng biện pháp an ninh để ngăn ngừa những chuyện như thế xảy ra, hứa sẽ xử phạt thật nặng những kẻ phạm tội theo đúng pháp luật để sự ra đi của người nữ sinh đó không trở thành vô nghĩa.

Trong khi cả thế giới lên án về sự kiện này thì Trung quốc chẳng màng gì đến. Nhưng bỗng dưng vào ngày 20/03/2013 vừa qua, nghĩa là hơn 3 tháng sau khi sự kiện xảy ra, báo đài ở Hoa lục lại đồng loạt lôi chuyện này ra bàn tán sôi nổi. Rồi họ lên tiếng chỉ trích Ấn Độ là một nước tự do hỗn loạn, vi phạm nhân quyền, xem rẻ mạng sống người phụ nữ...

Riêng tờ Hoàn cầu thời báo, cơ quan ngôn luận bán chính thức của nhà nước Trung Quốc, còn cho đi một bài bình luận nói rằng việc bạo hành phụ nữ ở Ấn Độ là một căn bịnh mãn tính, không bao giờ tuyệt hẳn, xảy ra như cơm bữa. Báo này khẳng định căn nguyên của bịnh này là do lối suy nghĩ khinh rẻ phẩm giá người phụ nữ của người đàn ông Ấn Độ. Rồi lại khẳng định tình trạng này kéo dài là vì luật pháp của nước này rất hời hợt, không phạt thật nặng đối với kẻ cưỡng hiếp phụ nữ. Và không ngừng ở đó, tờ Hoàn cần thời báo còn mở rộng thêm: "Đây là một hành động vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn, thế mà chính quyền Ấn Độ vẫn vỗ ngực tự xưng là một quốc gia tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Đúng là điều đáng nực cười."

Ngay sau khi các cơ quan truyền thông lề đảng lên tiếng là đến một số trang mạng thuộc loại "dư luận viên" lập tức phụ họa. Các bài phụ họa rất lộ liễu. Họ không chỉ phê phán Ấn Độ thậm tệ về đủ mọi mặt mà còn "cám ơn" báo đài nhà nước đã thông báo cho dân biết chuyện này.

Hiển nhiên, dân chúng, giới dân mạng và truyền thông tự do tại Ấn Độ phản ứng lại mạnh mẽ. Tổng hợp các bản lên tiếng bao gồm các điểm sau: Sự việc xảy ra vào tháng 12/2012 là một vết nhơ cho cả nước Ấn Độ. Không chỉ thế giới mà chính đại khối người dân Ấn lên án. Mọi chỉ trích là đúng. Nhưng Trung quốc là một nước Cộng sản, độc tài đảng trị với những thuộc tính tàn bạo, coi thưòng sinh mạng người dân, vi phạm nhân quyền trầm trọng thì không đủ tư cách phê phán bất kỳ một quốc gia nào về vấn đề vi phạm nhân quyền. 
Nhật báo lớn The Hindu số ra ngày 23/03/2013 viết rằng việc nữ sinh Trung quốc bị bạo hành, hiếp dâm ở ngay tại các trường học Trung Quốc đang xảy ra như cơm bữa mà thủ phạm phần lớn là các thầy giáo. Đây là chuyện mà đa số người dân Hoa lục biết rõ, cả thế giới cũng biết nhờ mạng Internet. Thế nhưng báo đài của nhà nước Trung quốc hầu như không đưa tin gì, thậm chí còn được lệnh giấu nhẹm mỗi khi có sự can dự của các "hoàng tử đỏ". Vì vậy Trung Quốc cần soi gương về nạn dịch tại nước họ trước khi phê phán một trường hợp tại Ấn Độ.

Tại sao Trung quốc lại lên tiếng chỉ trích Ấn Độ vi phạm nhân quyền vào lúc này khi mà chính quyền Bắc Kinh biết rằng động đến vấn đề này sẽ làm cho người dân Trung quốc căm phẫn thêm vì chính họ cũng đang bị chính quyền kềm kẹp thô bạo trong đủ mọi lãnh vực chứ không riêng gì chuyện phụ nữ bị bạo hành?

Câu trả lời bắt nguồn từ việc vào giữa tháng 3 vừa qua chính phủ Nhật tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác với bất cứ quốc gia Á châu nào tôn trọng quyền tự do, dân chủ, nhân quyền. Trong số đó, Ấn Độ và Miến Điện là hai quốc gia hàng đầu mà Nhật muốn hợp tác. Sau lời tuyên bố này Quốc hội Nhật đã thông qua một phương án đặc biệt viện trợ ODA cho Ấn Độ và Miến Điện. Cùng lúc Thủ tướng Abe kêu gọi các xí nghiệp Nhật rút ra khỏi Trung quốc và chuyển đầu tư vào Ấn Độ và Miến Điện. Ngoài ra, chính phủ Nhật còn đẩy mạnh việc hợp tác quân sự ở biển Đông và nam Á để ngăn chận sự bành trướng và khống chế đường biển của Trung quốc. Cụ thể như việc Nhật Bản đồng ý bán cho Ấn Độ một số máy bay US-2. Đây là loại máy bay 4 chong chóng, thân máy bay làm bằng một loại thép cứng, có gắn hệ thống radar để phân biệt đâu là tàu của phía địch, đâu là tàu của phe ta. US-2 có thể đáp dễ dàng trên biển cho dù gặp sóng cao 3 mét. Với những đặc tính đó, loại máy bay này có thể phục vụ việc cứu hộ trên biển hiệu quả nhưng cũng có thể dùng cho các hoạt động quân sự. Và đó mới là lý do chính khiến Trung Quốc đột nhiên chỉ trích Ấn Độ vi phạm nhân quyền trầm trọng vì một chuyện xảy ra hơn 3 tháng trước mà Bắc Kinh chẳng hề biết tới.

Việc Trung quốc chỉ trích Ấn Độ vi phạm nhân quyền làm người viết nhớ lại chuyện lạ tương tự cách đây không lâu tại Việt Nam: các vị lãnh đạo tại Hà Nội chỉ trích Anh quốc là một nước vi phạm nhân quyền.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More