Dạ Thưa Thầy...!

Phạm Lê Vương Các

Hôm nay, đúng 9h mình có mặt tại phòng Công tác chính trị-sinh viên.
Khi gặp mình, thầy phó phòng làm việc với mình mở đầu buổi nói chuyện với mình bằng câu: “Em cũng hơi lớn”.
Mình trả lời: “Em đã tốt nghiệp một trường đại học rồi, ra trường em chưa muốn đi làm, và vì yêu thích luật nên em đã tiếp tục vào học trường luật này”.


Thầy vào chuyện tiếp bằng vấn đề thầy và mình ở cùng quê. Và thầy lên trên mạng thấy mình khá “nổi tiếng”. :))
Buổi trao đổi giữa mình và thầy kéo dài hơn 1 giờ, xoay quanh những nội dung chính:
1. Hỏi về một “ông bạn” học cùng lớp với mình
2. Về việc học hành của mình
3. Về các bài viết của mình 


4. Về gia đình
5. Tranh luận về Dân chủ.


Thầy bắt đầu hỏi mình em có hay chơi với anh PMH học cùng lớp không? Em nghĩ sao và đánh giá như thế nào về anh H? Anh H có dấu hiệu không được bình thường? Và có gây ảnh hưởng gì tới lớp học không”.
Mình trả lời: “Em chơi với anh H. vì thấy ở lớp không ai chơi với ổng, nên em chơi với ổng. Em không có thói quen phán xét về bất kỳ cá nhân nào, vì mỗi người khi đứng trên một góc độ khác nhau sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Còn về việc có người cho ổng là bị "khùng khùng" không thì em lại nghĩ khác. Em cho rằng ổng chịu ảnh hưởng của trường phái “chủ nghĩa hiện sinh” vào những năm trước 75, nên ổng như Bùi Giáng và Phạm Công Thiện thôi. Nên em thấy chẳng có vấn đề gì ở đây. Còn việc ổng có gây ảnh hưởng tới lớp trong giờ học khi hay phát biểu lung tung, thì em cho rằng đánh giá như vậy là 1 chiều, vì ổng đã có những phát biểu mang tính phát động sự tranh luận trong học thuật."


Thầy phàn nàn vể việc anh H. viết bài mà nói xấu thầy trên mạng, mà nói không đúng điều gì. Mình nói là mình cũng có đọc bài đó của anh H. trong cuộc thi viết về quyền con người. Mình cười và mình nói: "anh H. viết bài đó "nổ" quá".
Thầy hỏi mình là có ai đứng sau xúi giục và kích động anh H. không? Mình cười và trả lời: “nếu có sự xúi giục và kích động, thì em nghĩ, người xúi giục và kích động nên chọn một đối tượng khác thì sẽ có hiệu quả hơn anh H.”

Và như mình đã dự báo trước từ ngày hôm qua, thầy bắt đầu chuyển sang việc của mình
Bắt đầu từ chuyện học hành của mình. Thầy bảo: “em học hành cũng bình thường và không có gì nổi bật, thậm chí còn nợ lại môn. Và còn nghỉ học nhiều... Học không tốt như vậy sau này sẽ khó xin được việc làm.”
 

Mình trả lời: “Em không đề cao việc học khá giỏi, đó không phải là mục đích của em. Em học không phải là để kiếm việc làm, mà để nâng cao sự hiểu biết và tri thức cho mình. Dạo gần đây em không thích đến lớp, mà thích “tự học” ở nhà hơn.

Thứ hai, Nội dung chính của buổi trao đổi là về các bài viết của mình. Thầy nói trên mạng hay có chuyện mạo danh, và hỏi các bài viết đó có phải của mình không? Hỏi mình viết bài vì lý do và mục đích gì? Được trả bao nhiêu tiền? Và đưa tờ giấy yêu cầu mình viết Bản tường trình xác nhận các bài viết mà mình đã viết.
 

Mình ok viết liền. Nội dung của Bản tường trình đó là mình xác nhận, liệt kê 3 bài mà mình viết trên Ba sàm và 5 bài trên BBC.
 

Và mình có ghi trong đó mục đích viết bài là:
- Đóng góp cho sự tiến bộ xã hội.
- Góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp
- Thể hiện tinh thần trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.
 

Thầy nói là đã đọc một số đoạn của một số bài viết của mình, và thầy cho rằng những bài mình viết toàn là chuyện: “ ba sàm ba láp, mang tính kích động..”
 

Mình trả lời: “Đó là quan điểm thầy. Thầy nghĩ sao cũng được. Bài của em được đăng trên các cơ quan truyền thông uy tín, và có bài còn được người khác dịch sang Anh ngữ. Nên em nghĩ em đang đi đúng hướng với dòng chảy tiến bộ của nhân loại.
 

Thầy thắc mắc là tại sao mình không viết bài cho báo chính thống trong nước mà viết bài cho mấy trang đó. Mình trả lời “em gửi cho báo chính thống chắc cũng không có báo nào dám đăng.
 

Và thầy liền chuyển sang chuyện như các thế lực thù địch đứng đằng sau các trang đó, và e ngại cho mình sẽ bị “lợi dụng”, các bài viết của mình sẽ bị biên tập lại để có lợi và điều chỉnh theo ý muốn của họ.
 

Mình trả lời: “Em không nghĩ như vậy. Bất kỳ sự biên tập nào cũng phải có sự đồng ý của em. Nếu họ biên tập khác với nội dung và tư tưởng bài viết của em, em sẽ yêu cầu họ gỡ bỏ ngay. Nhưng điều này chưa xảy ra, họ đều là các cơ quan truyền thông có uy tín, nên họ sẽ không làm vậy. .. Và mình hỏi lại: “tại sao thầy không nghĩ là em đang lợi dụng họ? vì thông qua các cơ quan truyền thông này, thông điệp và tiếng nói của em đã được loan tải đến hàng triệu người một cách dễ dàng hơn?”
 

Thầy nói thích sự “thẳng thắn” của mình.
Và thầy còn hỏi: “em có biết ai ở trong Ban Biên tập của các trang đó không?” mình trả lời: “em không biết ”. Em không quan tâm đến chuyện này, em chỉ quan tâm đến nội dung bài viết của em, và bài viết có được đăng hay không đăng thôi”.
 

Nói về chuyện mình được trả bao nhiêu tiền khi viết bài. Mình trả lời: “Em chưa nhận bất kỳ một xu nào từ các bài viết này. Em viết không phải vì tiền mà vì tinh thần trách nhiệm của một người công dân, cần phải đóng góp cho sự tiến bộ xã hội. Nếu em viết để kiếm tiền thì em đã viết cho báo Nhân dân và các báo chính thống với những nội dung nhắm “đánh” vào các “lực lượng bên kia”. Em có thừa sức để làm điều này, và có thể làm rất tốt nữa... nhưng lương tâm không cho phép em làm như vậy."
 

Thầy không tin, vì thầy cho rằng ai làm việc gì cũng phải nhằm mục đích kiếm tiền. Mình trả lời: “Em cũng đồng tình là người ta thường làm việc vì mục đích kiếm tiền, nhưng nếu ai làm việc gì cũng vì tiền thì xã hội này sẽ về đâu? Em sống cho lý tưởng và niềm tin nhiều hơn, chứ không sống vì tiền. và em sẽ tiếp tục đóng góp như vậy”.
 

Tiếp đến, thầy nói là mình cũng chẳng có ý kiến đóng góp nào cho sửa đổi Hiến pháp, vì các bài viết của mình không phân tích ra một điều luật cụ thể nào để góp ý cho nó. 
Mình trả lời: “Thầy có làm nghiên cứu khoa học bao giờ chưa? Có 2 cách tiếp cận vào một vấn đề khoa học. Một là mình đi từ những vấn đề vi mô, cụ thể rồi khái quát nó lên tầm vĩ mô và tổng quát. Hai là đi từ tầm vĩ mô, gải quyết các vấn đề mang tính chất cốt lõi, rồi từ đó có cơ sở để điều chỉnh các vấn đề vi mô, cụ thể bên dưới. Em chọn cách thứ hai cho bước đi của mình."
Chỗ này thì thầy và mình có một số tranh luận rất bất đồng...
 

Thầy nói là có biết việc mình có làm công trình nghiên cứu khoa học ở trường và hỏi sao mình không tiếp tục đi theo con đường đó? Mình trả lời: “Em yêu thích nghiên cứu khoa học và cũng có ước muốn theo đuổi con đường này. Và em đã mất khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu khoa học, nhưng công trình ở trường vừa rồi của em lại bị cho vào sọt rác. Có thể em làm không được tốt lắm nên em không làm nữa, mà chọn viết báo. Vừa đơn giản và nhanh chóng, được loan tải đến cộng đồng được thuận lợi hơn.
 

“Phải chăng vì em muốn nổi tiếng”- thầy hỏi. Mình cười và trả lời: “nếu muốn nổi tiếng thì em đã chọn con đường khác, không phải đi viết lách, đỡ nguy hiểm hơn. Em không thích về điều đó. Nhưng có thể các bài viết của em đã làm cho em được nổi tiếng”.
 

Thầy hỏi về chuyện gia đình của mình khá nhiều, như cha mẹ, anh chị em đang làm gì, học ở đâu…? Mình xin phép từ chối trả lời câu hỏi này vì đây là chuyện riêng tư của cá nhân.
Rồi thầy diễn giải về việc gia đình như là tế bào xã hội… Và hỏi “gia đình mình có biết những việc này của em không?”. Mình trả lời là không, “Gia đình em không ai quan tâm đến chính trị”.
 

Thầy hỏi tiếp, thế đứa em của em có đọc những bài viết của em không? Mình trả lời: “em không biết nó có đọc không, nhưng chắc là không” (vì mình chẳng bao giờ trao đổi với nó và nghe nó hỏi về mấy bài viết của mình).
Mình cười và hỏi lại: “thầy cũng biết thằng em trai của em đang học trường Luật sao”? Thầy nói là thầy đang là quản lý sinh viên ở trường này nên thầy phải biết chứ. :))
 

Thầy nói: “em không sợ những việc mình làm sẽ luyên lụy tới gia đình mình? Thầy thấy việc em làm đã ảnh hưởng tới gia đình mình. Em làm việc gì cũng nên nghĩ tới gia đình của mình chứ. ”
Mình trả lời: “em đã trưởng thành rồi, có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý cho mọi hành vi của mình. Việc em làm em chịu, gia đình chẳng liên quan gì ở đây. Nếu nhà nước và pháp luật làm ảnh hưởng đến gia đình em vì những việc làm của em, thì em nghĩ nên xem lại nhà nước và pháp luật này."
 

Thầy liền cắt lời và nhắc mình không lôi chuyện của nhà nước và pháp luật vào đây. Thầy chỉ nói chẳng hạn như khi xin việc làm.
Thầy bảo mình bị đã bị báo Nhân dân viết về mình như vậy, thì các nhà tuyển dụng khó mà nhận anh chị em của mình. Và thầy còn hỏi: "Nếu dứng từ góc độ của nhà tuyển dụng, em có nhận họ vào làm việc không?”
Mình trả lời: “nếu em có một công ty riêng, thì em sẽ ưu tiên tuyển những người trong gia đình của những người như em. Vì đó là những con người dũng cảm và biết cống hiến”. :))
Mình nói tiếp: “em biết việc em làm có thể ảnh hưởng đến gia đình mình trong hoàn cảnh này. Nhưng em sống vì lý tưởng, niềm tin và tinh thần trách nhiệm xã hội. Nên em sẽ sẵn sàng hy sinh những gì thuộc về cá nhân và gia đình mình để tiếp tục đóng góp và cống hiến cho đất nước.”
 

Thầy nói một hồi về chức năng quản lý và bảo vệ nhà nước. Mình dạ dạ...
Thầy cũng khuyên “nhiệm vụ của em bây giờ là cần lấy được tấm bằng ra trường”.
Rồi thầy hỏi mình: “thế bây giờ em cần gì?”
Mình liền đáp: “Dân chủ! Em cần Dân chủ! Dân chủ sẽ là phương tiện đưa đất nước mình tiến lên!”
 

Lúc này mình và thầy đã tranh luận khá nhiều về “Dân chủ”. 
Câu chuyện này cũng chẳng đi đến đâu, 2 cách nghĩ, và tiếp cận vấn đề cũng quá khác nhau.. (kể lể ra chỗ này thì rất ư là dài dòng)

Và cuối cùng thầy nói mình đã thi đại học vào trường Luật, và đang học ở trường Luật, nên mình sẽ phải chịu sự quản lý nhất định của trường. Thầy nói rất nhiều về nội quy và quy chế của nhà trường, nếu mình có vi phạm gì thì nhà trường cũng có đầy đủ cơ sở để xử lý mình. Với cương vị là một người quản lý giáo dục, nên thầy nói sẽ có thể tiến tục gặp mình ở quán café hoặc ở trường để trao đổi tiếp. Mình OK, bất kỳ khi nào thầy cần thì mình rất sẵn lòng.
 

Sau đó thầy và mình bắt tay nhau và chào ra về. Khi mình vừa đứng lên bước được vài bước, thầy nhắc nhở mình cần đi học đều hơn.
Mình quay mặt lại lại cười và trả lời: “em không hiểu sao bây giờ em không còn say mê và ham muốn trong việc học”.
Thầy trả lời, nếu đã như vậy thì em nên nghỉ học đi. Thầy nghĩ như vậy sẽ tốt cho em và cho trường hơn.
Mình mỉm cười và bước ra khỏi phòng.
 

Nhận xét: ở buổi làm việc này, dù thầy luôn nói là làm việc với chức năng của nhà "quản lý giáo dục", nhưng có rất nhiều câu hỏi mà mình nghĩ thầy đã "lấn sân" sang chức năng của bên "An ninh điều tra". Đáng ra, mình đã từ chối những câu hỏi như thế, nhưng mình vẫn trả lời những câu hỏi đó. Đơn giản vì qua đó mình có thể minh bạch cho mọi vấn đề, và cũng vì đây là buổi làm việc đầu tiên, nên mình cũng muốn tránh sự căng thẳng không cần thiết cho cả đôi bên, và thoải mái hơn cho những lần gặp gỡ tiếp theo.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More