Nguyễn Thị
Ánh Hiền
Sinh viên ĐH
Luật Tp. HCM
Vào khoảng
thời gian từ 2/4-5/4 tới đây, sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ cưỡng chế
đất đai ở Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn và người thân với tội danh: Giết
người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm 2 khoản 1
điều 93 Bộ luật Hình sự). Với cáo trạng của Viện kiểm sát, nhiều ý kiến đưa ra
rằng: việc gài mìn kích bình ga, dùng
súng hoa cải… mục đích không phải để giết người mà là biện pháp tự vệ để bảo vệ
tài sản trong khu đầm.
Bài viết này
tập trung phân tích liệu lý do để biện minh cho lý lẽ “tự vệ” trong vụ án này
là một lời biện minh hợp lý?
Luật hình sự
được xây dựng gồm hai mục đích chính: phòng ngừa tội phạm và trừng phạt những kẻ
phạm tội. Trừng phạt hình sự là biện pháp cần thiết bởi tội phạm đã làm điều
sai trái từ góc độ đạo đức và tính chất nguy hiểm, tác hại đối với xã hội. Tuy
nhiên, trong một số hoàn cảnh đặc biệt, có những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm
nhưng không có vẻ trái đạo đức thì hành vi đó không bị coi là tội phạm, có thể
tha thứ hoặc được khuyến khích. Trong trường hợp này, hành vi mà người tiến
hành bị can thực hiện là không đúng, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt khiến bị can
không còn cách nào khác, bắt buộc phải lựa chọn thực hiện hành vi xấu ít hơn, tức
là có lý do để biện minh cho hành động của bị can và bị can không phạm tội. Một
trong những lý do biện minh này là tự vệ hay còn gọi là phòng vệ chính đáng.
Về lý do biện minh là “tự vệ”
Con người ai
cũng có quyền tự vệ khi bị kẻ khác đe dọa tính mạng hoặc lợi ích chính đáng của
mình. Tự vệ, trước hết đó là quyền cơ bản của con người. Biện pháp tự vệ được sử
dụng khi phải đối mặt với tình huống sắp bị tấn công hoặc sắp bị đe dọa. Nếu
không tự vệ thì nguy cơ xảy ra thiệt hại rất nghiêm trọng.
Theo Bộ luật
Hình sự Vịêt Nam, quyền tự vệ này được quy định tại Điều 15: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ
chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của
mình hoặc của người khác, mà chống
trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói
trên. Phòng vệ chính đáng không phải là
tội phạm."
Theo điều luật
trên, chúng ta nhận thấy rằng, yếu tố quyết định tự vệ hay không nằm ở yếu tố
“chống trả lại một cách cần thiết”, tức để biện minh cho hành vi tự vệ của
mình, phải đảm bảo yếu tố: phải có niềm tin về sự cần thiết để tự vệ trong tình
huống đó (tức “có nhận thức và đánh giá tương đối khách quan về sự cần thiết
“chống trả lại”), nhận biết nó chắc chắn sẽ xảy ra nên đòi hỏi phải có sự chống
trả lại một cách cần thiết để bảo lợi ích chính đáng của mình khi không còn sự
lựa chọn nào khác.
Việc xem xét
những trường hợp phòng vệ chính đáng thường khó khăn, nên Tòa án nhân dân tối
cao đã tổng kết thực tiễn xét xử và ban hành Chỉ thị số 07 ngày 22-12-1983 để
hướng dẫn. Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là
phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây [1]:
a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần
phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang
gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi
ích cần phải bảo vệ.
c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt
bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại,
gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với
hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với
tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tuy nhiên,
theo hướng dẫn này, chỉ có 2 loại khách thể là tính mạng và sức khỏe mới là đối
tượng để người thực hiện hành vi sử dụng biện pháp tự vệ. Trong khi theo điều
15 BLHS thì lại quy định, khách thể là những quyền, lợi ích chính đáng. Đây là
một điểm không hợp lý trong chỉ thị hướng dẫn của tòa án tối cao. Vì xét về mặt
quyền con người, con người có ba quyền cơ bản nhất không thể xâm phạm: đó là quyền sống, quyền tự do và quyền tài
sản. Về mặt nguyên tắc, ba quyền này phải được bảo vệ theo luật định, và
nhà nước phải có nghĩa vụ bảo vệ các quyền này.
Do đó, khi
xem xét lý do biện minh “tự vệ” có hợp lý hay không trong quá trình thực hiện
hành vi của ông Vươn, sự hợp lý đó phải được xem xét ở các yếu tố sau:
- Có lợi ích chính đáng cần được bảo
vệ
- Có niềm tin về sự cần thiết “chống
trả lại một cách cần thiết” để tự vệ trong tình huống này
- Sự chống trả đó là một điều cần thiết
và tương xứng với hành vi xâm hại
Thứ nhất, về yếu tố lợi ích chính
đáng cần được bảo vệ
Trong trường
hợp này lợi ích chính đáng là tài sản.
Từ năm 1993, ông Vươn đã thực hiện công việc lấn biển để nuôi trồng thủy sản,
khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng.
Quá trình này một quá trình cực kì gian khổ chịu nhiều thiệt hại mất mát thậm
chí là mạng sống người thân của gia đình, đó là cái chết của con gái đầu 8 tuổi
bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm. Là cái được gây dựng
bằng mồ hôi, sự tâm huyết, lòng kiên trì, xương máu. Mất tài sản trước hết cuộc
sống sẽ lao đao, nhưng hơn cả yếu tố kinh tế, hơn cả yếu tố “chính đáng”, đó là
lợi ích một mất một còn. Yếu tố thứ nhất được thỏa mãn.
Thứ hai, về yếu tố có niềm tin về sự
cần thiết “chống trả lại một cách cần thiết“ để tự vệ
Yếu tố niềm
tin về sự cần thiết này thể hiện hai khía cạnh: có hành vi xâm hại đến lợi ích chính đáng của mình, nhận biết nó chắc
chắn sẽ xảy ra đòi hỏi cần phải có sự tự vệ để chống trả.
Trong trường
hợp này, hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của ông Vươn là việc tiến hành cưỡng
chế của chính quyền Tiên Lãng. Qua những tài liệu đã có, từ năm 2006, ông Đoàn
Văn Vươn đã nhận thức được lệnh thu hồi quyền sử dụng đất đai của ông ta là
trái pháp luật. Hành vi này đuợc Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng
Hùng Võ khẳng định: "Việc thu hồi đất ở Tiên Lãng chắc chắn là sai pháp luật”
[2]. Trong buổi họp kết luận điều tra vào ngày 10/2/2012, Thủ tướng cũng khẳng
định rằng quyết định thu hồi đất không đúng với pháp luật [3]. Việc thu hồi đất
trong trường hợp này rõ ràng là hành vi xâm hại trái pháp luật, tức có hành vi
xâm hại trái luật đến lợi ích chính đáng của mình.
Vì nhận thức
được lệnh thu hồi quyền sử dụng đất là sai, ông Vươn đã khởi kiện ra tòa án để
đòi công lý. Ở khía cạnh này cần chú ý điểm quan trọng: ông Vươn đã nhận biết
việc thu hồi quyền sử dụng đất như vậy là trái pháp luật, và đã tiến hành các
biện pháp khác trước đó để bảo vệ tài sản của mình là khởi kiện vụ việc ra tòa
án, chờ đợi quyết định giải quyết công tâm khách quan của cơ quan thứ ba là tòa
án và vẫn theo đuổi việc đi tìm công lý (vào khoảng hơn 7h sáng 5/3, buổi sáng
đụng độ đầu tiên giữa gia đình và tổ công tác số 3 – phía lực lượng cưỡng chế,
Đoàn Văn Vươn vắng mặt vì lúc đó bận lên Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng kháng
cáo [4]). Nhưng tòa án huyện Tiên Lãng
và tòa án Hải phòng đã làm nghiêng lệch cán cân công lý. Về nguyên tắc nhà
nước phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng trường
hợp này lại bất chấp luật pháp luật pháp để tiến hành cưỡng chế, ông Vươn - người
tiến hành hành vi lại nhận biết điều này, vậy khi niềm tin trông chờ cái gọi là luật pháp công lý, còn có cách nào khác
hơn là tự vệ để bảo vệ lợi ích của mình? Một lợi ích đã đổ biết tâm huyết
và xương máu.
Thứ ba, về yếu tố sự chống trả đó là
một điều cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại
Như đã phân
tích ở trên, ông Vươn có quyền bảo vệ tài sản của mình khi quyền đó bị đe dọa,
khi niềm tin (và thực tế đã xảy ra) vào luật pháp và tòa án đã lung lay, quyền
bảo vệ đó sẽ trỗi dậy càng mạnh mẽ. Trong trường hợp này, quyền về tài sản của
ông Vươn sắp bị đe dọa, mối đe dọa đó rất nghiêm trọng, không còn sự lựa chọn hợp
lý nào khác, hoặc là tự vệ hoặc là mất của cải. Chúng ta đặt giả thiết, nếu
nguy cơ xảy ra thiệt hại không quá nghiêm trọng, thì việc sử dụng vũ khí như
mìn, súng hoa cải trong trường hợp này… là hành vi không thể biện minh. Nhưng nếu
tài sản là cái gắn với sinh mạng mồ hôi sương máu, là tâm huyết, là nguồn sống
gia đình, mất tài sản trong câu chuyện ông Vươn và gia đình ông Vươn có nghĩa
là mất hết, thiệt hại đó có được xem là không nghiêm trọng?!
Về yếu tố
tương xứng, tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho
người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa
gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có tương
xứng hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan giữa
hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ. Ví dụ là các yếu tố như mức độ thiệt hại
do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra;
vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng…
Lực lượng cưỡng
chế được huy động trong vụ án này bao gồm ba lực lượng vũ trang chính quy có
trong huyện: Công an, Quân đội, và đồn biên phòng 46, lên đến 100 người; phía
gia đình ông Vươn gồm 6 người (Đoàn Văn Vươn, có các anh em của ông Vươn Đoàn
Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ, Vợ ông Vươn là Nguyễn Thị Thương, em dâu
ông Vươn là Phạm Thị Báu. Vũ khí gia đình ông Vươn dùng 2 quả mìn tự chế để
kích nổ bình ga và súng hoa cải; phía lực lượng cưỡng chế vũ, do lực lượng tham
gia là ba lực lượng vũ trang chính quy Công an, Quân đội, và đồn biên phòng,
nên vũ khí súng sẽ được trang bị, ngoài ra còn có mũ, áo chống đạn, khiên che. Rõ ràng khi xem xét mối tương quan lực lượng,
cũng như phương tiện trang bị hai bên, phía ông Vươn mất tương xứng hơn về lực
lượng cũng như trang bị vũ khí.
Về việc đánh
giá sự tương xứng trong quá trình thực hiện hành vi với các yếu tố như thời
gian, địa điểm, các tình tiết xảy ra… thì có thể chia ra thành 2 nhóm như sau.
Nhóm hành vi 1:
Gia đình ông
Vươn cho kích nổ quả mìn tự tạo vào tổ công tác 3 (đội đi đầu tiến hành cưỡng
chế đầu tiên), địa điểm đặt mìn cách hàng rào 40m. Quý chập điện cho mìn và
bình gas gây nổ nhưng không phát nổ và rơi xuống đầm nên không làm ai bị thương
[5]. (Trong khi các tổ khác của đoàn cưỡng chế và Đoàn Văn Vươn còn đang ở UBND
xã Vinh Quang cách đó gần 3 km, Đoàn Văn Vươn vắng mặt vì lúc đó bận lên Viện
Kiểm sát nhân dân Hải Phòng kháng cáo.)
Ông Vươn là
bộ đội công binh nên khi chế tạo quả mìn, sẽ nhận biết rằng với lượng thuốc nổ
của 02 quả mìn tự tạo để kích nổ bình ga, trên mỗi bình ga là 02 nửa bao đá nếu
kích nổ không thể gây ra chết người một cách chắc chắn.
Giả sử nếu
ông Vươn có chủ tâm muốn tước đi mạng sống người tham gia cưỡng chế, với kinh
nghiệm trong vai trò bộ đội công binh của mình, sức công phá của quả mình để giết
người và để ngăn cản sự cưỡng chế được chế tạo sẽ khác nhau. Nếu có mong muốn
giết người thì ông Vươn với kiến thức bộ đội công binh phải để lực lượng cưỡng
chế bước lên nơi đặt mìn mới kích nổ thì hậu quả chết người mới chắc chắn xảy
ra. Và do không có chủ tâm giết người nên khi lực lượng cưỡng đến sát hàng đã
kích nổ mìn chỉ để gây sát thương, đe dọa lực lượng cưỡng chế. Nếu không chủ
tâm nhằm tước đi mạng sống của người khác khi thực hiện hành vi thì không đủ yếu
tố cấu thành bắt buộc trong tội giết người.
Nhóm hành vi 2:
Lực lượng cưỡng
chế tiến sát hàng rào thứ hai cách nhà ông Quý 18m thì anh em nhà ông Vươn ở
trong nhà dùng súng đạn hoa cải bắn ra. Trong lúc này, lực lượng cưỡng chế có
trang bị mũ, áo chống đạn, khiên che nên không thể gây ra hậu quả giết người,
hành vi này chỉ nhằm đe dọa hoặc gây sát thương để tìm đường chạy trốn nên
không thể coi là hành vi của tội giết người. Trong khoa học hình sự, nếu người
thực hiện hành vi có lý do chính đáng, không chủ tâm nhằm tước đi mạng sống người
khác thì không bị coi là phạm tội giết người.
Đối với lý
do “tự vệ” lấy làm biện minh, thì yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là niềm
tin về sự cần thiết phải tự vệ đó có hợp lý và có khách quan trong toàn bộ vụ
việc hay không. Vì nếu niềm tin đó mang tính chủ quan, thì lý lẽ “tự vệ” sẽ được
dùng để biện hộ cho hành vi của mình vì nóng nảy hoặc liều lĩnh. Và theo như
phân tích các yếu tố trên đây, khi xem xét các yếu tố khách quan, các tình tiết
vụ án, tôi nhận định là lý do “tự vệ” để biện minh trong vụ án liên quan đến
ông Vươn và gia đình là hợp lý. Đó là kết quả của quá trình tìm kiếm đấu tranh
cho quyền lợi của mình – khi luật pháp
công lý bị bẻ cong không đứng về phía người dân, khi việc thực thi quyền lực
nhà nước là một sự áp bức lạm quyền, tự vệ trước hết là một quyền, và còn là biện
pháp duy nhất để bảo vệ lợi ích của mình.
Và có một
câu châm ngôn cổ rất hay nói rằng: một hành vi không làm cho một người có tội
trừ phi tâm của họ có tội.
29/3/2013
Nguyễn Thị
Ánh Hiền
Sinh viên Luật,
Đại học Luật HCM
Chú thích:
[1] Chỉ thị
07/TANDTC
[2] Vụ cưỡng
chế: Đã sai luật còn bao biện
[3] Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ
việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng
[4] Diễn biến vụ
án
[5] Cáo
Trạng:
[6] Xem thêm
toàn cảnh vụ án cưỡng chế ở Tiên Lãng
0 comments:
Đăng nhận xét