Lê Xuân Khoa
Tôi không quen ông Nguyễn Ðình Lộc nhưng được biết về ông
qua một số phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông trong mấy năm gần đây, đặc biệt
là cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn về "Dân chủ và Pháp quyền” trên Tuần
Việt Nam, ngày 25 Tháng Tám 2010.
Là một người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đến những vấn đề
của đất nước, tôi đánh giá ông là một trí thức tiến bộ, thẳng thắn và can đảm
trong một chế độ độc tài toàn trị, mặc dù tôi có khác ý kiến với ông về một số
điểm. Tôi tôn trọng ông hơn khi thấy ông đứng tên trong số 72 nhân sĩ, trí thức
khởi xướng bản kiến nghị về sửa đổi Hiến Pháp 1992 (KN72) và cầm đầu phái đoàn
15 người đến trao bản kiến nghị cho Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội ngày 4 Tháng
Hai 2013.
Bởi thế, tôi rất ngạc nhiên và thất vọng khi xem và nghe ông
trả lời trên đài VTV về vai trò của ông Lộc trong nhóm khởi xướng KN72. Tuy
nhiên, tôi cũng cảm thấy có điều gì khác thường cần tìm hiểu thêm, nhất là chờ
phản ứng từ những bạn đồng chí của ông trong nhóm KN72. Sau khi đã đọc và suy
nghĩ về những ý kiến và giải thích của những người mà tôi quen biết và quý mến,
tôi muốn góp thêm một số nhận xét như sau:
1. Sự kiện quan trọng và minh bạch nhất là ông Lộc đã ký vào
bản KN72 và ông không hề phủ nhận điều ấy. Ông Lộc đã cho thấy là một nguyên bộ
trưởng Bộ Tư Pháp với kinh nghiệm già dặn như ông chỉ có thể đặt bút ký trên một
văn kiện quan trọng sau khi đã đọc kỹ với đầu óc sáng suốt và tinh thần trách
nhiệm. Chắc chắn ông Lộc cũng có cùng một suy nghĩ như GS Tương Lai: “Với tư
cách là trí thức, mình đã đặt bút ký thì chữ ký đó nặng ngàn cân, vì nó là danh
dự và trách nhiệm của người trí thức.”
2. Ông Lộc đính chính ông không phải là người tham gia “việc
viết cái văn bản,” nhưng việc đính chính này không liên quan đến việc ông ký
tên vì ai cũng hiểu rằng không phải người nào ký tên cũng là người tham gia viết
văn bản. Các bạn ông đều nói ông đã phải chịu nhiều sức ép rất mạnh. Ðó là lý
do khiến ông phải đính chính, nhưng ông đã chỉ nói ra một sự thật khách quan vô
hại. Như vậy ông đã chọn được một cách đính chính khôn ngoan: đính chính một việc
không cần phải đính chính. Như ta thường nói: “Bị ép thì làm cho có, cho yên
chuyện.”
3. Ông Lộc giải thích lý do ông làm trưởng đoàn là vì ông là
nguyên bộ trưởng Bộ Tư Pháp nên được các bạn “tín nhiệm giao” cho ông trao bản
kiến nghị. Ông cũng nói là việc làm trưởng đoàn “cũng có lúc định là người
khác” nhưng đến hôm cuối cùng thì mọi người gặp nhau “bảo là bác Lộc phải trao,
thì tôi trao.” Ông Lộc cũng nói là vào lúc chót, ông “muốn sửa đổi một số chỗ”
(trên bản văn mà ông đã ký) nhưng tất nhiên là không được vì bản văn đã được
công bố rồi.
Ông Lộc cho thấy ông chỉ muốn nói cho rõ việc ông làm trưởng
đoàn không phải do ông tự ý tình nguyện mà do lời yêu cầu của các bạn trong buổi
họp mặt trước khi cùng nhau đến Quốc Hội để trao bản kiến nghị. Ông Lộc đã dùng
lời lẽ có vẻ như đính chính nhưng thật ra thì ông xác nhận việc ông được bạn bè
tín nhiệm là chính đáng nên ông đã nhận lời. Một lần nữa, trong tình thế bị áp
lực, ông Lộc lại tìm được cách đính chính mà không phải là đính chính. Còn việc
ông Lộc nói ông muốn sửa đổi mấy chỗ thì ông cũng chỉ nói lên một điều mà ông
biết là không thể làm được vào lúc đó. Dù sao, nếu có những chỗ muốn sửa thì chỉ
là về hình thức, chứ không phải về nội dung mà ông đã đồng ý khi ký tên cũng
như khi đi cùng với đoàn và nhận làm trưởng đoàn.
Về điểm này, tôi thấy cần nhấn mạnh rằng ông Nguyễn Ðình Lộc
đã đặt vấn đề sửa đổi Hiến Pháp từ lâu rồi. Trong cuộc thảo luận bàn tròn trực
tuyến của Tuần Việt Nam năm 2010, ông Lộc đã châm biếm tình trạng vẫn y nguyên
(dân gian thường nói lái là “nguyễn y vân”) của những sửa đổi Hiến Pháp trước
đó. Ông nói: “Chẳng hạn, năm 2001 lúc sửa Hiến Pháp, đưa được vào Hiến Pháp điều
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân thì rất mừng, sướng
quá, xem đó như một thắng lợi. Nhưng 10 năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy giật
mình hỏi: chỉ đưa vào từng đó là đủ, là hết à? Rõ ràng là không phải, vì cả 5
chương về bộ máy nhà nước chúng ta vẫn quy định theo cách cũ... Có khác gì
chúng ta hô hào phải mạnh mẽ đi lên, đã nhấc một chân lên, nhưng chỉ nhấc lên
mà không hạ xuống. Có khác gì dùng một cái bánh rất ngon nhử nhử ‘bánh này ngon
lắm các bạn ơi’ nhưng chỉ nhử mà không cho ăn gì cả.”
Thật đúng là một trò lừa dối nhân dân, coi nhân dân là con
nít. Bởi thế, ông Lộc đã khẳng định: “Nếu sửa Hiến Pháp bây giờ cần phải sửa rất
cơ bản.”
Tôi cũng trích dẫn vài đoạn khác để cho thấy ông Lộc không
phải là người bị lôi cuốn bởi bạn bè. Về dân chủ, ông bác bỏ luận điệu cho rằng
trình độ dân trí Việt Nam còn thấp, chưa thể thực hiện dân chủ được: “Nói như
thế là nguy hiểm chứ không phải là nói sai. Ðó là một cách nói để chúng ta hạn
chế quyền dân chủ của người dân.” Và ông cảnh cáo: “Phải luôn luôn nhớ rằng
sinh ra bộ máy nhà nước là để quản lý, giữ gìn trật tự trị an, nhưng chúng ta
làm không tốt nên người dân có phản ứng bằng nhiều hình thức. Có thể người ta mạnh
mẽ phản kháng, nhưng điều đáng sợ hơn là nguy cơ người dân quay lưng lại với chế
độ. Mà một khi người dân đã quay lưng lại thì không gì có thể cứu vãn được.”
Bây giờ, trở lại chuyện sức ép. Vấn đề đặt ra là có hay
không việc ông Nguyễn Ðình Lộc bị sức ép mạnh đến độ ông phải nhận trả lời câu
hỏi của đài truyền hình nhà nước, và nếu có thì sức ép đó như thế nào? Về điểm
thứ hai trong câu hỏi thì không ai có thể trả lời ngoài ông Lộc và cũng không
ai có quyền đòi hỏi ông Lộc phải tố cáo các sức ép. Nhưng chuyện có sức ép hay
không thì người ngây thơ đến đâu cũng biết là ông Lộc không thể nào tự ý muốn
lên đài truyền hình nhà nước để trả lời một câu hỏi được “hướng dẫn” vào việc tấn
công nhóm Kiến Nghị 72. Câu hỏi của VTV có hai vế rất rõ: vế đầu khẳng định một
chuyện tưởng tượng là “đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ” bản dự thảo của
chính quyền về việc sửa đổi Hiến Pháp 1992; vế thứ hai yêu cầu ông Lộc trả lời
về việc “một số người tự ý xây dựng một bản dự thảo Hiến Pháp và một bản kiến
nghị gửi Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992.”
Việc bịa đặt và thổi phồng thành tích tốt đẹp của đảng vốn
là nghiệp vụ thường ngày của các cán bộ tuyên truyền trong bộ máy nhà nước. Việc
gợi ý cho người được phỏng vấn ca ngợi hay đả kích một đối tượng trong cuộc phỏng
vấn lại là một xảo thuật để lấy được những câu trả lời mà đảng và nhà nước mong
muốn. Tùy trường hợp, việc hướng dẫn trả lời có hàm ý khuyến khích hay đe dọa.
Trong trường hợp ông Lộc, phóng viên cán bộ VTV vừa áp đặt một kết quả giả tạo
để làm phông cho cái-được-gọi-là phỏng vấn, vừa hàm ý “nhắc nhở” ông Lộc về kết
quả mong đợi. Không may cho VTV, ông Lộc đã biết cách thoát hiểm dù có bị sây
sát đôi chút.
Phản ứng đầu tiên của những người theo dõi những câu trả lời
của ông Nguyễn Ðình Lộc, nói chung, là thất vọng (trong đó có tôi). Nhiều người,
kể cả một số bạn của ông, đã phê phán ông ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng nghĩ
lại, đa số đều hiểu cách trả lời của ông vẫn bảo vệ được toàn vẹn giá trị của bản
Kiến Nghị 72 và chỗ đứng của ông trong hàng ngũ trí thức tiến bộ. Tất cả đều thấy
rõ ông đã bị sức ép rất mạnh không chỉ với cá nhân ông mà còn với cả gia đình
ông, nhất là các con ông đã được chính quyền “hỏi thăm” và rất lo lắng. Quan trọng
hơn hết là tất cả mọi người đều biết rằng chính quyền độc tài, qua đủ thứ tay
sai, không từ bỏ một thủ đoạn bẩn thỉu hay độc ác nào để hăm dọa và ép buộc một
đối tượng làm theo ý muốn của họ.
Bởi vậy, thay vì chỉ trích một nạn nhân bị hăm dọa, nhất là
khi nạn nhân ấy đang phấn đấu để bảo vệ danh dự và trách nhiệm, trí thức và
nhân dân hãy liên kết để bảo vệ những nạn nhân bị hăm dọa và đàn áp, và chĩa mọi
mũi dùi tấn công vào bọn gian manh đang thi hành những tội ác tày trời. Bằng sự
tố cáo trước dư luận trong nước và thế giới những thủ đoạn hăm dọa bẩn thỉu, những
hành động đàn áp dã man người vô tội, những trò hỏa mù về ngoại giao để lừa dối
quốc tế, ta sẽ vô hiệu hóa được mọi luận điệu tuyên truyền và bạo lực nhằm duy
trì quyền lực và lợi ích riêng của những kẻ cầm quyền độc tài và tham nhũng.
Khi đã bị đông đảo nhân dân lột mặt nạ, phơi bày tội ác trước
dư luận thế giới, chế độ sẽ thấy rõ “nguy cơ người dân quay lưng lại với chế độ.”
Khi đó, đông đảo nhân dân sẽ hết sợ và từ hết sợ đến nỗi giận rồi nổi loạn,
quãng đường sẽ rất ngắn, ngắn lắm.
Ngày 27 Tháng Ba 2013, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đến
nói chuyện tại Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam. Mặc dù vẫn có lối
nói lòng vòng thiếu sáng sủa nhưng không bao giờ quên vai trò của đảng, ông Trọng
cũng đã làm nổi bật được một điểm then chốt khi nói về công tác chính trị trong
quân đội: “Ðây là nền tảng, là yếu tố cơ bản, nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ
trang nói chung, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,
tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, là người bạn tin cậy, thân thiết
của toàn dân.”
Phải chăng đây là một sự thức tỉnh kịp thời của ban lãnh đạo
đảng và nhà nước hay vẫn chỉ là một xảo thuật để trấn an, mua thời gian để tiếp
tục đối phó. Nhưng người dân cũng đã hết bị lừa. Cuộc chiến tranh lạnh giữa nhà
cầm quyền với trí thức và nhân dân đã tới hồi kết thúc. Có thể nào “người bạn
tin cậy, thân thiết của toàn dân” lại phản bội sự “tuyệt đối trung thành với Tổ
quốc, với nhân dân”?
DienDanCTM
nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
0 comments:
Đăng nhận xét