Nguyệt Quỳnh
DienDanCTM
"BéTi" Nguyễn Đặng Minh Mẫn cùng các thanh niên yêu nước khác trước tòa án chế độ ở Nghệ An |
Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
(Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng - Phạm Thiên Thư)
Phạm Thiên Thư chỉ phác hoạ đôi nét về mái tóc người thiếu nữ
vừa rời đi trong một buổi chiều nhạt nắng. Tuy nhiên, người đọc lại tìm thấy cả
trời lưu luyến trong cái bóng hoàng hôn người con gái vừa để lại sau lưng. Cái
thế giới có hoa vàng, hương tóc, tà áo, khăn lụa của Phạm Thiên Thư dường như
đã làm rung động cả nhân loại chứ không chỉ riêng mình ông. Và cái bóng dáng của
người phụ nữ với khăn xanh, vòng ngọc sẽ mãi mãi là đề tài muôn thuở của hội hoạ,
của thi ca… tuy nhiên, sự mạnh mẽ phía sau những chiếc khăn lụa đó có lúc đã
làm kinh ngạc cả thế giới!
Eleanor Roosevelt viết rằng: “Một người phụ nữ cũng giống
như một túi trà - bạn không thể nói cô ta mạnh mẽ thế nào cho tới khi đặt cô ta
vào nước nóng”. Eleanor Roosevelt là một phụ nữ như vậy. Bà là phu nhân của Tổng
thống Franklin D. Roosevelt, nhưng Tổng thống Harry S. Truman gọi bà là Đệ nhất
Phu nhân của thế giới. Người đàn bà này đã dành gần trọn cuộc đời để đi khắp
nơi vận động cho quyền con người. Bà là một trong những người đã góp phần soạn
thảo nên bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Khi mất đi, bà
được công chúng ngưỡng mộ đến nỗi một hoạ sĩ đã vẽ bức tranh tưởng niệm bà: chỉ
với hình ảnh hai thiên sứ nhìn xuống một khoảng trống giữa các đám mây, với
hàng chữ "Bà ấy đang ở đây", và không cần bất cứ một lời chú thích
nào cả.
Tôi vẫn thích dành câu nói của nhà văn Washintong Irving để
nói về người phụ nữ “Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những
yêu thương”. Nếu bạn đọc nhật ký của cô thiếu nữ Malala bạn sẽ thấy rất rõ điều
này. Những trang nhật ký của Malala đã khiến cho cả thế giới bên ngoài kinh
hoàng về tội ác diệt chủng của quân Taliban. Bằng tiếng Urdu, trên trang mạng của
đài BBC, Malala kể về cái lệnh cấm nữ sinh đi học của Taliban đã ảnh hưởng đến
em và bạn học như thế nào. Cô viết: “Tôi thấy nhói đau khi mở tủ quần áo và thấy
bộ đồng phục, túi sách vở và hộp dụng cụ học sinh của mình. Ngày mai, trường
nam sẽ mở cửa lại, nhưng con gái chúng tôi thì bị Taliban cấm học hành…”.
Malala đã gọi quân Taliban là “lũ man rợ”
Lũ man rợ Taliban đã đọc lệnh hành quyết em ngay trên chuyến
xe bus chở học sinh. Một nhóm đàn ông râu ria xồm xoàm mang mặt nạ đã chỉa súng
thẳng vào đầu, vào ngực em và bóp cò. Trong khi Malala còn đang nằm hôn mê tại
một bịnh viện ở Anh Quốc thì những trang nhật ký đầy yêu thương của cô nữ sinh
14 tuổi này đã đánh thức cả đất nước Pakistan về sự can trường của cô. Ký giả
truyền hình nổi tiếng Nusrat Javed tuyên bố “Malala đã giải phóng đất nước Pakistan”.
Còn Tướng Ashfaq Kayani, Tư lệnh Quân đội, sau khi đến bệnh viện thăm Malala,
đã nói, “Chúng tôi khước từ việc quỳ gối trước nạn khủng bố. Chúng tôi sẽ chiến
đấu, bất kể giá nào. Chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Những câu chuyện về Malala, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ thị Minh Hạnh
và gần đây nhất Nguyễn Đặng Minh Mẫn là những bài học về yêu thương. Tuy nhiên,
đàng sau cái tấm mạng mỹ miều che mặt người thiếu nữ Pakistan này, đàng sau cái
dáng dấp nhỏ nhắn của những người phụ nữ Việt Nam tôi vừa kể tên, họ là những
quặng thép.
Ts Nguyễn Quốc Quân gọi người bạn tù Nguyễn Đặng Minh Mẫn của
anh là “một người khổng lồ”. Chị là người lãnh án đến tám năm tù, bản án nặng
thứ hai sau các án tù mười ba năm dành cho các anh Paulus Lê Văn Sơn, Hồ Đức
Hòa, Đăng Xuân Diệu. Cô Minh Mẫn là người con gái trong một gia đình gồm bốn
người và bị bắt giam hết cả ba: mẹ chị bà Đặng thị Ngọc Minh, anh trai Nguyễn Đặng
Vĩnh Phúc và bản thân chị. Sự can trường của chị đã làm cho những người bạn suốt
hai dãy tù và ngay cả các quản giáo của trại giam B34 đều phải nể phục. Lời chị
nhắn gởi ra cho bạn hữu bên ngoài trước phiên toà ở Nghệ An cho thấy bạo lực đừng
hòng khuất phục được người con gái ấy. Chị bảo: “Chú Quân nhắn dùm bạn hữu của
bé Ti rằng, dẫu có thế nào bé Ti sẽ vẫn trước sau như một”. Tôi đã thật xúc động
khi nghĩ đến tám năm thanh xuân của người con gái ấy. Và chợt liên tưởng đến nỗi
bâng khuâng của những người bạn tù, kể cả anh Nguyễn Quốc Quân; anh tâm sự đã
buồn thật nhiều khi cô gái mang cái tên ở nhà “bé Ti” bị chuyển dời đi nơi
khác.
Trong suốt mười năm qua, một trong những hiện tượng nổi trội
nhất trong công cuộc đấu tranh đòi quyền con người tại Việt Nam là những khuôn
mặt của các phụ nữ. Họ góp mặt chung thuỷ và kiên cường một cách lạ lùng! Tôi
nghĩ đến hình ảnh của một con gà mẹ xù lông cánh bảo vệ đàn gà con trước móng
vuốt của đại bàng.
Chính cái thiên chức và bản năng của người mẹ đã khiến cho
những phụ nữ như Trần thị Thúy, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Đặng
Minh Mẫn … đứng lên bênh vực những ngư dân bị bức hại, những dân oan, những
công nhân thấp cổ bé miệng và tất cả những kẻ yếu đuối, cô thế.
Họ chính là hình ảnh tuyệt vời của người Mẹ. Trong gia đình
nếu người cha là trụ cột, thì phía sau ông, mẹ là người sắp xếp, tất bật, chịu
đựng, thương khó chu toàn mọi việc. Tuy nhiên, khi gia đình gặp nguy nan, mẹ
cũng chính là người sẽ xông ra trước những hiểm nguy, giông tố, mưa bão của cuộc
đời để bảo vệ cái tổ ấm của mình.
Những phụ nữ ở Ai Cập, ở Lybia cũng thế; chính các bà mẹ là
người đổi thay mọi lề lối suy nghĩ trong gia đình. Họ là người biết rất rõ cái
tâm trạng bị xem thường, bị đàn áp, bị bạo hành. Chính họ đã chuyển đổi thái độ
từ chịu đựng sang đấu tranh đòi quyền sống, và cũng chính họ là người đã đứng dậy
để bênh vực và bảo vệ cho những kẻ bị trấn áp. Đây là một hiện tượng đã xảy ra
tại hầu hết các cuộc cách mạng bất bạo động. Tại những nơi này, phụ nữ là một
trong những lực lượng tràn ra đường phố đầu tiên. Và sau ngày đổi đời, cũng
chính những hội đoàn phụ nữ này - từ các sơ công giáo, các ni cô phật giáo, đến
các nhóm thiện nguyện, là lực lượng băng bó lại xã hội hữu hiệu nhất.
Trong những ngày sôi động của “mùa xuân Ả Rập”, truyền thông
báo chí ngoại quốc ghi lại được những khuôn mặt quyết tâm và những khẳng định sẵn
sàng đối mặt với bất cứ thách thức nào để chuyển đổi đất nước từ độc tài sang
dân chủ. Cô Asmaa Mahfouz thuộc phong trào trẻ 6 tháng 4 được coi là một trong
những người khởi động các cuộc nổi dậy ở Cairo. Trước cuộc biểu tình ngày 25
tháng giêng năm 2011, một Mahfouz trẻ trung, đầy nhiệt huyết đã đưa lên mạng một
video của cô với lời kêu gọi:
Huỳnh thục Vy, Bùi Minh Hằng, Nguyễn Hoàng Vy… đã bị xô đẩy,
đánh đập trong các cuộc biểu tình. Trần thị Thuý đã bị đày ải, Đỗ thị Minh Hạnh
đã bị tra tấn đến điếc một bên tai, nhưng những đánh đập bạo hành đó đã trở
thành chuyện nhỏ trước tấm lòng thương người của các chị, trước nỗi đau quá lớn
của cả xã hội, và trước sức mạnh tiềm tàng của cả dòng thác "con cháu Hai
Bà". Kẻ cầm quyền đã quên mất rằng cả cái pháp trường triều Nguyễn đã từng
phải rúng động và cúi đầu trước một Bùi thị Xuân. Sức mạnh này là có thật và
đang đồng hành với những đổi thay từng ngày của đất nước. Đàng sau bước chân những
người phụ nữ này là những giá trị của cuộc sống, là sự tự do và nhân phẩm của
con người, là nền tảng tương lai tươi đẹp của tổ quốc.
Sáng nay tôi vừa nhìn thấy hình ảnh của Nguyễn Ngọc Diễm Phượng
với hai tay giơ lên bầu trời xanh và nụ cười biểu thị sự tự do khi chị vừa ký
đơn tình nguyện rời khỏi đảng Cộng Sản. Bức hình của chị là lời kêu gọi trẻ
trung của một Asmaa Mahfouz Việt Nam nhân ngày quốc tế phụ nữ. Tôi bỗng dưng
không chỉ nhìn thấy Diễm Phượng, tôi nhìn thấy Đỗ thị Minh Hạnh tươi đẹp bên
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng người yêu của chị. Tôi nhìn thấy Nguyễn Đặng Minh Mẫn,
Trần thị Thuý trở về cùng với cái thế giới của hoa vàng của khăn xanh vòng ngọc
và dịu dàng trong những câu thơ của Văn Công Hùng:
Có một mái nhà, có một tình yêu
ta thành kẻ giàu sang và phú quý
em như hòn đảo chìm chứa đầy châu báu
ta để dành dự trữ lúc nguy nan
(Vợ - Văn Công Hùng)
0 comments:
Đăng nhận xét