Trọng Thành - RFI
Nhà báo Thanh Thảo : Phải nói đây chắc chắn là tàu quân sự, có thể núp dưới hình thức dân sự, vì nó có vũ trang. Tàu này đã cố tình đâm vào tàu cá của Quảng Ngãi. Phải nói là những người đánh cá của Quảng Ngãi họ cực giỏi, cộng với tàu của họ công suất tương đối lớn, thành ra họ mới chạy thoát được, chứ không thì chắc chắn bị chìm ngay. Tàu Trung Quốc cố tình đâm nhiều lần, đâm rất ác. Cái đó là một điểm son của ngư dân Quảng Ngãi, rất kiên cường, rất dũng cảm, nhưng mà đồng thời cũng thấy sự độc ác và mức độ tràn lấn của phía Trung Quốc là càng ngày càng tăng lên.
Đây là một dấu mốc rất quan trọng, bởi vì theo chuyện nó bắn cháy cabin cá của Quảng Ngãi cách đây khoảng hai tháng, thì lần này, nó chủ động rất nhiều lần đâm vào, thì có thể nói là trên cả khiêu khích rồi. Đây là sự đàn áp trắng trợn, ngang nhiên và nó gần như bất chấp tất cả.
Cái này thì Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã phản đối, nhưng mà lần nào Bộ Ngoại giao Việt Nam sau những sự kiện như vậy cũng lên tiếng phản đối. Tất nhiên là phải phản đối, nhưng mức độ phản đối theo tôi là hoàn toàn chưa đủ, chưa đủ độ nặng mà khiến cho Trung Quốc cũng phải … lại.
Chắc chắn sắp tới sẽ còn những vụ tiếp tục nữa. Có lẽ cường độ cũng ngày càng tăng lên chứ không giảm.
RFI : Thưa ông, vậy phản ứng như thế nào từ phía Việt Nam thì gọi là tương thích ?
Nhà báo Thanh Thảo : Về văn bản, phản đối mức độ mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn, còn về mặt thực tế, có lẽ phía Việt Nam cũng phải có những đối sách gì đó cụ thể hơn đi, chứ đừng nói chung chung. « Ngư dân cứ ra khơi đánh ca đi !», « Chủ quyền của ta (nên cứ) đi !», nếu nói như thế thì dễ quá, ai cũng nói được cả. Nhưng mà vấn đề là ai bảo vệ ngư dân đây ? Trong trường hợp thế, rất khó để mà nói là chính quyền làm thế nào để bảo vệ được ngư dân của mình. Bởi vì thực ra chính quyền cũng không có bất cứ một đối sách nào để ngăn cản phía Trung Quốc hành hung ngư dân của mình được. Theo tôi nghĩ, chắc chính quyền cũng bó tay, và chỉ kêu gọi chung chung như thế. Cái điều đó khiến cho Trung Quốc càng lừng mặt, càng lên mặt, càng có hành động bổ báng, trâu bò hơn nữa. Điều đó rất khó cho ngư dân Việt Nam khi đi đánh cá trong những ngư trường quen thuộc của mình, nhất là ngư trường Hoàng Sa.
Cho đến bây giờ ngư dân Quảng Ngãi vẫn rất kiên trì bám biển ở những ngư trường đặc biệt nhạy cảm như Hoàng Sa. Ngư dân Quảng Ngãi như những người đương đầu với những hung bạo của phía Trung Quốc, và phải chịu những thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.
Tại sao họ vẫn bám biển ở Hoàng Sa ? Vì thứ nhất, đó là vùng biển người ta khai thác hải sản tốt, cái thứ hai là trong khi bám biển như thế, ngư dân Quảng Ngãi chứng tỏ đó là vùng biển truyền thống của mình. Họ tới liên tục như thế, bất chấp nguy hiểm là bởi vì đó là vùng biển của họ, của đất nước Việt Nam. Điều đó là một điểm mà lẽ ra Nhà nước phải có một chế độ hỗ trợ nào đó. Có nhiều cách để hỗ trợ, có thể không trực tiếp, tức là đưa hải quân hay tàu cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân trong khi đánh cá, thì phải có những hỗ trợ từ phía sau nào đó nó hữu ích, hữu dụng, thực tế, chứ không phải chỉ là những hô hào chung chung. Để mà ngư dân người ta có thể thấy là yên lòng hơn, khi mà có Nhà nước đứng đằng sau mình.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy Nhà nước Việt Nam đưa (vấn đề này) ra các cơ quan tài phán quốc tế, hay hội đồng trọng tài quốc tế gì cả. Điều đó chứng tỏ hoạt động ngoại giao của Việt Nam vẫn chưa tương thích, trong khi phía Trung Quốc thì cứ lấn tới. »
Ngày 31/05 tới tại Singapore sẽ diễn ra cuộc Đối thoại Shangri-La (lần thứ 12), một diễn đàn về an ninh quan trọng bậc nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. An ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề lớn của hội nghị.
0 comments:
Đăng nhận xét